Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

3042 - Vòng quanh thế giới ngày 1/3/2018

Tư Thẳng tổng hợp

1. Tin Việt Nam: Tranh cãi người Hà Nội đại diện lễ hội áo dài Sài Gòn

linh
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh được chọn làm đại sứ lễ hội áo dài ở Sài Gòn

Một tờ báo ở Việt Nam gây tranh cãi đặt vấn đề về việc lễ hội áo dài diễn ra ở Sài Gòn nhưng đại sứ là người Hà Nội.
Tờ Tuổi Trẻ hôm 1/3 đã phải sửa tựa một bài báo của họ từ "Tại sao lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh lại chọn thiếu nữ Hà Nội đại diện?" thành "Lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh chọn Đỗ Mỹ Linh là đại diện." Bài báo nêu ý kiến: "Là một người sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh, tôi có hơi chạnh lòng khi thấy người đại diện cho một lễ hội của thành phố không phải là một cô gái của thành phố mình. Đây đã là lần thứ hai liên tiếp Đỗ Mỹ Linh được chọn làm hình ảnh đại diện của Lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh."


2. Tin Nga: Putin công bố vũ khí hạt nhân 'bất khả chiến bại'

Nga vừa phát triển được một loạt vũ khí hạt nhân mới bất khả chiến bại, theo lời Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Putin có tuyên bố này trong lúc ông trình bày những chính sách chủ chốt trong nhiệm kỳ thứ tư của mình, trước kỳ bầu cử sẽ diễn ra ngày 18/3. Ông được trông đợi sẽ giành chiến thắng. Những vũ khí ông 'khoe' lần này gồm một loại tên lửa hành trình mà theo ông là có thể "vươn tới bất kỳ nơi nào trên thế giới". Ông nói về phương Tây: "Họ cần phải tính đến một thực tế mời và hiểu...[đây]...không phải là khoác lác."


3. Tin Hoa Kỳ: Người Việt không giấy tờ kiện chính quyền Mỹ vì bị giam chờ trục xuất


Huy hiệu của lực lượng Kiểm soát Di trú và Hải quan Mỹ (ICE). Ảnh chụp 11/05/2017 tại Santa Ana, California. LUCY NICHOLSON /REUTERS

Nhiều người nhập cư Việt Nam đã đệ đơn kiện chính quyền Mỹ vì đã tập trung và giữ họ trong những khu tạm giam để chờ trục xuất ngay cả khi chính phủ Việt Nam không đồng ý nhận lại họ.
Giải thích với hãng tin AP ngày 28/02/2018, các luật sư của những người nhập cư Việt Nam cho biết Hà Nội chỉ đồng ý nhận lại những người bị trục xuất với điều kiện họ đến Mỹ sau năm 1995, khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, vẫn theo các luật sư trên, chính quyền Trump đã bắt đầu giam giữ cả những người bị trục xuất, đến Mỹ trước ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao để gây áp lực buộc Việt Nam mở rộng phạm vi thỏa thuận hồi hương.


4. Tin Úc: Người Úc giao nộp 57.000 khẩu súng trong đợt ân xá

Người dân Úc giao nộp hơn 57.000 khẩu súng cho nhà chức trách trong đợt ân xá súng quốc gia hồi năm ngoái.
Sự kiện kéo dài ba tháng này là động thái đầu tiên mang tính bước ngoặt của chính phủ Úc sau vụ nổ súng thảm sát hàng loạt năm 1996 khiến 35 người thiệt mạng. Đợt ân xá nhằm kéo giảm lượng vũ khí bất hợp pháp bằng cách cho phép người dân giao nộp súng mà không sợ mình bị truy tố. Bộ trưởng Thực thi pháp luật và an ninh mạng Angus Taylor cho biết: "Việc đưa những khẩu súng không đăng ký ra khỏi các khu phố nghĩa là chúng sẽ không rơi vào tay các băng nhóm tội phạm có thể dùng súng đe dọa mạng sống của người dân vô tội."


5. Tin Hoa Kỳ: Thêm một phụ tá của Trump từ chức


                                          Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Hope Hicks.

Bà Hope Hicks, một trong những phụ tá lâu năm nhất của Tổng thống Donald Trump, từ chức Giám đốc Truyền thông Tòa Bạch Ốc, theo loan báo của phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders ngày 28/2.
Vẫn theo người phát ngôn, chưa rõ thời điểm nào bà Hicks sẽ chính thức rời Tòa Bạch Ốc. Phát ngôn nhân Sanders nói quyết định từ chức của bà Hicks không liên quan tới buổi điều trần của bà trước một ủy ban quốc hội hôm 27/2 liên quan tới cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.


6. Tin Việt Nam: Các nhà hoạt động ở HN bị an ninh tăng canh giữ, cấm đi lại


Một nhóm nhân viên an ninh theo dõi nơi ở của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, 27/2/2018

Hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội nhận thấy chính quyền tăng cường canh giữ, theo dõi họ, thậm chí cấm đi lại đối với một số người hôm 27/2. Anh Trịnh Bá Phương nói diễn biến này có thể là do chính quyền “lo lắng” về một cuộc gặp mặt đầu xuân của giới đấu tranh.
Trên các trang Facebook cá nhân của mình, các nhà hoạt động trong đó có Huỳnh Ngọc Chênh, Trịnh Bá Phương, Trịnh Kim Tiến và Lê Văn Sơn, chia sẻ thông tin rằng các nhân viên an ninh “canh cửa gắt gao” ở nhiều địa điểm.


7. Tin Việt Nam: Đình chỉ hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm

Hai nhà máy thép ở miền trung Việt Nam đã được lệnh ngưng sản xuất, theo một thông báo chính thức hôm nay 01/03/2018, sau khi người dân phản đối việc các nhà máy này gây ô nhiễm không khí và nước.
Chính quyền Đà Nẵng loan báo hai nhà máy Dana Ý và Dana Úc « được yêu cầu ngưng các hoạt động gây ô nhiễm môi trường », tuy nhiên không cho biết bao giờ được sản xuất lại. Thông báo cũng nói rằng chính quyền đồng ý « hoàn thiện giải pháp tái định cư », nhưng cảnh báo người dân không được vi phạm luật pháp hoặc làm ảnh hưởng đến « an ninh và trật tự xã hội ».


8. Tin Trung Cộng: Trùm dầu mỏ Trung Quốc bị bắt giữ để điều tra

Nhân vật được mệnh danh là ‘trùm dầu mỏ’ của Trung Quốc bị cơ quan chức năng nước này bắt giữ để điều tra.
Tạp chí chuyên về tài chính của Trung Quốc là Tài Kinh, trích dẫn những nguồn tin ẩn danh nói rằng ông Hiệp Giản Minh, năm nay 43 tuổi, chủ của tập đoàn dầu mỏ Năng lượng Trung Quốc (viết tắt là CEFC), đã bị giam giữ để điều tra về mối quan hệ giữa ông ta với một cựu lãnh đạo cấp tỉnh, đảng viên cộng sản Trung Quốc, về tội lạm dụng quyền lực để trục lợi. Tạp chí Tài Kinh nói rằng ông Hiệp Giản Minh đã cố vấn cho vị cựu lãnh đạo này trong việc trục lợi của ông ta, còn vị lãnh đạo thì giúp ông công ty của ông Hiệp huy động vốn. Tên tuổi của vị lãnh đạo không được tiết lộ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét