Cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm
Chính quyền Việt Nam lần đầu tiên mở trưng bày sử liệu về biến
cố cuộc đời ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, tại
khuôn viên dinh Thống Nhất vào ngày 9/3.
Dù cuộc triển lãm có nhan đề là “Từ dinh Norodom đến dinh Độc
Lập 1868-1966,” ban tổ chức đã dành riêng một gian riêng ở tầng hai ở một tòa
nhà trong khuôn viên dinh Thống Nhất, dùng để giới thiệu diễn biến của cuộc đời
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, từ ngày ông làm quan nhà Nguyễn thời
vua Bảo Đại rồi trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.
Nhận định về sự kiện chưa từng xảy ra tại Việt Nam kể từ
ngày chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị sụp đổ vào năm 1975, tiến sĩ sử gia Nguyễn
Nhã ở thành phố Hồ Chí Minh nói cuộc triển lãm này phản ánh một phần của lịch sử
Việt Nam và có một ý nghĩa nhất định.
“Dinh Norodom dưới thời ông Ngô Đình Diệm được xây lại và đặt
tên là Dinh Độc Lập, ngay từ khi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền. Đó là một
kiến trúc, nhưng cũng là một phần lịch sử của Việt Nam.”
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955, ông Diệm được bầu
làm tổng thống và ông đã đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng “Độc lập” là điều mà cựu tổng thống
họ Ngô đã đề cập ngay từ khi lên nắm quyền:
“Tôi là một trong những nhân chứng sống trong thời của ông
Ngô Đình Diệm, tôi thấy ông đã đề cập đến vấn đề độc lập dân tộc. Ông luôn sử dụng
quốc phục – áo dài – trong các buổi lễ. Tôi nghĩ ông là một trong những người đứng
đầu của một chính phủ đã thể hiện tinh thần bản sắc Việt.”
Trong phòng trưng bày có bức ảnh gia đình ông Ngô Đình Diệm,
kế bên là gia phả dòng họ Ngô Đình. Ngoài ra, còn có nhiều hình ảnh, tư liệu cuộc
đời người thân của ông Ngô Đình Diệm như: Ngô Đình Khả, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình
Cẩn, bà Trần Lệ Xuân... được sắp xếp theo diễn tiến lịch sử.
Báo Thanh Niên mô tả rằng phòng trưng bày có hình ảnh ông
Ngô Đình Diệm cùng binh sĩ sau chiến thắng quân Bình Xuyên tháng 5/1955. Ngoài
ra còn có bức ảnh hai tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Thành Phương và Trịnh
Minh Thế đem quân về hợp tác và được ông Ngô Đình Diệm đón tiếp long trọng,
trong khi tướng tư lệnh Lê Quang Vinh thì bị xét xử tại tòa án.
Báo VNexpress nói cuộc triển lãm là kết quả ba năm nghiên cứu
và thực hiện do Hội trường Thống Nhất với sự cố vấn từ các chuyên gia sử học, bảo
tàng như Tiến Sĩ Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, và Giáo sử học người Mỹ
Edward Miller.
Theo tờ báo này, giáo sư sử học Edward Miller - tác giả cuốn
sách "Liên minh sai lầm, Mỹ, Ngô Đình Diệm và số phận Nam Việt Nam" –
là người đóng góp nhiều hình ảnh và tư liệu quý cho trưng bày gia đình Ngô Đình
Diệm. Nguồn sử liệu của ông được thu thập ở nhiều trung tâm lưu trữ tại Việt
Nam, Mỹ và Pháp.
Giáo sư sử học Edward Miller tại khu trưng bày. Ảnh:
VNExpress
Giáo sư Miller nói: "Chúng tôi muốn mang đến sự diễn giải
lịch sử cho người xem chứ không phải chỉ đơn thuần là tái hiện sự kiện. Bởi bạn
phải hiểu lịch sử trong một bối cảnh cụ thể, không phải là những khoảng thời
gian đơn lẻ."
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955, ông Diệm lên làm
Tổng thống và đổi tên Dinh Norodom, được chính quyền Pháp xây vào năm 1868,
thành Dinh Độc Lập. Sau biến cố năm 1975 khi chế độ Việt Nam Cộng hòa bị giải
thể, Dinh Độc Lập có tên mới là Dinh Thống Nhất hay Hội trường Thống Nhất cho đến
ngày nay.
Truyền thông Việt Nam trích lời bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám
đốc Hội trường Thống Nhất nói: "Cuộc trưng bày lần này được tập hợp từ
hàng trăm tài liệu, hình ảnh, được xem là quy mô nhất từ trước đến nay về lịch
sử Dinh Độc Lập, đặc biệt trong giai đoạn 1868 đến 1966 vốn ít người biết đến.”
Trong thời gian làm chủ Dinh Độc lập, ông Ngô Đình Diệm và
em trai Ngô Đình Nhu bị ám sát vào ngày 2/11/1963, sau một cuộc đảo chánh do
các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Một tài liệu giải mật của CIA vào tháng 10 năm ngoái cho biết
cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng
đằng sau vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và cho rằng
vụ ám sát ông Kennedy là một ‘quả báo.’
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét