Sau chuyến thăm vào Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, Hoa Kỳ sẽ mở ra một loạt hoạt động của Đối tác Thái Bình Dương về hải quân trong vùng.
Bản thân chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu trở lại Việt Nam từ cuộc chiến tranh, kết thúc năm 1975 có ý nghĩa lớn cho quan hệ Mỹ - Việt. Prashanth Parameswaran bình luận trên The Diplomat (01/03/2018) rằng có cả lý do nội bộ khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa USS Carl Vinson sang Đông Nam Á.
"Căng thẳng tăng lên, thể hiện bằng các sự cố và trì hoãn gần đây của Hạm đội 7 khiến một giải pháp là để Hạm đội 3 tham gia vào hoạt động nhiều hơn ở Tây Thái Bình Dương."
Tàu USS Carl Vinson, đóng ở cảng San Diego, California, là tàu chủ đạo cho Nhóm tấn công của Hạm đội 3.
Còn về quan hệ khu vực, vẫn Prashanth Parameswaran viết rằng tại vùng Đông Nam Á đang có lo ngại rằng sau năm "củng cố quyền lực" của ông Tập Cận Bình ở kỳ Đại hội Đảng Cộng sản 2017, Trung Quốc sẽ "cứng rắn hơn" trong năm 2018.
Điều này khiến Hoa Kỳ càng thể hiện quyết tâm coi vấn đề Biển Đông cũng là của họ trong năm nay.
Trang Washington Times (21/2) nói rõ hơn khi trích lời Phó đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tấn công phát biểu trên tàu USS Carl Vinson rằng "sự hiện diện của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn".Một tác giả khác, Kyle Mizokami viết hôm 27/02 rằng "Hoa Kỳ thể hiện mạnh mẽ nhằm quyến rũ Việt Nam, nước nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn" (small but influential country).
"Tôi nghĩ điều thật rõ là chúng tôi đã có mặt trong vùng biển Nam Trung Hoa và đang hoạt động ở đây."
Mục tiêu của tàu USS Carl Vinson tại Biển Đông là "để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ và hợp tác với các đối tác và đồng minh - tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc là cả vùng biển này không phải của họ", một sỹ quan Mỹ phát biểu.
Sự hiện diện của Hải quân Mỹ lần này khi đến Biển Đông là cả một nhóm tấn công gồm các tàu USS Carl Vinson, USS Wayne E. Meyer (DDG 108) và tuần dương hạm mang hỏa tiễn USS Lake Champlain (CG 57).
Nhưng năm 2018 còn có nhiều hoạt động khác của Hải quân Hoa Kỳ.
Theo trang Defense News từ Úc, một chiến dịch chuẩn bị khắc phục thảm họa (disaster-response preparedness) tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đối tác Thái Bình Dương, mà một phần có chuyến thăm vào Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ đầu tháng 3 - có mục tiêu tăng hợp tác với các đối tác khu vực.
Năm 2018, đối tác này sẽ nhận 800 quân nhân và nhân viên dân sự từ Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, Pháp, Peru và Nhật Bản lên tàu y tế USNS Mercy và tàu vận tải USNS Fall River trong chuyến đi khu vực tới đây.
USNS Mercy sẽ đến thăm Indonesia, Sri Lanka, Malaysia và Việt Nam, còn tàu USNS Fall River sẽ đến đảo Yap, Palau, Malaysia và Thái Lan.
Đối tác Thái Bình Dương cũng sẽ quay lại Sri Lanka trong năm thứ nhì, đánh dấu sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Ấn Độ Dương, sau lần đầu năm 2017, trang Defense News cho hay.
Tại sao Việt Nam?
Riêng với Việt Nam, quan hệ ngoại giao bằng các chuyến thăm hải quân của Hoa Kỳ tiến chậm mà chắc.
Nhưng gần đây, các hoạt động này có vẻ tăng lên với cường độ nhanh hơn.
Tháng 10/2017, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh đã thăm tàu USS Carl Vinson khi đến Mỹ.
Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh tại Mỹ cũng đã thăm tàu sân bay USS George H.W. Bush ở Norfolk, Virginia.
Hồi tháng 05/2017 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm Tòa Bạch Ốc và đến tháng 11/2017 Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam, đọc diễn văn nêu viễn kiến về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ quay lại Đà Nẵng từ 1975
Các nhà quan sát cho rằng sau khi Philippines và Thái Lan có động thái ngả dần sang Trung Quốc, Hoa Kỳ nay muốn thể hiện quyết tâm hơn ở Biển Đông và Việt Nam hoan nghênh điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét