Vào ngày 17 và 18 tháng 3 sắp tới đây, Thủ Tướng Malcolm Turnbull sẽ đón chào lãnh đạo của 10 thành viên quốc gia ASEAN trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Úc – ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Úc.
ASEAN nằm trong chiến lược an ninh đề ra trong Bạch Thư Ngoại Giao công bố vào cuối năm 2017. Trước sự trỗi dậy hung hãn của Trung Quốc cùng với chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng Thống Trump, Canberra phải đa phương hóa và thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác khác trong khu vực để giảm bớt lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Ấn Độ với dân số 1.3 tỷ người là một mục tiêu lớn. ASEAN là mục tiên thứ hai. Tổng dân số của 10 quốc gia thành viên ASEAN chiếm khoảng 685 triệu. Hàng năm có khoảng 1.3 triệu người trong các quốc gia khối ASEAN viếng thăm Úc. Hơn 100,000 du học sinh từ ASEAN đang học tập tại Úc. Tổng kim ngạch hai chiều lên đến 93 tỷ trong năm 2016. Gần 1 triệu công dân Úc là những người có gốc gác từ các quốc gia trong khối ASEAN.
Úc là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN vào năm 1974. Vào năm 2004, lãnh tụ Úc và ASEAN công bố ý định siết chặt quan hệ về mọi mặt kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập quan hệ đối thoại. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Úc được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2010 tại Hội Nghị ASEAN thứ 17. Một thập niên sau, quan hệ Úc – ASEAN được nâng cấp thành đối tác chiến lược tại Hội Nghị Thượng đỉnh tại Nay Pyi Taw Miến Điện vào ngày 12/11/2014 đánh dấu 40 năm quan hệ Úc – ASEAN. Tại đây, lãnh tụ đôi bên đồng ý tổ chức Hội Nghị Thượng đỉnh cấp lãnh tụ mỗi 2 năm một lần. Thượng đỉnh Úc – ASEAN lần đầu tiên diễn ra tại Vientanne Lào vào ngày 7/9/2016 khi hai bên công bố kế hoạch hợp tác chống khủng bố quốc tế.
Canberra bổ nhiệm Simon Merrifield làm Đại Sứ Úc đầu tiên với ASEAN vào ngày 1/10/2013. Người kế nhiệm hiện nay là Elizabeth Jane Duke. Canberra đồng ý ký Hiệp Ước Thân thiện và Hợp tác vào năm 2005 để tham gia vào các Diễn đàn Khu vực ASEAN, Bộ Trưởng Quốc Phòng + 3, Thượng đỉnh Đông Á cũng như nhiều diễn đàn chuyên đề khác gồm có hợp tác chống khủng bố, buôn lậu, cứu trợ nhân đạo, an ninh hàng hải, kiểm soát vũ khí và hoạt động ngoại giao ngăn ngừa xung đột quân sự trong khu vực. Về mặt kinh tế, Uc là một trong 6 đối tác tham gia thương lượng RCEP gồm có 10 quốc gia thành viên ASEAN với Trung Quốc, Nhật, Ấn độ, Hàn quốc, Tân Tây Lan và Úc.
Hiện nay có khoảng 130,000 du sinh từ ASEAN đang học tập tại Úc. Vào tháng 12 năm 2013, Canberra tái khởi xướng chương trình cấp học bổng Colombo với ngân sách 100 triệu Úc kim trong 5 năm. Tại Thượng đỉnh Úc – AEAN đầu tiên, hai bên đồng ý thiết lập Chương trình Lãnh đạo và Úc công bố là sẽ tăng gấp đôi số học bổng cho học sinh ASEAN lên tới 1,500 trong năm 2017.
Trước mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai bên, Graeme Dobell một ký giả với hơn 45 kinh nghiệm trong lãnh vực ngoại giao và chiến lược đang cộng tác với Viện Chính Sách Chiến Lược Úc đã táo bạo đề nghị là Úc nên trở thành thành viên ASEAN trước năm 2024 là năm đánh dấu nửa thế kỷ quan hệ giữa Úc và ASEAN. Tân Tây Lan cũng nên gia nhập. Đơn xin gia nhập ASEAN chung của Úc và Tân Tây Lan sẽ có sức thuyết phục đáng kể. Theo Dobell, Úc là một trung cường. Nếu làm thành viên ASEAN thì cả đôi bên đều có lợi và sẽ gia tăng đáng kể vai trò trọng tâm của ASEAN đối trọng với các siêu cường trong thời đại cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Quan hệ đồng minh giữa Úc và Mỹ không là một lực cản như trường hợp của Thái Lan và Phi Luật Tân. Úc cần một ASEAN vững mạnh để không bị Bắc Kinh mua chuộc, lũng đoạn và bẻ từng chiếc đũa. Tương lai của Úc lệ thuộc vào tương lai phát triển của ASEAN. ASEAN là đối tác kinh tế thứ ba sau Trung Quốc và Liên Âu. Nếu không trở thành thành viên thì ít nhất phải là quan sát viên trước năm 2024 như Papua New Guinea và Timor Leste hiện nay. Quyết định trở thành thành viên ASEAN phù hợp với chiến lược ngoại giao đề ra dưới Bạch Thư 2017. Là một trung cường, Úc phải tìm thế hỗ tương với các thế lực và cơ chế hiện hữu có vị thế tương tự vì lợi ích đôi bên.
Từ cái nhìn của ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á ngày càng chịu sức ép cạnh tranh giữa các siêu cường là Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ. Sự hiện diện của Úc và Tân Tây Lan sẽ là một đóng góp đáng kể giữ thế quân bình cho ASEAN. Vấn đề nhạy cảm nhất là Biển Đông. Hiện nay, ASEAN không có thực lực và hoàn toàn thụ động phản ứng chạy theo bước cờ của Bắc Kinh. Nguồn lực ngoại giao và quốc phòng của Úc và Tân Tây Lan có thể giúp ASEAN trong tiến trình thương lượng COC với Trung Quốc.
Trước đây, cựu Thủ Tướng Paul Keating và hiện đang là Chủ Tịch Ban Giám đốc Tư vấn của Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc cũng đã nhiều lần đề nghị Úc nên tham gia và trở thành viên ASEAN. Keating nhận định rằng Úc phải tìm tương lai chiến lược và an ninh từ bên trong chớ không phải từ bên ngoài châu Á. Nhưng ông là một tiếng nói đơn độc và quan điểm của Keating không được nhiều người ủng hộ vì một số lý do.
Thứ nhất là về mặt địa lý. Úc và Tân Tây Lan thuộc về châu Đại Dương chớ không thuộc châu Á. Nhưng yếu tố địa lý không còn quan trọng trong thời đại điện số hiện nay. Vào năm 2005, Liên Đoàn Túc cầu Úc gia nhập Liên Đoàn Túc Cầu châu Á. Vào năm 2015, Úc tổ chức thắng giải Vô địch Túc cầu châu Á.
Lý do thứ hai là căn cước sắc tộc. Úc và Tân Tây Lan căn bản là những người da trắng xuất phát từ châu Âu. Theo Hiến Pháp, người đứng đầu nước Úc là Nữ Hoàng Elizabeth II. Có nhiều người Úc da trắng vẫn xem mình là thần dân của Nữ Hoàng. Mặt khác, có người lập luận rằng vai trò của Nữ Hoàng chỉ mang tính biểu tượng và không gây cản trở trong việc Úc là một trong những thành viên sáng lập diễn đàn APEC.
Nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất là văn hóa và thể chế chính trị. Úc là một nền dân chủ đại nghị với một hệ thống tư pháp và truyền thông độc lập. Có nhiều đảng phái tham gia chính trường và cạnh tranh lành mạnh đưa ra nhiều chính sách và sáng kiến có lợi cho đất nước và người dân để tranh thủ lá phiếu của cử tri. Nhờ vào thể chế văn minh và tiến bộ này nên Úc có một nền kinh tế phát triển với GDP mỗi đầu người lên tới 50,000 Mỹ kim. Dĩ nhiên tài nguyên thiên nhiên cũng đóng góp một phần đáng kể. Nhưng có những quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, với rừng vàng biển bạc mà GDP mỗi đầu người chỉ xấp xỉ 2,000 Mỹ kim vì thể chế quá tồi.
Người Úc kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Trong khi đó, đa số các quốc gia ASEAN vẫn còn mang sắc thái độc tài và chuyên chế, chẳng hạn như Việt Nam và Lào, là 2 nước cộng sản độc đảng toàn trị. Hunsen thì đang biến thành một nhà độc tài tại Cam Bốt. Trong một bài phát biểu vào ngày 21/2, Hunsen dọa là sẽ rượt đuổi và đánh những người biểu tình phản đối ông tại Úc. Miến Điện tuy có những bước cải cách, nhưng quyền lực căn bản vẫn do quân đội kiểm soát. Tại Thái Lan thì các tướng lãnh vẫn chưa cho biết là khi nào sẽ tổ chức bầu cử kể từ khi họ đảo chánh. Mã Lai và Singapore tuy có đảng đối lập nhưng đối lập chưa bao giờ thắng cử nắm chính quyền. Còn Phi Luật Tân dưới thời Duterte cho thấy các cơ chế dân chủ còn rất lỏng lẻo có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền.
Sinh hoạt của ASEAN dựa vào 2 điểm chính. Đó là nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào nội bộ của các thành viên khác. Người Úc cũng như giới truyền thông sẽ khó chấp nhận việc chính quyền và đối lập Úc không thể lên tiếng về các vấn đề nhạy cảm như thảm trạng của người Rohingya tại Miến Điện, hoặc việc bắn giết người bừa bãi trong chiến dịch bài trừ ma túy của Duterte, hoặc tình trạng bắt bớ các blogger và những nhà tranh đấu cho nhân quyền và môi trường tại Việt Nam như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình… Nói chung, Úc và các quốc gia ASEAN có một khoảng cách quá xa về mọi mặt văn hóa, kinh tế, xã hội và thể chế chính trị.
Cho dù là Úc muốn gia nhập nhưng chưa chắc đã thành công. Có thể là Trung Quốc sẽ không muốn có thêm một đồng minh của Mỹ nằm trong ASEAN để tạo thêm rắc rối cho họ. Bắc Kinh có thể sử dụng lá bài chư hầu từ Phnom Penh để phủ quyết đơn gia nhập của Úc. Hiện nay, Nam Dương là quốc lãnh đạo của ASEAN với GDP chiếm 40% tổng số GDP của 10 thành viên. Họ có thể dè dặt nghĩ rằng Úc sẽ là một đối tượng cạnh tranh giành quyền lãnh đạo ASEAN sau khi gia nhập.
Úc vừa ký CPTPP tại Chile vào ngày 8 tháng 3 vừa qua. Trong nhóm 11 quốc gia CPTPP thì có 4 nước là thành viên ASEAN gồm có Singapore, Brunei, Mã Lai và Việt Nam. Một số quốc gia khác đã ngỏ ý muốn gia nhập gồm có Hàn Quốc, Anh Quốc, Đài Loan cũng như thành viên ASEAN là Nam Dương, Thái Lan và Phi Luật Tân. CPTPP sẽ là một khung sườn siết chặt vận mệnh kinh tế của Úc với châu Á – Thái Bình Dương dù Úc không phải là thành viên ASEAN.
Về mặt an ninh, Canberra đang từng bước phát triển quan hệ ”tứ đại kim cương” dân chủ với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản thực thi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương để kiểm soát tham vọng của Bắc Kinh vì ASEAN quá yếu. Về lâu dài, nếu tứ quốc thuyết phục được Nam Dương, Singapore và Mã Lai cùng gia nhập thì đó sẽ là một liên minh có thực lực đáng kể hầu răn đe ý đồ bành trướng của Trung Quốc.
Theo thông lệ, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc sẽ tổ chức biểu tình phản đối sự hiện diện của ông Nguyễn Xuân Phúc Thủ Tướng Việt Nam tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh tại Sydney vì chính sách đàn áp nhân quyền tàn bạo của Hà Nội. Có lẽ ông Phúc sẽ không man rợ như Hunsen hăm dọa rược đánh những người biểu tình. Nhưng nếu có trả đũa thì chắc sẽ tinh vi hơn chẳng hạn như cho Lãnh Sự Quán Việt Nam cấp visa cho về Việt Nam nhưng ra lệnh cho công an bắt giữ tại phi trường rồi đuổi những ”khúc ruột ngàn dậm” ra khỏi Tân Sơn Nhất như họ vẫn thường làm trong quá khứ để trả lời cho Graeme Dobell: “Văn hóa ASEAN là như vậy đó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét