Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc “nhiều
khả năng sẽ tới Việt Nam” sau khi USS Carl Vinson về nước, theo giới quan sát,
giữa lúc có tin nói rằng Bắc Kinh “không vui” khi tàu sân bay Mỹ cập cảng ở Đà
Nẵng tại vùng biển hướng ra Biển Đông.
Tiến sĩ Phan Kim Nga, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội
Trung Quốc, nói với VOA tiếng Việt rằng bà “không ngạc nhiên” nếu Liêu Ninh cập
bến ở Việt Nam vì theo bà, Hà Nội “luôn cố gắng cân bằng các lực lượng lớn trên
thế giới”, nhất là với Bắc Kinh và Washington.
“Kinh nhiệm cho thấy, trong lĩnh vực an ninh và quân sự, Việt
Nam đồng thời thúc đẩy hợp tác với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ”, bà nói thêm.
Những năm vừa qua, Việt Nam dường như có các động thái cân bằng
quan hệ và các hoạt động ngoại giao cũng như quân sự với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Cuối năm ngoái, Việt Nam trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình thăm chính thức Hà Nội, ít giờ sau khi đón Tổng thống Mỹ Donald
Trump.
Trước đó, tàu chiến của nước láng giềng phương bắc và quốc gia
cựu thù cũng “nối đuôi nhau” tới Việt Nam.
Tháng Mười năm 2016, ít ngày sau khi hai tàu chiến Hoa Kỳ lần
đầu trở lại Cam Ranh sau nhiều thập kỷ, hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ
tống của hải quân Trung Quốc cũng tới cảng chiến lược của Việt Nam.
“Vì vậy, theo logic này, nhiều khả năng sau khi Hoa Kỳ gửi một
tàu sân bay đến thăm cảng Việt Nam, rất có thể tàu sân bay Trung Quốc cũng đến
trong thời gian tới”, bà Phan trả lời bằng tiếng Việt.
USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng.
Trong khi đó, trả lời An Tôn của VOA tiếng Việt về khả năng
này, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rằng
ông có “cảm giác hai bên vẫn chưa sẵn sàng”.
“Ít nhất từ phía Việt Nam, tàu sân bay là biểu tượng của sức
mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng từ góc nhìn của Việt Nam, sức mạnh của Trung
Quốc lại là một mối đe dọa, đặc biệt là trong bối cảnh hai bên đang có các
tranh chấp, các căng thẳng trên Biển Đông”, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế nói.
Trong cuộc họp báo sau khi USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở
Đà Nẵng, liên quan tới câu hỏi về hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc
John Fuller, Tư lệnh nhóm tàu tác chiến sân bay của Hải quân Mỹ, nói: “Chúng
tôi có cảm thấy bị đe dọa không? Hoàn toàn không”.
Tàu Liêu Ninh, vốn được Trung Quốc mua của Ukraine và tân
trang lại, thực hiện chuyến huấn luyện đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương tháng 12
năm 2016, trong một phần nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân quốc gia
đông dân nhất thế giới.
USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống ngày 9/3 sẽ rời Đà Nẵng,
kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày mà đôi bên coi là “cột mốc” và “lịch sử”.
Về thông điệp gửi tới Trung Quốc, tiến sĩ Phan Kim Nga cho rằng
Việt Nam “cũng muốn qua việc này để gây ảnh hưởng tới Trung Quốc, vì hai nước
có tranh chấp chủ quyền trên biển”, nhưng bà “không cho rằng việc này là nhằm mục
đích trực tiếp vào Trung Quốc”.
Nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhận định rằng “phía Mỹ cũng
có một số mục đích riêng của mình” như “phát triển quan hệ nhằm bán vũ khí cho
Việt Nam”.
“Tàu sân bay hiện diện tại Biển Đông để chứng tỏ sự tồn tại
quân sự của Mỹ trong khu vực này, đồng thời chứng tỏ yêu cầu tự do hàng hải của
Mỹ, cũng như cảnh cáo Trung Quốc về những hoạt động xây dựng biển đảo tại khu vực
này”, bà Phan nói tiếp.
Liên quan tới các nhận định cho rằng Việt Nam “đu dây” trong
mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington, nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Xã hội
Trung Quốc cho rằng “Việt Nam là nước nhỏ, khó có thể chủ động trong quan hệ”
và “thường là con cờ của các nước lớn” nên “khi xử lý quan hệ với các nước lớn,
Việt Nam phải làm rất khéo léo”.
“Nhìn chung, vì Việt Nam có một chính sách 'ba không', tức
không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia các liên
minh quân sự và không dựa vào một bên để chống lại bên khác, cho nên Việt Nam sẽ
không nhập cuộc do Mỹ cầm đầu để ngăn chặn Trung Quốc hoặc trở thành liên minh
của Mỹ. Hai nên sẽ phát triển quan hệ kinh tế mật thiết hơn nhưng không thể vượt
quan hệ với Trung Quốc”, bà Phan nói thêm.
Trả lời câu hỏi của VOA tiếng Việt về việc tờ Hoàn cầu Thời
báo gần đây nói rằng “sự hiện diện thường xuyên của các hàng không mẫu hạm Mỹ ở
Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và dẫn tới
sóng gió trong quan hệ Trung – Mỹ”, Thiếu tá Tim Hawkins, quân nhân phụ trách
truyền thông trên tàu USS Carl Vinson, nói rằng “hải quân Mỹ đã thường xuyên hoạt
động ở khu vực Thái Bình Dương, giúp duy trì hòa bình trong hơn 70 năm qua”.
“Chúng tôi hoạt động trong khu vực để trấn an các đồng minh
và đối tác của chúng tôi, duy trì ổn định khu vực và duy trì sự rộng mở của các
tuyến hàng hải quan trọng cho sự thịnh vượng toàn cầu”, ông nói thêm.
Mới nhất, hôm 7/3, ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng
Cộng sản Trung Quốc, vốn nhiều lần chỉ trích quan hệ Việt – Mỹ, viết rằng “việc
Trung Quốc cảnh giác và không vui là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi
không nghĩ rằng chuyến thăm Việt Nam của USS Carl Vinson có thể khuấy động bất ổn
ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]” cũng như “sẽ không tạo ra bất kỳ công cụ đặc
biệt nào để gây áp lực với Trung Quốc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét