Việc dâng sao giải hạn không nằm trong giáo lý nhà Phật. Nó được cho là bắt nguồn ở Trung Quốc từ nhiều năm nay, và du nhập vào Việt Nam. Tất nhiên, không riêng gì hình thức dị đoan này, nhiều tập tục, hủ tục khác trong đời sống sinh hoạt của người Việt đều bị ảnh hưởng, du nhập từ phương Bắc qua nhiều đời nay. Việc dâng sao giải hạn, thật không may đã bị vu khống hoặc lầm tưởng là đặc trưng của đạo Phật. Việc lầm tưởng và u mê đó (cũng thật không may) lại là cơ hội trục lợi, làm ăn, thậm chí làm giàu của nhiều nhà Chùa, nhiều ông sư quốc doanh. Sở dĩ phải chỉ đích danh “sư quốc doanh” vì những đối tượng này ngoài lợi dụng việc đi tu để thỏa mãn lối sống cá nhân tầm thường, còn chịu sự quản lý, sai khiến (đương nhiên cả sự nuông chiều) của chế độ, bóp méo về giáo lý và niềm tin tôn giáo. Thậm chí, nhiều ông sư trụ trì còn là những tay an ninh cao cấp. Đương nhiên, cần nói thêm cho rõ rằng, không phải vị sư nào cũng là “sư quốc doanh” theo nghĩa ở trên cho dù thuộc “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” tức là chịu sự quản lý chung của Nhà nước cộng sản.
Bài này không định phân tích về giáo lý nhà Phật vốn là một đề tài quá sức của người viết. Càng không đi sâu vào phân tích ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với tập tục của người Việt. Nó chỉ như một sự lướt qua khi nghĩ về tâm lý bệnh hoạn của đa số người Việt nhân chuyện dâng sao giải hạn đầu năm. Cớ sự cũng từ hình ảnh hàng vạn người chen lấn, xô đẩy nhau để được dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội hôm mồng 8 tết (15/2/2018).
Báo “lề đảng” đưa tin, có đến gần 1000 công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, thanh tra giao thông được huy động để bảo vệ ba vòng xung quanh ngôi chùa này trong buổi lễ cầu an, dâng sao giải hạn. Chi tiết này hẳn là làm cho nhiều người dân, nhất là những người từng đi biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung cộng xâm lược, bảo vệ môi trường, đòi dân chủ nhân quyền và công bằng xã hội phải rớm nước mắt.
Cũng lực lượng công quyền này đã có mặt trên đường phố, nhưng không phải là để bảo vệ mà là để đàn áp, để đánh đập và bắt người. Những con người còn biết xót thương cho thân phận của đồng bào mình, biết trăn trở với vận mệnh của đất nước mình. Nhiều người ước rằng, giá như đám đông hàng ngàn người đang chen lấn, xô đẩy đi dâng sao giải hạn kia là một cuộc biểu tình đòi dân quyền, dân sinh. Và lực lượng công an, bộ đội thay vì đàn áp, bắt bớ thì bảo vệ những công dân bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ trách nhiệm với dân tộc. Thay vì bảo vệ cho những trò dị đoan mê tín, trục lợi bất chính thì cần ngăn chặn và dẹp bỏ. Song nếu như thế, thì xã hội này đâu còn là xã hội cộng sản. Sự trói buộc, mất quyền tự do đưa dẫn người ta đến thói u mê, tăm tối. Thay vì tin vào Chúa, tin vào Phật, người ta tin vào ma quỷ và những trò tà mị. Chỉ có một chính quyền bất xứng mới muốn người dân sa đà vào những điều như thế để dễ bề cai trị.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến câu chuyện về người bạn của bố tôi. Ông là một người hiền lành, tốt bụng. Nhưng mấy năm nay ông hay đi cúng bái và dâng sao giải hạn cho người ta. Cúng nhưng không lấy tiền của ai, thậm chí gia chủ mời cơm ông cũng từ chối. Chỉ xin một cốc nước lọc, uống lấy giọng để khấn. “Mình được ăn lộc Thánh thì phải giúp người, tích đức cháu ạ”. Ông hay nói với tôi như thế mỗi lần chú cháu gặp nhau. Tôi quý ông nhưng không đồng tình với những việc ông làm. Ông có một người con trai lớn thuộc diện có chức quyền ở thành phố. Anh này hay đi cúng bái, lễ lạt và “có khả năng đặc biệt về tâm linh” theo như lời ông kể với tôi. Ông phải đi cúng giúp người một phần là nhờ tác động của con trai mình. Ông không bao giờ chửi chế độ, cũng không khen. Năm ngoái tôi về giỗ mẹ, gặp ông thì được biết anh con trai đã bị chuyển công tác, không còn giữ chức vụ cũ nữa. Nghe đâu là liên quan đến chuyện đấu đá nội bộ gì đó. Căn nhà mà vợ chồng ông đang ở cũng bị rơi vào diện giải tỏa. “Chúng nó (chỉ bọn cầm quyền thành phố) gần như cướp trắng cháu ạ. Lấy đất với giá rẻ như bèo và không cho người dân chỗ tái định cư”, ông than thở với tôi như thế. Và mỉa mai:” Sao nào chú cũng giải được, từ Thái bạch, Kế đô đến La hầu chú chả ngán sao nào. Riêng có sao vàng thì chú chịu. Sao vàng cờ đỏ thì chẳng thịt mồi, chẳng giấy sớ bùa bả gì giải được, cháu ạ”.
Đúng rồi, sao vàng cờ đỏ không phải là hạn, nó là đại họa, đại họa của dân tộc. Muốn giải sao này, không còn cách nào khác là phải bước qua sợ hãi, dũng cảm đấu tranh dẹp bỏ nó. Và để giải thể nó, không cần phải thịt mồi, rượu trắng, không cần ông thầy cúng nào mà chính mỗi người dân chúng ta đều có thể tự làm được bằng chính sức của mình, bằng lòng can đảm và ý thức trách nhiệm với dân tộc.
Đã đến lúc người dân Việt Nam phải nhận thức được rằng đại họa cộng sản là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mọi tai họa khác trong đời sống xã hội. Đúng, ở đất nước nào cũng vậy, dù văn minh, giàu có như Mỹ và một số nước phương Tây khác, vẫn có người nghèo, vẫn có người chết vì bệnh tật, ung thư, tai nạn giao thông, giết người. Nhưng tử vong với số lượng kinh hoàng về các nguyên nhân trên như ở Việt Nam thì không còn là điều bình thường nữa. Tham nhũng, quản lý yếu kém, ô nhiễm môi trường, đạo đức suy đổi, tội ác hoành hành... là sản phẩm đặc trưng của chế độ độc tài. Và là căn nguyên dẫn đến các tai họa khác mà dân chúng phải gánh chịu.
Đút lót thần thánh, mua chuộc chư Phật không phải là cách để được bình an. Càng không phải là vốn để dành sau này được lên thiên đàng. Sống tử tế, nhân ái, biết dấn thân cho lẽ phải thì không cần một thủ tục cầu xin, cúng bái gì cũng sẽ thấy bình an cho dù trong phải sống trong nghịch cảnh hay phải đối mặt với chông gai cuộc đời.
Đại họa lớn nhất của dân tộc là họa cộng sản mà không lo dẹp bỏ thì sao có thể hoá giải được các hạn khác mà con người đang phải gánh chịu.
Người dân Việt chúng ta, bao giờ mới hết u mê?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét