Một cửa hàng bán thịt tại khu chợ Les Halles, Paris, ngày 25/02/1969-AFP
Ngay sau khi thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức Quốc Xã vào tháng 08/1944, cuộc sống của người dân thành phố Paris dần nhộn nhịp, tươi vui trở lại. Một mặt, người dân Paris quay trở lại với những thói quen cũ trong cuộc sống, nhưng mặt khác, những tiến bộ kinh tế - xã hội cũng mang cũng thổi vào đời sống người dân Pháp một làn gió mới. Hậu Đệ Nhị Thế Chiến là giai đoạn thành phố có nhiều đổi thay trên nhiều lĩnh vực : thương mại, xây dựng, công nghiệp, …
Từ hàng rong, chợ truyền thống đến siêu thị
Trong những năm đầu sau Đệ Nhị Thế Chiến, các siêu thị vẫn chưa bùng nổ. Mua sắm ở chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ trong từng khu phố vẫn là phương thức mua sắm phổ thông.
Sau nhiều năm thiếu thốn, nạn khan hiếm bánh mỳ chấm dứt vào năm 1949. Các tiệm bánh ở Paris chủ yếu bán bánh mỳ, nhất là bánh mỳ dài baguette, món ăn sáng không thể thiếu của người Paris. Bánh mỳ dài được bán theo cân chứ không theo chiếc. Các cửa hàng « bơ - trứng - phô mai » có rải rác khắp mọi khu phố. Sáng sớm, các bà nội trợ ra xếp hàng mua sữa tươi về uống trong ngày. Tới giữa những năm 1950, vẫn chưa có sữa tiệt trùng. Hàng đêm, sữa bò được vắt từ các trang trại và được chở thẳng về các cửa hàng « bơ - trứng - phô mai » trong thành phố để sớm sáng hôm sau kịp phục vụ người dân.
Trước năm 1960, phần lớn các gia đình ở Paris vẫn chưa có tủ lạnh. Vì thế, người dân thành phố vẫn đi chợ mua sắm thức ăn hàng ngày và chủ yếu mua thực phẩm tươi ở chợ truyền thống hoặc cửa hàng bán lẻ trên phố. Các chợ lớn như Saint Quentin, Saint-Martin, Saint-Germain, Aligre … thường họp tất cả các ngày trong tuần, chứ không phải chợ phiên 2-3 lần/tuần như hiện nay. Các loại thực phẩm như rau, trái cây, thịt cá … cũng thường được bán rong trên phố. Trong suốt 2 thập kỷ, 10 tòa nhà Baltard tại khu Les Halles, trung tâm Paris là chợ đầu mối thực phẩm sầm uất nhất thành phố.
Nếu những khu rừng, công viên được gọi là « lá phổi xanh » thì chợ thực phẩm đầu mối được người Paris gọi là « le poumon alimentaire », tạm dịch là « lá phổi thực phẩm » của thành phố. Còn nhà văn Emile Zola gọi Les Halles là « le ventre de Paris » - « bụng của Paris ». Les Halles hoạt động nhộn nhịp đến năm 1969 thì đóng cửa, chợ đầu mối chuyển về vùng ngoại ô Rungis. Hiện chợ Rungis là chợ đầu mối về thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới.
Mặc dù tới những năm 1960 - 1970, các siêu thị mới bùng nổ, nhưng ngay từ năm 1948, ở Paris đã có một cửa hàng thực phẩm khô theo kiểu khách hàng tự phục vụ, theo mô hình của Mỹ. Năm 1949, Michel Edouard Leclerc mở cửa hàng tự phục vụ đầu tiên tại Landerneau, vùng Bretagne, nước Pháp. Cửa hàng thực ra chỉ là một phòng 16m2 trong nhà của Leclerc.
Nhưng đây chính là bước ngoặt trong lịch sử hình thành và phát triển siêu thị tại Pháp nói chung và chuỗi siêu thị E.Leclerc nổi tiếng nói riêng. Vào thời điểm đó, cửa hàng của Leclerc đã gây tiếng vang lớn, trở thành một hiện tượng được báo chí, đài phát thanh, truyền hình đưa tin rất nhiều. Dưới đây là một trích đoạn truyền hình trong tài liệu lưu trữ của INA - Viện Nghe Nhìn Quốc Gia Pháp :
« Làm thế nào để giá cả sinh hoạt giảm đi hiện đang là nỗi lo lớn của người Pháp. Chúng ta nghĩ đến điều đó. Liệu chúng ta có làm được không ? Đây là một câu chuyện gây tiếng vang trước hết là ở Landerneau. Một người tên là Leclerc đã biến một garage cũ thành một cửa hàng bán lẻ nhưng với giá bán buôn, bởi các mặt hàng được nhập trực tiếp từ nhà sản xuất. Không mất chi phí cho những người mua bán trung gian nên khách hàng được hưởng lợi ».
Ban đầu, Leclerc chỉ bán bánh biscuit. Có được thành công khi bán với giá bán buôn, Édouard Leclerc mở dần diện tích bán hàng và đa dạng hóa sản phẩm lên 150 mặt hàng : gia vị, thực phẩm khô, dầu nhớt, xà phòng .... Từ năm 1954, nhiều người học theo mô hình kinh doanh của Edouard Leclerc. Năm 1959, Leclerc khai trương siêu thị đầu tiên ở vùng Paris, tại Issy-les-Moulineaux, với 1.500 mặt hàng :
« Thành công tiếp nối thành công. Tại Les Moulineaux, siêu thị E.Leclerc đầu tiên khai trương một náo nhiệt. Giờ đây, rất đông khách hàng đang muốn tranh thủ ưu điểm giá rẻ của siêu thị hiện có tới 1500 mặt hàng. Nếu Leclerc có thêm nhiều nhà buôn muốn hợp tác cùng ông, số lượng các mặt hàng cũng sẽ tăng theo ». Giờ đây, hệ thống Leclerc có tới 560 siêu thị trên khắp cả nước, sử dụng khoảng 96.000 nhân công.
Trở lại Paris, vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Paris muốn tự tay chọn lựa sản phẩm theo ý mình và có thể mua nhiều mặt hàng, từ thực phẩm, quần áo, đến văn phòng phẩm, đồ gia dụng … trong cùng một cửa hàng, các siêu thị bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Vào ngày 15/06/1963, hypermarché - siêu thị lớn đầu tiên được Carrefour khai trương tại Sainte-Geneviève-des-Bois, vùng Essonne, ngoại ô Paris.
Đây chính là siêu thị lớn đầu tiên tại Pháp và châu Âu. Khi trả lời phỏng vấn của báo Le Monde, ông Philippe Moati, giáo sư kinh tế thuộc đại học Paris-Diderot, đồng giám đốc Đài Quan sát xã hội và tiêu dùng của Pháp khẳng định : « Nếu siêu thị có nguồn gốc từ Hoa Kỳ (vào khoảng những năm 1930), thì siêu thị lớn lại là sáng kiến của người Pháp ».
Vì cần diện tích mặt bằng rộng, các siêu thị lớn thường được đặt tại vùng ngoại ô chứ không nằm trong nội thành. Trong những năm 1970, các siêu thị lớn « mọc nhanh như nấm ». Nếu vào năm 1966, cả nước chỉ có 2 hypermarché thì tới năm 1975, con số này là 284. Sự phát triển nhanh chóng của các siêu thị, đặc biệt là các siêu thị lớn dần dần khiến các chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ trong các khu phố tại Paris mất khách, gặp nhiều khó khăn.
Những nghề lặt vặt trên đường phố
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, tăng trưởng kinh tế mạnh đã kéo theo những thay đổi trong thói quen mua sắm, tiêu dùng của dân chúng, nhất là ở các thành phố lớn như Paris.
Tuy nhiên, bên cạnh những người, nhất là thanh niên, bị cuốn vào guồng « société de consommation » - « xã hội tiêu thụ », những người trung niên và nhất là người cao tuổi, không chỉ là những người thu nhập thấp mà cả giới trung lưu vẫn giữ nếp sống trong một « société de conservation », tạm dịch là « xã hội bảo tồn », có nghĩa là khi các đồ dùng khi đã cũ, hỏng thì người ta không vứt đi ngay để mua đồ mới thay thế, mà gọi thợ đến sửa chữa, vá víu lại dùng tiếp cho đến khi nào không sửa được nữa mới vứt hẳn đi. Chính việc giữ những thói quen cũ này khiến nghề sửa chữa đồ cũ vẫn còn chỗ đứng trong những năm sau Thế Chiến.
Trên đường phố Paris thời đó vẫn còn nhiều người vác đồ nghề trên vai đi rong để sửa lại ghế nhồi rơm, hàn lại nồi niêu xoong chảo thủng, vá bát đĩa vỡ, sứt mẻ, vá túi, bao tải rách, … Một nghề cũng rất phổ biến là mài dao, kéo, dao cạo râu, lưỡi cưa … dạo trên vỉa hè. Nghe tới đây, chắc hẳn không ít quý vị đã hồi tưởng một thời chưa phải là đã quá xa ở Việt Nam, với những tiếng rao đâu đó trên phố, hay len lỏi trong từng con ngõ nhỏ, trên những con đường làng : « Ai mài dao, mài kéo nào ? »
Quần áo cũ, ga trả giường, các loại vải cũ cũng thường được người dân đem bán với giá vài xu cho những người thu mua dạo, những người này lại đem bán cho các nhà máy giấy ở Angoulême, chuyên sản xuất giấy vê-lanh.
Những người thợ vác trên lưng bộ khung cửa sổ với các ô kính, rong ruổi trên phố cũng dễ được bắt gặp tại Paris. Những ai đã từng xem và yêu thích phim của vua hề Sác-lô hẳn còn nhớ hình ảnh ông bố nghèo kiếm tiền nuôi con bằng nghề thay cửa sổ kính trong bộ phim « The kid » - « Đứa trẻ ». Người Paris gọi đó là những nghề thuộc « les petits métiers de la rue » - « những nghề lặt vặt trên đường phố ».
Ngoài ra, còn phải kể đến một số nghề khác, chẳng hạn nghề đạp xe đạp đi giao bánh mỳ cho các quán bar, nhà hàng vào buổi sáng. Xe đạp còn được dùng khá nhiều trong giai đoạn này, hình ảnh người dân đạp xe tới công sở, hay những người phụ nữ mặc váy, đi giày cao gót, duyên dáng đạp xe trên phố, tóc bay nhẹ trong gió, cũng xuất hiện nhiều trên phim ảnh Pháp thời đó.
Xe đạp còn được cảnh sát dùng để đi tuần trên phố. Xe đạp cũng là phương tiện làm việc của các nhân viên đưa điện tín, thường là các cậu thanh thiếu niên trẻ trung, sức khỏe dẻo dai. Sau khi nhận được điện tín, họ thường phải khẩn trương đạp xe hoặc chạy bộ thật nhanh đi báo tin cho khách hàng rồi lại đạp xe về nơi làm việc nhận tin tiếp. Nghề này biến mất vào năm 1970, sau khi điện thoại bàn trở nên phổ biến ở Paris.
Xe thồ hàng bằng ngựa vẫn tiếp tục được sử dụng ở Paris cho đến giữa những năm 1960, chẳng hạn chở kem, giao sữa tươi cho các gia đình. Vào mùa đông, có một nghề phổ biến là đẩy xe chở than củi tới các gia đình. Vào thời đó, hệ thống sưởi điện và ga chưa phát triển, các gia đình chủ yếu đốt than củi để sưởi, công việc của những người chở than củi càng nặng nhọc khi họ phải vác than trèo cầu thang bộ lên giao cho các gia đình khách hàng sống trên tầng 5-6 của các tòa nhà chung cư vốn thời đó cũng chưa có thang máy. Các việc lao động chân tay, lặt vặt kể trên thường do người nhập cư đảm nhận, một phần do vất vả, một phần do thu nhập bấp bênh. (còn tiếp - phần 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét