Có thể nói rằng năm Mậu Tuất 2018 là một năm khá đặc biệt đối
với người Việt Nam. Một năm có cái Tết dài nhất, mặc dù đã qua khỏi Rằm tháng
Giêng, có nghĩa là sau Tết Nguyên Đán 14 ngày, nhưng không khí ăn Tết vẫn còn
khắp mọi nơi, và cũng là một năm có ngày 8 tháng 3 rầm rộ nhất. Nhưng liệu đây
có phải là tín hiệu tốt? Nó cho thấy đất nước phát triển?
Câu trả lời là 30% tốt và 70% xấu. Tỉ lệ này tương đối, nếu
chia chính xác, có thể tỉ lệ tốt chỉ còn dưới 25%. Và căn cứ vào đâu mà tôi đưa
ra những tỉ lệ này?
Thứ nhất, nói tốt, đương nhiên là có, nếu không có tiền, lấy
gì để người kéo dài đến tận nửa tháng Giêng? Điều đó cho thấy tình hình kinh tế
nói chung có phần khả quan và hãy khoan nói về nợ công trong lúc này. Nó cho thấy
công nhân, người lao động và cả nông dân có được chút tích lũy để ăn Tết. Nếu
không có tích lũy, thì sao qua mấy trận lụt kinh hoàng, sau đó nông sản rớt giá
thê thảm mà người ta vẫn có cái để ăn, để chơi?!
Nhưng ăn, chơi như thế nào? Đó là hơn 4 ngàn vụ phải nhập viện
vì đánh nhau trong mấy ngày Tết, hơn 24 ngàn ca nhập viện vì đụng xe, say xỉn.
Nhưng con số này cũng chưa nói được gì. Sở dĩ có cái Tết kéo dài cho đến tận
tháng Giêng, có vẻ như những giàn karaoke lưu động do Trung Quốc sản xuất, bán
với giá rẻ bèo góp phần không nhỏ.
Bắt đầu từ đầu tháng Chạp, những giàn karaoke này đã khởi động
với giá cho thuê từ 500 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng trên một ngày. Và giá bia hạ
xuống một cách có chủ ý, bên cạnh đó, nhà nước cũng hỗ trợ cho các tổ an ninh,
tổ dân phố một ít tiền, thường là 200 ngàn đồng để các ông tổ trưởng về kêu gọi
các thành viên trong tổ góp thêm tiền mua bia, mồi mà nhậu. Nhậu xong thì hát,
lại góp tiền thuê karaoke lưu động. Khắp nơi ăn nhậu, hát hò…
Đến cận Tết, lao động khắp nơi đổ về quê ăn Tết, tiền sau một
năm làm thuê xứ người lại được mang ra “dung dăng dung dẻ”, thuê karaoke, tổ chức
nhậu. Mặc dù lúc này giá thuê một giàn karaoke tăng lên gấp đôi, từ 1 triệu đến
1,2 triệu đồng nhưng dường như ở đâu có nhậu thì ở đó có karaoke. Khắp nơi,
trên hát, dưới hát, đầu làng nghe karaoke, cuối bãi cũng gặp karaoke!
Có thể nói là dịp Tết Mậu Tuất 2018 này, số lượng giàn
karaoke do Trung Quốc sản xuất đã được bán ra trên thị trường Việt Nam là một
con số khổng lồ, đi đâu cũng gặp loại âm thanh, ánh sáng, âm nhạc kiểu này. Và
những cuộc vui chơi, nhậu nhẹt, hát hò kéo dài từ tháng Chạp cho đến gần 20
tháng Giêng vẫn còn xập xình. Riêng ngày 8 tháng 3, đi bất kỳ đoạn đường nào
trên quốc lộ 1A cũng có thể gặp cảnh những cặp đôi chở nhau trên xe tay ga, nữ
ngồi sau cầm hoa, nam lái chạy bất cố nhi nhướng, chạy băng ngang băng dọc sau
khi đã nốc đầy men vào người.
Đi chừng 500 mét đã thấy một tụ điểm karaoke cùng một nhóm
người ngồi hát hò, nhậu nhẹt, mặc cho xe cộ ồn ào, khói bụi đầy đường, mặc cho
những cái xe phóng vun vút có thể đâm vào lưng bất kỳ giờ nào, ngồi quay lưng
ra đường hoặc ngồi ngang hông đường mà hát, mà uống, mà dzô dzô…
Dường như người ta chỉ cần hát và hát, uống và uống, không cần
biết gì thêm! Người ta sung sướng vì sau một năm thiên tại, nhân họa, vẫn còn
có cái để ăn, để uống, để hát… Và quên đi mọi chuyện.
Đương nhiên, bạn không thể bắt ai đó phải nhớ rằng ngày 05
tháng Ba năm 2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ ghé cảng Tiên
Sa, Đà Nẵng và hải quân Hoa Kỳ đã ở lại 5 ngày điể giao lưu với người dân Đà Nẵng,
để làm từ thiện và người dân vui mừng, hồ hởi đón những người lính Mỹ.
Dĩ nhiên, bạn không thể bắt ai đó để nhớ rằng có một cuộc
chiến biên giới phía Bắc giữa Trung Quốc và Việt Nam, cuộc chiến này, quân xâm
lược Trung Quốc đã dọn cỏ, san phẵng các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, thị trấn
Cam Đường, có hàng chục ngàn thường dân chết oan, hàng ngàn người lính Việt Nam
ngã xuống mà không được nhắc tên trong lịch sử.
Dĩ nhiên, người dân không phải ai cũng biết rằng việc hải
quân Hoa Kỳ kết hợp với hải quân Việt Nam trong tác chiến sẽ là một tương lai
hòa bình và ổn định cho biển Đông nếu như điều này diễn ra sau khi USS Carl
Vinson ghé Đà Nẵng.
Dĩ nhiên là bạn càng không thể bắt người dân phải nhớ là
mình đã đổi 360 ngày làm việc vất vả trong những ly bia, trong tiếng hô dzô dzô
ba ngày Tết hay người phụ nữ Việt phải chật vật, khốn đốn, thậm chí có khi bị
chồng đánh đập nhiều lần trong năm để rồi trong ngày 8 tháng 3, họ được tặng những
bông hồng mọng nước, những gói quà, họ được cho ăn chơi thoải mái… Và đây là dịp
để hoa, quà tăng giá không ngừng.
Dĩ nhiên, có hàng trăm điều dĩ nhiên khi con người quên mất
một thứ “dĩ nhiên” khác, đó là quyền làm người – nhân quyền – dân chủ. Bởi một
khi cả năm chật vật, lo âu và thậm chí đau khổ, ki cóp từng đồng lương héo hắt
và chịu lép vế, bị ép chế, thậm chí chịu ô nhục. Tết về, tha hồ tung hê, tha hồ
hò hét, tha hồ thể hiện mình như một phút thăng hoa kiếp người, như một lần
“huy hoàng rồi chợt tối” cho dù uống say, ra đường có thể nghe cái rầm là đời tắt
lịm, người ta vẫn uống, vẫn chơi. Đừng quên những cuộc chơi như thế này nó rất
gần với cuộc truy tìm bản ngã trong vô thức. Người ta cố để thấy sự tồn tại của
mình là ý nghĩa, không quá tệ!
Và với người phụ nữ cũng vậy, ra chợ bán dưa, bán gà, bán
cà, bán muối, bán chuối bán bắp… có thể bị lão trưởng công an xã hoặc chủ tịch
xã nổi hứng trệu ghẹo hoặc đá hắt mọi thứ vì lấn chiếm vỉa hè, nhục hơn một
chút là bị những ông dân phòng, những thanh niên xung kích hù dọa, đánh đập… về
nhà, chồng nhậu say, nhỡ to tiếng thì bị đập không thương tiếc, con cái cũng
nhìn không ra mẹ mình. Những ngày tưởng chừng như bình yên nhất thì có thể được
chồng khen vì nấu ăn ngon, mừng một chút nhưng lại thấy lo vì không biết mai hắn
có đưa cho một ít tiền để đi chợ…?
Nói cho cùng, người phụ nữ Việt Nam là những osin của gia
đình, họ bị quá nhiều bất công. Và những ai đấu tranh, chịu hết nổi sự bất công
thì liền nhận một cái kết li hôn. Sống với một gia đình mà mình đóng vai trò là
cái bóng hoặc chấp nhận giải thoát bằng li hôn? Hình như Thượng Đế hay nữ thần
tự do chưa bao giờ mỉm cười với số đông phụ nữ Việt mà họ chỉ mỉm cười với một
số rất ít, ít tưởng chừng đếm được!
Thử hỏi, với đà ăn nhậu, vui chơi đàn đúm như hiện tại, cuối
cùng nó cho ra niềm hạnh phúc nào không? Xin thưa là chơi càng nhiều thì càng
mau hết tiền, mà khi hết tiền thì ở đâu không biết chứ tại Việt Nam thì nguy cơ
gia đình hục hặc là có rồi. Một khi gia đình hục hặc, người phụ nữ phải cắn
răng chịu đựng sự áp đặt của chồng nhiều hơn là vợ chồng cùng xem xét vấn đề mà
tìm hướng đi.
Và với đà này, càng vui chơi, càng bất công và càng tuột dốc.
Sự bất công đối với người phụ nữ được xem là điển mẫu năm 2018, có vẻ như là
chuyện cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh bị một nam phụ huynh bắt quì xin lỗi.
Tôn vinh người phụ nữ đến thế là cùng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét