“Một con cá sống trong bể kiếng cứ bơi tới thành bể thì quay lại vì đụng đầu vào mặt kính trong. Một lúc nào đó nó sẽ quên mất cái mặt kính trong có tồn tại, chưa cần bơi tới đã quay đầu lại, và nghĩ rằng mình đang có tự do.”
Một nhà nghiên cứu dùng một ẩn dụ để giảng cho tôi. Và sáng nay khi đọc bài viết này, có vẻ con cá đã hiện ra trong cách một người trẻ Việt Nam nhìn Philippines.
Theo phỏng vấn này:
1. Ông Duterte là người “làm được”. Và trích dẫn cả chuyện một nhà báo bị bảo vệ lôi ra và nói: Cô ấy chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình.
Người phỏng vấn có lẽ không hề biết ngoài hành vi có vẻ đẹp lòng nhân vật của anh ta (bạn người Philippines), thì ngài tổng thống Duterte đang tấn công tờ báo online lớn nhất Philippines, đòi thu hồi giấy phép kinh doanh báo chí của họ. Tờ Rappler là báo online có đông độc giả Philippines nhất (để bạn khỏi nói là hình ảnh xấu của Duterte là “do truyền thông nước ngoài xây dựng”.
Một phóng viên của tờ Rappler từng nói với tôi: “Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra vì Duterte đã có động thái chống lại rất nhiều kênh thông tin khác và đe dọa báo chí ngay ở nơi công cộng. Giờ là thời điểm cho người Philippines chọn lựa: Liệu họ có coi trọng báo chí tự do và phản biện không? Liệu họ có chiến đấu cho nó không?”
Tôi viết lại vậy để bạn hiểu sự tàn bạo, to tiếng của Duterte không phải chỉ có “truyền thông phương Tây” giật dây như bạn tưởng.
2. Chiến dịch ma túy: “Ai chống cự mới bị bắn, nhưng phải bắn vào chân trước”.
Sau đây là clip cho thấy cảnh sát đã xử tử “nghi phạm” dù chưa chứng minh được họ là người nghiện, thao túng camera và lôi xác người đi như một con chó bị bắn chết. Clip này do CCTV của dân địa phương quay lại, cho khỏi mang tiếng "truyền thông phương Tây".
Clip này cho thấy: không hề có người chống cự, cảnh sát đã bắn chết luôn nghi phạm chứ không phải “bắn vào chân” như mô tả.
Trong vụ việc 1 cậu bé 17 tuổi bị bắn chết với cuộc chiến ma túy, cảnh sát nói cậu bé rút súng ra khiến họ phải nổ súng. Tháng 9/2017, chính Cục Điều tra Quốc gia Philippines nói rằng bốn cảnh sát đã đánh đập cậu bé, lôi cậu vào hẻm và bắn vào đầu. Chứng cứ là ngụy tạo. Vụ bắn giết này là nguyên nhân cho cuộc biểu tình hàng ngàn người sau đó tham dự, phản đối cuộc chiến ma túy của Duterte. Đọc vụ việc tại đây:
Tới đầu năm 2018, đã có 12.000 người chết vì cuộc chiến chống ma túy không qua xét xử tại Philippines. Chắc là chết 12.000 người rồi thì bạn có thể nói là “tỷ lệ ma túy giảm hẳn” cũng đúng. 12.000 con người chết
3. Chuyện tranh chấp với Trung Quốc:
“Phillippines có 7000 đảo, sá gì mấy bãi đá cỏn con anh ơi. Đánh cũng có lại Trung Quốc đâu, bọn em đồng tình với cách xử lý đó.”
Đầu tiên, khi ở Masinloc năm 2016, từ bến tàu của ngư dân ra bãi cạn Scarborough (nơi có diễn ra tranh chấp giữa tàu Trung Quốc và ngư dân Philippines), tôi đã gặp hàng chục ngư dân đánh cá ở đây trong cuộc trò chuyện trước ngày tòa The Hague công bố phán quyết về vụ tranh chấp trên biển đông khi đó. Họ nói: Từ khi tàu Trung Quốc có mặt ở đó, ngư dân đã không thể vào bãi cạn đánh bắt cá hoặc thậm chí đánh bắt xung quanh. Cả thị trấn không thể sống bằng nghề cá được nữa. Vào thời điểm tôi trò chuyện với họ, tàu của họ đã ngừng ra khơi. Trung Quốc luôn dùng vòi rồng đẩy họ ra và đe dọa họ.
Vậy thì “700 hòn đảo” không chỉ là “mấy bãi đá con con”, nó là vùng đặc quyền kinh tế, là khả năng được mưu sinh và sống trên vùng biển đó. Nếu tôi ở TPHCM, tôi hoàn toàn có thể mạnh miệng nói Trường Sa cũng chỉ là bãi đá con con, ai chiếm chiếm đi. Nhưng đây không phải là chuyện “bãi đá con con”, nó là chủ quyền của một quốc gia. Và chỉ có những nhận định hoàn toàn nông cạn, không có bối cảnh mới mạnh miệng nói như vậy.
Tôi hoảng sợ trước cách người trẻ Việt Nam đang nhìn chính trị và xã hội của các quốc gia xung quanh. Họ đi du học, đi làm, đi kiếm tiền và trưởng thành ở các quốc gia đó. Nhưng họ luôn luôn dùng cái “bể cá” của bộ não đã quen với những đóng khung không hề có lý lẽ của một giới người không hề đặt câu hỏi trước các võ đoán, không hề rung động trước những sai lầm và tội ác, cũng chẳng hề chịu nhìn cận cảnh mà hiểu rõ hơn về một sự việc đang tiến triển đầy kịch tính. Họ nghĩ rằng "bắn vào chân" nghe có vẻ hay ho, mà không biết giết 12.000 người là tội ác. Họ nghe "đảo con con" có vẻ dễ hiểu, và không hề biết ngư dân các đảo ở Phillipines sẽ vật lộn ra sao với sinh kế nếu vùng biển mất chủ quyền. Và họ nghĩ rằng chỉ cần dán mác "truyền thông phương Tây" tô vẽ, thì mọi thứ đều được lý giải xong xuôi, an toàn, dễ hiểu.
Những dạng status này được ca ngợi là dễ đọc. Vì nghe xong có vẻ yên tâm, chả cần đọc gì thêm, như con cá tự tin bơi trong bể kính và cứ tưởng mình tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét