Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1857, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định trong vụ án Dred Scott, khẳng định quyền của chủ nô khi đưa nô lệ của họ vào các lãnh thổ phía Tây, do đó bác bỏ tư tưởng “chủ quyền nhân dân” (popular sovereignty) và làm suy yếu nghiêm trọng cương lĩnh của Đảng Cộng hòa non trẻ.
Tâm điểm của vụ việc là câu hỏi quan trọng nhất của thập niên 1850: Liệu có nên cho phép chế độ nô lệ tồn tại ở phía Tây? Là một phần của Thỏa hiệp năm 1850, cư dân của các lãnh thổ mới được thành lập có thể quyết định vấn đề nô lệ bằng cách bỏ phiếu, một quá trình được gọi là chủ quyền nhân dân. Nhưng vào năm 1854, khi chủ quyền nhân dân được áp dụng ở Kansas, bạo lực đã bùng nổ. Người Mỹ hy vọng rằng Tối cao Pháp viện có thể giải quyết vấn đề mà Quốc Hội không thể tìm ra giải pháp.
Dred Scott là một nô lệ mà chủ sở hữu, một bác sĩ quân đội, đã sống tại Illinois, một bang tự do, và Wisconsin, một lãnh thổ tự do tại thời điểm mà Scott đang sống tại đây. Tối cao Pháp viện vốn dĩ bao gồm phần lớn người ủng hộ các bang nô lệ. Năm trong số chín thẩm phán đến từ miền Nam, trong khi Robert Grier ở Pennsylvania, là người ủng hộ chế độ nô lệ mạnh mẽ. Chánh án Roger B. Taney đã viết ra quyết định của đa số, được công bố vào ngày 06/03/1857. Tòa án cho rằng Scott không phải là người tự do dựa theo nơi ở của ông, dù là Illinois hay Wisconsin, bởi vì ông không được coi là một con người theo Hiến pháp Mỹ – theo ý kiến của các thẩm phán, người da đen không được coi là công dân khi Hiến pháp được soạn thảo vào năm 1787. Theo Taney, Dred Scott là tài sản của chủ nô, và tài sản không thể bị tước khỏi một người nếu không có một quy trình pháp lý nhất định.
Thực ra, vẫn có những công dân Mỹ là người da đen tự do sống ở thời điểm năm 1787, nhưng Taney và các thẩm phán khác đang cố gắng ngăn chặn cuộc tranh luận đi xa hơn về vấn đề nô lệ ở các vùng lãnh thổ. Quyết định này gây ra xung đột âm ỉ thêm bốn năm nữa trước khi bùng nổ thành Nội chiến Hoa Kỳ.
Nguồn: Dred Scott decision, History.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét