Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào…Nguyễn Xuân
Phúc
Đảng tắt thở thì cuộc đời mới thở. Nguyễn Chí Thiện
Kiều bào Cambodia. Ảnh chụp năm 2017
Cambodia có nhiều nơi mà tên gọi bắt đầu bằng từ
ngữ kampong: Kampong Thon, Kampong Speu, Kampong Cham, Kampong Chhnan... Tôi
xem bản đồ thì thấy là những địa danh này đều nằm ở ven sông, rồi
hỏi ra mới biết rằng kampong (trong ngôn ngữ Khmer) có nghĩa là bến
bãi. Cũng tựa như người Việt gọi Bến Thành hay Bến Ngự vì cả hai
ngôi chợ này đều nằm cạnh bờ sông.
Tôi ghé Kampong Chhnan nhiều lần nhưng mãi đến hôm rồi
mới biết là nơi đây có một xóm nhỏ tên thuần Việt là Bến Ván. Cũng
như tất cả những bờ bến khác, Bến Ván nằm sát mé sông (sông Tonlê
Sap) cách Phnom Penh chừng 70 KM về hướng Bắc. Cứ đi theo quốc lộ 5 –
đến ngay cột cây số 66 – sẽ thấy bên phải có ngã rẽ vào một hương
lộ nhỏ, vắng tanh.
Xe tiếp tục chạy tung bụi đỏ mịt mù khiến tôi có
cảm tưởng là mình sẽ đi vào một ... cõi hư vô nào đó nhưng chả bao
lâu thì chợt thấy lờ mờ phía trước là một đám đông. Hoá ra là một
cái chợ lộ thiên. Có lẽ vì không mấy khi có một chiếc xe bốn bánh
lạc lõng tới đây nên lòng đường bị bạn hàng lấm chiếm đến hơn phân
nửa. Phải bóp còi inh ỏi không ngừng mới vượt qua thêm được một đoạn
đường chỉ chừng hai hay ba trăm mét.
Sau chợ đến chùa, nếu có thể gọi một gian nhà sàn
với vài ba tượng phật là một ngôi chùa – chùa Bến Ván. Kề cạnh là
một gian khác (nhỏ nhắn hơn) tứ bề cũng trống huơ trống huếch. Bên
trong có kê mấy cái bàn thô ráp, hơi dài, được giới thiệu là trường
học – trường Bến Ván.
Thầy trụ trì tuy chưa bước vào ngưỡng cửa tứ tuần
nhưng tóc đã lốm đốm bạc rồi. Cử chỉ và ngôn từ của ông đều vô
cùng điềm đạm:
* Sư đệ mất gần mười năm nhưng mới thực hiện được có
bi nhiêu đó thôi à.
* Bộ Phật tử không cúng dường gì hết trơn, hết trọi
sao?
Nhà sư chỉ tay xuống mấy chụp túp lều lụp xụp,
bồng bềnh dưới mé sông, với ít nhiều ái ngại:
* Đồng bào mình ở đây nghèo lắm, và đều là dân chài
hết nên kêu gọi họ đóng góp chả khác nào khuyến khích sát sanh nên
sư đệ sợ mang tội.
* Còn Hội Việt Kiều có giúp đỡ gì mình không sư?
Tôi hỏi theo thói quen nghề nghiệp chớ cũng đã đoán
trước được câu trả lời:
“Không dám giúp đỡ” đâu. Họ không sách nhiễu là mừng
muốn chết rồi. May nhờ mấy ông xã ấp người Miên họ thương và bênh
vực dữ lắm lắm nên bây giờ mới được yên như vậy đó, chớ mấy năm
trước hội cứ cho người tới kiếm chuyện rầy rà hoài hà!
Tôi niệm thầm (“Nam Mô A Di Đà Phật”) thay cho một
tiếng thở dài, cố nén:
Thiệt ra thì ở đâu có hội này là chỗ đó phải có
chuyện thôi, sư ơi.
Tôi nói hết sức nhỏ nhẹ, và cũng rất thực lòng,
như một lời an ủi gửi đến một vị tu sĩ trẻ đang bơ vơ hoằng pháp
giữa quê người đất khách. Dù chỉ loanh quanh ở Biển Hồ vài ba năm nay
thôi nhưng thái độ, cũng như cung cách làm việc của nhân viên Đại Sứ
Quán Việt Nam (và Hội Việt Kiều) ở cái Xứ Chùa Tháp này thì tôi
... rành lắm. Tôi “đụng chuyện” với họ hoài mà.
Lẽ ra tui cũng không thèm nói đâu nhưng mới rồi nghe
ông Nguyễn Xuân Phúc lên giọng giả nhân/giả ngãi (“Tổ quốc lắng nghe hơi
thở của bà con kiều bào, đặc biệt lắng nghe những nguyện vọng, những ý kiến
đóng góp quý báu của bà con dành cho đất nước ...) nên cũng xin có đôi lời
xin thưa cùng “tổ quốc” cho nó tỏ tường.
Là thành viên của một hội thiện nguyện (Hiệp Hội
Vì Dân - Vidan Foundation) tôi được cử đến làm việc ở trường làng
Kandal – cũng thuộc Kampong Chhnan, cách Bến Ván cỡ 70 cây số về hướng
Bắc – do Hội Đồng Hương Perth Tây Úc (cùng với sự bảo trợ của 2VNR
Radio) khởi công xây cất từ năm 2010.
Khi tới nơi, vào cuối năm 2014, tôi mới biết rằng ngôi
trường khang trang này không có nước cũng không có điện luôn. Loay hoay
mãi mới bắt được nước, câu được điện, để có thể xử dụng được nhà
vệ sinh, và gắn đèn với quạt cho ba lớp học. Trước khi rời khỏi đây,
tôi cũng xin được Hiệp Hội cho phép gửi lại một số tiền tráng xi
măng nền trường, vốn bằng đất nện, để biến nó thành sân chơi cho học
sinh (vào mùa nước cạn) và hẹn sẽ quay lại trước Hè.
Về chưa được nửa đường, mới tới sân bay Taoyuan (Đài
Loan) đã nghe có chuyện phiền hà̃: Hội Việt Kiều cho người tới điều
tra coi nguồn tiền ở đâu ra mà bắt nước, kéo điện, lắp đèn, lắp
quạt tùm lum thứ vậy? Có biết tên tuổi, lý lịch của người tài trợ
không? Họ còn đòi kiểm soát sách giáo khoa, sợ dậy sai đường lối
chính sách, dù trường làng Kandal chỉ dậy tới lớp ba thôi!
Qua năm 2015 - 2016, tôi được cử đi làm việc với mấy
trường học có dậy tiếng Việt ở Neak Loeung (tên Việt là Hố Lương)
một thành phố nhỏ giáp biên Miên/Việt, cách thủ đô Nam Vang 65 KM về
hướng Đông Nam.
Thì cũng gọi là trường vì quen miệng chứ thực ra
thì đây là những lớp học tuyềnh toàng, tạm bợ. Tuy học phí mỗi ngày
chỉ là 500 riels tiền Miên (cỡ 12 xu U.S.D) nhưng số học sinh hiện diện
vẫn rất thất thường vì còn tùy thuộc vào khả năng (chạy ăn từng
bữa) của cả gia đình.
Với khả năng tài chính (rất giới hạn) của Hiệp
Hội, chúng tôi chỉ có thể thực hiện được những trợ giúp vô cùng
nhỏ nhặt: tặng sách bút chỗ này, thêm bàn ghế chỗ kia, cơi nới chỗ
nọ cho thêm rộng, và mọi trường đều được tài trợ để cả thầy lẫn
trò yên tâm hơn ... trên con đường học vấn!
Chỉ vậy thôi nhưng khi chúng tôi trở lại lần thứ hai
là có chuyện liền. Đang ngồi ăn trưa tại nhà của một người dân địa
phương thì mấy cái xe Honda đã lạng tới lạng lui trước cửa, với mấy
khuôn mặt rất cô hồn cùng ánh mắt vô cùng soi mói.
Đám công an bên Hồng Ngự đó. Sao mà họ biết tin lẹ
qúa, vậy Trời!
Chủ nhà nói như than. Ngay sau đó thì điện thoại kêu.
Không rõ nội dung cuộc điện đàm ra sao, chỉ nghe khổ chủ cuống quýt
vâng dạ liên hồi. Xong, ông nhỏ giọng phân trần:
Nhân quyền không biết ở tận đâu, chớ chính quyền thì
gần lắm. Dù nằm ở bên kia biên giới nhưng đồn công an Hồng Ngự chỉ cách
nhà tui có vài chục cây số thôi hà!
Ngay lúc đó, tôi thực tình không tin rằng đám công an
VN có thể lộng hành đến như vậy trên lãnh thổ của một nước láng
giềng có chủ quyền. Chả qua vì dân Việt ở Cambodia hiền lành quá nên
bị họ bắt nạt thôi. Nhưng đến giờ thì tôi biết rằng mình lầm lớn,
và lầm lắm.
Ngày 17 tháng 2 năm 2018 vừa qua, nữ biên tập viên
Zeitmagazin cho hay rằng mật vụ Việt Nam có thể sẽ vươn tay tới những người bất
đồng chính kiến tại Đức. Hai hôm sau, tờ báo này cho biết thêm: “Ngay tại
nước Đức người Việt Nam cũng không nên nói và viết lên sự thật – bằng không họ
sẽ bị hăm dọa và tấn công.”
Giữa thủ đô Đức Quốc mà đám đàn em của Đại Sứ Côn
Đồ Đoàn Xuân Hưng còn dám hăm he cho nhà báo Bùi Thanh Hiếu và Lê
Trung Khoa “ăn tiết canh ngan” thì xá chi cái mạng (nhỏ xíu xiu) của
một ông kiều bào vô danh, đang sống lây lất ngay sát cạnh ranh giới
Việt/Miên.
Hung hãn như vậy đó nhưng khi “Campuchia tước quyền công
dân 70.000 người gốc Việt” thì tất cả im re. Bản tin của Đại Sứ Quán
Việt Nam tại Cambodia còn không hề
có được một dòng chữ nào về sự kiện vô đạo lý và pháp lý này.
Trong lúc thiên hạ vô cùng hoang mang thì người phát ngôn của bộ ngoại
giao ta, bà Lê Thị Thu Hằng, “phát ra" một câu thúi hoắc – y như tiếng rắm:
Việt Nam và Campuchia có quan hệ láng giềng hữu nghị truyền
thống tốt đẹp. Cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã có
nhiều đóng góp cho sự phát triển của Campuchia cũng như vun đắp quan hệ hữu nghị
truyền thống giữa hai nước. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn Campuchia tiếp
tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi và có biện pháp phù hợp để đảm bảo các quyền
lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt.
Sau bà Hằng lại đến ông Phúc: “Tổ quốc lắng nghe hơi thở
của bà con kiều bào...” Tôi lậy cả ông
lẫn bà, đám dân trôi sông lạc chợ ở Cambodia đã khổ lắm rồi, cho họ
xin hai chữ bình an đi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét