Hôm 23 tháng 2 vừa qua, Bộ tài chánh CSVN đã đưa ra ý kiến dự
trù sẽ tăng thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít.
Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít…
Bộ Tài Chánh cho rằng do việc cắt giảm mức thuế nhập khẩu -
để khuyến khích đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do - đã làm ảnh hưởng đến
nguồn thu ngân sách. Lý do này đã bị các chuyên gia kinh tế trong nước cho là không
hợp lý, vì việc giảm mức thuế nhập khẩu đã xảy ra từ thời hội nhập 2007 tới
nay, và thuế nhập khẩu chỉ chiếm 4.7% ngân sách. Lý do tăng một lúc cả thuế bảo
vệ môi trường lẫn VAT lên xăng dầu, và tăng hàng loạt các loại thuế khác là vì
bội chi và cần kiếm tiền để trang trải các khoản nợ của nhà nước đang càng ngày
càng chồng chất.
Nếu đề nghị tăng thuế xăng dầu của Bộ Tài Chánh được Quốc hội
CSVN chấp thuận thông qua thì đầu tháng 7 năm 2018, sẽ chính thức áp dụng, và đời
sống người dân lao động sẽ vô cùng khốn đốn vì giá xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng
lên mọi lãnh vực và mặt hàng.
Trong khi đó, từ cuối năm ngoái, Bộ Tài chánh cũng đã gửi Dự
thảo Luật tăng thuế hàng loạt đến Bộ Tư Pháp để thẩm định, trước khi chuyển đến
Thủ tướng và Quốc hội ký và ban hành trong năm 2018.
6 loại thuế được Bộ Tài Chánh đề nghị gia tăng bao gồm: Thuế
đánh trên trị giá gia tăng (Value Added Tax-VAT) sẽ tăng từ 10% lên 12% (dù hiện
đã rất cao và đóng góp ở mức 27% cho ngân sách quốc gia), thuế tiêu thụ đặc biệt,
thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, và thuế xuất-nhập
khẩu. Bộ Tài Chánh cũng đang nghiên cứu để có thể đánh thuế tài sản trong năm
2018.
Tháng 8 năm ngoái, người dân đã bị chấn động vì thuế đất phi
nông nghiệp tăng gấp 3, 4 lần mà không được thông báo.
Trong lần phác họa Dự Thảo Luật kỳ này, Bộ Tài Chánh đặc biệt
đã tổ chức riêng một cuộc gặp với các chuyên gia kinh tế hàng đầu vào tháng
8/2017 để lắng nghe ý kiến. Cuộc gặp đó chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng mà Bộ Tài
Chánh đã trình bày tới 2/3 thời gian, và sau khi các chuyên gia góp ý, Bộ Tài
Chánh vẫn không có sự tương nhượng hay thay đổi nào đáng kể về Dự Thảo Luật.
Thuế cao đe dọa bất ổn
Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, và ngay cả Bộ Kế
hoạch-Đầu tư đều lên tiếng cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng thuế,
bao gồm:
1. Gia tăng lạm phát, giảm tiêu thụ và khiến nền kinh tế suy
yếu.
2. Ảnh hưởng tăng thuế sẽ làm người nghèo bị tổn thương nhiều
hơn, đưa đến sự bất công và gia tăng bất mãn trong xã hội vốn đã phân cực mạnh
về độ chênh lệch giầu nghèo.
3. Doanh nghiệp nội địa sẽ giảm khả năng cạnh tranh so với
hàng nhập khẩu do giá thành bị nâng cao, đưa đến thua lỗ, sa thải bớt nhân
viên, phá sản...
4. Bất ổn xã hội khiến đầu tư ngoại quốc (FDI) e ngại và rút
lui.
Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực này đều tạo hệ quả ngược, đó
là tiền thu thuế sẽ giảm khi kinh tế đình đọng, doanh nghiệp đóng cửa, người
dân thất nghiệp và dân nghèo thêm khốn đốn.
Tính toán từ Tổng cục Thống kê cho thấy nếu thuế VAT tăng
lên 12% như đề nghị, thì chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm 0,5% và chỉ
số giá tiêu dùng sẽ tăng lên gần 2, 3%.
Ảnh: Global Finances
VAT tăng trên điện, nước xăng, dầu sẽ dẫn đến các mặt hàng
nông sản, hải sản, lương thực vận chuyển tới chợ tăng giá theo. Chi phí sinh hoạt
tăng sẽ khiến tiền lương tối thiểu cũng bị áp lực tăng. Chi phí cao, doanh nghiệp
buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Lạm phát là hệ quả tất yếu không tránh khỏi.
Tăng thuế vì hết tiền
Chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) hiện đang hết tiền vì nguồn
thu đang giảm do dầu thô xuống giá; thuế công ty và thuế nhập cảng giảm; thị
truờng bất động sản suy thoái, không vận động được người dân bỏ tiền vào Ngân
Hàng tiết kiệm; thất thu thuế do gian lận, lách thuế, trốn thuế, buôn lậu, làm
hàng giả, hàng nhái, tham nhũng... Trong khi đó, mức chi càng ngày càng khuyếch
đại do tham nhũng, lãng phí, đầu tư bừa bãi, trả lãi trên các món nợ công khổng
lồ.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 của VEPR, tính đến
15/12/2017, tổng thu ngân sách chỉ đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán
năm, chi ngân sách đã đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, dẫn tới thâm hụt ngân sách
115,5 nghìn tỷ đồng.
Dự chi ngân sách năm 2018 tiếp tục đề xuất 1.390 nghìn tỷ đồng
mà không có chính sách cắt giảm nào, trong khi lại áp dụng những biện pháp tận
thu thuế toàn dân.
Bội chi và nợ công tăng cao là hai vấn nạn chòng chéo kéo
dài khiến Bộ Tài Chánh phải tìm cách dễ nhất, mà cũng thiển cận nhất, đó là moi
túi của người dân dù lợi bất cập hại.
Theo báo cáo chi - tiêu công Việt Nam (Ngân hàng Thế giới -
WB công bố), giai đoạn 2011-2015, bội chi ngân sách bình quân 5,6% GDP/năm. Hệ
quả, nợ công tăng mạnh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015.
Trong đó, nợ chính phủ hơn $54,6 tỷ MK, nợ chính phủ bảo
lãnh hơn $9,4 tỷ MK, nợ chính quyền địa phương hơn $3,3 tỷ MK. Phân nửa số nợ
vay trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, nghĩa là ngân sách nhà nước sẽ phải
dành ra hơn $33,6 tỷ MK (738 nghìn tỷ đồng) để trả nợ, chưa kể các khoản vay nước
ngoài đáo hạn.
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm 2017, ngân sách
đã chi 147,6 nghìn tỷ đồng trả nợ gốc đáo hạn, và chi 91 nghìn tỷ đồng trả nợ
lãi.
Người dân phẫn nộ
Người dân phẫn nộ không những vì mức thuế đủ loại càng ngày
càng gia tăng, và có khi gia tăng không thông báo, mà nhà nước lại không hề
minh bạch về các khoản chi với những sự phung phí vô độ, có khi là vô lương tâm
như vụ “ăn mừng 50 năm tổng tiến công Tết Mậu Thân” hôm 31/1/2018.
Bộ Tài Chánh còn nói dối 2 điều, đó là mức thuế VAT của Việt
Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, do vậy cần phải điều chỉnh, và tăng
VAT sẽ không ảnh hưởng đến dân nghèo, trong khi thực tế người nghèo chịu thiệt
hơn cả.
Ảnh hưởng tăng thuế sẽ làm người nghèo bị tổn thương nhiều
hơn. Ảnh: VnEconomy
Số liệu thống kê cho thấy thực tế hiện tại đa số các nước
trong khu vực có mức thuế VAT thấp hơn Việt Nam: Malaysia 6%; Thái Lan,
Singapore 7%; Lào, Campuchia và Indonesia 10%; riêng Philippines là 12%. Tại một
số nền kinh tế châu Á khác, Đài Loan đang đánh thuế VAT 5%, Nhật Bản 8%, Hàn Quốc
10%.
Xét về tỷ lệ đóng góp của VAT (ở mức thuế VAT hiện nay là
10%) trong tổng thu ngân sách chiếm tới 27,5%. Trong khi đó, dù mức thuế trung
bình của EU cao hơn hẳn Việt Nam, VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu
ngân sách của các nước này.
Theo dữ liệu của Bộ Tài Chánh, thuế bảo vệ môi trường tăng
hơn 4 lần trong 5 năm qua kể từ 2012 với số thu là 11.160 tỷ đồng, tăng lên mức
44.825 tỷ năm 2017, và dự trù lên tới 55.591 tỷ đồng năm 2018. Trong lúc số thu
tăng vọt thì mức chi cho việc bảo vệ môi trường lại không tương ứng, chỉ tăng từ
9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ sau 5 năm. Vậy số tiền thuế BVMT còn lại
đi đâu?
Về thuế Bảo vệ môi trường, Tiến sĩ Ngô Trí Long chia sẻ:
“Trên thế giới, không phải nước nào cũng đánh loại thuế này, và ở mức ngày càng
cao, theo kiểu tận thu. Điều này thực sự là không hợp lý.”
“Tại sao Bộ Tài chính không so với Malaysia (cùng khu vực)
nhưng giá xăng thấp hơn Việt Nam? Tại sao, Bộ Tài chính không so sánh giá xăng
với Mỹ, có thu nhập cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn?
Tại sao Bộ Tài chính chỉ so sánh với Lào, Campuchia là nước không có dầu khai
thác trong khi Việt Nam có dầu thô?”, Tiến Sĩ Long nguyên Viện Trưởng Viện
Nghiên Cứu Giá của Bộ Tài Chánh đưa ra hàng loạt câu hỏi.
Dư luận cũng đặt vấn đề là tại sao Bộ Tài Chánh không đánh
thuế Bảo vệ môi trường lên các công ty gây ô nhiễm, bệnh tật như: nhiệt điện,
thép, hóa chất, các khu công nghiệp không chịu xây hệ thống giải quyết nước thải
như Formosa, mà lại cứ nhắm vào dân?
Chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Vũ Đình Ánh từng lên tiếng “Rõ
ràng là các ông đang tận thu tiền của người dân một cách trắng trợn bằng cách
thu thuế, ảnh hưởng đến đời sống mà cuối cùng chỉ có dân là khổ”.
Cùng Tất Biến
Những biện pháp tăng thuế của Bộ Tài Chánh nói trên chỉ là
trị liệu bằng cách bôi thuốc đỏ hay cho uống thần dược “xuyên tâm liên” đối với
con bệnh ung thư đang ở thời kỳ cuối cùng. Nó chỉ có một tác dụng duy nhất là từng
bước kích lên làn sóng bất mãn của người dân ngày một gia tăng mà thôi.
Sự kiện hết tiền, thu thuế không đủ chi ngày hôm nay đến từ
hai nguyên do:
Thứ nhất, chính chủ trương nóng vội “hóa rồng” bằng cách đổ
hàng trăm tỷ Mỹ Kim vay mượn vào việc xây dựng hàng trăm Tập đoàn kinh tế và Tổng
công ty nhà nước để tạo thành những pháo đài phát triển nền công nghiệp từ năm
2006 đến 2016, đã làm khánh tận đất nước. Tham nhũng, phung phí của các bộ phận
là một phần nguyên nhân, nhưng chính sự ngu dốt và ngạo mạn của lãnh đạo với những
dự án không tưởng, đang nằm đắp chiếu rải rác ở khắp ba miền đất nước mới là
nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự khánh tận ngày hôm nay.
Vụ án OceanBank là một trong nhiều ví dụ điển hình về việc
lũng đoạn tài chánh và thủ lợi riêng.
Lãnh đạo CSVN đã không nhìn ra nguyên nhân chính yếu này để
sớm từ bỏ quyền lực độc tôn, trọng dụng nhân tài quốc gia hầu khôi phục nền kinh
tế thị trường đúng nghĩa, mà chỉ loay hoay với một số thủ đoạn “đốt lò” diệt
tham nhũng thì cái ngày phá sản quốc gia sớm muộn gì cũng phải trực diện nay
mai.
Thứ hai, chính bộ máy độc tài, bao biện mọi thứ đã là nguyên
nhân lớn dẫn đến bội chi ngân sách. Đảng CSVN hiện đang phải nuôi 8,5 triệu người
bằng ngân sách quốc gia, trong số này có tới 2,8 triệu công chức. Lãnh đạo CSVN
đã nhiều lần nói đến cắt giảm nhân sự, áp dụng chính sách gọi là “nhất thể hóa
chức danh cán bộ” để hy vọng qua đó cắt giảm 400 ngàn công chức; nhưng chính sự
cắt giảm nhân sự lại xảy ra những tranh chấp ngấm ngầm trong nội bộ vì ai sẽ
nghỉ và ai sẽ được thăng quan tiến chức.
Hơn thế nữa, đây là lúc mà lãnh đạo CSVN rất ngại những xáo
trộn nội bộ vì dễ đưa đến những suy diễn tiêu cực, do mang tâm lý bị đào thải nếu
thấy mình bị giáng chức và loại khỏi một cơ chế nào đó.
Rốt cuộc là CSVN đang ở vào hoàn cảnh bế tắc, tiến thoái lưỡng
nan. Làn sóng bất mãn của người dân về mặt đời sống sẽ bùng nổ khó tránh trong
thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét