Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

3213 - Donald Trump bắt buộc phải xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên

Minh Anh

         Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Reuters


Đề nghị đối thoại trực tiếp về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đặt chính quyền Washington trước một bước ngoặt ngoại giao lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể kéo dài tình trạng trì trệ, bế tắc, và buộc phải ra tay. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào ?

Theo giới chuyên gia, có một điều chắc chắn là Washington bị bất ngờ trước đề nghị đối thoại trực tiếp về hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bằng chứng thấy rõ là thái độ kềm chế bất thường của chủ nhân Nhà Trắng khi ông phát biểu : « Tôi không muốn nói nhiều về những việc mà chúng tôi vẫn còn chưa biết rõ ».

Dù chưa có nhiều thông tin cụ thể về đề nghị của Bắc Triều Tiên, nhưng khi tiếp các đặc sứ Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dường như cam kết là có thể « tạm ngưng » các chương trình vũ khí gây tranh cãi, đổi lấy việc mở lại đàm phán với Hoa Kỳ. Thậm chí, Bắc Triều Tiên còn sẵn sàng ngưng hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, nếu như Hoa Kỳ bảo đảm an ninh và từ bỏ mọi hành động quân sự, ý định lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.

Washington đón nhận đề nghị của Bình Nhưỡng với thái độ cẩn trọng. Cho dù tổng thống Mỹ đánh giá tình hình là « lạc quan », nhưng nội bộ chính quyền Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ thiện chí của Bắc Triều Tiên. Bởi vì, kinh nghiệm từ 27 năm qua cho thấy mọi cuộc thương thuyết đều « xôi hỏng bỏng không ». Bắc Triều Tiên luôn tìm cách xóa bỏ mọi thỏa thuận đạt được với Hoa Kỳ.

Do đó, theo quan điểm của một cựu quan chức Hội đồng An ninh, phụ trách về châu Á, dưới thời tổng thống Barack Obama, được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng trên thực tế đang tìm cách gieo mối bất hòa giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời dùng chiêu bài thương lượng để kéo dài thêm thời gian.

Bình Nhưỡng biết được rằng Seoul và Washington bất đồng trong cách tiếp cận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một bên thì chọn « củ cà rốt », còn bên kia thì thích « cây gậy ». Nếu như Hoa Kỳ kiên quyết « đóng sập cửa » với Bắc Triều Tiên, điều đó có nguy cơ đè nặng hơn nữa lên mối quan hệ Mỹ - Hàn cũng như việc áp dụng nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt.

Vẫn theo phân tích của AFP, đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng có thể còn làm cho sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ thêm sâu sắc, giữa một bên là cố vấn an ninh quốc gia, H. R. McMaster, chủ trương đường lối cứng rắn và bên kia là lãnh đạo bộ Quốc Phòng, James Mattis, ủng hộ chính sách ôn hòa hơn.

Mặt khác, nếu cứ cho là đề nghị của Kim Jong Un là nghiêm túc, thì vào lúc này, Hoa Kỳ cũng khó có thể tiến hành các cuộc thương lượng trực tiếp, bởi vì hiện nay, Mỹ không có đại sứ tại Hàn Quốc, không có đặc sứ chuyên trách về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, rồi sự thiếu vắng chuyên gia tại bộ Ngoại giao.

Theo các quan chức Mỹ, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, thì gần như không thể lựa chọn giải pháp quân sự. Mọi cuộc tấn công nhắm vào Bắc Triều Tiên đòi hỏi một sức mạnh quân sự có quy mô lớn và chắc chắn ngay lập tức, đe dọa sinh mệnh của khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và hàng triệu thường dân Hàn Quốc trước sự « trả đũa » của Bình Nhưỡng. Do vậy, ngoại giao dường như là cách chọn lựa tốt nhất.

Giờ đây, dù quyết định có là gì đi chăng nữa, đánh hay đàm, các quyết định của Donald Trump, đã được đặt trên bàn của phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, buộc Hoa Kỳ phải hành động để thoát ra khỏi những năm tháng bế tắc kéo dài trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đầy gai góc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét