Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

3071 - Công an phá buổi sum họp gia đình: Thêm một cái tát vào bộ mặt chế độ

Nguyễn Tường Thụy (VNTB) 


Chuyện chỉ có thế thôi nhưng chính quyền đã mắc chứng “tẩu hỏa nhập ma” mạn tính. Họ đã đối phó như thế nào? 

Bắt đầu từ một bữa cơm gia đình

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao công an Việt Nam, ít nhất cũng là cấp tỉnh - thành phố lại có thể hành xử một cách ngu ngốc như vậy, khi tập trung quân số đông chưa từng có nhằm vào tôi, chỉ với mục đích phá một bữa cơm họp mặt gia đình hôm 27/2/2018 vừa rồi. Họ đã hành xử với tôi theo luật rừng rất nhiều lần như bắt tôi vào đồn hàng chục lần, theo dõi từng bước chân, canh chặn không cho tôi đâu mỗi khi có sự kiện kể cả sự kiện họ tưởng tượng ra; xông vào nhà đánh và bắt người mang lên đồn nhốt chơi… Nhưng vụ việc này là không thể tưởng tượng nổi cách tính toán của họ.

Vợ chồng anh vợ tôi ở Lâm Đồng ra HN chơi, hẹn chúng tôi sẽ đến nhà tôi vào sáng ngày 27/2/2018. Nhân dịp này, chúng tôi có mời một số anh em thân thuộc tới ăn cơm cho thêm phần vui vẻ. Nhân vật chính trong bữa tiệc này là vợ tôi và anh trai ruột cô ấy. 

Công an đã đối phó như thế nào? 

Chuyện chỉ có thế thôi nhưng chính quyền đã mắc chứng “tẩu hỏa nhập ma” mạn tính. Họ đã đối phó như thế nào? 

Từ chiều hôm trước, trưởng xóm đã đi nhắc nhở các hàng quán, thông báo cấm các gia đình không cho gửi nhờ xe, nếu cho gửi xe sẽ bị phá. 

Không chỉ bao vây nhà tôi, nhiều người được cho là khách mời của nhà tôi bị canh chặn tại nhà không cho đi. Ví dụ cảnh canh chặn nhà chị Cấn Thị Thêu.

Nhà chị Cấn Thị Thêu bị canh chặn
Sáng sớm đã có rất đông những kẻ quen mặt có, lạ mặt có, có cả ô tô, có cả an ninh thành phố về, bao vây nhà tôi. Không có được con số chính xác 30, 40, 50 hay hơn. Chỉ biết chưa bao giờ, họ huy động một lực lượng đông đến như thế nhằm vào tôi. Tất cả bịt mặt như quân IS với thái độ hung hãn sẵn sàng lao vào khủng bố đối tượng. 

8h56’, điện bị cắt. Bài bản quen thuộc. 

9h50’ anh chị tôi đi taxi đến. Lập tức, đội quân canh sẵn xông vào khống chế ngay trước cửa. “Phản động” đây rồi. Hai “phản động” đến nhà tôi gồm một ông già và một bà già đều đã trên 70 tuổi. Bọn chúng bu đến như ruồi nhặng, đứa nào cũng bịt mặt. Anh tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi lý do, mang lẽ mang luật mang đạo lý ra nói chuyện thì bị chúng chửi láo và xô đẩy. Chúng chỉ có một cái “lý” duy nhất: đây là lệnh trên. 

Vợ tôi bế cháu ra đón anh chị cũng bị xô đẩy, xưng hô mày tao và chửi bằng những bài đã được dạy sẵn: mày bán nước hại dân, mày thế này thế nọ… 

Tôi mở điện thoại ra phát trực tiếp, chúng sấn đến như những con thú, cướp máy, chửi bới, nhổ nước bọt, hất nước bẩn vào người. Sợ bị cướp máy, tôi lùi vào trong đóng cửa lại và tiếp tục quay qua lỗ tò vò. Lúc này, điều quan trọng nhất của tôi lúc này là phải ghi được hình ảnh. Chúng đạp cửa thình thịch, chửi bới, và tiếp tục đe dọa, tỏ ra sẵn sàng giết người đến nơi. Thật là kinh khủng. Mặc kệ, tôi vẫn tiếp tục quay và phát trực tiếp lên facebook. 



Ảnh: Những “chiến binh IS” đằng đằng sát khí
Bà chị dâu vốn rất nhát tái mặt, run rẩy. Chưa bao giờ chị chứng kiến cảnh tượng như thế. Chị sợ quá kéo bằng được chồng đi. Anh đã từng vào Nam, ra Bắc, cận kề cái chết, chẳng mảy may sợ hãi nhưng cực chẳng đã, anh đành phải theo ý vợ lên taxi ra sân bay để về Sài Gòn. 

Ngưu tầm ngưu 

Đám lưu manh, côn đồ lần được huy động canh chặn nhà tôi nhiều lần vô cùng hung hãn và láo xược. Việc công an sử dụng côn đồ, lưu manh ngày càng phổ biến. Có thể nói ở ngoài đường, chỗ nào có công an là chỗ ấy có côn đồ được huy động để hỗ trợ. Không chỉ công an, chính quyền, doanh nghiệp cũng sử dụng côn đồ vào mục đích cướp đất của nông dân. Khi công an đã đi cùng hàng với lưu manh thì đủ biết chế độ đang đi đến đâu, bản chất của nó là gì? Nó có chính danh không? 

Phải thừa nhận công an cũng khéo tìm người để hợp tác nhằm “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảng giao”. Bọn lưu manh này không có khả năng phân biệt phải trái, đạo lý, không biết gì về pháp luật, không có liêm sỉ, hung bạo. Nói tóm lại là thứ cặn bã rác rưởi của xã hội. Chính vì thế, thuê bọn này cũng rẻ. Trưa hôm đó, theo hàng xóm nói lại, nhiều đứa phải vào quán ăn mì tôm với giá 10 nghìn. Điều vô cùng nguy hiểm cho họ là thứ rác rưởi đó lại được sử dụng để bảo vệ chế độ. Điều này nói lên sự mục ruỗng, thối nát của chế độ. Người tử tế không bao giờ chấp nhận cho công an sử dụng mình vào những việc làm phi pháp, trái đạo lý. 

Thành công không phải từ chúng tôi 

Xin kể hơi dài dòng một chút: Năm 1966, anh vợ tôi bỏ đại học xin đi bộ đội. Sau đợt huấn luyện cơ bản cho tân binh 3 tháng, anh được cử đi học đại học quân y. Sau đó anh vào chiến trường Quảng Trị 1972. Vì vậy, đứa con trai cả của anh được đặt tên là Quảng Trị để kỷ niệm. Anh là một trong một vài người thoát chết trở về. Ra Bắc, anh làm bác sĩ ở các bệnh viện quân đội rồi chuyển ngành làm giám đốc trung tâm y tế của một huyện của tỉnh Lâm Đồng. Ông cụ (bố vợ tôi) là cán bộ hoạt động thời tiền khởi nghĩa. Với lý lịch như vậy, tuy vẫn yêu thương các em nhưng vợ chồng chúng tôi luôn bị anh mắng về quan điểm chính trị, thậm chí mắng chúng tôi là “chúng mày phản bội lý tưởng của bố và anh mày”. Chúng tôi giải thích thế nào cũng không thay đổi được. Khi chúng tôi kể về những sai trái của chính quyền, anh không bao giờ tin. 


Bây giờ anh được chứng kiến tận mắt việc làm xằng bậy của công an, bị chúng xúc phạm, chửi bới, hẳn là anh đã tin những gì chúng tôi nói là thật. Anh đi rồi, từ sân bay Nội Bài gọi điện cho chúng tôi bằng giọng vô cùng phẫn nộ. Tôi cho rằng, nhãn quan chính trị của anh sẽ có sự thay đổi đột biến trong sự kiện này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét