Buổi lễ công bố ứng viên đạt danh hiệu giáo sư và phó giáo sư năm 2015 tại Hà Nội.
Những ngày gần đây, vấn đề cộng nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư được dư luận đặc biệt quan tâm, khi thông tin số lượng giáo sư và phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến, trong đó có nhiều người bị khiếu nại không đủ tiêu chuẩn.
Thông tin nhiều giáo sư và phó giáo sư bị phản ánh không đạt tiêu chuẩn như vậy làm dư luận dấy lên câu hỏi về chức năng của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.
Bị chi phối
Chiều hôm 1 tháng 3 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng có 94 ứng viên có đơn thư phản ánh chưa đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư theo quy định. Những trường hợp này bao gồm chưa đủ đề tài, bài báo, giờ giảng, chưa đủ nghiên cứu khoa học,…
Trước đó, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố năm 2017 có 1.226 người được phong chức danh giáo sư và phó giáo sư. Con số này cao hơn năm 2016 là 534 người và được truyền thông trong nước cho là tăng đột biến.
Sau đó, trước sức ép từ dư luận, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giáo dục phải xem xét lại tất các ứng viên giáo sư và phó giáo sư xem đã đủ tiêu chuẩn chưa.
Cho đến bây giờ, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước mới chỉ chính thức thừa nhận một trường hợp phó giáo sư duy nhất không đạt tiêu chuẩn.
Chuyên gia giáo dục, Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng con số 94 người bị tố cáo chưa đủ tiêu chuẩn vẫn còn là ít so với những gì ông nghĩ. Tuy nhiên ông nói rằng con số này cũng đủ để đánh giá mức độ nghiêm túc trong hoạt động của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước:
Hội đồng chức danh giáo sư và các hội đồng con trực thuộc đã không nghiêm túc. Mà không nghiêm túc bằng một con số gần một trăm người như vậy thì tôi nghĩ Hội đồng chức danh này có vấn đề.
Qua việc kỳ này tôi cho rằng nên đặt lại vấn đề của Hội đồng chức danh này và nếu có thể thì nên lập một hội đồng khác vô tư, độc lập và có chất lượng hơn. Trong đó nên mời các giáo sư quốc tế tham gia để tinh thần vô tư, khách quan được đảm bảo.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu ra thực trạng là hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung, trong đó bao gồm nhiều hội đồng khác nhau, đã bị nhiều thế lực có quyền hành, tài chính chi phối:Tại Việt Nam, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước là hội đồng có nhiện vụ đề cử, xem xét, phong tặng hoặc hủy bỏ chức danh giáo sư của Việt Nam. Hội đồng này trực thuộc Bộ Giáo dục và kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách nhà nước. Để được xét tuyển chức danh giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam, các ứng viên cũng cần có các công trình nghiên cứu, có thời gian giảng dạy, hướng dẫn luận án, thành thạo ngoại ngữ. Tất cả đều có quy định riêng đối với từng chức danh.
Hệ thống tuyển chọn giáo sư, và cả hệ thống giáo dục của Việt Nam đã bị những thế lực không có gì là học thuật, không có gì là giáo dục ảnh hưởng và làm méo mó học thuật ở Việt Nam. Ở Việt Nam lại không có điều kiện để điều chỉnh kịp thời. Không có hình thức phản biện hay cơ sở để những người ý thức được chuyện này, không có sự bảo đảm cho những người phản biện trung thực được phát biểu và đưa ra những chuyện bức xúc, hay không được thỏa đáng.
Giáo sư Hưng nhận xét chính cơ chế này kéo dài một thời gian quá lâu đã làm nảy sinh tình trạng như hiện nay.
Trong một bài báo được đăng trên trang mạng news.zing.vn, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, từng được xem là hiệu trưởng trường đại học trẻ nhất Việt Nam khi 35 tuổi, đã nêu ra một vấn đề đó là việc tổ chức xét duyệt hồ sơ và vinh danh các giáo sư là vô cùng lãng phí và không cần thiết.
Ông cũng đưa một nghịch lý đó là hiện nay nhiều giáo sư không có việc chuyên môn, trong khi nhiều đơn vị nghiên cứu hiệu quả lại không có đủ giáo sư, phó giáo sư.
Từ đó ông đặt ra câu hỏi, có lẽ, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và nên trả giáo sư về cho các trường đại học, đơn vị nghiên cứu.
Bộ Giáo dục Đào tạo từng thừa nhận là mặc dù số giáo sư, tiến sĩ đông nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, số công trình nghiên cứu được Việt Nam công bố chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore.
Chỉ Việt Nam mới có!
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, quy trình xét tuyển giáo sư do tự các trường đại học thực hiện chứ không qua một hội đồng của Nhà nước như Việt Nam. RFA trao đổi với Giáo sư Tạ Văn Tài, người được công nhận hàm vị giáo sư tại Mỹ và từng giảng dạy khoa luật tại trường đại học Havard. Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết quy trình tuyển chọn giáo sư tại Mỹ:
Trước hết là đậu tiến sĩ. Và khi họ có một hay nhiều chỗ tuyển lựa. Thường có sự cạnh tranh trên toàn quốc vì thường họ thông báo trên báo chí chuyên môn của các hiệp hội từng ngành. Trong bảng thông cáo họ liệt kê điều kiện về bằng cấp, kinh nghiệm. Khi nộp đơn xong họ có ban tuyển lựa Selection Committee trong từng phân khoa, các phân khoa khác không can thiệp vô. Họ sẽ xét không những về bằng cấp, mà còn cả các tác phẩm có rồi. Nếu người nào có xuất bản trong nhiều báo chí chuyên môn thì có khả năng hơn.
Sau khi tuyển lựa xong, các khoa sẽ cho phỏng vấn vài người để chọn ra một người. Buổi phỏng vấn này rất quan trọng vì mục đích còn để xem tính cách của ứng viên có thích hợp với tinh thần làm việc của phân khoa đó hay không.
Ông cũng nhận định có thể Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước ở Việt Nam bị kiểm soát bởi những thế lực lớn hơn:Giáo sư Tạ Văn Tài cũng cho biết, ở Mỹ rất hiếm trường hợp được công nhận giáo sư khi chưa đủ tiêu chuẩn. Thường chỉ có một số hiếm hoi nói dối về bằng đại học, nhưng sau đó sẽ sớm bị phát hiện qua quá trình điều tra.
Ở Việt Nam có nhiều bạc giả lắm. Hội đồng chức danh giáo sư có thể không do những người trí thức gạo cội, chuyên môn giỏi. Có thể do các tổ chức quyền lực, họ đề cử người này vào làm khoa trưởng trường này hay hiệu trưởng trường kia. Rồi kèm theo chuyện lợi dụng chức vụ đề cử người mình quen biết.
Rất có thể có cả vấn đề Đảng muốn để người nào nắm quyền cao thì đề cử họ vào đó chưa biết chừng.
Gần đây, dư luận trong nước xôn xao về thông tin Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đạo văn trong nghiên cứu khoa học cho chức danh giáo sư. Rất nhiều người đã kêu gọi ông Nhạ phải từ chức. Ông Phùng Xuân Nhạ cũng là Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Thông tin này lại một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về tính chính danh của học vị giáo sư ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét