Biên dịch: Nguyễn Thị Thắm
Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: #65 – Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc thanh trừng năm 1967, và di sản của sự bất đồng chính kiến
Tài liệu này phân tích các cuộc tranh luận nội bộ trong ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH) vốn lên đến đỉnh điểm trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 9 gây nhiều tranh cãi của Đảng Lao Động. Chiến dịch sau đó chống lại “chủ nghĩa xét lại” được xem là một bước đi quyết định của phe Lê Duẩn nhằm loại bỏ những thành phần bị coi là chống Đảng và chuẩn bị kế hoạch tăng cường đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Tài liệu cũng đưa ra những thảo luận về ảnh hưởng mà chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại gây ra cho mối quan hệ (của Bắc Việt Nam) với Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDC Đức). Tài liệu được hoàn thành dựa vào các nguồn chưa được khai thác như các bản báo cáo của đại sứ quán Đông Đức trước đây tại Hà Nội, của các nhà báo Đức ở miền Bắc, hay các hồ sơ từ kho lưu trữ của Bộ An ninh Nhà nước (Stasi).
Giới thiệu
Cuối năm 1961, Klaus Pommerening, phóng viên của Thông tấn xã Đông Đức ở Việt Nam DCCH đã gửi một bản báo cáo về Berlin, phân tích quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với mâu thuẫn Xô – Trung.[1] Ông cho rằng Đảng Lao Động vẫn giữ vị trí trung lập giữa Liên Xô và Trung Quốc và không muốn phê phán cả chủ nghĩa sùng bái cá nhân lẫn chủ nghĩa giáo điều. Theo Pommerening, có điều này là bởi bản thân Đảng Lao động cũng đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa giáo điều và việc sùng bái cá nhân. Dương Bạch Mai, một trong những người cung cấp tin tức chính cho ông, đã xác nhận luận điểm này.[2] Trong một cuộc nói chuyện với vị nhà báo người Đông Đức, ông Mai, một Ủy viên Trung ương Đảng và là thành viên của Chủ tịch đoàn Mặt trận Tổ quốc cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiêm Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt- Xô, đã phàn nàn về tình trạng thiếu dân chủ trong Đảng Lao động Việt Nam. Ông nói với Pommerening rằng nếu các nhà lãnh đạo đảng quyết định đi theo đường lối “chống Liên Xô” thì chính ông sẽ là người bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa Lênin đến cùng.[3]
Những khẳng định năm 1961 của Dương Bạch Mai càng trở nên đáng lo ngại khi chúng ta theo dõi diễn biến của các sự kiện vào năm 1963, 1964. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 của Đảng Lao động vào tháng 12 năm 1963, ông đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ chống lại quan điểm ngày càng “thân Trung Quốc”, và trở nên bất đồng với Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và một số người khác vốn cùng có ý định khởi xướng một chiến dịch chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại” ở Việt Nam DCCH. Một vài tháng sau đó, Dương Bạch Mai qua đời. Ông trở thành thành viên của một liên minh chặt chẽ cùng với các đảng viên khác như Hoàng Minh Chính và Bùi Công Trừng – những nhân vật sau này bị vướng vào một vụ án với tên gọi “vụ án xét lại chống Đảng”. Sứ quán Đông Đức nắm rõ những tình tiết trong việc Dương Bạch Mai và một số cán bộ cấp trung khác giữ những quan điểm đối nghịch (với Đảng).
Khi xem xét các tài liệu cũ của CHDC Đức được giữ trong các kho lưu trữ Đức,[4] một điều rất đáng chú ý chính là việc các nhà ngoại giao và các thông tín viên Đông Đức ở Hà Nội và Bộ Ngoại giao ở Berlin đã theo rất sát những diễn tiến chính trị trong nội bộ Việt Nam DCCH. Với vị trí là đồng minh thân thiết của Liên Xô, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sứ quán Đông Đức tại Hà Nội trong những năm đó chính là quan sát phản ứng của Đảng Lao động trước mâu thuẫn Trung Quốc – Liên Xô, đồng thời hỗ trợ lực lượng thiên về khuynh hướng “thân Kremlin” ở miền Bắc Việt Nam. Một số nhà chính trị như Dương Bạch Mai đã gặp gỡ thường xuyên với các nhà ngoại giao CHDC Đức và Pommerening, một thông tín viên Đông Đức tại Hà Nội, thông báo với họ về những bất đồng tư tưởng cũng như những tranh chấp bè phái ngay trong nội bộ Đảng Lao động.
Mâu thuẫn giữa nhóm do Lê Duẩn đứng đầu và nhóm đối nghịch lên đến đỉnh điểm tại Hội nghị Trung ương 9 và sau đó dẫn tới một cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng, thường được biết đến như là “vụ án xét lại – chống Đảng”. Các nghiên cứu trước đây về vụ án này chủ yếu dựa vào các tự truyện của các nhân vật có liên quan.[5] Do đó, bằng chứng mới từ kho lưu trữ Đông Đức có thể đóng góp vào việc hiểu rõ hơn toàn bộ vụ án cũng như khơi dậy các tranh luận về chủ nghĩa xét lại cũng như bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Tài liệu này tập trung vào những diễn biến ở Việt Nam những năm 1963 và 1964. Những biến động đó phải được đặt trong bối cảnh trong nước của Việt Nam DCCH vào đầu những năm 1960 khi mà các nhà lãnh đạo của Đảng Lao động đang tăng cường công tác chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh ở miền Nam, từ đó dẫn tới việc nhìn nhận chủ trương “chung sống hòa bình” theo tư tưởng của Khrushchev trở nên ngày càng kém hấp dẫn hơn.[6]
Sau Hội nghị lần thứ 15 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động vào tháng 1 năm 1959 và sự thành lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào tháng 12 năm 1960, cuộc chiến ở miền Nam ngày càng quyết liệt. Quyết định của Đảng Lao động quay lại chính sách chiến tranh cách mạng nhằm tái thống nhất đất nước đã dẫn đến mối bất hòa lên cao giữa Hà Nội và Matxcơva. Dựa trên học thuyết “chung sống hòa bình”, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã không ủng hộ việc tăng cường đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam đồng thời thúc giục Hà Nội phải kiềm chế hơn.[7] Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô nỗ lực tránh mọi tình huống có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Liên Xô đi theo chính sách dần giảm can dự vào Việt Nam trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc lại tăng theo một cách tương ứng.
Bài nghiên cứu cũng chỉ ra những phương cách mà tập thể lãnh đạo Đảng Lao động, trong đó có Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đã từng bước một tiến gần hơn đến lập trường “thân Trung Quốc” và cuối cùng đã triển khai một chiến dịch chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại” cũng như ảnh hưởng của chủ nghĩa này trong nội bộ Đảng. Nghiên cứu sẽ chứng minh rằng tâm lý chống “chủ nghĩa xét lại” mạnh mẽ của ban lãnh đạo Đảng Lao động không chỉ sản sinh ra những hệ quả tiêu cực về nhân sự trong hàng ngũ của Đảng mà còn ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Đức. Minh chứng điển hình cho những hệ quả này chính là sự gia tăng giám sát đối với sứ quán Đức tại Hà Nội và số phận của những sinh viên Việt Nam học tập tại Đông Đức.
Những diễn tiến nội bộ ở Việt Nam DCCH năm 1963: Bất đồng ý thức hệ tại Hội nghị Trung ương 9 của Đảng Lao Động
Tháng 1 năm 1963, Chủ tịch Tiệp Khắc Novotny sang thăm chính thức Việt Nam DCCH. Tuyên bố chung cuối cùng được đưa ra trong chuyến thăm nhìn chung đã thể hiện quan điểm của Liên Xô, ca ngợi chung sống hòa bình là “chính sách đúng đắn nhất” tại thời điểm đó.[8] Tuy nhiên, ông Herold, đại sứ Tiệp Khắc tại Hà Nội lại cảnh báo vị đại biện của CHDC Đức tại Việt Nam không nên đặt nhiều hy vọng vào kết quả của chuyến thăm.[9] Pommerening, phóng viên thông tấn xã Đức ADN tại Việt Nam đã cho rằng bản tuyên bố chính là một dấu hiệu cho việc Đảng Lao Động đã chấp thuận học thuyết chung sống hòa bình một cách rộng rãi. Tuy nhiên, cũng trong bản báo cáo đó, Pommerening đã nhấn mạnh đến tình trạng căng thẳng trong nội bộ các đảng viên, họ không được phép thảo luận “các vấn đề trong phong trào công nhân quốc tế”, vốn là những vấn đề đằng sau mâu thuẫn Xô – Trung. Theo những người Việt Nam cung cấp tin tức cho ông, Tố Hữu, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, giữ quan điểm rằng nếu Đảng Lao Động muốn bảo vệ sự “trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin” thì cần phải tấn công trực diện vào các khuynh hướng “xét lại”.[10]
Sau chuyến thăm của Novotny, mâu thuẫn giữa các thành phần “thân Trung Quốc” và “thân Liên Xô” trong nội bộ Đảng Lao Động ngày càng dâng lên mạnh mẽ:[11] Ung Văn Khiêm bị quy trách nhiệm về bản tuyên bố chung “thân Liên Xô” trong chuyến thăm của Novotny và bị thay thế bởi Xuân Thủy.[12] Pommerening cũng báo cáo rằng nhiều cán bộ có lập trường “thân Liên Xô”, đặc biệt là những cán bộ công tác trong ngành báo chí và có viết về các vấn đề về chính sách đối ngoại, cũng đều bị thay thế.[13] Đại sứ quán Đông Đức cũng thu thập được nhiều thông tin khẳng định rằng tất cả các vị trí chủ chốt phụ trách báo chí của Ủy ban Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam vv… đều nằm trong tay các cán bộ “theo sát đường lối của Trung Quốc”.[14]
Rõ ràng Việt Nam đã có một bước chuẩn bị có tính toán cho chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ diễn ra vào tháng 5 năm 1963.[15] Chuyến thăm này đã góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với Trung Quốc. Điểm mấu chốt chung gắn kết Hà Nội với Bắc Kinh chính là sự đồng phản đối tư tưởng chung sống hòa bình. Bản tuyên bố chung lên án “chủ nghĩa xét lại” và “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” là những nhân tố chính đe dọa sự phát triển của phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng Việt Nam DCCH nên dựa vào sức mạnh của mình trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành cách mạng ở miền Nam.[16]
Đảng Lao Động ngày càng tuyên truyền rộng rãi mô hình kinh tế tự cung tự cấp ở miền Bắc, đồng thời hạ thấp vai trò của viện trợ nước ngoài mà chủ yếu đến từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đây chính là vấn đề nóng gây tranh cãi giữa một bên là Lê Duẩn cùng các nhân vật có xu hướng thân Trung Quốc và bên còn lại là những cán bộ cấp trung, những người sau này bị gán cho là “bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Một minh chứng cụ thể là vào tháng 5 năm 1963, trong bài phát biểu trước Quốc hội của mình, Dương Bạch Mai đã đề xuất Việt Nam DCCH nên tham gia vào Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON). Trong khi không ít đại biểu ủng hộ ý kiến đó thì Trường Chinh và chủ tịch Hồ Chí Minh lại chỉ trích ông một cách gay gắt.[17]
Mùa hè năm 1963, không khí chính trị ở miền Bắc Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng. Ngay sau chuyến thăm của Lưu Thiếu Kỳ, Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị và là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng đầy quyền lực đã lên án Nam Tư chính là một “điển hình tập trung và xấu xa nhất nhưng không phải là duy nhất của chủ nghĩa xét lại hiện đại”, điều này tạo nên một sự công kích tương đối trực tiếp vào Liên Xô.[18]
Áp lực phải hoàn toàn chấp nhận lập trường “thân Trung Quốc” ngày càng đè nặng lên vai của các đảng viên Đảng Lao Động. Tháng 6 năm 1963, một phóng viên Việt Nam đã thông báo với sứ quán Đông Đức rằng đặc biệt là các cán bộ, đảng viên cấp trung không còn dám bày tỏ chính kiến của bản thân nữa.[19] Điều này hoàn toàn trùng khớp với những thông tin được cung cấp bởi vị đại biện Đông Đức cùng các vị đại sứ của Liên Xô, Hungari và Tiệp Khắc tại Việt Nam. Ông Tovmasyan, đại sứ Liên Xô, đề cập rằng báo chí Việt Nam ngày càng phản ánh tư tưởng “thân Trung Quốc”, và rằng các tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Việt từ Trung Quốc còn được bày bán ở Hà Nội. Các “phần tử thân Trung Quốc” trong đội ngũ Đảng Lao Động cũng gây áp lực rất lớn lên “những đồng chí bác bỏ lập trường của Trung Quốc”.[20] Tovmasyan cũng bổ sung rằng một lượng lớn các cán bộ bị ảnh hưởng bởi các dư luận “chống Liên Xô” và “chủ nghĩa dân tộc”, và do đó hành động theo hướng “chống châu Âu”.[21]
Cùng thời điểm đó, Pommergening cũng báo cáo rằng “một nhóm các nhà văn đã viết thư cho Ủy ban Trung ương Đảng lên tiếng phản đối những phát ngôn ngày càng mang tính chất chống Liên Xô”.[22]
Tháng 7 năm 1963, Việt Nam DCCH đã có thêm một bước đi tách xa khỏi Liên Xô. Đồng quan điểm với Bắc Kinh, báo chí Hà Nội đua nhau lên án Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân được kí bởi Liên Xô, Anh, Mỹ, cho rằng đó chỉ là một “trò xảo quyệt nhằm chia rẽ thế giới cộng sản”.[23] Không những chỉ trích hiệp ước này, báo chí miền Bắc còn tăng cường tấn công vào “chủ nghĩa xét lại Nam Tư”.[24] Một bài báo trên tờ Học Tập số ra tháng 7 đã kêu gọi mỗi người cộng sản phải mạnh mẽ đấu tranh chống lại “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Bài báo cũng thẳng thắn phản đối các tư tưởng từ bỏ sử dụng bạo lực và giành độc lập dân tộc bằng con đường hòa bình.[25]
Tháng 8 năm 1963, “các phần tử thân Trung Quốc” trong nội bộ Đảng Lao Động ngày càng tỏ rõ thế công kích. Trong một bản báo cáo dài, sứ quán Đông Đức kết luận “các phần tử thân Liên Xô” trong Đảng Lao Động đã bị cô lập một cách có hệ thống.[26] Điều này được đặc biệt áp dụng với Võ Nguyên Giáp, thậm chí theo một vài nguồn tin, ông còn phải chịu quản thúc tại gia từ khoảng giữa năm 1963.[27] Sứ quán Đông Đức cùng phóng viên Pommerening của ADN cũng đề cập đến một tin đồn lan truyền trong nội bộ Đảng Lao Động rằng thư ký riêng của Phạm Văn Đồng bị bắt giữ vì đã chuyển các thông tin mật cho sứ quán Liên Xô và việc cựu Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm sẽ sớm mất ghế trong Ủy ban Trung ương Đảng. Những nguồn tin tương tự cũng đề cập đến việc Lê Duẩn buộc Hồ Chí Minh phải lựa chọn “hoặc theo Bộ Chính trị hoặc đứng ngoài”.[28] Theo ông Bibow, đại biện của đại sứ quán Đông Đức, cái gọi là “thuyết hai sai lầm” đã được lan truyền mạnh mẽ trong nội bộ đảng viên Đảng Lao Động. Theo thuyết này, Hồ Chí Minh đã phạm phải hai sai lầm chết người. Năm 1945, ông đã thỏa hiệp với Pháp, để người Pháp trở lại Đông Dương. Năm 1954, tại hội nghị Giơ-ne-vơ, ông lại một lần nữa thỏa hiệp, buộc đất nước lâm vào cảnh chia cắt, chuyển giao miền Nam Việt Nam cho Mỹ.[29] Trong khi thuyết này một phần nào đó có vẻ khó tin và cường điệu thì Lê Duẩn và “các thành phần đi theo đường lối cứng rắn” lại sử dụng nó làm công cụ truyền bá tiện dụng nhằm lên án tất cả các chiến lược mang tính chất phòng thủ với phương Tây như là một sự từ bỏ cách mạng, đồng thời loại bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm giành độc lập bằng con đường đàm phán hoặc bằng cách vượt qua miền Nam về kinh tế. Bên cạnh làm suy yếu uy tín của Hồ Chí Minh, thuyết này còn nhắm vào những “cộng sự thân cận nhất” của ông trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, những người giờ đây đa phần đều phản đối việc xích lại gần Trung Quốc.
Những đảng viên lão thành như Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng hay Vũ Đình Huỳnh, vốn giữ quan điểm rằng vẫn còn nhiều con đường khác để giành độc lập dân tộc chứ không chỉ có bạo lực cách mạng, giờ ngày càng phải lui vào thế phòng thủ và đứng trước nguy cơ bị tố cáo là những kẻ theo tư tưởng chủ bại.[30]
Ngày 2 tháng 9 năm 1963, một bài báo có chủ đích của Lê Đức Thọ được đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng.[31] Trong đó, ông lập luận rằng toàn bộ đảng viên phải đồng lòng nhất trí đi theo đường lối của Đảng. Ông cho rằng, nhìn chung, các cán bộ, đảng viên đều giữ một lập trường vững chắc về mặt ý thức hệ. Tuy nhiên, đã có một số đảng viên bị ảnh hưởng bởi “tư tưởng hữu khuynh” và “chủ nghĩa xét lại”, từ đó có những hoài nghi về chiến lược của Đảng trong công cuộc tái thống nhất đất nước. Những đối tượng “lầm đường lạc lối” này cũng phản đối tiến độ chiến dịch tập thể hóa trong nông nghiệp, đồng thời truyền bá mô hình hợp tác kinh tế quốc tế thay vì nền kinh tế tự cung tự cấp mà ban lãnh đạo Đảng ưu ái ở miền Bắc. Theo Lê Đức Thọ, trong nội bộ Đảng đang tồn tại một số đảng viên thiếu tính kỷ luật, tuyên truyền những quan điểm không phù hợp với các nghị quyết của Đảng làm hủy hoại sức mạnh và tính thống nhất của Đảng. Ông cũng nhấn mạnh rằng Đảng Lao Động phải kiên quyết chống lại ảnh hưởng của các khuynh hướng phi vô sản, tư tưởng hữu khuynh, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xét lại hiện đại trong nội bộ đảng viên và đề xuất rằng những đảng viên không theo đúng đường lối của Đảng cần phải chịu sự phê bình, giáo dục, hoặc chịu thi hành kỷ luật thích đáng tùy thuộc vào mức độ phá hoại đối với những công tác của Đảng và sự nghiệp cách mạng.[32] Những lời lẽ của người giám sát về tư tưởng của Đảng và cũng là cộng sự thân thiết của Lê Duẩn này dường như đã dấy lên một điềm báo không mấy tốt đẹp.
Đó cũng là cách nhìn nhận của sứ quán Đông Đức, Bộ Ngoại giao ở Berlin và nhà báo Thông tấn xã Đức Pommerening. Họ cùng kết luận rằng bài báo của Lê Đức Thọ đã tạo nên một “cuộc công kích mở vào những đồng chí chia sẻ lập trường thân Liên Xô”.[33] Nó một lần nữa phản ánh tình trạng căng thẳng leo thang giữa những bè phái khác nhau trong nội bộ Đảng Lao Động, đồng thời cũng là một bước cơ bản chuẩn bị về tư tưởng cho hội nghị tiếp theo của Ủy ban Trung ương và cho cả một chiến dịch chỉnh huấn chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại và những thành phần xét lại” vốn đã tồn tại trong một thời gian dài.
Cùng thời điểm đó, “các thế lực giáo điều thân Trung Quốc” đã mở ra một mặt trận thứ hai trên lĩnh vực văn chương và khởi động cuộc công kích trực diện của họ vào “những ảnh hưởng tư sản” lên giới văn – nghệ sĩ ở Việt Nam DCCH.[34] Trên số ra tháng 8 của tờ Học Tập – diễn đàn tư tưởng của Đảng – Hồng Chương đã chĩa ngòi bút vào tiểu thuyết “Vào Đời” của nhà văn Hà Minh Tuấn. Ông kết tội tác giả là đi theo chủ nghĩa “bi quan”, chỉ tập trung miêu tả mảng ảm đạm, đen tối của xã hội miền Bắc Việt Nam, chế nhạo nguyên tắc của nền chuyên chính vô sản và cổ vũ lối sống hưởng lạc. Hồng Chương cũng cho rằng Hà Minh Tuấn đã không theo đúng khuôn mẫu bắt buộc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà thay vào đó lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng của giai cấp địa chủ và tư sản phản động.[35]
Trái ngược với những bài viết khác được đăng trên tờ Học Tập sau đó vào năm 1964, bài báo này của Hồng Chương lại không liên hệ những khuyết điểm của Hà Minh Tuấn với chủ nghĩa xét lại. Mặc dù vậy, kết luận mạnh mẽ của ông đã phản ánh được tình hình căng thẳng dâng cao trong nội bộ VNDCCH: không chỉ các thành phần của tầng lớp sở hữu ruộng đất cũ chưa được cải tạo, mà nhân dân thuộc tầng lớp lao động, thậm chí nhiều đảng viên cũng bị “đầu độc” bởi “lối suy nghĩ tư sản”.[36]
Trong một cuộc gặp gỡ với tùy viên văn hóa CHDC Đức Klaus Matzke vào tháng 8 năm 1963, các cán bộ cấp cao của Bộ Văn hóa Việt Nam đã trình bày tỉ mỉ về nguồn gốc của “những ảnh hưởng tư sản” lên giới văn nghệ sĩ miền Bắc Việt Nam. Khi được hỏi bởi Matzke là liệu rằng Thái Lan hay Miền Nam Việt Nam là nơi bắt nguồn của “lối suy nghĩ tư sản nguy hiểm này”, họ đã lắc đầu và nói với vị khách Đông Đức đang kinh ngạc rằng Liên Xô mới là chính là thủ phạm chính và rằng trong tương lai việc nhập khẩu phim ảnh hay văn chương Xô Viết sẽ bị hạn chế.[37]
Tháng 9 năm 1963, thông tín viên Đông Đức Pommerening đã tường thuật về bầu không khí sợ hãi mới ở thủ đô Hà Nội: một cán bộ làm việc trong một nhà xuất bản nhà nước mà ông gặp đã trích lời của một thành viên trong bộ máy an ninh nhà nước của Việt Nam DCCH, người đã nói về vấn đề đề cao cảnh giác rằng: với sự giúp sức của nhân dân, chúng ta sẽ tìm ra những nhân vật cuối cùng “làm việc” cho Liên Xô. [38] Một minh chứng cụ thể hơn nữa là khi Pommerening trích lại một cuộc trò chuyện kỳ lạ với Dương Bạch Mai và Tôn Thất Tùng, giám đốc Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội: khi đề cập đến chủ đề bia, ông Tùng đột nhiên lên giọng: “Vâng, bia của Đức rất ngon, nhưng chính sách của các bạn lại rất tồi”.[39] Rõ ràng, ngay đến một người như Tôn Thất Tùng vốn nổi tiếng là “một người bạn thân thiết của Đông Đức”, cũng buộc phải thể hiện “thái độ đúng đắn” của mình nơi công cộng. Sự giao tiếp, liên lạc giữa người Việt Nam với người nước ngoài cũng bị hạn chế. Nếu không có sự cho phép của chính quyền, phần lớn người dân Việt Nam không được đến thăm các cơ quan, đại sứ quán nước ngoài vv…[40]
Trong khi hoàn toàn công nhận rằng tình hình chính trị ở miền Bắc Việt Nam đang trở nên căng thẳng hơn, và rằng các thành phần “thân Trung Quốc” đang chiếm thế thượng phong, thì các nhà ngoại giao Đông Đức vẫn tin rằng những lực lượng ủng hộ “chủ nghĩa Mác- Lênin chân chính” vẫn chiếm giữ những vị trí quan trọng trong Đảng Lao Động. Sứ quán Đông Đức vẫn biết rõ sức mạnh của các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng nhờ vào nguồn thông tin mật từ Dương Bạch Mai về những người vốn cùng ông cự tuyệt đường lối “thân Trung Quốc” mới.[41]
Danh sách bao gồm 19 người. Một số nhân vật trong đó sau này trở thành những người trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan tới “vụ án xét lại – chống Đảng”: Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao; Vũ Đình Huỳnh, nguyên là thư ký riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh và là Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao; Bùi Công Trừng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Giám đốc Viện Kinh tế học; Lê Liêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Chính ủy trong trận Điện Biên Phủ, và Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.[42] Điều đáng lưu ý ở đây là danh sách lại vắng mặt Hoàng Minh Chính, người đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ vụ án.
Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị trung ương sắp tới, Đảng Lao Động đã không ngừng đẩy mạnh chiến dịch tư tưởng. Trên số ra tháng 10 của tờ Học Tập, ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã xuất bản một bài báo tố cáo trực tiếp những ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong nội bộ Đảng Lao Động. Ông nhấn mạnh rằng hầu hết các đảng viên đã theo sát đường lối của Đảng, nhưng vẫn còn một số ít thành phần ủng hộ tư tưởng “hữu khuynh”. Những lời tố cáo của ông nhằm cụ thể vào những đảng viên phản đối mô hình kinh tế tự cung tự cấp ở miền Bắc và thay vào đó mong muốn hợp tác gần gũi hơn với các nước xã hội chủ nghĩa khác.[43] Ông cũng đặc biệt phê phán những đảng viên theo “chủ nghĩa cá nhân”, “bi quan yếm thế”, có “lối sống hưởng thụ” mà thiếu đi những hiểu biết sâu sắc về sự cần thiết của đấu tranh giai cấp ở Việt Nam DCCH, những người sợ những hy sinh, gian khổ mà một cuộc đấu tranh vũ trang nhằm tái thống nhất đất nước đòi hỏi. Cũng theo ông Thanh, những tư tưởng tư sản như trên đều chịu ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại”, chúng không chỉ có những tác động xấu tới xã hội miền Bắc Việt Nam nói chung, mà còn hủy hoại tinh thần chiến đấu của nhân dân. Ông kết luận rằng Đảng Lao Động phải kiên quyết đấu tranh chống “chủ nghĩa xét lại” và “tư tưởng hữu khuynh” trong nội bộ. Để đánh bại những “quan điểm sai trái”, đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng cần phải được tăng cường, toàn bộ đảng viên nên thực hiện “phê và tự phê”.[44]
Chẳng bao lâu sau, cơ hội cho việc tự phê bình và phơi bày các khuynh hướng “xét lại” trong nội bộ đảng viên đã xuất hiện. Cuối năm 1963, Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động tổ chức hội nghị lần thứ 9, một sự kiện có tầm quan trọng quyết định. Ban đầu, hội nghị dự kiến tổ chức trước đó 2 tháng. Nhưng sau cùng, hội nghị đã bắt đầu vào ngày 22 tháng 11 và kết thúc vào đầu tháng 1 năm 1964 sau nhiều lần gián đoạn.[45] Hội nghị đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến gần hơn với Bắc Kinh và đưa đến một cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai nhóm “thân Trung Quốc” và “thân Liên Xô”. Cuối cùng, nhóm do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đứng đầu đã chiếm ưu thế và triển khai ngay một chiến dịch chỉnh đốn trong nội bộ Đảng nhằm đấu tranh chống lại những ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại.[46]
Thông tín viên Thông tấn xã Đức Pommerening cho rằng hội nghị chính là một “minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất đồng trong nội bộ Đảng ”.[47] Khoảng 50 cán bộ đảng viên cấp trung đã gửi thư lên Ủy ban Trung ương Đảng, yêu cầu Đảng nên giữ vị trí trung lập giữa Trung Quốc và Liên Xô, không nên ngả về phía Trung Quốc. Theo thông tin mà sứ quán Đông Đức và Pommerening thu nhận được, những yêu cầu trên bắt nguồn từ các cán bộ như Đặng Thai Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tạ Quang Bửu và Bùi Công Trừng, hai Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước, Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện Triết học Mác- Lênin, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm và một trợ lý chưa rõ tên của Phạm Văn Đồng.[48]
Trong bài diễn văn của mình tại hội nghị, chuyên gia kinh tế Bùi Công Trừng đã giải thích rằng tình hình kinh tế Việt Nam DCCH là cực kỳ căng thẳng. Ông đề xuất một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Liên Xô và bác bỏ quan điểm phi thực tế nhằm tạo lập mô hình kinh tế tự cung tự cấp ở miền Bắc Việt Nam. Tạ Quang Bửu cũng cảnh báo rằng ông sẽ từ bỏ mọi chức vụ của mình và làm việc như một giảng viên đại học bình thường nếu lãnh đạo Đảng quyết định nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và cắt đứt quan hệ với Liên Xô. Lê Liêm và Ung Văn Khiêm dường như là những người phản đối thẳng thắn và gay gắt nhất đường lối “thân Trung Quốc” mới trong Ủy ban Trung ương. Ung Văn Khiêm đã phát biểu trong ba giờ liền và Lê Liêm đã nói suốt bốn giờ tại hội nghị.[49]
Hồ Chí Minh, người vẫn luôn ủng hộ việc cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, cũng từng khuyến khích Lê Liêm phát biểu chống lại chiều hướng “thân Trung Quốc”, thế nhưng khi hội nghị biến thành một cuộc tranh cãi nảy lửa thì ông lại không lên tiếng ủng hộ Lê Liêm. Liệu rằng “chủ tịch Hồ Chí Minh có phải đã chịu sự đe dọa từ ban lãnh đạo mới hay không” [50]vẫn chỉ là một sự phỏng đoán. Theo một nguồn tin khác, Hồ Chí Minh đã nhiều lần cố gắng can thiệp vào cuộc tranh luận nhưng đều gặp phải sự cản trở từ Lê Đức Thọ.[51] Tóm lại, rõ ràng trong thời kỳ này một nhóm xoay quanh lãnh đạo Đảng Lê Duẩn và người trợ thủ thân cận nhất của ông là Lê Đức Thọ là những người đã lèo lái đường lối của Đảng.
Thật đáng tiếc là không có bất cứ một văn bản ghi chép nào ghi lại những tranh luận tại hội nghị. Tuy nhiên, hai tài liệu quan trọng vẫn còn tồn tại, một trong số đó là nghị quyết của Hội nghị bàn về bối cảnh quốc tế.[52] Tài liệu này chỉ ra một cách rõ ràng rằng vào thời điểm đó, về mặt tư tưởng Đảng Lao Động đã chủ yếu đi theo đường lối “thân Trung Quốc”. Nghị quyết cho rằng tư tưởng “xét lại” đã phản bội chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá chủ trương chung sống hòa bình thay vì ủng hộ đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc của người dân các xứ thuộc địa và quốc gia lệ thuộc.[53] Tài liệu cũng quả quyết rằng “đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc không thể tách rời khỏi đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”.[54]
Hội nghị Trung ương lần thứ 9 đã chính thức xác nhận đấu tranh vũ trang đóng vai trò cốt yếu trong quá trình cách mạng. Ủy ban Trung ương Đảng đã cố gắng hạn chế việc gửi quân chiến đấu từ Bắc vào Nam nhưng vẫn quyết định tăng trợ giúp về vũ trang từ miền Bắc và ủng hộ phong trào cách mạng ở miền Nam.
Nghị quyết được thông qua tại hội nghị cũng phản ánh những tranh cãi chưa dừng lại trong nội bộ Đảng Lao Động. Ủy ban Trung ương Đảng chỉ trích những đảng viên đi theo đường lối của “chủ nghĩa xét lại”.[55] “Ủy ban nhận thấy rằng chính những quan điểm đó đã khiến các cán bộ đảng viên không ủng hộ các phương pháp nhằm xã hội hóa ở Miền Bắc cũng như các nỗ lực cần thiết để tái thống nhất hai miền”[56] và khuyến nghị cần “theo đuổi việc giáo dục một cách có hệ thống về chủ nghĩa Mác – Lênin cho các cán bộ đảng viên để họ có thể hiểu một cách đầy đủ lập trường của Đảng”.[57]
Chiến dịch chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại” và “các phần tử xét lại” trong nội bộ Đảng Lao Động năm 1964
Vào tháng 1 năm 1964, Bergold, đại sứ CHDC Đức tại Bắc Việt Nam đã viết một bản báo cáo tương đối tích cực về kết qủa của Hội nghị Trung ương lần thứ 9. Theo phân tích của ông, các phần tử “thân Trung Quốc” đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của họ và vẫn chưa tìm cách để loại bỏ các đối thủ của mình.[58] Thông tín viên Đông Đức Pommerening cũng đồng tình, chia sẻ quan điểm này: ban đầu, nhóm của Lê Duẩn đã lên một kế hoạch thanh trừng và thực hiện việc chuyển hướng hoàn toàn sang lập trường “thân Trung Quốc”, nhưng đã không làm được như vậy.[59] Bộ Ngoại giao tại Berlin đã ca ngợi sự “kháng cự dũng cảm của các lực lượng tích cực” trong suốt hội nghị, điều buộc nhóm Lê Duẩn phải nhượng bộ.[60] Đồng thời, Bộ cũng thừa nhận rằng nghị quyết được thông qua tại Hội nghị cũng là một bệ phóng để triển khai một chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại và cô lập “các lực lượng Mácxít – Lêninnít” trong nội bộ Đảng. Bản báo cáo kết luận rằng CHDC Đức nên tiếp tục phát triển mối quan hệ hai chiều nhằm “hỗ trợ các lực lượng tiến bộ trong Đảng Lao Động và hạn chế những tác động không tốt từ bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tới Đảng Lao Động Việt Nam”.[61]
Tuy nhiên, mục tiêu đó ngày càng trở nên khó khăn. Ngay sau Hội nghị Trung ương 9, lãnh đạo Đảng Lao Động đã khởi động một “cuộc công kích về tư tưởng nhằm đe dọa lực lượng Mácxít – Lêninnít và đàn áp sự kháng cự của họ”.[62] Lại chính là Lê Đức Thọ, người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã gia tăng sức ép tư tưởng lên những thành phần đối lập trong nội bộ Đảng. Trong một loạt bài trên báo Nhân Dân, ông đã tuyên bố một chiến dịch chỉnh huấn Đảng.[63] Ông cho rằng trong khi Việt Nam DCCH đang phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội lẫn đấu tranh tái thống nhất đất nước thì tinh thần tự giác tuân theo kỷ luật Đảng là thực sự cần thiết ở tất cả các đảng viên. Lê Đức Thọ đã tấn công những đảng viên bị ảnh hưởng bởi “chủ nghĩa xét lại” và “lối suy nghĩ tư sản”. Ông chỉ trích họ có tư tưởng “bi quan”, thiếu cảnh giác cách mạng và không hiểu đúng nguyên tắc của chuyên chính vô sản, có xu hướng quá phụ thuộc vào các nguồn viện trợ nước ngoài thay vì ủng hộ quan điểm mô hình kinh tế tự cung tự cấp, và giữ thái độ thờ ơ, không ý thức được trách nhiệm của bản thân trong cuộc đấu tranh tái thống nhất đất nước. Đó là những lí lẽ mà Lê Đức Thọ và những nhân vật khác như Nguyễn Chí Thanh đã từng sử dụng trước đó, thế nhưng giọng điệu của bài báo này thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều, cho thấy sẽ có những biện pháp cụ thể nhằm chống lại “chủ nghĩa xét lại” và “khuynh hướng hữu khuynh” trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, quan trọng nhất, Lê Đức Thọ đã trực tiếp khẳng định sự tồn tại của một nhóm nhỏ trong Đảng Lao Động đã không theo đúng đường lối của Đảng. Tuy không đề cập đến tên tuổi cụ thể nhưng rõ ràng ông đã nhắm tới những đảng viên như: Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm và những nhân vật khác vốn đã lên tiếng phản đối Lê Duẩn và bè phái của mình trong Hội nghị Trung ương 9.
Theo Lê Đức Thọ, “một số cán bộ, đảng viên đã tự tách rời tổ chức Đảng. Liên quan tới các chính sách và đường lối của Đảng, họ đã không trực tiếp bày tỏ ý kiến tại các hội nghị, nhưng sau khi các hội nghị kết thúc, họ lại tụ tập thành các nhóm nhỏ và phát biểu theo hướng phản đối nghị quyết đã được thông qua”.[64] Ông cũng bổ sung rằng “những hành động bè phái, chia rẽ phải được ngăn chặn càng sớm càng tốt”.[65]
Lê Đức Thọ đã ra một thông báo yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên phải tham gia lớp học để học tập và chỉnh huấn theo các nghị quyết đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 và triển khai công tác tự phê bình.[66] Cả sứ quán Đông Đức và thông tín viên Thông tấn xã Đức Pommerening đều được thông báo về nội dung của các khóa học chỉnh huấn này. Sứ quán Đức thậm chí còn tìm cách để giữ được một bản sao đề cương khóa học mặc dù Đảng Lao Động đã phân loại tài liệu này vào mục tuyệt mật, đồng thời nghiêm cấm tất cả các cán bộ đảng viên tiết lộ với người khác về nội dung khóa học.[67] Theo đề cương khóa học này, tất cả đảng viên phải “thấm nhuần” các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 để hiểu một cách toàn diện điểm khác nhau giữa đường lối chính trị theo “chủ nghĩa Mác- Lênin chân chính” và “chủ nghĩa xét lại hiện đại” liên quan đến bối cảnh quốc tế và chiến lược cách mạng trong nước. Cuối khóa học, tất cả đảng viên đều phải nộp một bản thu hoạch cá nhân viết tay và giải thích tất cả những gì đã học được.
Sứ quán Đông Đức cho rằng chiến dịch học tập, chỉnh huấn đã gạt ra lề những phần tử “chống đối” trong nội bộ Đảng Lao Động. Tháng 5 năm 1964, Bibow, bí thư thứ 2 (sứ quán Đông Đức) đã tuyên bố rằng một số “đồng chí đã phát biểu thẳng thắn tại Hội nghị Trung ương 9 đã đột nhiên biến mất”.[68] Ông báo cáo rằng các nhà chính trị hàng đầu như Ung Văn Khiêm hay Tạ Quang Bửu vốn đã lên tiếng phê phán tư tưởng chống Liên Xô của phe Lê Duẩn rất hiếm khi được xuất hiện công khai.
Nguồn: Martin Grossheim (2005). “Revisionism’ in the Democratic Republic of Vietnam: New Evidence from the East German Archives”, Cold War History, 5:4, 451-477.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét