Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

3254 - Ngày 10/03/1959: Cuộc nổi dậy Tây Tạng bùng nổ



Tibet Rebellion

Ảnh: Người dân Tây Tạng nổi dậy đầu hàng quân đội Trung Quốc, phía sau là Cung điện Potala ở Lhasa, tháng 3 năm 1959. Nguồn: Getty Images.
Vào ngày này năm 1959, người dân Tây Tạng đã cùng nhau nổi dậy, bao vây cung điện mùa hè của Đức Dalai Lama, bất chấp các lực lượng quân đội Trung Quốc chiếm đóng.
Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng Tây Tạng từ gần một thập niên trước đó, vào tháng 10 năm 1950, khi Quân Giải phóng Nhân dân xâm lược đất nước này, chỉ một năm sau khi phía cộng sản giành được quyền kiểm soát toàn bộ Trung Quốc đại lục. Chính phủ Tây Tạng đã đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc vào năm sau đó, ký một hiệp ước bảo đảm quyền lực của Đức Dalai Lama, nhà lãnh đạo tinh thần của đất nước, về các vấn đề đối nội của Tây Tạng.
Tinh thần chống đối sự chiếm đóng của Trung Quốc dần tích tụ trong những năm sau đó, bao gồm một cuộc nổi dậy ở một số khu vực miền Đông Tây Tạng vào năm 1956. Đến tháng 12 năm 1958, cuộc nổi dậy đã nung nấu ở thủ phủ Lhasa, và quân đội Trung Quốc đã đe dọa đánh bom thành phố nếu trật tự không được duy trì.
Cuộc nổi dậy tháng 3 năm 1959 ở Lhasa bùng nổ từ những nỗ lo ngại về một âm mưu bắt cóc Dalai Lama và đưa ông đến Bắc Kinh. Khi các quan chức quân đội Trung Quốc mời ông đến thăm trụ sở của họ để xem kinh kịch và uống trà, ông được bảo là phải đến một mình, và không vệ sĩ hay nhân viên quân sự Tây Tạng nào được phép đi qua ranh giới khu trụ sở.
Đến ngày mùng 10, 300.000 người Tây Tạng trung thành đã bao quanh Cung điện Norbulingka, ngăn cản Đức Dalai Lama chấp nhận lời mời của quân đội Trung Quốc. Đến ngày 17, pháo binh Trung Quốc đã nổ súng vào cung điện, và Đức Dalai Lama được sơ tán tới nước láng giềng Ấn Độ.
Giao tranh nổ ra ở Lhasa hai ngày sau đó, với kết quả là người Tây Tạng nổi dậy bị áp đảo và đánh bại. Sáng sớm ngày 21 tháng 3, Trung Quốc bắt đầu bắn phá Norbulingka, sát hại hàng chục ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em vẫn còn đóng trú bên ngoài. Sau đó, quân đội Trung Quốc đàn áp sức phản kháng của người Tây Tạng, hành quyết những vệ  sĩ của Đức Dalai Lama và phá hủy nhiều tu viện lớn ở Lhasa cùng với hàng ngàn người dân sống trong đó.
Sợi thòng lọng trên cổ Tây Tạng và sự đàn áp dã man các nhà hoạt động ly khai của Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong những thập niên sau cuộc nổi dậy không thành công đó. Hàng chục ngàn người Tây Tạng đã đi theo nhà lãnh đạo của họ đến Ấn Độ, nơi Đức Dalai Lama duy trì một chính phủ lưu vong ở chân dãy Himalaya.
Nguồn: “Rebellion in Tibet,” History.com (truy cập ngày 09/03/2016).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét