FB Manh Kim
Những cái chết lãng nhách, những vụ đánh đập trẻ em tàn nhẫn trong trường mẫu giáo, những vụ giết người man rợ, những vụ bát nháo trong học đường, những vụ thờ cúng mông muội… Tất cả đều gây ra phẫn nộ và dẫn đến tranh cãi gay gắt, để rồi ngày mai sẽ có vài sự kiện kinh khủng tiếp theo, gây ra cơn phẫn nộ tiếp theo. Đất nước này giờ hệt như một bộ phim bi ai kéo dài bất tận. Đừng nói tôi bi thảm hóa vấn đề hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Những câu chuyện ấy xảy ra hàng ngày và được báo chí tường thuật hàng ngày. Sẽ là rất vô tri nếu vẫn nghĩ những sự việc kinh khủng ấy là đơn lẻ và không ảnh hưởng đến xã hội nói chung.
Bây giờ sự ác và cách sống ác đang tấn công tàn bạo và trực tiếp vào tầng lớp thấp nhất, những người được bảo vệ ít nhất, được trang bị kiến thức nền hạn chế nhất và có ít chọn lựa nhất. Như một tiến trình “phát triển” thông thường, sẽ đến lúc nó tấn công tầng lớp cao hơn, chạm đến chiếc cổng kín tường cao của thành phần giàu có hơn; và cuối cùng nó gõ cửa tầng lớp cai trị. Tôi đang thấy cái bóng của kẻ hủy diệt phủ rộng lên tất cả. Sẽ chẳng ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng lây nhiễm của cơn “dịch ác” này. Không sự hủy diệt nào mà không có tiến trình thời gian. Chậm hay nhanh tùy vào khả năng ngăn chặn và ý muốn ngăn chặn. Không sự tàn phá cơ thể nào mà không mất một thời gian, nếu căn bệnh hiểm nghèo không được cứu chữa.
Cái ác lan tràn mỗi lúc mỗi nhiều trên mọi miền thì vấn đề không còn là chuyện cá biệt hoặc mang tính địa phương. Một sự phân hủy xã hội, toàn diện, đang diễn ra. Nó là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục tồi tệ, được định hình bằng những tư tưởng thảm hại “học và làm theo” và được quản lý bởi những viên chức hoặc bộ trưởng mà sự tự trọng và liêm sỉ còn tệ hơn học sinh tiểu học trường làng của nền giáo dục VNCH. Nó là hậu quả tất yếu của một sự đổ nát đạo đức được tạo ra bởi một thể chế được xây dựng trên căn bản và nền móng của cái ác và sử dụng sự bất nhân như cái trục xuyên suốt chiều dài lịch sử cai trị, đối với người dân lẫn với chính “đồng chí” của mình. Nó còn là hậu quả của việc ngược đãi thành phần trí thức, kể từ thời Hồ Chí Minh đến nay. Bộ hồ sơ dày cộm với những Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường trong quá khứ và những Trần Huỳnh Duy Thức trong hiện tại là bằng chứng cho điều đó.
Sự thiện khó có thể tìm được chỗ để đặt chân trong nền giáo dục hổng chân, trong đó đạo đức làm người ngày càng bị bào mòn và mai một. Muốn xây dựng xã hội, đạo đức làm người, chứ không phải “đạo đức cộng sản”, cần phải được chú trọng. Một cách công bằng, chế độ cộng sản không là thủ phạm duy nhất khiến tất cả giá trị đạo đức trở nên khủng hoảng nhưng cách thức cai trị cộng sản đã đẩy nhanh tốc độ suy thoái xã hội. Dưới môi trường cộng sản, cái xấu và cái ác đã được cung cấp dưỡng chất để lây lan bùng phát.
Nếu cái thiện là hạt giống gieo trồng đòi hỏi sự nhẫn nại, công sức và thời gian chăm sóc thì cái xấu là loài cỏ dại hoang dã phát triển cực nhanh. Muốn dẹp được cỏ dại, điều đầu tiên là xem lại môi trường sống của nó, cách nó hình thành, cách nó phát triển và cách nó lây lan. Muốn dẹp được cỏ dại, điều cần làm là tiêu diệt môi trường sống của nó. Ai sẽ làm điều này? Chẳng ai cả. Chẳng ai dám cả. Người ta vẫn cúi đầu cam chịu. Thậm chí quỳ gối. Đất nước này có rất nhiều tổ chức, đoàn thể lẫn “mặt trận” nhưng chẳng tổ chức nào dám kêu gọi chấn chỉnh đạo đức. Ai dám kêu gọi thay thế “đạo đức Hồ Chí Minh” bằng đạo đức làm người? Tôi không hề thấy bóng dáng của “kiến tạo đạo đức” trong “xu hướng kiến tạo” của chính quyền hiện tại. Tôi không thấy “bản vẽ” nào cho kiến tạo đạo đức trong những phác họa hạ tầng “đô thị thông minh”. Những thiết bị thông minh sẽ chẳng bao giờ mang lại một xã hội văn minh nếu những giá trị đạo đức không được nâng cấp lên thành những phiên bản “tương thích” với lối sống có văn hóa và có giáo dục.
Không tờ báo nào đủ can đảm để nói thật và nói đến tận cùng nguyên nhân của sự bùng nổ cái ác. Những bài viết than thở cũng chỉ như cái chạm nhẹ vào cơ thể con bệnh. Nó không phải là liều thuốc. Không ai dám đưa thẳng con dao mổ vào khối u. Vì điều đó sẽ đụng đến chính trị và thể chế. Điều này khiến xã hội càng bất lực và hậu quả là sự hình thành thái độ vô trách nhiệm – giữa chính quyền với người dân và giữa người dân với người dân.
Sẽ không bao giờ có giải pháp nào ra đời khi căn nguyên vấn đề bị lảng tránh. Càng không phải là giải pháp khi người ta lên án cái ác bằng ngôn ngữ tàn ác và kêu gọi sự đáp trả bằng hành vi tàn ác dữ dội nhất có thể. Tôi đã đọc những bài viết chỉ trích các phụ huynh gửi con vào trường mẫu giáo nơi con cái họ bị ngược đãi. Tôi không hiểu tại sao phụ huynh cũng có thể bị mắng chửi trong trường hợp này, khi mà họ là những công nhân rất nghèo và hoàn toàn không có sự chọn lựa thay thế. Tôi cũng đã đọc những bài viết chửi rủa tất cả đối tượng liên quan trong một sự việc cụ thể. Thật ra tất cả đều là nạn nhân. Họ đều là nạn nhân của một thủ phạm chung: thể chế và hệ thống giáo dục của thể chế đó.
Xã hội đang có một thủ phạm chung. Dù vậy, nó không phải là thủ phạm duy nhất. Thủ phạm trực tiếp khác còn là chính chúng ta. Sự ích kỷ, đố kỵ, ganh ghét, thù hằn, dối trá, vô tâm…, luôn được “cài mặc định” sẵn trong mỗi người, đã đồng loạt ào ra, trong cái môi trường be bét mà hệ thống giáo dục cộng sản mang lại. Trông chờ thay đổi hệ thống giáo dục chỉ là một sự tuyệt vọng kéo dài. Điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, chừng nào mà chế độ tồi tệ này còn tồn tại. Tuy nhiên, xin đừng bế tắc.
Chúng ta chưa thể xóa bỏ sự áp đặt “đạo đức cộng sản” nhưng chúng ta, ngay bây giờ, có thể tự thay thế nó bằng việc xây dựng cho mình bộ quy chuẩn riêng – ít nhất đó là giải pháp khả dĩ để không chỉ cứu mình mà còn có thể giới hạn sự lây lan của cái ác. Tôi không dám mạo muội bàn về việc làm thế nào để xây dựng cái gọi là “bộ quy chuẩn” ấy. Vấn đề đó quá to lớn, phức tạp và vượt quá sức tôi hay một cá nhân nào. Tôi chỉ nêu ra một gợi ý, như một cách nhắc nhở chính mình, như một cách để tự giáo dục bản thân. Tôi vẫn tin vào giáo lý căn bản của nhà Phật: gieo duyên thiện luôn gặp phước lành và gieo nghiệp ác sẽ gặp ác báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét