Kể từ cuối tháng 1/2018, khi VN có thêm 1226 giáo sư (GS) và
phó GS, phải nói đây là một đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận trong và
ngoài nước, đặc biệt kể từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát lại danh
sách các GS/PGS lần này.
Thực tình mà nói, đây không phải là lần đầu dư luận lên tiếng.
Hầu như cứ mỗi lần "phong hàm" là nhiều người trong đó phần lớn là
các nhà giáo đều bày tỏ nhiều ý kiến bất đồng. Tuy nhiên, lần này phải nói là
vô tiền khoáng hậu về cường độ đóng góp cũng như về chức năng của những người
góp ý kiến.
Trước tiên phải nói đến ý kiến của giáo chức. Nếu những năm
trước họ chỉ lên tiếng chung chung như tách rời khối Khoa học tự nhiên ra thành
một khối riêng (có lẽ vì đứng chung với khoa học nhân văn hơi có vấn đề) hoặc
trả lại chức năng phong hàm cho các Đại học, hoặc chỉ xét xác ứng viên đang đứng
trên bục giảng... vốn là những lời kêu gọi chưa được thực hiện thì lần này nhiều
nhà giáo đã nêu đích danh những ứng viên GS/PGS không xứng đáng hoặc có hành vi
đạo văn cũng như tấn công thẳng vào Hội đồng chức danh GS Nhà nước. Trong khuôn
khổ bài viết này chúng tôi không thể nêu hết thí dụ. Mọi người đều có thể tra cứu
trên mạng internet để thấy phản ứng đồng loạt và mãnh liệt của các nhà giáo trước
vụ việc. Thống kê sơ khởi có khoảng 10 tân GS/PGS bị nêu đích danh trong đó có
1 người đã xin lỗi và xin rút tên là TS Đặng Công Tráng, trưởng khoa Luật trường
ĐH Công nghiệp TPHCM.
Lễ trao giấy chứng nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm
2016. Ảnh: VietnamNet
Một việc khác cũng mới xảy ra trong lần này là sự lên tiếng
của các giáo sư Việt kiều. GS Toán học Nguyễn Tiến Dũng của đại học Toulouse
(Pháp) đã đăng và trả lời đài RFA về bài tố cáo sự "giả khoa học" của
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là chủ tịch. Theo GS Dũng thì ông Nhạ nên chính
thức nhận lỗi hoặc từ chức Hội đồng nói trên.
Thứ hai, sự lên tiếng của giáo chức trên đây chỉ có thể lan
tỏa khi có sự "tiếp sức" của các cơ quan truyền thông. Trong thời
gian hai tháng qua, phải nói là ít hay nhiều, hầu hết các báo chí (chính thống)
đều có bài lên tiếng về việc này. Đặc biệt là tờ Giáo Dục Việt Nam, phải nói là
gần như mỗi ngày đều có bài đăng tải ý kiến của tòa soạn hoặc các nhà giáo.
Ngoài những ý kiến riêng của mình về các vấn nạn giáo dục truyền thống như về
sách giáo khoa, cải cách giáo dục, học thêm dạy thêm... báo Giáo Dục thường
xuyên vượt ra ngoài phạm vi của mình để đăng nhiều ý kiến trái chiều (với luồng
chính thống) về đủ mọi khía cạnh như kinh tế, môi trường, y tế lẫn quốc phòng.
Sự lên tiếng của dư luận rõ ràng đang tạo một áp lực lớn trước vụ việc.
Thường thì khi phải đối phó trước những phản ứng về các
chính sách của nhà nước, đảng cộng sản qua trung gian các hội đoàn ngoại vi và
báo chí thường cho đăng những bài có tính cách bôi nhọ, triệt hạ tác giả các ý
kiến trái chiều, nhưng lần này lại không thấy - trừ trường hợp bài chỉ trích GS
Nguyễn Tiến Dũng được đăng trên một diễn đàn ít người biết (autoxe.net).
Việc phản ứng yếu ớt từ phía nhà nước cũng dễ hiểu. Đến ngày
hôm nay không còn ai có thể bênh vực cho việc "phong hàm" do nhà nước
chủ trì và xét duyệt. Ngay cả Hội đồng chức danh khi bị tố cáo có hành vi tiêu
cực, tham nhũng cũng chưa có một phản ứng nào. Đến ngày hôm nay chẳng còn ai có
thể biện minh cho việc gần 40% GS/PGS không tham gia giảng dạy. Họ chỉ dùng chức
danh này cho việc tiến thân trong sự nghiệp. Việc này vốn là những việc rất cũ
nhưng qua bao "triều đại nhà sản", vẫn chưa bứng được. Chắc hẳn là
"bứt dây động rừng".
Và sau nhiều ngày trì hoãn cũng như phủ nhận có tiêu cực
trong việc phong hàm, đến ngày 1/3, Bộ trưởng, người phát ngôn của chính phủ
Mai Tiến Dũng đã cung cấp một thông tin quan trọng: "(...) Bộ GD-ĐT đã có
báo cáo bước đầu, trong đó có 94 ứng viên bị phản ánh chưa đủ điều kiện, tiêu
chuẩn như thiếu giờ giảng, thiếu bài báo nghiên cứu khoa học".
Hiểu như thế nào về con số 94 này ? Nếu so trên tổng số 1226
thì chưa đến 8 phần trăm, nhưng loại gần 100 ứng viên này thì "hơi bị nhiều".
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác. Cứ cho là 94 tân GS/PGS này bị "trảm",
thì có nên "rà soát" lại kết quả những năm trước? Theo như những thống
kê thì chỉ có khoảng 40% GS/PGS hiện đang giảng dậy, vậy thì nếu áp dụng đúng
các quy định về nhà giáo cũng như loại 8% các ứng viên không đủ điều kiện thì
trên 11000 GS/PGS hiện hành, ít ra phải có 6000 phải bị tước hàm.
Như thế đã đủ chấn hưng nền giáo dục nước nhà? Chắc chắn là
không! Chuyện phong hàm xem ra khá sôi động nhưng chỉ là một trong muôn vàn vấn
nạn của nền giáo dục nước nhà. Đơn thuần chỉ là vì nó đã được thiết kế để sản
sinh ra những học sinh với "nhân cách con người VN xã hội chủ nghĩa"
(Điều 27 Luật Giáo Dục 2005). Mà theo "Giáo Sư" Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng thì "đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt
Nam hay chưa?".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét