Thảo Vy (VNTB)
Một văn bản từ Văn phòng Chính phủ gửi đến các tòa soạn báo vào hôm 01/03/2018, ghi tác giả là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và tựa bài viết là: “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững”. Bài viết có tổng cộng 5.439 từ, trong đó cụm từ “xã hội chủ nghĩa” chỉ nhắc ba lần, ở phần đầu bài và 2 lần gần cuối bài khi lặp lại nội dung phần mở đầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: thainguyentv |
“Xã hội chủ nghĩa”: cụm từ mặc định trong diễn văn!
“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là một yêu cầu quan trọng và xuyên suốt trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Trích những dòng đầu tiên của bài viết như đã dẫn ở trên). Và gần cuối bài, thu hẹp phạm vi định hướng xã hội chủ nghĩa: “thực sự đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
“Kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa” có lẽ là cụm từ mang tính ‘lễ nghi’ cho bài viết mang hơi hướng Đảng, bởi câu sau đó có nguyên văn như sau: “Điều hành kinh tế vĩ mô vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chủ động, linh hoạt, luôn bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững” (lệ thường, phải là câu kết đưa nền kinh tế nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa!)
Thời còn làm chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc quen biết thân tình với ông Nguyễn Công Khế, khi ấy là Tổng biên tập báo Thanh Niên. Dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải lâm trọng bệnh, và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đến bệnh viện Chợ Rẫy để thăm ông Khải đang điều trị tại đây (báo chí chỉ đưa tin là Thủ tướng đến Chợ Rẫy để chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam). Ông Khế nhắc với ông Phúc câu chuyện cũ về người bệnh: “Một lần khác khi đến thăm ông vào dịp tết, khi nói về kinh tế, ông đập vào vai tôi, nói: đến giờ này tau cũng không giải thích nổi: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào mầy ạ?”.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN? |
Nhân vật xưng “tau” ở đây khi ấy chính là Thủ tướng Phan Văn Khải.
Cánh nhà báo chuyên trách nghị trường cho rằng tổ thư ký soạn diễn văn, bài viết lần này cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất khôn ngoan, khi đoạn mở đầu bài viết (đã dẫn ở trên) gần như trùng khớp bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm sáng ngày 28/12/2017, khi ông Trọng lần đầu tiên tham dự và phát biểu tại một phiên họp của Chính phủ.
“Phải chăng chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây: Một là, phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII. Trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn”. (Trích bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Chính phủ ngày 28/12/2017)
Chỉ trong đoạn trích có 114 từ, ông Trọng đã nhấn cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” hai lần, có nghĩa là 12 từ trên 114 từ. Toàn văn bài phát biểu có tổng cộng 5.946 từ, và cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” xuất hiện khá dày.
Với bài viết chủ động gửi đến các tòa soạn báo chí, cùng chuyện “dè sẻn” cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, có phải ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phát tín hiệu sẽ không nghe theo lời huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong điều hành nền kinh tế quốc gia, và cả chuyện “nhất thể hóa” Đảng – Nhà nước?
Nước sông không phạm nước giếng?
Tạm gác qua chuyện câu từ, trong bài viết được cho là của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có các ý mà theo người viết là đáng chú ý sau đây, đó là ông Thủ tướng nhấn mạnh rằng trong điều hành vĩ mô lẫn vi mô đều phải từ Chính phủ. “Sự đổi mới trong hoạt động của Chính phủ, xác định đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm trong điều hành kinh tế vĩ mô, như chúng ta đã thực hiện thành công trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư trong thời gian qua”. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã viết (hay là thư ký của ông đã chấp bút!) như vậy khi nói về các chính sách điều hành trong năm nay 2018.
Hoa Kỳ là hình mẫu để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều chỉnh các chính sách kinh tế, tài chính chứ không phải từ các chỉ thị, nghị quyết từ Bộ Chính trị. Bài viết có đoạn: “Trong điều kiện Hoa Kỳ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hàng rào thuế quan dẫn đến một số quốc gia, đối tác có thể thay đổi chính sách theo hướng này, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, sớm có giải pháp về các chính sách thuế, thương mại, đầu tư phù hợp, kịp thời”.
Trung Quốc là quốc gia được ông Nguyễn Xuân Phúc viện dẫn cho bài học phát triển: “Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển có thể xem xét, tập trung nguồn lực cho những vùng, khu vực, đối tượng có hiệu quả sử dụng cao nhất để tạo ra “chiếc bánh” to hơn; sau một thời gian sẽ có nguồn lực lớn hơn để phát triển cân bằng, bền vững cho các vùng, khu vực, đối tượng còn lại, như Trung Quốc đã làm trong thời gian đầu của quá trình đổi mới”.
Trong chuyện nhất thể hóa các chức danh Đảng – Nhà nước mà ông Tổng Bí thư đang kiên quyết thực hiện, ở bài viết (đã dẫn), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ thứ bảy trong năm nay là: “Nâng cao chất lượng toàn diện công tác điều phối chính sách. Phát huy mạnh mẽ vai trò các Bộ, cơ quan tổng hợp và các Bộ quản lý ngành dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Không có cụm từ quen thuộc “của Đảng” ở đây.
Ở cuối bài, có đoạn cho cảm giác ông Thủ tướng đương nhiệm không ngại ngần về kế sách một khi nội các của ông bị đe dọa tiếm quyền bởi chính sách nhất thể hóa mà ông Tổng Bí thư đưa ra: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến - chúng ta cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô”.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến mà ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh có lẽ đa tầng ngữ nghĩa, trong bối cảnh “người đốt lò vĩ đại” đang muốn học đòi theo Tập Cận Bình trong thu gom quyền lực.
Nước sông không phạm nước giếng. Giới “chính trị bình dân” đã bình phẩm bên lề như vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét