Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

UKRAINE KÊU GỌI PHƯƠNG TÂY CẤP VŨ KHÍ

Ukraine kêu gọi phương Tây cấp vũ khí

Mỹ và Đức đang chia rẽ quanh vấn đề cấp vũ khí cho Ukraine 
 
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi phương Tây ủng hộ thêm nữa để giúp họ đối phó với phiến quân thân Nga, trong đó có cung cấp vũ khí. Ông Poroshenko đưa ra lời kêu gọi này tại một hội nghị an ninh ở Munich, Đức, nơi ông trưng ra những hộ chiếu mà ông cho là của quân đội Nga tham chiến ở Ukraine.

Nga bác bỏ cáo buộc họ can thiệp trực tiếp vào miền đông Ukraine.

Quân đội Ukraine cho biết đạn pháo vẫn tiếp tục bắn ra và quân ly khai dường như đang chuẩn bị cho cuộc tiến công mới.

Kế hoạch hòa bình

Lời kêu gọi này của Ukraine được đưa ra trong lúc các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đang thúc đẩy một kế hoạch hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ bàn bạc về kế hoạch hòa bình này qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào Chủ nhật ngày 8/2.

Liên Hiệp Quốc cho biết giao tranh ở Ukraine đã giết chết gần 5.400 người kể từ tháng Tư khi mà quân ly khai giành quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Luhansk và Donetsk sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

“Chúng tôi là một quốc gia độc lập và chúng tôi có quyền bảo vệ người dân,” ông Poroshenko phát biểu trước hội nghị Munich.

“Ukraine đã chứng tỏ hành động một cách có trách nhiệm. Chúng tôi sẽ không sử dụng những vũ khí phòng vệ này cho mục đích tấn công,”ông nói, “Chúng tôi càng phòng vệ mạnh mẽ chừng nào thì tiếng nói ngoại giao của chúng tôi càng thuyết phục chừng đó.”

Hoa Kỳ được cho là đang xem xét cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, bà Merkel nói rằng bà ‘không thể tưởng tượng ra bất kỳ tình huống nào mà quân đội Ukraine có được khí tài tốt hơn lại dẫn đến việc Tổng thống Putin choáng ngợp đến mức ông ấy tin rằng ông ấy sẽ thua về mặt quân sự’.

‘Không loại trừ quân sự’

 
Chiến sự ở Ukraine đang có nguy cơ lan rộng
Với phát biểu này, bà Merkel đã nằm vào thế đối lập với tư lệnh tối cao của Nato, Tướng Philip Breedlove của Mỹ, người nói với các phóng viên rằng các đồng minh phương Tây không nên ‘loại trừ khả năng hành động quân sự’.

Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, nói Mỹ sẽ ‘tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine không phải để thúc đẩy chiến tranh mà là để cho Ukraine tự vệ’.

“Để tôi nói rõ – chúng tôi không tin rằng có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine,” ông Biden nói, “Nhưng chúng tôi cũng không tin rằng Nga có quyền làm những gì mà họ đang làm.”

Tại Munich, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Nga lên án cái mà ông gọi là ‘lời kêu gọi ngày càng nhiều ở phương Tây về việc cung cấp cho Ukraine với đầy đủ vũ khí sát thương và cho nước này tham gia Nato’.

Ông Lavrov cũng nói ông tin rằng ‘có nhiều khả năng’ bản kế hoạch hòa bình mới nhất sẽ cho phép tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.


Pháp và Đức đang vận động một kế hoạch hòa bình
Bà Merkel nói tại Munich rằng không có gì đảm bảo các biện pháp ngoại giao sẽ thành công nhưng nó ‘hoàn toàn đáng để thử’.

Kế hoạch hòa bình này là để phục hồi lệnh ngừng bắn ký kết ở Minsk hồi tháng Chín. Kể từ khi có lệnh ngừng bắn, quân ly khai đã giành thêm được nhiều lãnh thổ khiến cho chính quyền Kiev và những nước ủng hộ Ukraine lo ngại.

Nato chia rẽ?

Ông Hollande cho biết kế hoạch này bao gồm một khu phi quân sự rộng khoảng 50 cho đến 70 km xung quanh chiến tuyến hiện nay.

Từ Munich, phóng viên BBC Jonathan Marcus bình luận:

“Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ về việc Washington không tin người Nga và quyết tâm của Mỹ muốn cho Ukraine ‘có khả năng tự vệ’. Liệu điều này có nghĩa là Mỹ sẽ cung cấp vũ khí?
Dường như đó đang là cách nghĩ của người Mỹ và cách nghĩ này đang khiến cho hầu hết các đồng minh châu Âu của Mỹ lo sợ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu rất mạnh mẽ rằng bà chống lại hành động trên.

Nhưng thật ra không có bản kế hoạch hòa bình nào mới cả. Đó chỉ là nỗ lực hồi sinh lại bản kế hoạch vốn chưa bao giờ được thực thi – thỏa thuận Minsk được ký kết hồi năm ngoái.

Nếu con đường ngoại giao thất bại và Tổng thống Barack Obama tiến hành cung cấp vũ khí cho Ukraine thì việc này không chỉ gây chia rẽ ở Nato và mà còn kích động Nga đáp trả quyết liệt hơn.”


Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét