Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Một nạn nhân của "Vụ án xét lại" Ông Lê Trọng Nghĩa 'từ trần'

Ông Lê Trọng Nghĩa 'từ trần'


Tin cho hay Đại tá Quân đội Bắc Việt, ông Lê Trọng Nghĩa, cựu thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu vừa qua đời hôm 22/2/2015, hưởng thọ 93 tuổi.

 BBC cũng nhận được bản thảo 'Di chúc' của ông Nghĩa trong đó ông yêu cầu được minh oan.

Hôm Chủ Nhật, Cựu Đại tá Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, hiện đang cư trú chính trị tại Pháp, xác nhận việc ông Nghĩa qua đời và bình luận về bản thảo 'Di chúc' được cho là của ông Nghĩa.

Ông Tín nói: "Ông Nghĩa là một con người rất mưu lược, ông vốn trưởng thành trong ngành Quân Báo, cho nên ông là một con người rất là mưu lược.

"Hai nữa, ông là một con người kín kẽ, kín đáo, nhưng mà do mưu lược như thế, cho nên tôi nghĩ là ông ấy đã có ý kiến, thì khi ông ấy còn sống, ông ấy có hàng trăm nghìn cách để mà đưa ra công khai tạo lên sức ép của dư luận, của gia đình, bạn bè, của xã hội đối với Đảng chứ."
Còn Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng nhà nước và chính quyền 'nên giải quyết' những điều được cho là 'oan khiên' với ông Nghĩa, tuy ông Vĩnh dự đoán rằng 'họ sẽ không giải quyết đâu."

'Nạn nhân xét lại'

Hôm Chủ Nhật, ông Trần Kiến Quốc, con trai của ông Trần Tử Bình, cựu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc (1959-1967) và là bạn tù Hỏa Lò (1943-1945), cùng làm việc ở Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Bắc Việt từ năm 1947 với ông Nghĩa, xác nhận với BBC "cụ Lê Trọng Nghĩa qua đời hôm nay."

Ông Lê Minh Nghĩa là một trong những 'nạn nhân' của vụ 'án xét lại chống Đảng' và bị giam và cải tạo lao động từ năm 1968-1976. Trong bản thảo 'Di chúc' được cho là của Đại tá Nghĩa mà BBC nhận được có đoạn:

"Tháng 2/1968, tôi bị an ninh bắt vì liên quan đến 'nhóm Xét lại". Tôi tuy không chấp nhận các tội danh được quy kết và không được được xét xử theo pháp luật nhưng vẫn bị giam và cải tạo lao động từ năm 1968 đến 1976.
"Thời gian này một số đồng chí cùng bị bắt và kết tội như tôi là Đại tá Đỗ Đức Kiên, Đại tá Lê Minh Nghĩa đã được tổ chức cho ra và chuyển ngành đảm nhiệm các chức vụ dân sự.

"Đại tá Kiên được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ lao động và Thương binh, Đại tá Nghĩa được bổ nhiệm làm thứ trưởng Trưởng ban biên giới. Riêng tôi bị khai trừ Đảng, mất hết mọi chức vụ và quyền lợi.

"Ban Tổ chức Trung ương ra quyết định số 08 QĐTC ngày 29/02/1988 cho về hưu do Ủy ban Nhân dân Hà Nội cấp, tương đương với cấp chuyên viên hành chính của Thành phố."

'Giải quyết minh oan?'

Bản thảo 'Di chúc' của Đại tá Nghĩa cho hay kể từ thời gian đó, nhiều 'cựu cán bộ cao cấp' của Đảng, nhà nước và Quân đội, Công an Việt Nam như các ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng ban bảo vệ Ban tổ chức Trung ương, Lê Hồng Hà - Chánh văn phòng Bộ công an, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã gửi đơn thư tới chính quyền đề nghị "minh oan" cho ông Nghĩa.

Bản thảo viết thêm: "Tôi cũng đã viết nhiều thư nhưng tổ chức không trả lời vì vậy đã 48 năm nay tôi và gia đình sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn mang theo nỗi oan ức mà không được giải quyết. Nội dung các vấn đề trên đã có trong hồ sơ của Ban tổ chức Trung ương.
"Nay tôi đã đi xa không cần gì về đãi ngộ, quyền lợi nhưng cần được khôi phục danh dự cho bản thân tôi và gia đình vì sự việc cũng đã rõ và lịch sử đã chứng minh..."

Trả lời BBC hôm 22/2/2015 về việc liệu Đại tá Nghĩa có 'oan ức' thật không, và nếu điều đó có cơ sở, liệu ông Nghĩa có nên được giải quyết để được 'minh oan' hay 'phục hồi danh dự' hay không, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng Cục Chính Trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản, nêu quan điểm:
"Theo tôi thì nên giải quyết, nhưng mà bây giờ tôi cho rằng họ không giải quyết đâu bởi vì nó lâu rồi và ban lãnh đạo hiện nay, họ không có tâm để mà giải quyết những chuyện oan khiên như thế đâu," Tướng Vĩnh nói với BBC.

Đại tá Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1922, xuất thân là nhà luật học, thông thạo nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông từng được Đảng Cộng sản giáo nhiệm vụ sáng tham gia lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Việt Nam.

Ông là ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa ở Hà Nội khi 23 tuổi và từng là đại biểu Quốc hội khóa I của Việt Nam, làm thư ký cho Tướng Giáp, từng đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng và Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu, Bí thư Đảng ủy Bộ tổng tham mưu quân đội Bắc Việt.


Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét