Se sắt Sài Gòn ngày cận Tết
Phạm Chí Dũng
Se sắt
Tết lại hầm hập đổ về. Sài Gòn vẫn chẳng hề lên hương sắc.
Ðã mấy năm nay, những gương mặt nghèo khó đầy nốt tàn nhang lại càng sạm tái
đi. Một trong số không nhiều người dân quan tâm thế sự nói với tôi rằng ông cứ
có cảm giác như bị đánh cắp một thứ gì đó. Ngay trước thềm cửa hàng gia dụng của
ông, thuế mạ ngự trị khắp nơi.
Dù hàng khuyến mãi tràn ngập lề đường, song quá nhiều bàn
tay chai sần không với nổi.
Tôi dừng xe bên con đường phụ của hầm Thủ Thiêm ở quận 2.
Gió chiều bắt đầu se sắt. Trước mặt tôi là một phụ nữ lam lũ chừng 40 tuổi,
đang loay hoay với những bao tải ve chai mà chị mót được ở đâu đó. Riu ríu bên
là một bé gái khoảng năm tuổi mặc phong phanh, giương đôi mắt sợ hãi nhìn mẹ.
Chiếc xe đạp cà tàng bỗng chốc bị hất bổng lên vì gánh ve
chai phía sau quá nặng.
Con đường tịch lặng. Phía xa gần sông Sài Gòn, nhấp nhô những
mái đầu nam thanh nữ tú đang vui cười nhập nhẹt. Thỉnh thoảng lại gầm lên trong
không trung “Một... hai... ba... dôô!...”
Chiếc xe đạp chỉ muốn đổ nghiêng. Lóng ngóng thế nào, tôi lại
làm cho cái xe cà khổ ấy vẹo hẳn. Mấy bao tải ve chai lăn toài xuống nền đường.
Người phụ nữ cùng với tôi phải đánh vật một hồi mới đưa được những bao tải ve
chai lên xe đạp. Nhưng khi dây thun được cột ràng chặt, lại chẳng còn chỗ nào để
chị ngồi lên. Thế là phải dắt bộ.
Trong ráng chiều còn sót chút hoàng hôn bạc nhạc, hai người
một lớn một nhỏ dìu dặt dắt chiếc xe đạp đi. Gió ngược như xô nghiêng họ. Ðã
tám năm rồi, Sài Gòn mới vào cơn lạnh bất thường như thế này.
Một mùa lạnh gợi nhớ lại những năm 75, 76... vào thời kỳ đầy
biến cố của đất nước.
Lõm răng
Sát Tết 2015, giới quyền cao chức trọng ở Việt Nam như thủ
tướng chính phủ và bí thư thành ủy Sài Gòn lặp lại động tác trấn an như bao
nhiêu Tết trước: Họp trực tuyến về giảm nghèo.
Tám năm. Một nền kinh tế hoang tàn đổ nát bởi các nhóm lợi
ích từ đầu cơ đến chính sách. Năm nào tỷ lệ hộ nghèo cũng được báo cáo giảm
trông thấy, nhưng cái được nhận diện đầu tiên trên bộ mặt những đô thị loại 1
như Sài Gòn lại là cảnh người xin ăn tua tủa.
2015 cũng là năm “bản lề” cho công cuộc hoàn tất những gì cần
kết quả trước khi đại hội đảng lần thứ 12 diễn ra vào đầu năm 2016. Những người
như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên có phần trong đó.
Còn Chủ Tịch Trương Tấn Sang, không hiểu sao, vẫn cố công ôm
nỗi hoài cổ tri ân.
Nhưng mở đầu năm nay, một trang blog trên mạng xã hội có cái
tên rất ngụ ý là Chân Dung Quyền Lực đã tung hê rất nhiều chuyện thâm cung
trong nội tình giới lãnh đạo xa mặt cách lòng. Bất kể nhiều chi tiết của blog
này là đúng hay sai, đến những người chạy xe ôm cũng không còn thể dửng dưng với
triều chính rối ren âm thầm biến loạn.
Song thật khác với thời hoàng kim của những cơn điên đầu cơ
chứng khoán và bất động sản cách đây tám năm, cơn động kinh của triều đình dường
như là triệu chứng giãy giụa cuối cùng của một cơ thể dân sinh bị tham nhũng biến
thành tàn tạ.
Ðó là nguyên cớ mà dù muốn hay không, những người bán rau
bán cá ngoài chợ cũng phải ghé mắt xem “mấy ông ấy mần trò gì,” hầu mong chút
khắc khoải còn lại để đời sống đỡ cơ cực hơn.
Với đại đa số dân tình đen bạc, họ cần gì đến đủ loại nghị
quyết và chương trình hành động được nhai đi nhai lại? Cái mà họ cần quá đơn giản.
Một cái móng chân của tầng lớp quan chức nứt vách rớt ra cũng đủ làm nên hạnh
phúc vật chất cho cả một xã, có khi cả huyện nghèo vùng sâu.
Biết bao cơ cảnh mà tôi và các bạn gặp trên đường phố vào
lúc này, trong những buổi chiều quằn quặn Sài Gòn hay vật vờ trên vỉa hè các đô
thị khác.
Ký ức lại sống dậy vào những thời điểm tối tăm...
Ðã nhiều năm trôi qua kể từ trận lũ kinh hoàng năm 2000 ở miền
Trung, nhưng tôi không làm sao xóa nhòa khỏi ký ức hình ảnh một bé gái ngồi thụp
bên nấm mộ người thân.
Biển như cô đặc, táp vào bãi những lưỡi dài tham vọng đầy dọa
nạt. Những nấm mộ rải rác giữa hàng dương. Trong ráng chạng vạng quành quạch
chiều hôm, ánh mắt bé gái vô hồn về nơi xa thẳm.
Khoảng vô hồn của những kẻ không còn tương lai.
“Chủ nghĩa xã hội tất thắng!”
Vào những ngày này, dòng người chen chân mua sắm ở những
siêu thị sáng rực đèn như Diamond Plaza đang nghĩ gì? Họ có chút nào suy tư về
tâm cảnh mà đồng loại của họ đang ngầy ngật trong thời tiết báo hiệu đêm đen
đang chạng vạng trên đất nước?
Có lẽ chỉ ít thôi. Rất ít.
Một đất nước nốc đến 3 tỷ lít bia và ngốn đến 5 triệu con
chó mỗi năm đã trở nên thần thoại trên khắp năm châu lục.
Tâm thế vô cảm đã trở nên xốn xang ở quốc gia này, cái dân tộc
mà một thi sĩ cựu đảng viên đã bàng hoàng “thơ tôi khóc, lệ rơi hình chữ S.”
Nhưng làm thế nào được, khi những người được coi là chính
khách vẫn nghiền mắt săn đuổi quyền lực, lợi ích và săn đuổi lẫn nhau. Một vụ tự
thiêu nho nhỏ của người đàn bà khiếu kiện ở Nha Trang vào sát Tết này chẳng thể
mấy làm quan chức nào bận lòng. Bất chấp chỉ thị năm nào cũng có về chuyện
không nhận quà cáp, một hàng dài doanh nghiệp vẫn ngóng chờ đến lượt mình để hầu
nạp cho những cái hố đen lõm đến tận răng.
Không chỉ vô cảm nhân sinh, cái vô cảm chính trị còn khiến
cho tầng lớp tinh hoa trí thức Thăng Long ký cuộn tròn trong tấm mền nhung
trung thành cũ nát, thiếp mỏi trong cơn mộng du tiểu dầm không khoan nhượng.
Ðúng vào ngày 3 Tháng Hai, kỷ niệm 85 năm sinh thành của đảng
Cộng Sản, mọi thứ vẫn ngần ngật thê thiết. Tỷ lệ cách trở đến ba chục lần giữa
5% số người giàu nhất và 5% người thu nhập thấp nhất đã cách đây hơn hai chục
năm. Còn hiện tình, cái hố doãng rộng tối ngòm ấy phải lên đến hàng trăm lần, ứng
với vài ba tỷ phú đô la và hàng vài trăm triệu phú đô la sinh nở từ ruộng đồng
“một bước lên đô thị” ở đất nước này.
Cả một nền văn hóa tự trọng và đạo đức gia phả đã không cánh
mà bay, bất chấp vô số rao giảng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguồn: Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét