MỘT HIỆN TƯỢNG ĐÁNG LO NGẠI
Đào Tiến Thi
Vào
những dịp cuối năm và đầu năm, tôi thường có những việc phải về quê,
nhân đó mà chứng kiến hoặc nghe kể biết bao cảnh “xuống” (theo cách nói
của Tản Đà) của xã hội làng quê truyền thống. Ngoài những sự tranh
giành, chém giết mà báo chí thường nêu, tôi thấy hiện tượng này mới thực
sự đáng lo ngại: ĂN NHẬU và VUI TRÀN CUNG MÂY (tạm gọi như vậy) đến
phát sợ. Có thể kể một số biểu hiện sau:
1. Đám
ma, đám cưới, khao thọ, giỗ chạp mỗi ngày một to, thủ tục mỗi ngày một
rườm rà và thêm những biến tướng mới. Ví dụ: đám ma kéo dài thêm thời
gian quàn thi thể người chết để làm được nhiều các trò cúng tế; đám cưới
thì cưới hai lần cho những người sinh vào các năm Đinh, Nhâm, Quý, để
tránh phải đi “hai lần đò”[1],…
2.
Ngày càng có thêm các cuộc gặp gỡ để ăn nhậu: hội đồng niên, hội đồng
ngũ, hội những gia đình ba con, năm con,… Có gia đình riêng mùa cưới hỏi
giỗ chạp năm nay đã phải bán đi 7 tạ thóc để chi cho việc đi ăn cỗ.
3.
Lượng rượu, bia uống mỗi ngày một nhiều. Kiểu uống “nhâm nhi” của các
cụ xưa gần như không còn nữa. Thay vào đó là kiểu “nốc” rượu: nốc chúc
nhau tại mâm rồi lại mỗi người lần lượt cầm cái chén đi chúc các mâm,
đều uống theo cách “nốc” một phát/ một chén rồi bắt tay - cái tay dính
lem nhem thức ăn. Chúc một vòng, rồi lại vòng nữa, vòng nữa…
4.
Số người bệnh ung thư và bệnh tâm thần mỗi ngày một nhiều. Cũng có một
số người cảm thấy nguyên nhân từ rượu nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng
gì đến các cuộc vui tràn cung mây.
5. Trong mâm
rượu người ta gần như không nói chuyện chính trị - xã hội như ngày
trước, mà chỉ nói những chuyện lên chức lên “lon”, chuyện về các “con”
xe, “con” di động,... Rồi thì thơ phú tuôn ra rào rào trong các cuộc gặp
gỡ này.
Những hiện tượng trên diễn ra một cách
tự phát. Một số người cũng thấy “chướng” vì vừa tốn kém tiền của và thời
giờ lại vừa lố bịch. Nhưng chẳng ai “dại” mà chống lại dòng nước lũ
này. Có người chê trách nhà khác là xa hoa, rởm đời, nhưng đến lượt nhà
mình lại làm như vậy, có khi còn hơn.
Những
điều kể trên, trước mắt, nó làm người dân hoang tưởng rằng cuộc sống
đang “nở hoa”, đang ngày càng thịnh vượng, từ đó quên đi các chuyện bức
xúc, vô lý, khổ đau có thật. Và nhất là nó làm người ta bận rộn, đam mê việc làng đến quên đi việc nước.
Dân quê vốn thiết thực. Đầu óc họ còn lúc nào mà để ý chuyện biển đảo
của đất nước đang ngày càng bị đe doạ nữa. Còn về lâu dài, nó làm cho
con người Việt Nam dần dần mất gốc và bại hoại cả thể xác lẫn tinh thần.
Đến thời điểm nào đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể thò tay mà nhúp
nước Việt Nam dễ dàng.
Điều lạ là những việc như
thế ngày trước (thời bao cấp, thời nguyên vẹn tính chất XHCN) chính
quyền, đoàn thể can thiệp rất sát sao. Chính quyền thậm chí còn cấm ăn
uống trong các đám cưới. Đám nào cố tình, có khi dân quân đến tịch thu
cả rượu thịt đã bày ra mâm. Nhưng ngày nay, chính quyền, trong khi vẫn
rất hà khắc trước những hành động đấu tranh của nhân dân, thì các hiện
tượng xuống cấp văn hoá trên lại được buông, được làm ngơ, được coi là
“bình thường”.
Quan niệm sai? Sự vô trách nhiệm? Hay còn có gì đó thuộc bề sâu của vấn đề còn ẩn khuất?
Xin kể thêm mấy câu chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ.
Mới
đây trong một cuộc liên hoan, tôi ngồi cùng một vị cựu quan chức, người
ta hỏi sao ông ngoài bảy mươi mà trông lại tráng kiện hơn trước, thì
ông ấy nói rằng, do ông tập pháp luân công (PLC). Khi ngà ngà say, ông
ấy bảo: “Các vị biết vì sao Trung Quốc nó cấm PLC không? Là vì PLC làm
cho con người khoẻ mạnh, cường tráng, tinh thần minh mẫn. Người ta sẽ rủ
nhau theo hết PLC. Tập Cận Bình có lần nói rằng “PLC tranh hết quần
chúng của Đảng là vì thế”.
Tôi được nghe mấy
năm vừa qua, có rất nhiều phóng viên các báo đi Trường Sa. Mục đích
chuyến đi tất nhiên là tìm hiểu, thăm hỏi, động viên chiến sỹ giữ gìn
biển đảo. Tuy nhiên, cảm giác của nhiều phóng viên khi về lại là sự thất
vọng. Thất vọng vì cảnh thiếu thốn và cả tinh thần thiếu tin tưởng của
các chiến sỹ quân đội ta. Và dư âm để lại cho nhiều phóng viên sau
chuyến đi là: ta không thể đấu với Trung Quốc được!
Mới đây TP. Hà Nội chủ trương cho bắn pháo hoa
thường xuyên trên cầu Nhật Tân chứ không chỉ bắn vào những ngày lễ
trọng đại của đất nước. Khi Dư luận phản đối thì một vị quan chức – ông
Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội giải thích:
“Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa,
những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó,
những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay”.
Cả
sự vui vẻ nhố nhăng lẫn sự chán nản, thất vọng đều làm tiêu mòn nguyên
khí quốc gia. Những người cầm quyền ấu trĩ, dốt nát hay thờ ơ vô trách
nhiệm, hay thậm chí chủ tâm cứ để mọi sự tự phát phát triển để dân chúng
dần dần mất gốc và bại hoại cả thể xác lẫn tinh thần cho dễ cai quản,
lèo lái? Tôi chưa kết luận là cái nào. Nhưng dù thế nào thì hậu quả của
nó cũng là có hại vô cùng. Và cái nguy hại mang vẻ rất riêng của nó là:
một quá trình mất nước từ từ khiến đa số không quan tâm.
Các
triều đại phong kiến xưa cũng như các nước đế quốc trong thời kỳ tìm
đất thực dân, nhìn chung, họ khuất phục các dân tộc khác bằng vũ lực,
sau đó mới nô dịch bằng văn hoá, tinh thần; tuy nhiên lịch sử cũng cho
thấy nó có thể diễn ra bằng một số con đường khác. Nhà thơ Inrasara (Việt Nam nhìn từ huyền thoại ít được biết đến,
Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 3 – 4/2015) cho rằng quá trình mở
cõi của người Việt về phía Nam được tiến hành bằng cả hai phương thức:
bằng gươm và bằng mỹ nhân. Ngoài Huyền Trân công chúa, về
sau còn có các công chúa khác như Ngọc Khoa, Ngọc Vạn tiếp bước “mượn
màu son phấn đền nợ Ô, Ly”, góp phần hoàn tất quá trình Nam tiến của
người Việt. Nhưng rõ ràng người Việt chỉ thực hiện được điều này bởi có
những ông vua Chăm ham sắc (và coi thường nhân dân) đến độ đánh đổi cả
lãnh thổ quốc gia. Sự đồi bại về văn hoá và tinh thần của người Việt Nam
hôm nay, thiết nghĩ là đã vô hình tạo điều kiện để nhà cầm quyền Bắc
Kinh thôn tính bằng sức mạnh mềm.
Để phân tích
tìm ra nguyên nhân và hậu quả các hiện tượng trên cần có sự khảo sát,
nghiên cứu kĩ hơn. Tuy nhiên, một điều có quy luật là: Nước mất nhưng
văn hoá, tinh thần còn thì vẫn có điều kiện để khôi phục độc lập. Nhưng
mất văn hoá, mất tinh thần dân tộc là mất gốc, dù hiện tại chưa mất nước
nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất nước rất cao.
ĐTT
(24-2-2015)
[1]
Thời xưa, những người tin thuyết số mệnh cho rằng “Trai Đinh, Nhâm, Quý
thì tài/ Gái Đinh, Nhâm, Quý phải hai lần đò”. (Hai lần đò: hai lần lấy
chồng). Để hoá giải điều này, khi cưới, người ta tổ chức hai lần đưa
rước dâu, trong đó một lần mang ý nghĩa tượng trưng (chắc là để đánh lừa
quỷ thần). Nếu chỉ có thế thì cũng không đáng trách lắm, chỉ hơi mệt
cho thủ tục đưa rước dâu. Tuy nhiên ngày nay, nhiều cặp hôn nhân làm hai
lần đám cưới và đưa rước râu ở hai lần cách xa nhau, tức cả hai lần đều
là thật một trăm phần trăm. Như thế sự ngu muội đã đến cực điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét