- Phạm Lê Vương Các
Tác giả, Phạm Lê Vương Các, cùng Nguyễn Trang Nhung (trái) đại diện pháp lý cho các tiểu thương chợ Long Khánh trong buổi gặp mặt với UBND Tỉnh Đồng Nai.
Trước tiên về việc đưa chính phủ VN ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
Điều kiện để được Tòa án nhân quyền Châu Âu xem xét và thụ lý đơn khiếu tố cáo buộc một quốc gia vi phạm nhân quyền thì quốc gia đó phải là thành viên của Công ước Châu Âu về Nhân quyền.
Chẳng hạn như công dân của Czech hay Slovakia như bác Điếu Cày nói trong bài phỏng vấn thì có thể kiện được vì 2 quốc gia này thuộc Hội Đồng Châu Âu đều tham gia ký kết Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Xin được nói thêm, Tòa án nhân quyền Châu Âu thuộc "cơ chế khu vực" nên sẽ không áp dụng cho các quốc gia nằm ngoài khu vực Châu Âu như Việt Nam.
Vì vậy, không kiện chính phủ VN ra Tòa án Nhân quyền Châu âu.
Nhớ lại trước đây, cũng trong một lần trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ khi vừa sang Mỹ, bác Điếu Cày cũng cho biết là có ý định sẽ kiện chính phủ Việt Nam ra "Tòa án quốc tế" về những việc liên quan đến vụ án của Bác và CLB Nhà Báo Tự Do.
Hiện nay có 2 Tòa án quốc tế có khả năng xét xử các vi phạm về quyền con người là Tòa án Công Lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Tuy nhiên, cũng không thể mang chính phủ VN ra trước 2 tòa này được. Bởi:
Thứ nhất, đưa ra Tòa án Công Lý Quốc tế (ICJ).
Theo điều 36 của Quy chế Tòa án, ICJ có thẩm quyền xét xử các tranh chấp pháp lý liên quan đến Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các Điều ước quốc tế. Vì vậy, ICJ cũng có chức năng xem xét, xử lý các tranh chấp liên quan đến quyền con người theo Công ước quốc tế do LHQ ban hành. Tuy nhiên, chủ thể đưa ra kiện tụng ở đây phải là giữa các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc với nhau, chứ không thể là cá nhân, hay các tổ chức phi chính phủ đi kiện chính phủ một quốc gia.
Giả sử bác Điếu Cày vận động được chính phủ Hoa Kỳ kiện chính phủ Việt Nam không tuân thủ Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị qua trường hợp của Bác và CLB Nhà Báo Tự Do thì vẫn chưa đủ điều kiện để ICJ thụ lý, mà nó đòi hỏi cả quốc gia bị kiện chấp nhận ra trước ICJ, thì vụ việc mới được đem ra giải quyết bằng một quá trình tranh tụng giữa hai bên trước tòa.
Thứ hai, đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
ICC được thành lập theo Điều 1 của Quy chế Rome 1998 về Tòa án Hình sự Quốc tế. Về chức năng ICC là cơ quan tài phán hình sự quốc tế nhằm xét xử những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người.Điều kiện trước tiên để ICC xem xét là quốc gia công nhận thẩm quyền của ICC bằng cách phê chuẩn hoặc gia nhập Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế, kèm theo đó là các Quốc gia thành viên thông báo cho ICC về vụ việc tội phạm, hoặc Hội đồng Bảo an thông báo cho ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương Liên Hợp Quốc thì ICC vẫn thực hiện quyền tài phán mà không cần quốc gia có vụ việc tội phạm đã là thành viên hay chưa (Chủ tịch Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị rơi vào trường hợp này nếu trong thời gian tới Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết truy tố Kim Jong Un trước ICC).
Việt Nam hiện nay không là thành viên của Quy chế Rome. Trong lần Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát về Nhân quyền vừa qua, Việt Nam đã từ chối tất cả các khuyến nghị liên quan đến việc gia nhập Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế.
Qua đó cho thấy, rất khó, và có thể nói là bất khả thi để đưa chính phủ VN, hoặc một quan chức của chính phủ vi phạm nhân quyền ra bất kỳ một tòa án quốc tế nào trong thời điểm hiện tại, vì cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế hiện nay còn khá yếu, và chính phủ VN cũng luôn biết tự bảo vệ mình bằng cách đặt mình ra khỏi những quy định ràng buộc của luật quốc tế có thể mang lại nhiều ảnh hưởng xấu và rủi ro.
Chẳng hạn như gần đây, dù VN đã phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn LHQ nhưng lại tuyên bố bảo lưu điều 20 của Công ước trong việc công nhận thẩm quyền của Ủy ban giám sát Công ước chống tra tấn. Mục đích của việc bảo lưu này là để Ủy ban không có thẩm quyền thụ lý và giải quyết khi công dân VN gửi đơn khiếu tố về việc bị tra tấn, cũng như Ủy ban không thể tiến hành điều tra về tình trạng tra tấn khi nhận được thông tin đáng tin cậy về việc tra tấn có hệ thống đang xảy ra tại VN. Và cũng ở Công ước này, VN bảo lưu khoản 2 Điều 8 của Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ, nhằm tránh những rủi ro cho các quan chức chính phủ đối mặt với việc dẫn độ, vì phạm tội tra tấn chỉ có thể là quan chức chính phủ, chứ không thể là người dân.
Dù không thể đưa chính phủ VN ra tòa, nhưng bác Điếu Cày có thể sử dụng đến các cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ, như Thủ tục khiếu nại hoặc Thủ tục đặc biệt của Hội Đồng Nhân Quyền để đặt chính phủ VN vào thế phải trả lời, điều trần trước LHQ về các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Nguồn: Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét