Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM PHẦN IIIB



CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM PHẦN IIIb

Ngô Đình Nhu (1910-1963)

  
CƠ SỞ HẠ TẦNG VÔ TỔ CHỨC


Tình trạng vô tổ chức, của hạ tầng cơ sở nông thôn của chúng ta, lúc quân Pháp đến, đã là một lợi khí cho họ. Đối với chúng ta, là một lỗi lầm quan trọng vì nhiều lý do.

 Trước hết, khi Gia Long tức vị thì người Y Pha Nho đã chiếm cứ Phi Luật Tân từ ba trăm năm. Người Anh và người Pháp đã đổ bộ lên Ấn Độ từ một trăm năm chục năm. Người Hòa Lan và người Anh giành nhau Nam Dương quần đảo từ một trăm năm. Cả người Hòa Lan, người Anh và người Pháp tranh giành ảnh hưởng với nhau tại Thái Lan từ cuối Thế Kỷ 17. Người Anh đã đánh bạt người Hòa Lan ra khỏi Mã Lai, và chiếm bán đảo này từ hơn năm chục năm. Nghĩa là sự tấn công của Tây phương vào các quốc gia Á Châu đã có từ lâu và các vị trí của họ đã bao vây Việt Nam. Triều Nguyễn không thể không biết tình trạng đó, nhất là khi chính Gia Long đã liên lạc chặt chẽ với Tây phương và nhờ kỹ thuật của họ mà chiếm lại được chính quyền. Gia Long không thể không biết sức mạnh của kỹ thuật Tây phương và cũng không thể không biết ý chí xâm lăng của Tây phương khi tình trạng của các quốc gia chung quanh chúng ta như đã trình bày trên đây.

Như thế thì, vì lý do gì mà chúng ta không cố tìm cách đoán trước cái họa xâm lăng đã đến gần một bên ?
Trong nội bộ, những biện pháp quốc phòng không có, đối ngoại, trong khi những biến cố đang dồn dập xảy ra cho các quốc gia láng giềng như chúng ta vừa thấy, thì quan niệm ngoại giao của chúng ta vẫn chật hẹp và đóng cửa như xưa.

Mãi đến năm 1839, khi người Anh can thiệp bằng võ lực vào nội địa Trung Hoa trong cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, thì lúc bấy giờ, Minh Mạng mới ý thức được tình trạng nguy ngập của quốc gia và vội vã và đột ngột gửi hai phái bộ sang Anh và Pháp. Nhưng tình thế đã muộn. Vả lại, một phái bộ Ngoại Giao gửi đi một cách đột ngột không chuẩn bị, không lót đường, không thương thuyết sơ khởi, làm sao mang đến kết quả gì ?

 Và sau đó, các sự kiện đã dồn dập xảy ra như chúng ta đều biết, và hai mươi năm sau chúng ta lâm vào ách thống trị của đế quốc.

Các Sử Gia thường cho rằng, nguyên nhân của trạng thái không dự bị của Triều Nguyễn đối với họa xâm lăng, và lý do của những hành động kém sáng suốt trong giai đoạn quyết liệt ấy, là tâm lý của những người, đã trải qua nhiều đời, thấm nhuần Nho Học. Cho nên, ngoài văn minh Trung Hoa ra, không còn nhìn thấy có thể có những sự phát triển nào khác cho nhân loại. Vì vậy cho nên, họ nhất định nhắm mắt trước các sự kiện đang dồn dập xảy đến. Ngoài lý do trên, sự bị giam hãm trong một nền ngoại giao cổ truyền chật hẹp, căn cứ trên tâm lý thuộc quốc đối với Trung Hoa, là một trở lực to tát.
Tâm lý này bộc lộ ra rõ rệt trong phản ứng của chúng ta lúc bấy giờ. Trước khi chính Trung Hoa bị tấn công, thì phản ứng của chúng ta như là không có đối với sự tấn công của Tây phương vào các quốc gia Á Châu láng giềng. Ngược lại sau khi Trung Hoa bị tấn công, thì lúc bây giờ phản ứng của chúng ta là vội vã gửi hai Phái Bộ sang Pháp và Anh, mà không có một sự chuẩn bị ngoại giao nào cả. Và sự gởi hai Phái Bộ sang Pháp và Anh, theo lối gởi sứ bộ sang Tàu xưa nay, lại càng làm cho chúng ta nhận thức, một cách rõ rệt hơn nữa, quan niệm về ngoại giao của chúng ta lúc bấy giờ mang nặng “tâm lý thuộc quốc”, đến mức độ nào.

Và ngay trong lúc này, chúng ta đang thừa hưởng cái hậu quả tai hại của tình trạng chiếm cứ dở dang của chúng ta đối với miền Nam. Tình trạng vô tổ chức của làng mạc trong miền Nam, như trên chúng ta đã thấy, là một tình trạng thuận lợi cho kẻ xâm lăng, nghĩa là cho kẻ tấn công bao nhiêu, thì bất lợi cho kẻ cố thủ bấy nhiêu. Trong thời gian kháng cự với Pháp, sự kiện này càng thể hiện rõ rệt. Quân Pháp tấn công rất dễ vào các làng do quân kháng chiến kiểm soát, cũng như quân kháng chiến tấn công rất dễ vào các làng do quân Pháp kiểm soát. Trong khi đó, ở miền Bắc và miền Trung, sự tấn công của một bên này, vào một làng do bên kia chiếm giữ là một hành động vô cùng khó khăn.

 Và ngay bây giờ, sở dĩ du kích quân của miền Bắc phá rối dễ dàng các vùng nông thôn của miền Nam, là vì theo chiến lược du kích của Mao Trạch Đông, họ đóng vai trò tấn công vào các làng mạc vô tổ chức, mà chúng ta cố thủ.

Trong trường hợp đó, và trước một thực tế hiển nhiên, liên quan đến sự thiếu tổ chức của chúng ta trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở nông thôn, chúng ta chỉ có thể chặn được du kích ở nông thôn, nếu, hoặc là chúng ta không nhận vai trò cố thủ các làng, xoay chiến lược, để chính chúng ta sẽ tấn công vào các làng từ những cứ điểm có tổ chức và phòng thủ được, hoặc là chúng ta tổ chức các làng trước, rồi mới cố thủ sau.

Sự chiếm cứ dở dang của chúng ta đối với miền Nam lại còn có nhiều ảnh hưởng nặng nề về nhân sinh, về xã hội và về kinh tế mà chúng ta sẽ nhìn thấy rõ khi xét về hình thức vật chất các làng của chúng ta từ Bắc chí Nam.

Hình thức vật chất của làng.

Trước hết, chúng ta sẽ không vội vã, như phần đông các Sử Gia và Kinh Tế Gia của chúng ta, khen ngợi và hãnh diện với tổ chức làng mạc của chúng ta, mà những người này xem là một sáng kiến kỳ đặc của Dân Tộc. Những người này thường ca tụng tính cách dân chủ trong sự tổ chức tự trị của làng và tính cách độc lập của làng đối với chính quyền trung ương Nhưng thật ra thì, bất cứ dưới triều đại nào của chúng ta, tùy lúc, sự kiểm soát của trung ương có thể, hoặc chặt chẽ, hoặc nới rộng, đối với làng mạc. Trong những thời kỳ mà sự kiểm soát của trung ương chặt chẽ đối với làng thì công việc hành chính của làng do một quan viên của trung ương bổ nhậm phụ trách. Trong những thời kỳ mà sự tự trị của làng được rộng rãi hơn, thì công việc hành chính do người trong làng đảm trách. Điều thứ hai là tính cách dân chủ nhận xét ở trong sự tự trị của các làng chỉ là hình thức tập hợp xã hội thấp nhất của loài người, mà các bộ lạc nào cũng có.

Chúng ta tự gạt bỏ các sự kiện trên đây ra một bên, và chỉ chú trọng đến hình thức vật chất trong sự tổ chức làng, để căn cứ trên đó mà đo trình độ tổ chức hạ tầng cơ sở của chúng ta, trên phương diện nhân sinh, xã hội và văn hóa.

Nhận xét kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng làng chúng ta ở miền Bắc được tổ chức một cách trù mật: Nghĩa là, trong phạm vi lãnh thổ của làng, vuông rào của làng xây trên một đất hẹp, lại gồm nhiều nóc gia và dân cư đông đúc. Lối đi và nhà cửa trong làng sắp xếp như trong một thành phố nho nhỏ, tất cả các cơ sở công cộng, trường, đình, chùa, công sở, vân vân…đều phục vụ toàn thể dân làng. Nếp sống tập thể giữa những người trong làng đó sẽ đương nhiên, và ý thức Cộng Đồng thành một tập quán của dân làng. Hai chữ “Làng tôi” khêu gợi một vũ trụ nho nhỏ, một tập thể trong đó có tôi.

“Làng” là một đơn vị xã hội sau gia đình, một đơn vị quốc phòng, hành chánh của quốc gia, và một đơn vị kinh tế cho vùng. Hình thức này là hình thức nguyên khởi của làng chúng ta, và chúng ta tìm thấy hình thức nguyên khởi này ở tất cả làng miền Bắc, Bắc miền Trung, đến Quảng Bình và Quảng Trị.

 Các vùng đó gồm lãnh thổ chúng ta khi mới lập quốc và phần đất đầu tiên chiếm được của Chàm, năm 1069, dưới thời Nhà Lý.

Từ phía Nam Quảng Trị đến Bình Thuận, hình thức của làng bớt tính cách trù mật, nghĩa là vòng rào rộng hơn và nhà trong làng thưa hơn. Sợi dây liên lạc giữa các người trong làng vẫn còn, nhưng đã giãn ra vì sự chung đụng bớt đi khi con đường đất dài ra, và tinh thần tập thể, cũng vì đó, mà bắt đầu nhường chỗ cho một lối sống riêng tư.

Từ Thừa Thiên đến Bình Thuận, vuông rào của làng càng xuống phía Nam thì càng mở rộng, nhưng sự mở rộng không vượt quá một giới hạn. Do đó hình thức vẫn được tôn trọng.

 Các vùng này gồm các đất chiếm được của Chàm dưới Triều Trần, và Nguyễn. Đối với dân làng, tính cách đơn vị xã hội sau gia đình bắt đầu lỏng lẻo cũng như tính cách đơn vị quốc phòng đối với quốc gia. Tính cách hành chánh còn nguyên vẹn.

 Nhưng bắt đầu từ Bình Tuy hiện nay, đến miền Đông và các Tỉnh Tiền Giang, thì hình thức trù mật đã bể. Nhà cửa trong làng đã bắt đầu rải rác, cách nhau thật xa. Vuông rào của làng khi xưa không còn mà chỉ còn những vuông rào cho một xóm, gồm nhiều nhà của một giòng họ, hay những vuông rào cho từng nhà một.

 Càng đi sâu vào phía Nam, các nóc gia càng cách xa nhau và nhà cửa càng ở rải rác khắp nơi trong phần đất của làng. Hình thức xưa không còn nữa và cùng với hình thức xưa nề nếp sống tập thể cũng không còn. Đối với dân làng, tính cách đơn vị xã hội sau gia đình của làng không còn nữa.

 Đối với quốc gia, tính cách đơn vị quốc phòng không còn nữa, mà chỉ còn tính cách đơn vị hành chánh. Các cơ sở công cộng không còn giúp ích cho toàn thể dân làng nữa vì đường đất đã quá rộng.

Sang miền Tây, các cánh đồng bao la của Hậu Giang hoàn toàn nuốt mất hình thức nguyên khởi của làng Việt Nam. Trên những khoảng rộng lớn, hay dọc theo bờ sông và bờ kinh, các nóc gia ở rải rác, hoặc gom lại từng khóm nhỏ nhỏ, năm ba cái nhà, và chạy dài đến mươi và vài mươi cây số ngàn. Hai chữ “Làng tôi” chỉ còn khêu gợi một tổ chức hành chánh có nhiều bức sách.

Lý do của sự nở dần, đến vỡ tung ra, của hình thức vật chất của làng chúng ta, từ Bắc xuống Nam, thường được xem là vì, tại phía Bắc, đất hẹp và dân đông, phía Nam, đất rộng và thưa dân. Lý do này, một mình không đủ để giải thích tất cả các sự kiện đã nhận thức trên kia, bởi vì có nhiều nơi đất hẹp, như Thừa Thiên, lại có những làng rộng hơn ở Thái Bình, hay ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, nơi mà đất lại rộng hơn. Và nếu ở vùng đất hẹp không thể tổ chức làng rộng được thì trái lại ở vùng đất rộng vẫn có thể chức làng trù mật được. Chắc chắn là đồng thời với lý do trên, một quan niệm sai lầm về sự tổ chức làng, của những người phụ trách công cuộc chiếm cứ các vùng đất mới, là một lý do rất nặng.

Càng xa trung ương, hình thức nguyên khởi của làng và những hậu quả đắc lợi của hình thức đó, lại càng bị quên.

Chỉ còn nhớ rằng làng thì cố định, có chùa, có công sở, là đủ, mà quên rằng các cơ sở cộng cộng đó, chỉ phục vụ hiệu quả khi nào hình thức trù mật được tôn trọng.

 Hậu quả của hình thức vật chất.

 Nhưng dù lý do nào, thì, sự kiện thực tế đã như vậy, và mang theo nhiều hậu quả rất là bất lợi cho chúng ta ngày nay.

Những hậu quả bất lợi về quốc phòng, như chúng ta đã biết, là những hậu quả tai hại cấp kỳ nhất.

Kế đó là những hậu quả về nhân sinh, về xã hội và về văn hóa và kinh tế, tai hại không kém, nhưng lâu ngày mới đến.

Trước hết là, sống trong khuôn khổ một hình thức trù mật, tinh thần tập thể mới nảy nở được. Hình thức trù mật mất đi, tinh thần tập thể cũng mất. Đó là một điều vô cùng tai hại, bởi vì lúc nào quốc gia, một tập thể to lớn, vẫn còn và vẫn đòi hỏi ở người dân một ý thức tập thể mà họ đã mất.

Kế đó, sống trù mật, người dân sẽ không cô lập, sẽ dựa vào tập thể mà phát triển cá nhân. Nhờ ở sự tương trợ giáo dục tự nhiên, kinh nghiệm của người trước truyền cho người sau, ít thất lạc trong một tập thể và hợp thành truyền thống của tập thể. Sống trù mật sự tiến hóa của cá nhân không bị gián đoạn.

Sau hết, là sự liên lạc từ nhân dân lên chính quyền trung ương, cũng như từ chính quyền trung ương xuống nhân dân, sẽ thông suốt, dễ dàng, nếu nhân dân sống trong một hình thức trù mật. Các cơ sở công ích mang đến cho nhân dân những phương tiện kinh tế, xã hội hay văn hóa, để nâng cao đời sống, chỉ có thể tổ chức được trong hình thức sống trù mật. Và lẽ dĩ nhiên là nêu hình thức sống trù mật không có, thì tất cả những hậu quả trên kia đều không có. Nghĩa là không hình thức trừ mật, người dân sẽ sống lẻ loi, truyền thống của tập thể mất lần, cá nhân không phát triển, ý thức tập thể không còn. Chính quyền đến với người dân một cách gián đoạn và người dân cũng không biết đến chính quyền.

Ngoài những dây liên lạc gia đình ra, người dân sống cô lập không còn biết xã hội và quốc gia là gì.

Những sự kiện tai hại trên đây, càng trở nên trầm trọng dưới thời Pháp thuộc, bởi vì đời sống của nhân dân không phải là mối lo âu của người thống trị.

Tình trạng xã hội của người dân đã như vậy, tất nhiên ảnh hưởng nặng nề đến mức sản xuất kinh tế bởi vì các kỹ thuật sản xuất, nhất là về nông nghiệp, lĩnh vực thiên sản chính của chúng ta, đã thô sơ, lại càng ngày càng suy đồi.

Vì vậy mà chúng ta không lấy làm lạ, khi đọc những tờ trình nghiên cứu của các chuyên viên về khả năng tăng gia sản xuất của chúng ta trong ngành nông nghiệp. Những người này ước lượng rằng, mức sản xuất ở miền Bắc có thể tăng lên ít nhất là năm mươi phần trăm, ở miền Trung ít nhất là một. trăm phần trăm, và ở miền Nam hai trăm phần trăm.

Con số sai biệt, giữa ba con số đánh giá khả năng tăng gia sản xuất của ba miền, chỉ do sự sai biệt giữa trình độ thủ thuật sản xuất hiện tại ở ba miền.

Những trang trên đây giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ rằng sự chiếm cứ của chúng ta, đối với phía Nam miền Trung chưa hoàn bị và đối với miền Nam hoàn toàn chưa rồi.

 Để bắt tay vào công cuộc phát triển, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện là hoàn tất công cuộc chiếm cứ nói trên, bằng cách tổ chức lại, trên căn bản sống trù mật và tập thể, các cơ sở hạ tầng của chúng ta ở nông thôn.

Như thế thì, việc tổ chức lại các làng mạc ở phía Nam miền Trung và ở miền Nam, không phải chỉ có tác dụng quân sự, đối với sự phá quấy của du kích quân miền Bắc, mà chính là để đặt nền tảng cho công cuộc Phát Triển Dân Tộc trên mọi lĩnh vực, nhân sinh, kinh tế và văn hóa.

 Đúng hơn nữa, hai tác dụng trên phải đi đôi với nhau. Nghĩa là, tác dụng quân sự, đối với sự phá quấy của du kích miền Bắc, sẽ đạt được dễ dàng hơn, nếu chúng ta đặt nó vào khuôn khổ bao quát của một công cuộc Phát Triển Dân Tộc rộng lớn. Lý do của sự kiện này là như sau đây:

 Cộng sản, nói chung toàn bộ lý thuyết và phương pháp hành động, là một phương tiện tranh đấu đã khắc phục được sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo miền Bắc. Sự tin tưởng của họ bắt nguồn từ hai sự kiện. Trước hết là phương tiện đó đã tỏ ra có hiệu lực trong giai đoạn giải phóng quốc gia khỏi ách thực dân, bởi vì đã mang đến cho chúng ta những đồng minh quốc tế trong cuộc tranh đấu lẻ loi của mỗi quốc gia, như chúng ta đã biết. Sự kiện thứ nhì là gương phát triển của Nga Sô. Đối với hoàn cảnh của Việt Nam sự tin tưởng có thích nghi không, chúng ta đã đề cập đến trên đây và sau này sẽ trở lại.

 Dầu thế nào, do sự tin tưởng trên, các nhà lãnh đạo miền Bắc đã áp dụng phương pháp cộng sản để thực hiện công cuộc phát triển, như chúng ta đã trình bày ở phần hai, trong đó có cuộc xâm chiếm miền Nam. Vì vậy mà, biện pháp quân sự đối với họ chỉ là một phần trong một toàn bộ chương trình. Do đó những hành động của họ có những khả năng lôi cuốn được quần chúng, mà riêng những biện pháp quân sự của họ, không làm sao có được. Nói một cách khác, biện pháp quân sự của họ không thể tách rời và đứng riêng một mình, ngoài phạm vi công cuộc mà họ chủ trương.

Như vậy, để chống lại những sự phá rối của du kích quân miền Bắc thì biện pháp quân sự không thôi là không đủ. Ví dụ mà chúng ta có đánh bại họ về quân sự đi nữa, chúng ta cũng chưa thắng họ được, bởi vì lực lượng chính yếu của họ không phải là quân lực, nhưng là một toàn bộ chương trình.

 Và chúng ta đã biết, chương trình đó không gì khác hơn là một công cuộc phát triển theo lối cộng sản.

Cũng như chúng ta đã thấy trên kia, khi Nga Sô mở màn cho giai đoạn hiện tại của cuộc tranh đấu với Tây phương thì điều kiện trước tiên để bảo đảm thắng lợi là đưa cuộc tranh đấu của họ lên tầm quốc tế, bởi vì địch thủ là Tây phương, đã bủa giăng lưới thống trị trên khắp địa cầu. Trường hợp của chúng ta ngày nay trong công cuộc đánh dẹp du kích quân miền Bắc cũng tương tự như vậy. Vì miền Bắc đặt vấn đề, du kích quân phá rối tại miền Nam, trong khuôn khổ toàn quốc của một công cuộc phát triển theo lối cộng sản. Như vậy muốn đánh dẹp du kích quân, chúng ta phải đặt công cuộc đánh dẹp đó trong khuôn khổ toàn quốc của một công cuộc Phát Triển Dân Tộc theo lối Tự Do. Nghĩa là, những biện pháp của chúng ta dùng phải là những biện pháp không giới hạn trong lĩnh vực quân sự mà là những biện pháp thuộc tất cả các lĩnh vực gồm trong khuôn khổ của công cuộc Phát Triển Dân Tộc. Và chương trình của chúng ta phải được quan niệm, không phải chỉ cho miền Nam, mà cho toàn quốc.

Những cái vốn của lịch sử

Ngoài hai vấn đề, “Sự liên lạc với Trung Hoa” và “Công cuộc Nam tiến của Dân Tộc” đương nhiên đè nặng trên cái vốn hiện tại của Dân Tộc, chúng ta đã thấy trong một đoạn trên đây, tám mươi năm thống trị của người Pháp đã để lại cho chúng ta một di sản mà ngày nay chúng ta còn phải mang những hậu quả rất là tai hại. Chỉ cần nhắc lại ba gánh nặng nhất mà thời kỳ Pháp thuộc đã lưu lại cho chúng ta.

Tây Phương Hóa bắt buộc

Trước hết là một công cuộc Tây Phương Hóa bắt buộc đối với chúng ta. Bắt buộc, bởi vì chúng ta đã không có ý Tây Phương Hóa, nhưng vì sinh lực mạnh bạo của một nền văn minh đã chiến thắng văn minh chúng ta, làm cho chúng ta mất tin tưởng vào các giá trị tiêu chuẩn cũ, và miễn cưỡng thâu thập nền văn minh mới. Kẻ thống trị không có quyền lợi gì để biết đến sự Tây Phương Hóa của lớp người bị trị.

Vận mạng của chúng ta lại không phải do chúng ta nắm. Vì vậy mà công cuộc Tây Phương Hóa, mà chúng ta đã phải chịu nhận từ một Thế Kỷ nay, là một công cuộc Tây Phương Hóa bắt buộc, không mục đích, không được hướng dẫn. Dân chúng bị lôi cuốn vào một phong trào Tây Phương Hóa, mà không hiểu Tây Phương Hóa để làm gì, Tây Phương Hóa đến mức nào là đủ, và Tây Phương Hóa làm sao là đúng.

Xã hội tan rã.

Tình trạng đó đã dẫn dắt đến sự tan rã của xã hội chúng ta. Các giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất hết hiệu lực đối với tập thể mà giá trị tiêu chuẩn mới thì không có. Do đó, tín hiệu tập hợp các phần tử trong xã hội đã mất. Đó là một điều vô cùng bất hạnh cho Dân Tộc trong giai đoạn này, vì chính lúc này là lúc mà chúng ta cần phải thực hiện công cuộc Phát Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa. Một công cuộc như vậy đòi hỏi, như chúng ta đã biết, nhiều nỗ lực liên tục của toàn dân và nhiều hy sinh lớn lao của mọi người. Vì vậy cho nên, sự có một tín hiệu tập hợp vô cùng cần thiết, để toàn dân trông vào và tin tưởng, mới có đủ nghị lực mà cung cấp cố gắng trong một hoàn cảnh khổ hạnh. Và chính vào một thời kỳ như vậy chúng ta lại mất các tín hiệu tập hợp.

 Giả sử chúng ta có một sự tin tưởng vào một nhân vật tượng trưng, như người Nhật tin vào Thiên Hoàng của họ, thì sự tin tưởng đó thật là quí báu vô cùng. Cho nên, sự lỡ cơ hội phát triển lần đầu tiên, khi mà xã hội chúng ta chưa tan rã, là một điều hết sức tai hại. Ngày nay, chúng ta phải phát động công cuộc phát triển, từ một khởi điểm rất thấp, so với khởi điểm chúng ta đã có thể có được, nếu chúng ta nắm ngay cơ hội lần đầu tiên.

 Sự thiếu tín hiệu tập hợp tự nhiên cho Dân Tộc, đã và sẽ dẫn dắt các nhà lãnh đạo chúng ta đến một hoàn cảnh phải sử dụng những tín hiệu tập hợp chiến lược và cố nhiên là giai đoạn. Nhưng đó là một sự thay thế bất đắc dĩ, bởi vì những tín hiệu tập hợp giai đoạn, tự nó đã không bền, tất nhiên phải nhiều lần thay đổi với thời gian, và sẽ làm mất sự tin tưởng của nhân dân đối với người lãnh đạo.

Sự gián đoạn trong vấn đề lãnh đạo quốc gia.

 Gánh nặng thứ ba, mà thời kỳ thống trị của đế quốc đã để lại cho chúng ta, là sự gián đoạn trong vấn đề lãnh đạo quốc gia. Chúng ta đã thấy rằng chúng ta lâm vào một sự gián đoạn đến một trình độ trầm trọng nhất. Sự chuyển quyền không thể thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật quốc gia và bí mật lãnh đạo đều bị mất. Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Người lãnh đạo không có đủ di sản dĩ vãng không bảo tồn được, văn khố thất lạc và bị cướp bóc.

 Một trong các nguyên nhân chính yếu của sức mạnh của các cường quốc là một sự liên tục lãnh đạo quốc gia trong nhiều thế hệ. Trong thời gian đó, kinh nghiệm lãnh đạo chồng chất và lưu truyền cho các thế hệ. Chỉ tưởng đến cái hậu thuẫn kinh nghiệm súc tích hằng mấy Thế Kỷ của họ, chúng ta cũng khiếp, khi nhìn lại mấy tờ giấy kinh nghiệm làm hậu thuẫn cho chúng ta ngày nay. Quan niệm quét sạch tàn tích trước, để xây dựng tương lai là một quan niệm ấu trĩ của quần chúng, không được huấn luyện về ý thức chính trị.

 Không người lãnh đạo nào, kể cả những người cách mạng cuồng nhiệt nhất, có quyền nuôi một ý tưởng như vậy. Bởi vì không có một hành động nào mà sát hại một Dân Tộc bằng hành động quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai, vì như thế có nghĩa là không bao giờ chúng ta xây dựng được một kho tàng khinh nghiệm để làm hậu thuẫn cho sự lãnh đạo quốc gia.

Thêm vào các gánh nặng trên đây, mà đế quốc đã lưu lại cho chúng ta, sự thiểu người lãnh đạo trong các ngành, như chúng ta đã biết, là một trở lực to tát cho công cuộc phát triển đang đợi chờ chúng ta.

Vấn đề phân chia lãnh thổ

 Chúng ta đã thấy, trong một đoạn trên, những điều bất lợi cho chúng ta, trong một công cuộc Phát Triển Dân Tộc, bởi vì nước Việt Nam là một nước nhỏ. Nay thay vì một công cuộc phát triển thực hiện cho toàn quốc, tình trạng chia đôi đặt chúng ta vào hoàn cảnh phải quan niệm công cuộc phát triển cho từng phân nửa quốc gia. Như thế, việc chia đôi lãnh thổ tự nó đã là một trở lực vật chất, cho công cuộc phát triển của chúng ta.

 Mâu thuẫn và cơ hội.

 Một nước nhỏ và yếu, như nước chúng ta, chỉ sống nhờ những mâu thuẫn giữa các nước lớn. Chính sự mâu thuẫn, giữa khối cộng sản và khối Tây phương, đã giúp cho các quốc gia bị đế quốc thống trị thâu hồi được độc lập và cũng nhờ các mâu thuẫn giữa các cường quốc Tây phương hồi Thế Kỷ 19 mà nước Nhật đã thực hiện được công cuộc Phát Triển Dân Tộc.

 Ngày nay, mâu thuẫn giữa khối cộng sản và khối Tự Do, cũng như mâu thuẫn giữa khối Nga Sô, khối Tây phương và khối Trung Cộng đang thành hình, hay là những mâu thuẫn giữa các quốc gia của khối cộng sản hay giữa các quốc gia của khối Tự Do, tất cả đều là những phương tiện giúp cho Việt Nam và các quốc gia, đồng thuyền với Việt Nam, thực hiện công cuộc phát triển của mình.

 Mâu thuẫn càng nhiều, cơ hội càng thuận lợi, mâu thuẫn giảm đi, cơ hội trở nên khó khăn và mâu thuẫn mất đi, cơ hội cũng mất.

Trong hai mươi năm, từ ngày Đại Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, như chúng ta đã phân tích trong một đoạn trên, cơ hội đã đến cho các quốc gia như chúng ta để phát triển. Nhưng riêng đối với Việt Nam, vì sự phân chia lãnh thổ, cho nên, chẳng những chúng ta không khai thác được các mâu thuẫn để phát triển, mà chúng ta lại còn rơi vào cái thế tranh chấp giữa hai yếu tố của mâu thuẫn Tây phương và Nga Sô. Mặc dù cơ hội phát triển vẫn còn, nhưng vị trí của chúng ta không cho phép chúng ta nắm lấy cơ hội.

Nếu lần này cơ hội lại mất như cách đây một trăm năm, thế hệ của chúng ta và nhất là các nhà lãnh đạo đã vì một tính toán sai lầm, trong một giai đoạn quyết định, tạo ra tình trạng phân chia lãnh thổ, sẽ chịu sự nguyền rủa oán hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta đã phê bình nghiêm khắc lớp người lãnh đạo thời Nguyễn Triều.

 Chúng ta đã ghi vào xương máu các hậu quả đau khổ của sự lỡ cơ hội lần thứ nhất, và chúng ta cũng có thể đoán biết những hậu quả tai hại gấp mấy lần hơn, của sự lỡ cơ hội này trong khi mà các Dân Tộc đồng thuyền với chúng ta đều nỗ lực nắm lấy cơ hội phát triển và nhiều Dân Tộc đã thật sự nắm lấy được.

Hiện trạng tâm lý.

Sự phân chia lãnh thổ còn tạo ra một hiện trạng tâm lý, thuộc về tình cảm, ăn sâu và lan rộng trong quần chúng. Mỗi người Việt Nam ở phía Nam cũng như phía Bắc đều cảm thấy như đã bị cưỡng đoạt một phần di sản của tổ tiên. Vì tính cách sâu và rộng trong quần chúng của hiện tượng tâm lý trên, mà mọi cuộc vận động chính trị, ở phía Nam cũng như phía Bắc, đều tìm cách khai thác vấn đề thống nhất lãnh thổ, cho chủ trương giai đoạn của mình.

Phân chia và phân tranh.

 Đứng trước sự phân chia lãnh thổ, phần đông liên tưởng đến cuộc Nguyễn, Trịnh phân tranh hồi Thế Kỷ thứ 17, đến cuộc phân tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh hồi Thế Kỷ Thứ 18 và đến cảnh điêu tàn của đất nước sau gần hai trăm năm nội loạn. Tuy nhiên, các cuộc phân tranh trước đây trong lịch sử và cuộc phân chia hiện tại khác nhau về bản chất của các nguyên nhân, về giai đoạn tiến hóa của xã hội Việt Nam và về tính chất của các hậu quả lưu lại cho các thế hệ sau.

 Trước hết, nguyên nhân các cuộc phân tranh trước đây đều do những sự tranh giành ảnh hưởng nội bộ giữa những nhà lãnh đạo của chúng ta. Cuộc phân chia ngày nay là hiện tượng địa phương của sự tranh chấp giữa ba khối Tây phương, Nga Sô và Trung Cộng. Sở dĩ chúng ta phải gánh chịu hậu quả của một cuộc tranh chấp ngoại lai như vậy, là vì điều kiện gian lao của cuộc tranh giành độc lập đã dẫn dắt một số nhà lãnh đạo của chúng ta vào phe Đồng Minh với Nga Sô, và sau đó họ đã không đủ khéo léo để kịp thời rút ra khỏi cuộc Đồng Minh nói trên, khi cuộc Đồng Minh đó đã chấm dứt hiệu lực.
Các cuộc phân tranh trước đây đã xảy ra trong một thời kỳ tiến hóa liên tục của xã hội Việt Nam. Nghĩa là, trước và sau các cuộc phân tranh trước đây, xã hội Việt Nam đều sống theo một loại giá trị tiêu chuẩn. Vì vậy, cuộc phân tranh sau khi chấm dứt, không lưu lại một sự gián đoạn nào trong đà tiến hóa của xã hội chúng ta.

 Cuộc phân chia ngày nay xảy ra trong một giai đoạn mà chúng ta đang cần đặt lại các giá trị tiêu chuẩn, cho sự tiến hóa của xã hội chúng ta. Trước sự phân chia, các giá trị tiêu chuẩn của xã hội cũ đã chết, mà các giá trị tiêu chuẩn mới thì chưa có. Do đó, xã hội của chúng ta tan rã và con thuyền của chúng ta trôi giạt, không có định hướng. Vì vậy mà, như chúng ta đã biết, công cuộc Phát Triển Dân Tộc, trong cơ hội thứ hai này, sẽ diễn ra trong một hoàn cảnh vô cùng nghiêm khắc so với hoàn cảnh, trong đó công cuộc Phát Triển Dân Tộc có thể thực hiện được, nếu chúng ta đã nắm lấy được cơ hội thứ nhất.

 Nếu trước đây, chúng ta dưới thời Nhà Nguyễn, đã nắm được cơ hội thứ nhất để Phát Triển Dân Tộc, như người Nhật, thì ngoài ra sự thâu thập kỹ thuật Tây phương, chúng ta chỉ cần phải tìm một trạng thái thăng bằng mới để thâu nạp một số giá trị tiêu chuẩn mới dính liền với các kỹ thuật Tây phương, bởi vì các giá trị tiêu chuẩn cũ của chúng ta vẫn còn đủ sinh lực.

 Nhưng trong hoàn cảnh của xã hội chúng ta ngày nay, một công cuộc Phát Triển Dân Tộc đương nhiên gồm một phần rất quan hệ, là đặt lại các giá trị tiêu chuẩn mới cho sự tiến hóa của Dân Tộc và chính trên lĩnh vực này, sự phân chia ngày nay mới lưu lại những hậu quả tai hại nhất cho các thế hệ tương lai.

 Dân Tộc chúng ta ở vào một thời kỳ mà công cuộc Phát Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa là một vấn đề sống còn mà chúng ta phải thực hiện cho kỳ được. Chúng ta đã dành rất nhiều trang cho vấn đề này cũng là vì tính cách vô cùng thiết yếu của nó.

Với sự phân chia ngày nay, chắc chắn là phía Nam sẽ phát triển theo lối Mỹ và phía Bắc sẽ phát triển theo lối Nga.

 Giả Sử mà hai miền, mặc dầu chưa thực hiện rồi công cuộc phát triển, nhưng đều bước một bước dài trong công cuộc đó, thì đương nhiên, nhân dân ở hai miền sẽ hưởng ứng với những tín hiệu tập hợp khác nhau, sẽ tin tưởng vào những giá trị tiêu chuẩn khác nhau và sẽ có những tập quán xã hội hoàn toàn khác nhau.

Các sự kiện này không sao tránh được, bởi vì, miền Bắc, áp dụng phương pháp cộng sản trong công cuộc phát triển, sẽ tôn sùng, với mục đích huy động quần chúng, nhiều giá trị tiêu chuẩn chiến lược, giai đoạn, và đối chọi lại với các giá trị tiêu chuẩn, di sản của văn minh nhân loại. Chỉ khi nào mục đích phát triển đã đạt như ở Nga Sô ngày nay, thì những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn đó mới sẽ được thay đổi và nhường chỗ lại cho những giá trị tiêu chuẩn thích nghi với di sản văn minh nhân loại. Ví dụ cách đây hơn bốn mươi năm, lúc cách mạng Nga Sô đang cao trào, các nhà lãnh đạo Nga Sô vì lý do huy động nhân dân, hết sức khuyến khích ái tình tự do, phá hủy gia đình, cực lực tiêu diệt quyền tư hữu, đả phá tôn giáo. Nhưng bốn mươi năm sau, các nhà lãnh đạo Nga Sô, sau khi mục đích phát triển đã đạt, lần lần không làm sao không trở về với các giá trị tiêu chuẩn đã được chứng minh là những di sản của văn minh nhân loại: Tôn trọng gia đình, nhìn nhận quyền tư hữu, kính trọng tôn giáo.

 Trong khi đó, miền Nam, phát triển theo lối Mỹ, chắc chắn sẽ tôn trọng những giá trị tiêu chuẩn chống lại các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của miền Bắc.

Trong hoàn cảnh như trên vừa trình bày, trong thời gian đương phát triển cho hai miền, một sự thống nhất không thể nào thực hiện được mà không mang đến những trạng huống đau khổ cho toàn dân, bởi vì một sự thống nhất như vậy sẽ tạo ra một số người thất cước là phân nửa Dân Tộc trong một thế hệ.

 Như vậy thì, vấn đề đã trở nên rõ, hoặc chúng ta phải thống nhất trước khi phát động công cuộc phát triển bằng cách Tây Phương Hóa, hoặc chúng ta chỉ có thể thống nhất sau khi mục đích phát triển đã đạt.

 Như vậy thì, để bên ngoài mọi lý do tình cảm và mọi hậu ý khai thác vấn đề thống nhất với mục đích chiến thuật chính trị, và chỉ nhắm vào vấn đề cần phải giải quyết của Cộng Đồng Dân Tộc, chúng ta phải có thái độ như thế nào trước sự phân chia lãnh thổ ?

 Để có đủ yếu tố trả lời câu hỏi trên đây, trước hết chúng ta tìm xem nguyên nhân nào đã dẫn dắt đến tình trạng phân chia ngày nay. Tuy nhiên, trước khi có điều kiện trả lời đích xác chúng ta cũng có thể nhận xét rằng, miễn là công cuộc phát triển được bảo đảm, cái lợi cho Dân Tộc là thâu nhận những giá trị tiêu chuẩn có tính cách vĩnh viễn thay vì những giá trị tiêu chuẩn giai đoạn và chiến lược.

 Nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ.

Từ ngày Việt Nam bị chia đôi, thời gian qua mới có mười năm. Thời giờ còn chưa đủ dài để cho các tài liệu lịch sử, vô tư xứng danh, có thể nổi lên trên khối tài liệu bị thiên kiến của người đương cuộc chi phối. Tuy nhiên, một số sự kiện lịch sử khắc tín cũng đã bắt đầu thành hình. Và chính chúng ta trong các trang trên cũng đã nhìn thấy và dẫn chứng một ít nhiều.

Xét các biến cố, đã xảy ra, cho Việt Nam và cho các quốc gia đồng thuyền với chúng ta trước đây, từ năm 1945, chúng ta nhận thấy trước tiên, ảnh hưởng của hai lối đế quốc lối đế quốc kiểu Anh và lối đế quốc kiểu Pháp đến công cuộc tranh đấu giành độc lập của các nước bị thống trị và đến các biến chuyển chính trị trong các nước ấy, từ khi độc lập đã thâu hồi.

 Chính sách thuộc địa của Pháp.

 Chính sách thuộc địa của Pháp, chúng ta đã biết, không có phân minh giữa hai hình thức thuộc địa, thuộc địa di dân và thuộc địa khai thác.

Đối với các thuộc địa khai thác, chính sách của người Anh rất rõ rệt. Họ nhìn xa và biết thế nào rồi cũng có ngày họ phải ra đi và trả độc lập lại cho người bổn xứ. Vì thế cho nên, chính phủ Anh đã dự trù sẵn cho những nơi đó một chương trình gồm, vừa vấn đề đào tạo những người lãnh đạo sẽ thay thế họ, vừa vấn đề chuyển quyền một cách ôn hòa từ tay họ sang cho những người vừa thoát khỏi ách thống trị.

Trong khi đó, ngay đối với các thuộc địa mà bản chất phải là một thuộc địa khai thác, người Pháp, vì một quan điểm thiển cận, không hề dự liệu một chương trình rút lui nào cả. Đến khi các biển chuyển chính trị đặt họ trước một tình thế phải thoái triệt và thừa nhận độc lập của các Dân Tộc bản xứ, thái độ của các chính phủ Pháp, vì sự thiếu chính sách, lúc nào cũng là một sự dằng co giữa việc đi và việc ở.

 Nước Pháp đã phải trả bằng một giá rất đắt sự thiếu một chính sách dài hạn sáng suốt và một chương trình hành động cương quyết lúc tình thế đòi hỏi.

Các sự kiện trên cũng là nguyên nhân đã làm cho các cựu thuộc địa, như Việt Nam và Algérie, phải hy sinh nhiều xương máu và chịu đựng nhiều gian lao trong cuộc chiến đấu giành độc lập. Chúng ta không phủ nhận rằng một sự độc lập mua bằng nhiều hy sinh và nhiều gian lao, là một sự độc lập quí giá, khả dĩ nêu cao tính kiêu hùng của Dân Tộc.

Nhưng sinh lực của Cộng Đồng là một của báu, lúc nào cũng thiết yếu cho sự phát triển và sự tiến hóa, nhà lãnh đạo nào cũng phải tự đặt cho mình một nghiêm luật phải bảo vệ và tiết kiệm, khi quyền lợi của Cộng Đồng bắt buộc phải sử dụng đến.

 Giả sử mà chúng ta đã giành được độc lập một cách ít hao tốn sinh lực của Dân Tộc, như trong trường hợp của các cựu thuộc địa Anh, thì bao nhiêu gian lao và hy sinh mà chúng ta đã phải đổ vào cuộc kháng chiến, chúng ta đã có thể dành cho công cuộc phát triển, mà vì sự sống còn của Cộng Đồng Dân Tộc, chúng ta phải thực hiện cho được bằng mọi cách. Độc lập không phải là mục đích. Phát Triển Dân Tộc mới là mục đích.

 Các Sử Gia Tây phương sau này, sẽ vô cùng nghiêm khắc đối với nước Pháp, vì sự thiếu chính sách của Pháp trong một giai đoạn quyết định đã làm giảm ưu thế của Tây phương trong cuộc tranh đấu vĩ đại giữa Tây phương và Nga Sô. Các Sử Gia Việt Nam sau này cũng sẽ vô cùng nghiêm khắc với Pháp, vì sự thiếu chính sách của Pháp đã gây ra một cuộc chiến tranh tàn phá sinh lực của Dân Tộc Việt Nam.

 Các Sử Gia của Việt Nam sau này cũng sẽ vô cùng nghiêm khắc đối với số người lãnh đạo đã không đủ sáng suốt nhận thức bản chất thực tế của cuộc tranh chấp vĩ đại giữa Tây phương và Nga Sô để khai thác mâu thuẫn, thâu phục được phương tiện độc lập cho chúng ta mà khỏi phải trả bằng một sự phí phạm sinh lực to tát, có thể tránh được.

 Chính hai loại sự kiện trên, chính sách thuộc địa thiển cận của Pháp và sự không thấu triệt vấn đề của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, chẳng những tạo cho chúng ta một cuộc tranh giành độc lập vô cùng tiêu hao, lại còn dẫn dắt đến tình trạng phân chia ngày nay, một trở lực vô cùng tai hại cho công cuộc Phát Triển Dân Tộc chúng ta.

 Chính sách Pháp dẫn dắt đến phân chia.

 Trong khuôn khổ sự tranh chấp vĩ đại giữa Nga Sô và Tây phương, liền sau khi Đại Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, người Anh nhận thức rằng trong cuộc diện của sự tranh đấu lúc bấy giờ, kẻ thù chính của Tây phương là Nga Sô và các Đồng Minh của họ. Vì vậy cho nên, thi hành một chương trình đã dự trù từ lâu, người Anh cấp thời thực hiện sự giao hoàn độc lập lại cho các thuộc địa khai thác. Và trong các cuộc thương thuyết với các nhà lãnh đạo bổn xứ, cũng như trong các chương trình đào tạo người thay chân lâu nay, người Anh cương quyết loại bỏ ngoài vòng các lãnh tụ cộng sản. Thêm vào đó, các chương trình viện trợ phát triển được thực hiện để hậu thuẫn cho chính sách biến các cựu thuộc địa thành những đồng minh của Tây phương trong cuộc tranh chấp với Nga Sô. Toàn bộ các sự kiện trên, như chúng ta đã biết, là cơ hội để cho các quốc gia trước đây bị đế quốc thống trị Phát Triển Dân Tộc.

 Mặc dầu là một phần tử quan trọng của xã hội Tây phương, nước Pháp vì sự thiếu chính sách như trên đã nói, và vì sự thăng trầm của chiến sự trong Đại Thế Chiến Thứ Hai, không có cái nhìn bao quát cần thiết và thích hợp với cuộc diện của sự tranh chấp vĩ đại giữa Nga và Tây phương.

 Trong các thuộc địa, người Pháp vẫn tiếp tục một chính sách đã áp dụng lâu nay, vừa không hợp thời vừa nhỏ nhen, mục đích bảo vệ những quyền lợi đã lỗi thời. Đi ở lưỡng nan, người Pháp dùng thủ đoạn thông thường quân bình giữa các lực lượng cách mạng Quốc Gia và cộng sản, vừa nuôi dưỡng, vừa tiêu hao cả hai bên để thủ lợi. Điều bất ngờ cho người Pháp là khi thời cơ đến ở Việt Nam, sức quật cường của Dân Tộc mạnh cho đến đỗi tất cả đều đặt công cuộc kháng chiến chống Pháp lên trên mọi kỳ thị đảng phái. Nhờ các sự kiện đó, và nhờ sự tổ chức tinh vi và sự hiểu vấn đề, cả hai, đều thừa hưởng của cộng sản quốc tế, đảng cộng sản đã nắm được chính quyền ở Việt Nam.

 Chẳng những thế, người Pháp có một lý do khác để thúc đẩy cho cuộc kháng chiến của chúng ta rơi vào sự lãnh đạo của cộng sản. Quốc gia kiệt quệ vì chiến bại và sự chiếm đóng của Đức trong bốn năm, nước Pháp cần tiền để kiến thiết. Ngoài các số viện trợ trong khuôn khổ chương trình Marshall mà chúng ta đã biết, nước Pháp đã giành trực tiếp hoặc gián tiếp vào sự tái thiết nội bộ, một số lớn viện trợ của Tây phương, nói là để chận đứng sự bành trướng của cộng sản ở Việt Nam. Vì vậy mà người Pháp cần duy trì chiến cuộc ở Đông Dương và đưa sự kháng chiến quốc gia rơi vào sự lãnh đạo của cộng sản.

Nếu chúng ta ý thức rằng, sau Đại Thế Chiến Thứ Hai, các biến chuyển chính trị trên thế giới, và tất nhiên là ở Việt Nam, đều bị động trong khuôn khổ cuộc tranh chấp vĩ đại giữa Nga Sô và Tây phương, thì chúng ta thấy rằng, ngay từ lúc người Pháp thi hành các thủ đoạn chính trị của họ ở Việt Nam, mầm mống sự chia đôi đất nước của chúng ta đã không tránh được.

 Các mưu mô toan tính của Pháp không hoàn toàn kết quả, vì Pháp không thể mãi mãi, vô tình hay cố ý, nhắm mắt trước cuộc diện sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương, và một mình, đi ngược lại chính sách của Tây phương, chủ trương biến các thuộc địa cũ thành những Đồng Minh chống lại Nga Sô. Pháp đã phải rút khỏi Bán Đảo Đông Dương để cho Tây phương thi hành chính sách nói trên. Và chính Pháp, sau vụ Việt Nam và Algérie, cũng phải áp dụng chính sách đối phó với các thuộc địa còn lại để củng cố vị trí cho Tây phương.
Chẳng riêng gì trong phạm vi vấn đề Việt Nam, mà trong tất cả các phạm vi khác, trong khuôn khổ sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương, hành động của Pháp lúc nào cũng mang nặng tinh thần thiếu đoàn kết với Tây phương.

 Nguyên nhân ở chỗ thảm trạng về chiến sự của Pháp trong Đại Thế Chiến Thứ Hai, đã tạo ra cho các nhà lãnh đạo Pháp một tâm trạng tự ty mặc cảm và một sự di hận cay đắng đối với các Đồng Minh của họ trong khối Tây phương.

 Ở Việt Nam, tinh thần hậu thế chiến của nước Pháp đã lưu lại cho chúng ta những hậu quả vô cùng tai hại: Chính tinh thần đó và một chính sách thuộc địa thiếu sáng suốt phải chịu trách nhiệm, như chúng ta vừa trình bày, sự phân chia lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Đồng Minh với Cộng Sản.

 Như chúng ta đã biết, nước Pháp không quan niệm sẵn, ngay từ lúc chưa có sự thúc đẩy của các biến cố, một chính sách thuộc địa sáng suốt, nên khi tình thế đòi hỏi, không có một chương trình hành động thích đáng. Nhưng giả sử, mặc dầu hoàn cảnh đó, nước Pháp ngay sau khi chính phủ Hồ chí Minh đã thành lập, đã có điều kiện để thi hành một chính sách trả thuộc địa như người Anh và thành thật áp dụng một chính sách như vậy. Trong trường hợp đó, chính phủ Hồ chí Minh mặc dầu tư cách lãnh tụ Đông Dương cộng sản đảng của người lãnh đạo, đã có đủ khả năng và ý chí để đưa nước Việt Nam ra ngoài vòng ảnh hưởng của hai khối, tránh cho Dân Tộc một cuộc chiến tranh tàn phá, và một sự chia đôi lãnh thổ, vừa xúc động trên phương diện tâm lý và vừa di hại trên phương diện chính trị, và sau đó đứng trên vị trí toàn quốc, khai thác các mâu thuẫn để Phát Triển Dân Tộc không ?

 Vấn đề chính cho Dân Tộc là vấn đề phát triển.

 Chính trị của một nước nhỏ, như nước chúng ta hoàn toàn bị động trong cái thế của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương.

Như chúng ta đã biết, cũng vì có sự tranh chấp này mà các nhà lãnh đạo Á Đông đã đồng minh với Nga Sô để tranh giành độc lập cho Dân Tộc.


Nhưng chúng ta cũng còn nhớ rằng Nga Sô sở dĩ liên kết với các thuộc địa của Tây phương là bởi vì Nga Sô cần có đồng minh trong công cuộc chiến đấu trường kỳ và vĩ đại với Tây phương, mà mục đích trước hết và trên hết, là Phát Triển Dân Tộc Nga. Tính cách thiêng liêng giữa các đồng chí của lý tưởng cách mạng xã hội thế giới chỉ là một tín hiệu tập hợp qui tụ kẻ thù của Tây phương vào một mặt trận phục vụ một chiến lược tranh đấu của Dân Tộc Nga. Ngày nay, mục đích phát triển của Nga đã đạt. Sự thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn của Nga Sô bằng những giá trị tiêu chuẩn, di sản của văn minh nhân loại, như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên, là một bằng cớ hùng biện nhất, soi sáng lập trường của Nga. Trung Cộng tố cáo Nga phản bội chủ nghĩa Các-mác Lê-nin vì những sự kiện trên. Trung Cộng lại muốn thay thế Nga, nhân danh chủ nghĩa Các-mác Lê-Nin hô hào qui tụ các nước kém mở mang, để phục vụ công cuộc phát triển cho Dân Tộc Trung Hoa. Ngày nào mục đích phát triển đã đạt, thì cuộc đồng minh mới này do Trung Cộng đề xướng cũng không còn hiệu lực đối với Trung Cộng, cũng như cuộc đồng minh trước đây do Nga đề xướng, ngày nay, không còn hiệu lực đối với Nga. Và mục đích cuối cùng của cuộc tranh đấu vẫn là mục đích Dân Tộc.

Nhiều nhà lãnh đạo Á Đông mà quốc gia cũng đã bị Đế quốc thống trị, đã đủ sáng suốt để nhìn thấu thâm ý chiến lược của Nga Sô. Gandhi và Nehru, từ chối sự đồng minh với cộng sản vì lý do trên.

Các nhà lãnh đạo cộng sản của chúng ta đồng minh với Nga Sô vì điều kiện gian lao của một cuộc tranh đấu giành độc lập gay go với người Pháp.

Nhưng, họ chỉ có thể thoát ra ngoài vòng ảnh hưởng của hai khối để lãnh đạo công cuộc phát triển của Dân Tộc, như chúng ta nêu lên trong câu hỏi đầu mục này, nếu các điều kiện sau đây được họ nhận thức rõ rệt:

1.- Bản chất thực tế của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương.

2.- Thâm ý chiến lược của Nga Sô

 3.- Cuộc đồng minh với Nga Sô, đã hết hiệu lực đối với Nga Sô, khi mục đích phát triển của Nga Sô đã đạt.

4.- Lý thuyết Các-mác Lê-nin là một phương tiện tranh đấu và phát triển của Nga trước đây, cũng như là một phương tiện tranh đấu và phát triển của Trung Cộng ngày nay.

 5.- Sự đồng minh với cộng sản phải được chấm dứt kịp thời khi nó không còn hiệu lực đối với Dân Tộc.

 6.- Đối với Dân Tộc Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh, Thanh là một đe dọa truyền kiếp.

 Sự đồng minh với cộng sản thúc đẩy phân chia.

 Chúng ta chưa có một tài liệu hay một triệu chứng nào chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo miền Bắc hiện nay đã nhận thức các điều kiện trên. Ngược lại, các thơ loại chính trị của miền Bắc còn đang ca tụng như là những chân lý những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn mà Nga Sô đã bỏ. Như thế thì có lẽ Dân Tộc chúng ta còn phải bất hạnh mục kích các nhà lãnh đạo miền Bắc của chúng ta tôn thờ như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Sô và Trung Cộng chỉ dùng làm một phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải khi mục đích phát triển đã đạt.

Như thế thì, giả sử mà người Pháp có thật sự thi hành một chính sách trả thuộc địa, như người Anh, đối với Việt Nam, thì các nhà lãnh đạo miền Bắc cũng chưa chắc đã đưa chúng ta ra được ngoài vòng chi phối trực tiếp của hai khối để khai thác mâu thuẫn mà Phát Triển Dân Tộc.

 Trong hoàn cảnh mà cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối nặng nề hành động chính trị của các quốc gia nhỏ, lập trường cộng sản, lệ thuộc Trung Cộng, của các nhà lãnh đạo miền Bắc, đương nhiên gây phản ứng của Tây phương và sự phân chia lãnh thổ cũng không tránh được.

Như vậy, tư cách cộng sản của các nhà lãnh đạo miền Bắc là một điều kiện thuận lợi giúp cho người Pháp thi hành những toan tính chính trị của họ ở Việt Nam. Và lập trường cộng sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng là một nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam, trong khung cảnh chính trị của thế giới, sau Đại Chiến Thứ Hai, do sự tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương chi phối.

Tóm lại nguyên nhân sâu xa của sự phân chia lãnh thổ Việt Nam ngày nay là chính sách thuộc địa của Pháp và lập trường cộng sản lệ thuộc Nga Sô và Trung Cộng của các nhà lãnh đạo miền Bắc.

 Các biến cố chính trị dẫn dắt đến sự phân chia.

 Trong thực tế, sự phân chia đã nảy mầm khi hai quốc gia Tây phương Anh và Mỹ, để dọn đường cho một giải pháp chấm dút sự bế tắc của Pháp ở Việt Nam, nhìn nhận và bắt dầu viện trợ cho quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, viện trợ quân sự và kinh tế đều qua tay chính phủ Pháp. Và một phần lớn, đã được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp trong công cuộc tái thiết nước Pháp đã bị chiến tranh tàn phá. Thời gian qua, xét kỹ thì thời kỳ này lại là thời kỳ mà những thủ đoạn chính trị của Pháp ở xứ này mang đến nhiều kết quả nhất.
Bên khối cộng sản, Nga và Trung Cộng cũng nhìn nhận Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam và cũng bắt đầu viện trợ.

Từ đây, chiến cuộc Việt Nam, biến thành một chiến trường quân sự và địa phương của cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Những mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương mà, đúng lý ra, phải được dùng để Phát Triển Dân Tộc, lại trở thành những khí giới gieo rắc sự chết cho toàn dân. Những yếu tố của một cơ hội phát triển đã biến thành những khí cụ của một tai họa.

 Đồng thời, điều này vô cùng quan trọng cho chúng ta, sự chi phối của Trung Hoa, và sau lưng sự chi phối, sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa, mà chúng ta đã biết là vô cùng nặng nề, một cách liên tục, cho chúng ta trong hơn tám trăm năm, tạm thời đình chỉ trong gần một Thế Kỷ Pháp thuộc, đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới các hình thức viện trợ và cố vấn quân sự cho quân đội của Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam.

Chúng ta thừa hiểu rằng sự phát triển của Tàu, là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh hiện nay của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, cũng như sự phát triển của Nga là mục đích trước và trên hết trong mọi cuộc Đồng Minh trước đây của các nhà lãnh đạo Nga.

Sự phát triển của một khối to lớn như Trung Cộng là một sự đe dọa cho cả thế giới, dù mà các nhà lãnh đạo Trung Cộng không nuôi dưỡng những tham vọng bành trướng như hiện nay. Bởi vì, sự phát triển của một khối gần tám trăm triệu dân, tự nó đã mang trong mình một sự đe dọa xâm chiếm ghê gớm đối với các Cộng Đồng quốc gia khác. Và sự đe dọa bao giờ cũng gây phản ứng. Vì thế cho nên sự phát triển của Trung Cộng, ngoài trở lực đương nhiên và nội bộ của một công cuộc phát triển, còn phải gặp nhiều trở lực do các phản ứng bên ngoài gây ra.

Trái lại, sự phát triển của một nước nhỏ như nước Việt Nam, sẽ không gặp phản ứng, vì sẽ không là một mối đe dọa cho ai cả. Do đó, ngoài những cố gắng nội bộ mà một công cuộc phát triển đương nhiên sẽ đòi hỏi, các trở lực bên ngoài sẽ hầu như không có. Nếu cuộc phát triển của chúng ta, tự nó dễ thực hiện hơn cuộc phát triển của Trung Cộng, thì sự gắn liền vận mạng của chúng ta vào vận mạng của Trung Cộng, là một hành động di hại cho Dân Tộc, dù mà, đối với chúng ta, Trung Cộng có thật sự nuôi nhiều thiện chí.

Nhưng chúng ta đã biết chính sách liên tục của các triều đại Trung Hoa đối với Việt Nam, căn cứ trên những lý do lịch sử và địa dư.

Trở lại vấn đề phát triển của Trung Cộng. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng ý thức hoàn cảnh phát triển nghiêm khắc của quốc gia họ, nên đã dốc nhiều nỗ lực để vận động thành lập một mặt trận đồng minh rộng rãi trong khắp thế giới làm hậu thuẫn cho chương trình phát triển riêng của Dân Tộc Trung Hoa.

Và trong tinh thần này, Trung Cộng đã viện trợ cho Bắc Việt. Tuy nhiên, vị trí địa dư của Bắc Việt còn là nguồn gốc của hai động cơ khác thúc đẩy sự viện trợ nói trên. Đồng bằng Bắc Việt và con sông Nhị Hà là con đường tháo ra biển của tất cả vùng Tây Nam nước Tàu. Với công cuộc phát triển đang thực hiện, nước Tàu của Mao Trạch Đông còn cần dùng con đường ra biển đó, hơn cả các triều đại trước đây của Trung Hoa. Viện trợ cho Bắc Việt, trên quan điểm đó, là để dành quyền sử dụng con đường ra biển lúc thời cơ đến.

Trong khi ảnh hưởng của Tây phương còn ưu thế trên thế giới, viện trợ cho Bắc Việt cũng là một công tác phòng thủ cho Trung Hoa, vì con đường tháo ra biển cũng là con đường xâm nhập vào Trung Hoa của các đạo quân chinh phục.

Dầu sao, sự Trung Cộng viện trợ cho Bắc Việt, không làm cho chúng ta quên rằng, trong thời kỳ mà xã hội Đông Á bị Tây phương bắt đầu tấn công, nhân cơ hội Vua Tự Đức Nhà Nguyễn phái sứ sang cầu viện, Nhà Thanh, thay vì cứu viện, đã thỏa thuận với. Pháp để chia đôi Việt Nam. Nước Tàu như chúng ta đã biết, giữ về phần mình, tất cả các vùng thuộc Đồng Bằng Sông Nhị Hà, nghĩa là con đường tháo ra biển của vùng Tây Nam Trung Hoa.

Phân chia thật sự.

 Sự phân chia thật sự năm 1954, sở dĩ thực hiện được là bởi vì hai bên, Tây phương và cộng sản đều tìm thấy ở giải pháp đó nhiều điều lợi cho riêng khối của mình.

 Đối với Tây phương, Hội nghị Genève là một vận động triển kỳ để chỉnh đốn lại những lỗi lầm chính trị của Tây phương tại Việt Nam, do sự thiếu chính sách của Pháp đã gây ra. Kế hoạch của Tây phương là chặn đúng sự bành trướng của cộng sản xuống Đông Nam Á, để có thời gian mang áp dụng vào Việt Nam chính sách của Anh đối với các cựu thuộc địa. Do đó, đồng thời với Hiệp Định Genève, Pháp bị đưa ra khỏi Bán Đảo Ấn Độ Chi Na. (Đông Dương)

 Đối với khối cộng sản, các biến cố chính trị sau đây, đã làm bối cảnh cho lập trường tại Hội Nghị của Nga Sô và Trung Cộng.

 Năm 1953, Staline vừa từ trần, một cuộc khủng hoảng tìm người kế vị, xảy ra một cách ác liệt giữa các lãnh tụ Nga Sô. Các cuộc thanh trừng đẫm máu vừa làm rung chuyển chính trường của Nga Sô, vừa bộc lộ nhược điểm của bộ máy lãnh đạo theo kiểu cộng sản. Tình hình bất ổn định trong nội bộ của Nga Sô, kéo dài trong nhiều năm, đã làm cho Trung Cộng trở thành một đồng minh quí giá, chẳng những đối với cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương, mà lại còn đối với cuộc tranh chấp giữa các phe trong nội bộ đảng cộng sản Nga. Vai trò của Trung Cộng đương nhiên, trở nên quan trọng ở Á Châu và ở Hội Nghị. Và lập trường của khối cộng sản tại Hội Nghị có thể xem gần như là lập trường của Trung Cộng.

 Điều lợi thứ nhất cho Trung Cộng ở Hội Nghị Genève là một thắng lợi ngoại giao bởi vì Hội Nghị là cuộc dàn xếp quốc tế đầu tiên có Trung Cộng tham dự. Sự có mặt của Mỹ tại Hội Nghị, đối với Trung Cộng, là một sự mặc nhiên thú nhận rằng, mặc dầu Mỹ chưa nhìn nhận Trung Cộng, Mỹ không thể phủ nhận sự có mặt của Trung Cộng trong các vấn đề Á Châu và thế giới.

Điều lợi thứ nhì cho Trung Cộng là một thắng lợi về ranh giới và lãnh thổ. Lúc đầu, phái đoàn Bắc Việt yêu sách lấy vĩ tuyến 13 làm ranh giới giữa hai miền. Hậu ý của phái đoàn Bắc Việt là thâu gồm các Tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, mà cộng sản đã kiểm soát từ trong nhiều năm. Nhưng về sau, dưới áp lực của Trung Cộng ranh giới đã lui lại đến vĩ tuyến 17. Giả sử có lui lại đến vĩ tuyến 19 như phái đoàn Pháp yêu cầu, Trung Cộng cũng bằng lòng. Bởi vì, dù ranh giới có đặt ở vĩ tuyến 17 hay 19, thì những tham vọng về đất đai của Trung Cộng đối với Việt Nam cũng đã thỏa mãn.

Như chúng ta đã biết, vùng đất thiết yếu cho nước Tàu là các vùng hai bên Sông Nhị Hà, con đường tháo ra biển, thiên nhiên của vùng Tây Nam Trung Hoa. Với thỏa hiệp tại vĩ tuyến 17, thì dù mà ảnh hưởng của Tây phương có còn ở miền Nam, sự lệ thuộc của chính phủ miền Bắc cũng đủ bảo đảm cho nhu cầu đất đai của Trung Cộng trong tương lai.

 Điều lợi thứ ba cho Trung Cộng là một sự kiện quốc phòng. Ảnh hưởng của Tây phương tuy vẫn hùng mạnh ở Đông Nam Á, nhưng đã cách Trung Cộng bằng một quốc gia trái độn.

 Việc ấn định ranh giới ở vĩ tuyến 17, vừa xác nhận tham vọng đất đai, bất di bất dịch của Tàu đối với Việt Nam, vừa chứng minh sự lệ thuộc của chính phủ Bắc Việt đối với Trung Cộng.

 Và đồng thời, Hội Nghị Genève lại là một sự kiện không thể bác bỏ, chứng tỏ rằng chính trị của một nước nhỏ như nước chúng ta hoàn toàn nằm trong một thế bị động bởi cuộc tranh chấp giữa Tây phương và Nga Sô.

Thái độ

 Chúng ta vừa phân tích xong các nguyên nhân của sự phân chia lãnh thổ ngày nay, và vừa duyệt lại các sự kiện dẫn dắt đến sự phận chia thật sự. Như thế, các yếu tố đã có, để chúng ta có thể loại bỏ bên ngoài tất cả mọi lý do tâm lý, và mọi ý định sử dụng tình trạng phân chia lãnh thổ vào một cuộc vận động chính trị, hầu khách quan ấn định một thái độ lợi nhất cho Dân Tộc trước sự phân chia hiện tại.

 Như chúng ta đã biết, vấn đề thiết yếu mà Dân Tộc chúng ta cần phải giải quyết trong giai đoạn này là công cuộc Phát Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa.

Dĩ nhiên để thực hiện công cuộc đó, trường hợp thích đáng nhất là thống nhất lãnh thổ, và trên vị trí toàn quốc, khai thác mâu thuẫn giữa các khối để mang vào Việt Nam tư bản và kỹ thuật cần thiết cho nỗ lực phát triển. Nhưng vì những lý do đã xét, trong các đoạn trên, chúng ta không ở vào trường hợp trên.

Vậy thì, chúng ta phải nỗ lực thống nhất hai phần trước, rồi thực hiện công cuộc phát triển toàn quốc sau, hay thực hiện trước cuộc phát triển riêng cho hai phần và thống nhất sau ?

Thái độ thứ nhất

 Giả sử, chúng ta chọn thái độ trước.

Sự phân chia lãnh thổ Việt Nam như chúng ta đã biết, là hậu quả của một hiện tượng địa phương và quân sự của cuộc tranh chấp giữa Tây phương và cộng sản. Đã như thế thì, chúng ta đã không chủ động được sự phân chia, cũng như chúng ta sẽ không chủ động được sự thống nhất, ngày nào chúng ta chưa loại trừ được hiện tượng nói trên ra khỏi Việt Nam. Nhưng, nếu trước khi hiện tượng đó thành hình, một sự lãnh đạo sáng suốt có thể chủ động được sự ngăn cấm hiện tượng phát sinh, bởi vì các yếu tố tạo ra hiện tượng chưa trực tiếp chi phối chính sự của chúng ta. Sau khi hiện tượng đã cụ thể hóa, chúng ta không còn chủ động được sự loại trừ hiện tượng nữa, bởi vì các yếu tố nuôi dưỡng hiện tượng đã trực tiếp chi phối chính sự của chúng ta.

 Nhưng giả sử mà, mặc dầu hoàn cảnh nghiêm khắc nói trên, chúng ta vì vận dụng hết nỗ lực trong một thời gian, cố nhiên là phải lâu dài, có thể thực hiện được thống nhất, thì chẳng những sẽ tiêu hao sinh lực của Dân Tộc, đáng lẽ phải được dùng vào công cuộc phát triển, mà lại là cơ hội phát triển có thể không còn nữa. Nghĩa là chúng ta sẽ thống nhất mà không phát triển. Chúng ta đã biết sự lỡ cơ hội phát triển lần này sẽ di hại cho các thế hệ tương lai đến mức độ nào.

Hơn nữa, vì những lý do mà chúng ta đã biết, sự tồn tại của Dân Tộc cũng sẽ bị đe dọa. Và trong hiện tình chính trị, một sự thống nhất sẽ đương nhiên làm mất cơ hội phát triển.

Giả sử, sự thống nhất do Bắc Việt thực hiện, thì với sự chị phối nặng nề của Trung Cộng đối với Bắc Việt, sự Phát Triển Dân Tộc Việt Nam chắc chắn sẽ không thực hiện được vì hai lý do.

Công cuộc phát triển của nước Tàu, mục đích trên hết và trước hết của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, như chúng ta đã biết, là một công cuộc vô cùng khó khăn. Nếu Việt Nam dính liền vận mạng của Dân Tộc với Trung Cộng, thì công cuộc phát triển của chúng ta cũng trở thành vô cùng khó khăn. Hơn nữa, nhu cầu của Việt Nam trong công cuộc phát triển sẽ đương nhiên ở vào hàng thứ yếu đối với nhu cầu phát triển của Trung Cộng. Và trên phương diện Tây Phương Hóa, chúng ta sẽ là một thứ học trò hạng ba, sẽ dẫm chân vào những lỗi lầm không tránh được của người học trò hạng nhì.

Đó là trong trường hợp mà Trung Cộng chỉ có thiện chí đối với Việt Nam. Căn cứ trên một ngàn năm lịch sử bang giao giữa hai quốc gia, chúng ta có thể quả quyết rằng trường hợp này không bao giờ phát triển được, mà lại chúng ta sẽ tròng vào cổ Dân Tộc cái ách nô lệ mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ nhiều xương máu để loại trừ.

Giả sử sự thống nhất do Nam Việt thực hiện, Việt Nam sẽ rơi vào sự chi phối của Tây phương. Các quốc gia Tây phương không có những nhu cầu phát triển. Tây phương lại đang theo đuổi một chính sách biến các cựu thuộc địa thành những đồng minh trong cuộc tranh chấp giữa Nga Sô và Tây phương. Những phương tiện dồi dào được Tây phương sử dụng vào các chương trình viện trợ mà chúng ta đều biết.

 Nhưng, mặc dù như vậy, chúng ta cũng phải ý thức rằng, nếu chúng ta lọt vào sự chi phối hoàn toàn của Tây phương, cơ hội phát triển cũng có thể mất, bởi vì những mâu thuẫn phát sinh ra cơ hội sẽ mất đối với chúng ta.

Như thế thì, vì công cuộc phát triển của Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa, mà chúng ta phải thực hiện
cho kỳ được, thái độ thứ nhất nói trên đây không thể chấp nhận được.

 Thái độ thứ hai

Giả sử chúng ta chọn thái độ thứ hai.

Sau khi đã thừa nhận một tình trạng thực tế mà chúng ta không chủ động được, hai phần sẽ dốc hết nỗ lực của mình để thực hiện riêng công cuộc phát triển cho phần, và bằng đường lối của mình chủ trương. Cơ hội phát triển hiện nay vẫn còn vì cuộc tranh chấp Tây phương và Nga Sô chưa chấm dút, thêm vào đó cuộc tranh chấp, Tây phương, Nga Sô và Trung Cộng vừa phát sinh.

Hơn nữa, vì hai bên Tây phương và cộng sản đều muốn chứng minh tính cách hiệu quả của phương pháp phát triển của mình, hai phần Việt Nam sẽ đương nhiên được hưởng nhiều viện trợ kỹ thuật và tư bản.

Tuy nhiên, thái độ này sẽ không tránh được hai khuyết điểm. Hai công cuộc phát triển kinh tế và kỹ thuật, quan niệm riêng cho hai miền, cho thích nghi với nhau trên lĩnh vực toàn quốc không ? Công cuộc Phát Triển Dân Tộc gồm sự thâu nhận những giá trị tiêu chuẩn mới. Nếu hai phần phát triển theo hai phương pháp khác, cố nhiên các giá trị tiêu chuẩn cũng khác nhau. Như thế, sự phát triển thành công có là một trở lực cho sự thống nhất trong tương lai không?

Khuyết điểm thứ nhất không quan hệ bởi vì một chương trình phát triển kinh tế có thể quan niệm vừa rộng cho nhiều xứ và vừa hẹp cho từng xứ. Và kinh tế và kỹ thuật mà hai phần đều thâu thập, cùng là kinh tế và kỹ thuật của Tây phương.

Khuyết điểm thứ hai, liên quan đến lĩnh vực tinh thần của công cuộc phát triển, quan hệ hơn nhiều. Và có cơ biến thành một trở lực cho sự thống nhất Dân Tộc sau này hơn.

Tuy nhiên, chúng ta đã chứng minh rằng một công cuộc Phát Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa không làm mất bản chất Dân Tộc. Như thế, mặc dầu miền Nam phát triển theo kiểu Tây phương, và miền Bắc theo kiểu cộng sản, hai miền vẫn không mất bản chất Dân Tộc.

Bài học của Nga Sô lại cho chúng ta thấy rằng, mặc dầu các giá trị tiêu chuẩn của cộng sản đối chọi với các giá trị tiêu chuẩn của Tây phương, nhưng các giá trị tiêu chuẩn của cộng sản là những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn có mục đích huy động quần chúng, hậu thuẫn cho chế độ độc tài của đảng cộng sản, để thực hiện công cuộc phát triển.

Một khi mục đích phát triển đã đạt, Nga Sô, chính vì sự tồn tại của xã hội, đã bắt buộc phải thay thế những giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn bằng những giá trị tiêu chuẩn thích nghi với di sản tinh thần của văn minh nhân loại.

Đã như thế thì, một khi mục đích phát triển đã đạt, một điều chắc chắn là miền Bắc sẽ thay thế các giá trị tiêu chuẩn chiến lược và giai đoạn và các giá trị tiêu chuẩn của hai miền sẽ không khác nhau. Chỉ có một điều là, sự thống nhất chỉ có thể thực hiện được khi nào mục đích phát triển đã đạt.

Như thế thì vấn đề đã sáng tỏ. Vì sự sống còn của Dân Tộc, thế hệ của chúng ta phải nắm cho được cơ hội hiện tại Phát Triển Dân Tộc bằng cách Tây Phương Hóa. Trong hoàn cảnh chính trị hiện tại của quốc gia, chúng ta có thể nắm được cơ hội, nếu chúng ta loại bỏ mọi xúc động tâm lý và mọi toan tính lợi dụng chính trị ngắn hạn, can đảm nhìn thẳng vấn đề phân chia lãnh thổ và nhìn nhận rằng phải tạm thời giữ nguyên tình trạng đến khi mục đích phát triển đã đạt riêng cho hai miền Nam và Bắc.


 (Tiếp Phần IIIc)













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét