Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

17622 - Bức tường cắt đôi ngôi làng 'Tiểu Berlin' của Đức


AlamyLàng nông Mödlareuth là nói có 50 nhân khẩu, có 18 ngôi nhà và một bức tường bê tông dài 100m ALAMY

Làng nhỏ Mödlareuth, nằm giữa Berlin và Munich, thuộc vùng thôn quê nước Đức, là nơi sinh sống của khoảng 50 nhân khẩu và chỉ có mỗi một quán rượu. Vậy nhưng nơi đây thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi năm. Lý do đến đây thật rõ ràng. Nằm giữa 18 ngôi nhà và các trang trại là một bức tường bê tông trắng dài 100m, nơi từng là một phần của biên giới giữa Đông Đức và Tây Đức.
Bị chia cắt trên thực tế, khởi đầu là từ Bức tường Berlin nổi tiếng, đường biên giới phân chia nước Đức dài gần 1.400km, đã cắt rời Đông Đức và Tây Đức từ năm 1949, khi Liên Xô thành lập Đông Đức. Sự chia cắt duy trì cho đến khi đường biên giới được canh gác cẩn mật này bắt đầu bị giật đổ vào năm 1989.
Làng Mödlareuth nằm ngay trên đường biên giới đó, và thế là trong suốt thời gian chia cắt này, một phần của ngôi làng yên tĩnh nằm ở phía đông thuộc phe xã hội chủ nghĩa, còn một phần ở phía tây thuộc phe tư bản chủ nghĩa.
Đoạn tường bê tông hiện là một phần của Bảo tàng Mödlareuth, cùng với một tháp canh, hàng rào kim loại, tái hiện hàng rào kiên cố thời xưa, bên cạnh các di tích khác.
Quán rượu nêu trên thì khai trương vào năm 2002, có tên là "Zum Grenzgänger" - nghĩa là "Điểm qua lại biên giới", và ngôi làng vẫn được biết đến với tên gọi "Tiểu Berlin".
Ngày nay, hình ảnh du khách mang theo máy ảnh đã thế chỗ cho các lính gác có vũ trang.
Khi du khách và dân địa phương giờ đây có thể dễ dàng dạo bước từ bên này làng sang bên kia làng mà không cần phải bận tâm đến các biển cảnh báo cũ, thì thực ra là họ đã vừa đi qua một đường biên khác ít được để ý đến hơn: ranh giới giữa bang Bavaria và bang Thuringia.
Câu chuyện về việc ngôi làng này từng thuộc về hai hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội đối đầu nhau - và cách mà đường biên vẫn hiện diện rõ rệt ngày nay - là một câu chuyện hấp dẫn. Một trong số đó bắt đầu từ dòng suối của làng.


AlamyBản quyền hình ảnhALAMY
Image captionMột tháp canh vẫn còn đứng tại nơi từng là biên giới chia cắt Đông Đức và Tây Đức ở làng Mödlareuth

Năm 1810, những cột mốc ranh giới bằng đá được đặt dọc theo bờ suối Tannbach để xác định hai nhà nước có chủ quyền tại Đức: Vương quốc Bavaria (Kingdom of Bavaria) vừa mới được mở rộng, và Công quốc Reuss thuộc Chi Thứ (Fürstentum Reuss jüngerer Linie).
Những cột mốc này, được khắc bằng chữ cái đầu của hai quốc gia "KB" và "FR", còn được nhìn thấy đến tận bây giờ.
Cả hai quốc gia này đều đã trở thành một phần trong của Đế chế Đức thống nhất vào năm 1871.
Tuy nhiên, sau Đệ Nhất Thế Chiến, với sự hình thành của các bang Bavaria và Thuringia vốn có đường biên chạy trùng với những cột mốc bằng đá này, thế là dòng suối đảm nhận một vai trò mới là đường ranh giới tự nhiên giữa hai bang.
Thế nhưng chẳng cận phải đợi đến khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, đường ranh giới trên nước này mới đẩy ngôi làng và cư dân của mình lên tuyến đầu của những căng thẳng mà về sau gây chia cắt châu u trong nhiều thập kỷ.
Năm 1945, khi nước Đức thời hậu chiến bị tách ra thành bốn khu vực chiếm đóng, chịu sự kiểm soát của bốn nước Đồng minh là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô, làng Mödlareuth cũng bị chia cắt thành.
Các ranh giới được xác định trong Thoả thuận London năm 1944 dẫn đến việc Thuringia thuộc Liên Xô kiểm soát và Bavaria do người Mỹ quản lý.
Trong khi việc chia cắt Berlin được tính toán kỹ càng thì làng Mödlareuth dường như không hề nằm trong tầm ngắm của các nhà lãnh đạo thế giới, nghĩa là nó đã vô tình bị cuốn vào giữa làn đạn.
Lúc ban đầu, người dân vẫn có thể đi bộ qua lại ngang suối, mặc dù họ có thể phải dừng lại để kiểm tra giấy tờ.
Nhưng tới khi căng thẳng gia tăng giữa Liên Xô và Đồng minh phương Tây do Chiến tranh Lạnh leo thang, dòng suối Tannbach đã ghi dấu ấn sự rạn nứt lớn chưa từng có.


AlamyBản quyền hình ảnhALAMY
Image captionDòng suối nhỏ Tannbach chạy qua làng Mödlareuth từng là chỉ dấu biên giới giữa Đông Đức và Tây Đức

Năm 1949, dòng suối trở thành một phần của đường biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Đức mới thành lập (Đông Đức) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức).
Đường biên giới chạy từ Biển Baltic, gần với Lübeck ở phía bắc, tới khu vực giáp biên giữa vùng bắc Bavaria với Cộng hoà Czech ở phía đông, biến vùng đông bắc của Đức thành Đông Đức.
Nếu như người dân và các địa phương khác bị chia tách dọc theo hai bên đường biên, thì làng Mödlareuth - một cộng đồng dân cư nhỏ bé lại bị chia cắt thành hai phần.
Sự chia cắt này trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 1952, khi CHDC Đức đóng cửa biên giới Đông-Tây (mà hầu như không ra cảnh báo gì) để ngăn chặn tình trạng người dân tiếp tục ồ ạt bỏ chạy sang Tây Đức.
Cư dân bị nhốt lại khi đoạn biên giới ngày càng được xây dựng kiên cố hơn, đầu tiên chỉ là dải kiểm soát 10m, sau đó là hàng rào, dây thép gai và cuối cùng là một bức tường bê tông vào năm 1966.
"Đoạn biên giới tại làng Mödlareuth trở thành phần đường biên được xây dựng chắc chắn đặc biệt và được bảo vệ cẩn trọng", Lebegern, giám đốc bảo tàng Mödlareuth, giải thích rằng đó là do nhà cửa và người dân ở bên phía đông ở quá gần với biên giới.
Sau đó, mìn được chôn dọc theo bức tường ở Đông Mödlareuth để kiểm soát nghiêm ngặt hơn nữa.

Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBức tường chia đôi nước Đức trong Chiến tranh Lạnh thực ra gồm hai lớp tường rào, giữa hai lớp tường rào này là "vùng đất không người ở"

Dài 700m, cao 3,3m, không hề có chốt kiểm soát đường biên nào, bức tường bê tông Mödlareuth thực sự đã chia cắt hoàn toàn và triệt để ngôi làng.
Nó được xây dựng 5 năm sau Bức tường Berlin nhằm một phần củng cố đường biên trong lòng nước Đức, và tên gọi "Tiểu Berlin" đã được binh lính Mỹ đặt cho nơi này ngay sau đó.
Tác động của sự chia cắt thù địch trong một cộng đồng nhỏ thật khó có thể đánh giá hết được.
Những bức ảnh được chụp trong thời gian đó, nay được trưng tại Bảo tàng Mödlareuth, cho ta thấy sự thống trị hiển nhiên của bức tường.
Nhưng đường biên không chỉ là một thứ chướng mắt, đặc biệt là với những dân sống ở phần Đông của làng Mödlareuth, những người còn phải đối mặt với các rào cản như giới nghiêm vào ban đêm, hạn chế đi lại và cấm tụ họp sau khi trời tối.
Và khi một bên của ngôi làng bị đóng cửa, cách ly khỏi thế giới, thì phần bên kia đột nhiên trở nên nổi trội hấp dẫn.
Du khách từ Tây Đức và từ những nơi xa khác bắt đầu kéo đến Tây Mödlareuth để được tận mắt chiêm ngưỡng Tiểu Berlin.
Thậm chí, cựu phó tổng thống George HW Bush đã dừng chân ở phía Tây Bavaria trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức năm 1983. Sau đó, ông đã gửi thông điệp chúc mừng tới dân làng khi biên giới mở cửa trở lại vào năm 1989.
Việc quyết định giữ lại một mảng tường dài 100m khiến cho mối quan tâm của thế giới bên ngoài đối với ngôi làng tiếp tục được duy trì sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Ngoài những dấu vết còn sót lại của một quá khứ bị chia cắt và những chuyến thăm tấp nập của rất đông du khách tới tham quan các dấu tích đó, cuộc sống hàng ngày ở Mödlareuth đã ít nhiều trở lại bình thường - mặc dù biên giới chính trị vẫn còn đó.

AlamyBản quyền hình ảnhALAMY
Image captionNgày nay, hàng rào đã từng chia cắt ngôi làng trở thành một phần của Bảo tàng Mödlareuth

Dẫu cho đường biên giữa các bang Bavaria và Thuringia khá là khó nhận biết đối với những người chỉ tới tham quan trong ngày, nhưng có một số khác biệt quan trọng dễ thấy giữa hai bên.
Hai bang có mã số bưu điện khác nhau, biển đăng ký xe hơi và mã vùng điện thoại khác nhau. Có hai thị trưởng. Một số ngày nghỉ lễ khác nhau. Và đối với trẻ em trong làng thì việc chúng vào học trường nào cũng được xác định rõ.
Đường biên đương nhiên cũng ảnh hưởng đến thẻ căn cước. "Dân chúng ở đây, trước tiên và quan trọng hơn hết, họ là những người làng Mödlareuthers, song họ cũng đồng thời là người Thuringia hoặc người Bavaria," Lebegern giải thích và bổ sung thêm rằng thật là buồn cười khi nghe ai đó ở bên Thuringia nói rằng họ sẽ đến tham quan Bavaria hoặc ngược lại.
Trong một bang được thành lập dựa trên thể chế liên bang, đây là một sự phân biệt quan trọng.
Một cách hay để nhìn ra sự khác biệt giữa hai bên là lắng nghe những lời chào mà dân làng sử dụng.
Người Thuringia - ở Đông Đức thường chào "Guten Tag" (nghĩa là "Chào một ngày tốt lành"), cách chào thông dụng của người Đức, còn người Bavaria thì chào "Grüss Gott" (có nguồn gốc từ "Cầu Chúa ban phước lành cho bạn"), giống như câu chào bạn thường nghe thấy ở miền Nam nước Đức (và Áo).
Thật thú vị, những lời chào khác nhau này là một phần của sự phân biệt rộng hơn các phương ngữ đã được dùng trong suốt thời Chiến tranh Lạnh.
Một phân tích học thuật năm 2010 về các mẫu ngôn ngữ, được thu thập ngay sau khi thống nhất nước Đức và được xuất bản bởi Cơ quan Giáo dục Dân sự Liên bang, phát hiện ra rằng đường biên giới chia cắt nước Đức tạo ra sự phân chia phương ngữ ở các vùng dọc theo đường biên giới chính trị.
Quá trình phân tách ngôn ngữ này, sẽ mất hàng thế kỷ ở một biên giới tương đối mở, xuất phát từ sự tương tác giảm giữa hai bên và ảnh hưởng nhiều hơn từ khu vực rộng lớn hơn ở xung quanh.

AlamyBản quyền hình ảnhALAMY
Image captionVào tháng 12/1989, một điểm qua lại nhỏ đã chính thức được mở tại bức tường Mödlareuth, cho phép các thành viên gia đình cuối cùng cũng được đoàn tụ

Một sự khác biệt khác khi để ý nghe ở Mödlareuth là mức độ rung trong phát âm chữ "r" - người Bavaria uốn lưỡi rất rõ còn người Thuringia thì không.
Ngày nay, các khác biệt về thổ ngữ vẫn còn ở Mödlareuth, mặc dù đã có chút nhạt đi do cuộc sống ở ngôi làng đã bắt đầu trở lại thành một như trước kia.
Ví dụ giờ đây dân làng chỉ dựng một cây thông Giáng Sinh chung và một cây cột trang trí kết hoa chung để ăn mừng ngày 1/5 hàng năm. Họ cũng cùng nhau kỷ niệm 30 năm sụp đổ của bức tường chia cắt đôi bên.
"Mọi người thường hay gắn ngày 9/11/1989 với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, nhưng thực ra ngay đêm đó, các chốt kiểm soát đường biên cũng đều được mở trên toàn đường biên giới chia cắt Đông Đức - Tây Đức," Leb Lebernern nói.
Chỉ trong vài giờ đồng hồ, mọi người không chỉ có thể đi lại từ Đông Berlin đến Tây Berlin, mà còn từ Đông Đức đến Tây Đức.
Vì đoạn tường ở làng Mödlareuth xây kín, không hề có một chốt kiểm soát qua lại nào, cho nên một phần của bức tường đã bị phá đi để làm lối cho cư dân qua lại giữa hai bên.
Đúng một tháng sau, vào ngày 9/12/1989, do áp lực gia tăng từ người dân địa phương, một điểm qua lại nhỏ dành cho người đi bộ chính thức được mở ra.
Thay cho cảnh những người xa lạ gặp nhau ôm hôn phía trên bức tường dày đầy tranh graffiti ở Berlin thì ở làng Mödlareuth, một đoạn bê tông bị phá bỏ khiến cho hàng xóm láng giềng cùng họ hàng thân thích được sum vầy đoàn tụ.
Người Mödlareuthers đã chào mừng dịp này bằng một hai ly rượu, ăn với Thüringer Rostbratwurst - một loại xúc xích truyền thống của địa phương vốn được sản xuất ở Thuringia từ hàng trăm năm nay.
Trong tuần đầu tháng 11/2019, ngôi làng đã cùng cả nước tổ chức các sự kiện đánh dấu 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ và đường biên giới Đông - Tây bị dỡ bỏ.
Lễ hội có trang hoàng ánh sáng lung linh dọc theo bức tường ở Mödlareuth và có cả một đoàn xe ô tô cổ điển của Đông Đức diễu hành khắp làng.
Một sự kiện thứ hai được tổ chức vào ngày 9/12/2019 để kỷ niệm ngày bức tường ở làng Mödlareuth chính thức mở lối đi cho người dân tự do qua lại - với dòng suối Tannbach vẫn lặng lẽ và tiếp tục chảy bên cạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét