Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

17448 - Hậu quả của sự sụp đổ Bức tường Berlin đối với Dân chủ xã hội





Ba mươi năm trước, người ta đã thấy rõ ràng rằng Bức tường Berlin sụp đổ sẽ thay đổi mọi thứ. Nhưng chính xác thay đổi đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chính trị thế giới trong thế kỷ 21 vẫn còn chưa rõ ràng. Đến năm 1989, Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản nói chung đã khiến hàng chục triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, và rõ ràng đã thất bại trong việc cạnh tranh với mô hình kinh tế phương Tây.
Trong bốn thập niên, Chiến tranh Lạnh đã cướp đi hàng triệu sinh mạng ở các chiến trường khác nhau trên khắp thế giới (nơi mà cuộc xung đột nóng hơn nhiều so với tên gọi Chiến tranh Lạnh của nó), và tạo ra một cái cớ để đàn áp và tạo nên sự thống trị của giới tinh hoa ở hàng chục quốc gia trên khắp Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, và Châu Á.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả các ý nghĩa tích cực của nó, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cũng đã làm chấm dứt khế ước dân chủ xã hội phương Tây: hệ thống an sinh, các quy định pháp luật, dịch vụ công cho toàn dân, chính sách thuế giúp tái phân phối thu nhập, và các thể chế của thị trường lao động giúp bảo vệ công nhân và những người kém may mắn. Theo nhà khoa học chính trị Ralf Dahrendorf, sự đồng thuận chính sách đó biểu thị “cho tiến bộ lớn nhất mà lịch sử đã từng chứng kiến cho đến ngày nay”. Không chỉ giúp hạn chế và làm giảm bất bình đẳng thu nhập ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến; nó còn giúp thúc đẩy nhiều thập niên tăng trưởng bền vững.
Tăng trưởng kinh tế thời kỳ hậu Thế chiến II được sinh ra từ các thị trường nhìn chung cạnh tranh, được tạo ra thông qua các quy định để phá vỡ các công ty độc quyền và các tập đoàn hùng mạnh. Nó cũng dựa vào một hệ thống giáo dục công được tài trợ hào phóng và sự đổi mới do chính phủ tài trợ. Sự gia tăng của các công việc tốt được trả lương cao trong giai đoạn này là kết quả của các thể chế thị trường lao động giúp ngăn cản người sử dụng lao động nắm giữ quyền lực quá mức đối với nhân viên của họ; nếu không có những ràng buộc như vậy, các công ty sẽ tạo ra các việc làm lương thấp với điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Dân chủ xã hội đóng một vai trò quan trọng không kém trong chính trị. Các thế chế giúp tái phân phối thu nhập và các chương trình nhà nước phúc lợi không thể tồn tại nếu không có những người không thuộc giới tinh hoa nắm giữ quyền lực chính trị. Sự tham gia chính trị trên diện rộng đã đạt được thông qua các cải cách để mở rộng quyền bầu cử và làm sâu sắc thêm các quy trình dân chủ. Nó được hỗ trợ bởi các đảng chính trị hùng mạnh, như Đảng Công nhân Thụy Điển, và các công đoàn. Dân chủ xã hội cũng được thúc đẩy bởi những ý tưởng về dân chủ phổ quát từng khuyến khích người dân ủng hộ và bảo vệ nền dân chủ.
Theo nhiều cách, Hoa Kỳ cũng không khác gì các nước Tây Âu. Trong suốt thời kỳ Thỏa thuận mới (New Deal – chương trình cải cách của Tổng thống Franklin D. Roosevelt thời kỳ 1933-36) và thời kỳ sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã tích cực phá vỡ các công ty độc quyền và kiểm soát ảnh hưởng chính trị của những người giàu có. Mỹ đã thiết lập các khoản trợ cấp cho người cao tuổi và người tàn tật (chương trình An sinh xã hội) do chính phủ quản lý, trợ cấp thất nghiệp và các mức thuế tái phân phối thu nhập, đồng thời áp dụng các biện pháp chống nghèo đói khác nhau. Dù vẫn áp dụng luận điệu chống chủ nghĩa xã hội,  nhưng Mỹ vẫn áp dụng dân chủ xã hội với đặc sắc của Mỹ – theo nghĩa rằng Mỹ có mạng lưới an sinh xã hội yếu hơn các nước khác.
Những điều này sẽ không thể lý giải được nếu vắng bóng chủ nghĩa cộng sản. Rốt cuộc, các phong trào dân chủ xã hội xuất hiện từ các đảng cộng sản, nhiều trong số đó – bao gồm cả Đảng Dân chủ Xã hội ở Đức và Đảng Xã hội Pháp sau Thế chiến II – đã không từ bỏ các luận điệu xã hội chủ nghĩa cho đến những năm 1960, hay thậm chí là những năm 1980. Dù các đảng chính trị tỏ ra thành công nhất trong việc tạo ra các thể chế thị trường lao động mới, đảm bảo các dịch vụ công chất lượng cao và đạt được sự đồng thuận xã hội rộng khắp, như Đảng Công nhân Thụy Điển hoặc Công Đảng Anh, thường bác bỏ chủ nghĩa Marx mà họ theo đuổi trước đó, nhưng họ vẫn nói chung một thứ ngôn ngữ với các đảng Marxist.
Hơn nữa, chính giới tinh hoa cũng đã ủng hộ khế ước dân chủ xã hội như một biện pháp để ngăn chặn cách mạng cộng sản. Chính chế độ dân chủ xã hội chống cộng này đã thúc đẩy sự xuất hiện của các trí thức như nhà kinh tế học John Maynard Keynes, một trong những kiến ​​trúc sư của trật tự hậu Thế chiến II, và các nhà lãnh đạo chính trị từ Tổng thống Franklin D. Roosevelt đến John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson ở Mỹ. Tương tự, mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản (từ Bắc Triều Tiên) đã khiến các nhà lãnh đạo Hàn Quốc theo đuổi các cải cách ruộng đất đầy tham vọng và đầu tư vào giáo dục, đồng thời chấp nhận một mức độ hoạt động công đoàn nhất định mặc dù họ muốn giữ mức lương thấp.
Nhưng khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ – trong vai trò một hệ thống kinh tế lẫn một ý thức hệ – nó đã làm gãy một chân của chiếc ghế dân chủ xã hội. Đột nhiên phải đối mặt với nhiệm vụ phải phát minh ra một hệ tư tưởng mới, bao trùm và không kém phần phổ quát, cánh tả đã tỏ ra chưa thể đáp ứng được nhiệm vụ này. Đồng thời, các nhà lãnh đạo của một phe hữu đang lên đã diễn giải sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản như là một tín hiệu (và một cơ hội) để đẩy lùi dân chủ xã hội và ưu tiên cho thị trường.
Tuy nhiên, vì một số lý do, việc áp dụng chương trình nghị sự này ở phần lớn các nước phương Tây đã sai lầm. Trước tiên, phương Tây đã làm ngơ sự đóng góp của nhà nước phúc lợi, các tổ chức thị trường lao động và đầu tư công cho nghiên cứu và phát triển đối với tăng trưởng sau Thế chiến II. Thứ hai, phương Tây đã không lường trước được rằng việc dỡ bỏ các thể chế dân chủ xã hội sẽ làm suy yếu chính nền dân chủ, bằng cách trao thêm quyền cho các chính trị gia đương nhiệm và những người giàu có (những người sẽ càng trở nên giàu có hơn nữa trong quá trình này). Và thứ ba, họ đã bỏ qua những bài học từ những năm giữa hai cuộc Thế chiến, khi sự thiếu vắng các cơ hội kinh tế trên diện rộng và mạng lưới an sinh mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan tả khuynh lẫn hữu khuynh.
Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher có thể đã hình dung ra một thế giới với các thị trường hiệu quả hơn và ít kiểm soát quan liêu hơn. Nhưng cuộc cách mạng chính trị mà họ phát động đã dẫn tới nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump ở Mỹ và một chính phủ do Boris Johnson lãnh đạo ở Vương quốc Anh.
Khế ước dân chủ xã hội giờ đây cần phải được đổi mới để phục vụ cho thế kỷ 21.
Để đạt được điều đó, chúng ta cần nhận ra những vấn đề mà các nền kinh tế tiên tiến đang đối mặt, từ việc bãi bỏ quy định và tài chính không kiểm soát được cho đến những thay đổi mang tính cấu trúc do toàn cầu hóa và tự động hóa gây ra. Chúng ta cũng cần thành lập một liên minh chính trị mới đủ rộng lớn để bao gồm các công nhân công nghiệp, những người vẫn nằm trong số các nhóm tích cực hoạt động chính trị nhất trong toàn bộ dân số, dù số lượng của họ đã giảm.
Nhưng, quan trọng nhất, chúng ta phải nhận ra rằng việc kiềm chế sức mạnh của các công ty lớn; cung cấp các dịch vụ công phổ quát, bao gồm chăm sóc y tế và giáo dục chất lượng cao; bảo vệ người lao động và ngăn chặn sự gia tăng của việc làm lương thấp, bấp bênh; và đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển, không chỉ là những chính sách cần được đánh giá về mặt tác động kinh tế. Chúng là tinh túy của dự án dân chủ xã hội, và là nền tảng của một xã hội thịnh vượng và ổn định.
Daron Acemoglu, Giáo sư Kinh tế tại MIT, là đồng tác giả (với James A. Robinson) của cuốn Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity and Poverty và cuốn The Narrow Corridor: States, Societies, and the Fate of Liberty.
Nguồn: Daron Acemoglu, “The Fall of the Berlin Wall and Social Democracy”, Project Syndicate, 13/11/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét