Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

17441 - Vụ án trộm chó làng Tơr Bang và tháp ngà của giới lập pháp



Tình trạng trộm chó và đánh người trộm chó
Tình trạng trộm chó và đánh người trộm chó vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi tại Việt Nam Getty Images

Khoảng 100 người ở thôn Tơr Bang thuộc xã Iabang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang làm việc với công an để lấy lời khai về vụ một kẻ trộm chó bị đánh chết trong thôn này. Nhưng đây chưa phải vụ hành hung kẻ trộm chó có số người liên quan cao nhất ở Việt Nam.
Trong các năm trước đây, từng có những vụ cả thôn tham gia đánh kẻ trộm chó. Điển hình như vụ 57 hộ dân thôn Sen xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ký đơn xin giảm án cho người đánh chết kẻ trộm chó trong thôn; vụ hơn 300 người thôn Cao Xuân, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; vụ hơn 100 người dân ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ Tĩnh cùng đánh chết trộm chó. Tất cả vào năm 2014.
Đặc biệt, khi sáu bị cáo ở làng Nhĩ Trung (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bị kết án về tội cố ý gây thương tích trong vụ án đánh chết kẻ trộm chó, hàng trăm dân làng đã vây tòa án, la hét phản đối khi các bị cáo bị tuyên phải bồi thường mai táng phí hai kẻ trộm chó và góp tiền nuôi con của các bị cáo đến tuổi trưởng thành.
Báo chí thời điểm đó mô tả: Cơ quan chức năng đã phải điều hai tiểu đội cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông đến bảo vệ gia đình các bị cáo sau phiên xử, nhưng hàng trăm người vẫn vây chặt tòa án.
Sau đó, khi sáu bị cáo vào tù, hàng trăm người dân lại đến đưa tiễn.
Trong phần bình luận trên các trang báo và trên mạng xã hội, tuyệt đại đa số ý kiến bênh vực những người đánh trộm chó.

Pháp luật Việt Nam vẫn nhùng nhằng

Những người tranh cãi về "Nhân quyền" và "cẩu quyền" trong các vụ việc này sẽ vô cùng khó đạt được thống nhất. Và những vụ cả làng đánh chết trộm chó sẽ còn xảy ra trong tình trạng pháp luật Việt Nam mãi vẫn nhùng nhằng trong chuyện này.
Trước nay bọn trộm chó vẫn bị xử theo điều 173 Bộ Luật Hình sự Việt Nam (tội trộm cắp). Nếu trị giá tài sản dưới 2 triệu đồng thì hình phạt của tội này không quá nặng.
Nhưng thực tế các vụ trộm chó hoàn toàn không còn là hành vi lén lút như bản chất hành vi trộm cắp.
Hãy xem số hung khí dưới đây, do Công an tỉnh Thanh Hóa thu được trong vụ bắt băng trộm chó được xem là trọng án và lớn nhất đến nay ở tỉnh Thanh Hóa cuối tháng 9 vừa qua. Nó gồm 10 bộ kích điện, 2 súng bắn điện, 8 chai ớt bột, 20 xe máy các loại, nhiều dao kiếm các loại, 2 bình xịt hơi cay, dây thòng lọng bắt chó, vỏ chai bia các loại, 3 kìm bắt chó, và xăng đổ trong các chai thủy tinh.
Kích, súng bắn điện, dây thòng lọng và kìm bắt chó để bắn vào con chó khiến nó ngất xỉu rồi xách lên xe. Nhưng dao kiếm, bình xịt hơi cay, ớt bột và vỏ chai bia… thì để chống trả chủ chó và người đuổi bắt. Vỏ chai bia ném đi, vỡ ra, trở thành hung khí sát thương họ, hoặc đập vỡ rồi cầm để tấn công trực diện.
Trong nhiều vụ án khác, bọn trộm chó dùng thẳng súng điện bắn về phía người đuổi bắt.
Tháng 6-2014, ở Thanh Hóa, một trưởng công an xã bị kẻ trộm chó rút ống sắt đánh gãy tay, đa chấn thương.
Cũng tháng 6-2014, ở Củ Chi, một thanh niên truy đuổi bị bọn trộm chó bắn chết bằng súng điện tự chế. Chiếc xe lao vào lề khiến cả hai người truy đuổi còn lại đều tử vong.
Tháng 8-2014, ở Nghệ An, hai kẻ trộm chó vung kiếm chém vào mắt một người đuổi bắt.
Tháng 3-2015, ở Bình Dương, Công an bắt được một băng ba tên chuyên dùng xe hơi đi trộm chó. Chúng khai mỗi đêm bắt được 3-5 con chó, ít nhất mỗi con bán được 900.000 đ.
Tháng 7-2016 ở Thanh Hóa, hai tên trộm chó dùng dao đâm chết chủ nhà khi bị phát hiện.
Thế nhưng chỉ khi bọn trộm chó hung hãn hoặc liều mạng đến mức gây chết người, hoặc nhân tiện đi trộm chó thì phạm luôn tội hiếp dâm, thì chúng mới bị xử bằng các tội hình sự tương ứng.
Nếu chỉ đi trộm chó và bị bắt giữ lần đầu thì chúng chỉ bị xử phạt hành chính bằng tiền, tính ra rất nhẹ.

Bạo lực đáp trả bạo lực

Không hài lòng với mức xử phạt đó, đồng thời đối mặt với các băng trộm chó ngày càng công khai và hung hãn, người dân cũng ngày càng mạnh tay.
Trước kia, kẻ trộm chỉ bị làm nhục như bị đánh, bị xích vào chuồng nuôi chó, bị treo con chó lên người, bị bêu dọc đường… thì vài năm nay phổ biến là cả làng xúm vào đánh. Mỗi người đá một hai cái, chẳng ai trục tiếp làm cho tên trộm chó chết cả. Nhưng sau hàng trăm cú đánh, nếu kẻ trộm chó lăn ra chết thì… cả làng đứng ra xin tội cho những người tham gia.
Bạo lực đáp trả bạo lực và ngày càng leo thang. Bây giờ, cái tin một kẻ trộm chó lại bị đánh chết ở đâu đó sẽ không khiến người ta phải kinh sợ, thương xót hay hả hê nữa. Căn cứ trên những bình luận trên mạng xã hội, hầu hết chỉ cảm thấy "đáng đời".
Như thế, công lý có vẻ đã xác lập. Nhưng bằng sức mạnh của hình thái công xã nguyên thủy, khi máu trả bằng máu, răng trả bằng răng. Và có lẽ ngay chính các nhà lập pháp cũng cảm thấy như vậy là công bằng, nên không ai còn lên tiếng về việc sửa đổi luật pháp.

Người lập pháp quá xa dân?

Đáng ra, với sự hung hãn, nguy hiểm và chủ động tấn công người chủ để bắt bằng được con chó, hành vi đó phải quy vào tội cướp.
Hình phạt cũng không thể bị định giá bằng số cân thịt chó như trước giờ mà phải đo bằng mức độ nguy hiểm cho xã hội. Khi có hình phạt đủ nặng để răn đe kẻ cướp, ít nhất người dân sẽ không công phẫn đến mức tự thay trời hành đạo, tự đưa mình vào nguy hiểm đến mức mất mạng, và tự nguyện trở thành đồng lõa trong những vụ giết người.
Không những thế, những đồng lõa đồng thời cũng là nạn nhân này, trong thâm tâm còn cảm thấy hành vi của mình mới chính là công đạo, chính khí, được cả xã hội ủng hộ. Vài năm tù không có tác dụng gì cả; họ vào tù với tư thế anh hùng và sẽ ra tù cũng với tư thế đó. Cộng với tâm lý coi thường pháp luật, xem pháp luật là vô năng và vô lý, cụ thể trong trường hợp này.
Và được thể tiến tới, những tên trộm chó ngày càng lộng hành và hung hăng.
Con đường hình thành và tiến triển của cả hai lối tư duy kể trên là sự đe dọa tiềm tàng giết chết những giá trị nhân văn, vốn phải là vành vương miện cài trên đầu một xã hội thượng tôn pháp luật.
Khi một việc không khó giải quyết nhưng được để mặc suốt gần chục năm như thế, nó cũng cảnh báo rằng những người được giao trọng trách lập pháp Việt Nam đang ngồi quá xa với lo lắng chính yếu nhất của người dân về cuộc sống được bảo đảm tối thiểu về an ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét