Đạo quân của Trí Cao tiến rất nhanh, tuy có người báo trước nhưng viên quan giữ thành Quảng Châu vẫn không tin đó là sự thực. Đến lúc giặc đến gần chân thành, mới cho dân vào lánh nạn, nên xảy ra cảnh dẫm đạp nhau tại cổng thành có nhiều người chết:
“Trường Biên, quyển 172, ngày Bính Dần [21/6/1052], Nùng Trí Cao bắt đầu vây Quảng Châu. Trước đó 2 ngày, có người đến cáo cấp, Tri châu Trọng Giản cho là dối, bắt bỏ tù; rồi hạ lệnh:
‘Ai nói sàm giặc đến sẽ bị chém.’
Ví lý do đó nên dân không được chuẩn bị. Lúc giặc đến, mới ra lệnh vào thành; dân tranh nhau, dùng tiền của hối lộ để được vào cửa nhanh, đạp chết rất nhiều; số còn lại theo giặc, khiến thế giặc trở nên mạnh hơn.”[1]
Tuy lỗi lầm như vậy, nhưng triều đình ở xa chỉ biết thành vẫn giữ vững, cho là công của viên chỉ huy Trọng Giản, nên phong cho y chức Tri Kinh Nam. Riêng phía ngoài thành, quân triều đình bị Trí Cao đánh thua tại khu bến cảng dành cho người nước ngoài buôn bán gọi là đình Thị Bạc:
“ Trường Biên, quyển 172, ngày Giáp Thân tháng 6 [9/7/1052], đổi Tri Quảng Châu Binh bộ lang trung thiên chương các đãi chế Trọng Giản làm Tri Kinh Nam. Triều đình cho rằng Giản có khả năng giữ thành nên mới có lệnh này; không biết rằng dân Quảng Châu oán Giản rất nhiều.
Cũng ngày này, Đô tuần kiểm Quảng Châu và Đoan Châu, Cao Sĩ Nghiêu đánh Nùng Trí Cao tại đình Thị Bạc [Quảng Châu], bị thua.”[2]
Thực ra thành Quảng Châu không bị hãm là do công của viên cựu chỉ huy Ngụy Quyền; viên này biết lo xa nên đào giếng sẵn trong thành cung cấp đủ nước; lại cho đặt nõ cứng trên thành, nõ này bắn rất trúng và mạnh khiến quân Trí Cao tuy che người bằng thuẫn, nhưng cũng có nhiều thương vong:
“Trường Biên, quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052], trước đây Ngụy Quyền xây thành Quảng Châu, đào giếng chứa nước, chế tạo nõ lớn để phòng thủ. Đến lúc Nùng Trí Cao đánh thành rất gấp, lại ngăn nước không cho chảy vào; nhưng thành chắc, nước giếng dùng không hết; nõ bắn thì trúng; trúng nên giao động, thế giặc nao núng…”[3]
Khi triều đình hiểu được sự việc, bèn dùng lại Ngụy Quyền, giao chức Tri Quảng Châu:
“Trường Biên , quyển 172, ngày Bính Tuất tháng 6 [11/7/1052], dùng Tri Việt Châu [tỉnh Quảng Tây] Cấp sự trung Ngụy Quyền làm Thị lang bộ Công Tập hiền viện học sĩ Tri Quảng Châu. Trước đó mệnh Lang trung bộ Công Vương Quì làm Thái thường thiếu khanh Trực chiêu văn quán thay Trọng Giản Tri Quảng Châu. Nhưng quan can gián tâu rằng vùng Lãnh ngoại [chỉ Quảng Đông, Quảng Tây] mới dùng binh, Quì không có tài phủ ngự, nên bãi chức; rồi chọn Quyền. Vì từ khi Nùng Trí Cao làm phản, chỗ nào giặc đi qua đều phá, chỉ riêng thành Quảng Châu không đánh được. Triều đình xét lúc Quyền coi thành Quảng Châu, xây dựng phòng thủ thành công, nên tăng tước trật, cấp thêm 5.000 cấm binh, lại cho tiện nghi thi hành sự việc.”[4]
Quân triều đình từ châu lân cận đến giải cứu thành Quảng châu cũng bị thảm bại dưới chân thành, cấp chỉ huy đều tử trận:
“ Trường Biên quyển 172, ngày Canh Dần [15/7/1052], Đô đại đề cử Quảng Châu, Huệ Châu[5] mang quân đánh giặc. Tây kinh tả tàng khố phó sứ Vũ Nhật Huyên, Tuần kiểm Huệ Châu Tả thị cấm Ngụy Thừa Hiến giao chiến với quân Nùng Trí Cao tại dưới thành Quảng Châu, bị tử trận.”[6]
Nhắm đối phó với tình hình chiến sự, triều đình lập bộ chỉ huy cấp cao, Dư Tĩnh phụ trách lộ Quảng Tây, Dương Điền phụ trách Quảng Đông; sau đó thấy rằng quân Trí Cao cướp phá cả 2 tỉnh, cần thống nhất chỉ huy mới đối phó nổi, nên giao cho Dư Tĩnh tiết chế cả 2 lộ:
“Trường Biên quyển 173, ngày Bính Ngọ tháng 7 [31/7/1052], mệnh Tri Quế Châu Dư Tĩnh chế ngự giặc tại Quảng Nam Đông Tây Lộ. Lúc bấy giờ Gián quan Giả Ảm tâu:
Tĩnh và Dương Điền đều được ban tiện nghi hành sự, nếu 2 người ra lệnh không giống nhau, thì kẻ dưới không biết theo ai. Lại nếu Tĩnh chuyên trách Tây lộ, mà giặc hướng về phía đông; chỗ đó Tĩnh không thống trị, thì không có cách gì sai phái quần chúng; như vậy nên cho Tĩnh kinh chế cả 2 lộ.’
Riêng Tĩnh cũng tâu rằng:
‘Giặc tại phía đông, mà Thần chỉ có quyền lực tại phía tây, không hợp với chí thần mong ước.’
Thiên tử chấp nhận lời xin, nên mới có lệnh này.”[7]
Bấy giờ triều đình nhà Tống cố gắng tỏ ra bớt thụ động, giao cho Tri châu 2 châu lớn Quảng Châu, Quế Châu kiêm chức Kinh lược An phủ sứ, trực tiếp đôn đốc :
“Trường Biên quyển 172, ngày Kỷ Sửu [14/7/1052], chiếu Tri Quảng Châu, Quế Châu từ nay đều kiêm chức Kinh lược an phủ sứ.”[8]
Triều đình bắt đầu ra lệnh hoãn thu thuế tại những nơi bị quân Trí Cao đánh phá:
“Trường Biên quyển 172, ngày Bính Thân tháng 6 [21/7/1052], chiếu ban Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông], Tây Lộ [Quảng Tây], những vùng bị giặc dày xéo, chưa cho thu thuế mùa hè này.”[9]
Cho tăng cường hệ thống ngựa trạm giúp cho việc truyền tin và giao thông từ kinh sư đến Lưỡng Quảng mau chóng dễ dàng hơn; điền bổ các quan hữu dụng đến các châu quận từng bị chiếm đóng:
“Trường Biên quyển 173, ngày Nhâm Tý [6/8/1052], chiếu ban viên Thẩm Quan rằng các châu Liên [Quảng Nam Đông Lộ], Hạ [Quảng Nam Tây Lộ], Đoan [Quảng Nam Đông Lộ], Bạch [Quảng Nam Tây Lộ] mới đây bị giặc dày xéo, cần chọn quan đứng đầu coi sóc dân.
Lại ban chiếu từ Quảng Châu đến kinh sư tăng đặt các phố trạm cho ngựa chuyển thư; vẫn ra lệnh 1 viên Đề cử nội thần phụ trách.”[10]
Thi hành chính sách bao vây kinh tế, trừng trị nặng kẻ giao dịch buôn bán lương thực với kẻ địch:
“Trường Biên, quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052], Khu mật viện tâu rằng bọn man tặc và đồ đảng khoảng 2 vạn tên, 1 ngày ăn hết 500 thạch gạo,[11] nếu không có chỗ dựa về lương thực, chúng không thể ở lâu; cần phải cấm đoán giao dịch lương thực nghiêm, coi như ngoài vòng pháp luật. Ngày Tân Dậu [15/8/1052], chiếu ban bắt thủ phạm xử chém, tòng phạm đày đi lao thành[12] tại Lãnh Bắc;[13] xe, thuyền đều tịch thu sung công.”[14]
Triều đình treo giải thưởng lớn bằng chức quan tiền bạc cho kẻ bắt được Trí Cao, A Nùng mẹ Trí Cao, cùng viên Tiến sĩ tại Quảng Châu làm mưu sĩ Trí Cao:
“Trường Biên, quyển 173, ngày Mậu Tý tháng 8 [11/9/1052], chiếu ban cho vùng Quảng Nam [Quảng Đông, Quảng Tây], ai bắt được Nùng Trí Cao được ban chức Chánh thứ sử, thưởng 3.000 quan tiền, 2.000 tấm quyên; bắt mẹ Trí Cao được ban Phó sứ các ty, thưởng tiền 3.000 quan, 2.000 tấm quyên; bắt Hoàng Vi được ban Đông đầu cung phụng quan, 1.000 quan tiền.”[15]
Nhờ thành xây chắc, tường hào phòng thủ kiến cố, lương thực nước uống đầy đủ; trên thành đặt nõ cứng có chỗ trú ẩn an toàn gây tỗn thất nhiều cho kẻ địch, nên sau nhiều đợt tấn công thất lợi, quân Trí Cao tỏ ra nao núng. Bên ngoài, viên Tri Anh châu Tô Giam tại châu lân cận, mang quân đến cứu, giết cha viên Tiến sĩ Hoàng Sư Mật làm quân sư cho Trí Cao, cùng tìm cách lôi kéo dân chúng từ bỏ hàng ngũ địch. Lại có viên Huyện lệnh Phiên Ngung Tiêu Chú mang quân ra khỏi thành, dùng kế hỏa công thiêu hủy thuyền địch. Do vậy quân Trí Cao vây 57 ngày, rồi biết rằng không lấy được thành, đến ngày16/8/1052 lại tìm cách quay về Ung châu:
“Trường Biên quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052], trước đây Ngụy Quyền xây thành Quảng Châu, đào giếng chứa nước, chế tạo nõ lớn để phòng thủ. Đến lúc Nùng Trí Cao đánh thành rất gấp, lại ngăn nước không cho chảy vào; nhưng thành chắc, nước giếng dùng không hết; nõ bắn thì trúng; trúng nên giao động, thế giặc nao núng. Viên Tri Anh Châu Tấn Giang [Anh Đức thị, tỉnh Quảng Đông], Tô Giam, bắt đầu nghe tin Quảng Châu bị vây, bảo mọi người rằng:
‘Quảng Châu và châu ta gần nhau, nay thành nguy trong sớm tối, mà điềm nhiên không đến cứu là phi nghĩa.’
Bèn chiêu mộ trai tráng hàng vạn người, giao ấn của châu cho Đề điểm hình ngục Bao Kha, trong đêm đi cứu nạn, dừng binh cách Quảng Châu 20 dặm. Hoàng Sư Mật là người Quảng Châu, theo giặc làm minh chủ; Giam bèn bắt trói cha Mật, chém để làm răn; giặc nghe tin sợ táng đởm. Lúc bấy giờ quân vô loại tụ tập cướp phá, Giam bắt được hơn 60 tên, đem chém; chiêu dụ những kẻ bị ăn hiếp trở về với nghề cũ, gồm hơn 6.700 người.
Thành bị vây đã lâu ngày, mấy lần đánh không thắng; giặc bèn tụ tập vài trăm chiếc thuyền đánh gấp phía nam. Có viên huyện lệnh Phiên Ngung tên là Tiêu Chú, người đất Tân Dụ [Nam Xương thị, tỉnh Giang Tây], từ trong vòng vây vượt ra ngoài, chiêu mộ dân cường tráng ven biển hơn 2.000 người, dùng hải thuyền đánh miền thượng lưu. Khi chưa ra quân, thì trong đêm gió nỗi lên, bèn dùng hỏa công đốt thuyền giặc, đại phá khiến thây giặc chất như núi. Lập tức mở cửa huyện, viện binh từ các lộ vào, cùng dân mang rượu, bò, lương thực tiếp tục vào thành; khí thế trong thành phấn khởi, mỗi lần đánh tất thắng, Lại có Chuyển vận sứ Vương Can, mộ dân binh từ bên ngoài vào thành, càng tăng thêm việc phòng bị.
Giặc vây 57 ngày, rồi biết rằng không lấy được thành, đến ngày Nhâm Tuất [16/8/1052] bèn bỏ đi.”[16]
Quân Nùng Trí Cao theo đường thủy trở về Ung Châu, tại con sông nhỏ Biên Độ Võng nối liên hai sông Bắc Giang, và Tây Giang bị quân Tô Giam dùng chướng ngại vật chặn sông nên không thể theo đường cũ ngược dòng Tây Giang trở về Ung Châu được; khiến Trí Cao phải điều quân ngược dòng Bắc Giang rồi đi vòng sang phía tây. Tại Biên Độ Võng quân triều đình do Hội Trung chỉ huy giao chiến, Hội Trung tử trận:
“Trường Biên quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052].Trước đó, Giam cùng Đô giám Hồng Châu [Giang Tây] Thái Bảo Cung dùng 8.000 quân đóng tại Biên Độ Võng, chặn đường về của giặc. Hội Trung từ kinh sư tới, tiến đánh; lúc lâm chiến bảo thuộc hạ rằng:
‘Ta 10 năm về trước chỉ là một chẳng trai tráng kiện, nhờ chiến công mà lên đến chức Đoàn luyện sứ, các người hãy gắng lên.’
Rồi trên lưng ngựa tiên phong, gặp lúc giặc chạy đến, Trung dùng tay bắt 2 chỉ huy giặc; chẳng may ngựa sa vào bùn, không cất bước được, bị giáo đâm chết.”[17]
Sáng kiến của viên Tri Anh châu Tô Giam cho lập chướng ngại vật tại Biên Độ Võng để chặn đường về, khiến kẻ địch phải dùng thủy trình theo sông nhỏ đường vòng, gây khó khăn lớn, lại bị tổn thất nhân mạng và nhiều tài sản cướp được; Vua Tống bèn phong cho Giam chức Cung bị khố phó sứ:
“Trường Biên quyển 173.Ngày Tân Mão tháng 8 [14/9/1052]Tri Anh châu Bí thư thừa Tô Giam được ban chức Cung bị khố phó sứ. Trước đó giặc đến vùng Quảng Châu, không kịp thi hành thanh dã,[18] khiến giặc mặc sức cướp phá. Sau này Giam biết giặc sắp đến, chia quân ngăn tại Biên Độ Võng, chặn đường trở về của giặc bằng cách đặt bè gỗ, đá lớn đến 40 dặm.[19] Giặc đến quả nhiên không tiến được, phải đi vòng mấy chục dặm rồi vào sông Sa Đầu Độ từ huyện Thanh Viễn qua phía tây đến Liên Châu, Hạ Châu để rồi trở về lối cũ. Số tổn thương rất nhiều, Giam lấy được hầu hết đồ vật giặc để lại.”[20]
Riêng viên Huyện lệnh Tiêu Chú, dùng hỏa công đốt thuyền địch tại Quảng Châu cũng được thăng chức Lễ tân phó sứ:
“Trường Biên quyển 173.Ngày Đinh Hợi [10/9/1052], dùng Tiêu Chú làm Lễ tân phó sứ, vẫn trao quyền điều động tại huyện Phiên Ngung.”[21]
Đạo quân của Nùng Trí Cao trên đường trở về Ung Châu tuy bị ngăn chặn tại Biên Độ Võng phải đi vòng, nhưng không tỏ ra thụ động. Tuy vô học nhưng y đã làm đúng theo binh thư, chuyển từ thụ động rút lui dễ bị đánh sau lưng, quay sang thế tấn công mạnh, tiêu diệt nhiều tướng lãnh quân lính đối phương, rồi trở về Ung Châu một cách an toàn; chi tiết chiến sự xãy ra xin trình bày tại chương sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét