Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

17113 - Thấy gì từ vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt Việt Nam?




Không phải Tổng cục Hải quan Việt Nam, mà là Wall Street Journal
Chẳng phải đến bây giờ vụ hàng triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam mới được Tổng cục Hải quan Việt Nam phát hiện, mà vụ này đã được báo Wall Street Journal của Mỹ phanh phui bằng loạt bài điều tra vào năm 2016. Tờ báo này khi đó đã có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn, là nguyên liệu sản xuất nhôm được chuyển từ San José Iturbide, Mexico đến Việt Nam, có liên quan tới Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN, trụ sở tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bài báo điều tra của Wall Street Journal ngay lập tức được lan tỏa trên mạng xã hội ở Việt Nam và được một số tờ báo nhà nước dịch và đăng lại, tạo nên một làn sóng quan tâm khá lớn của dư luận về hiện tượng hết sức đặc biệt không chỉ là ‘treo đầu dê, bán thịt chó’ mà còn là ‘mượn đường diệt Quắc’ rất bản chất Trung Quốc đó.
Nhưng vì sao vào năm 2016 và cả một khoảng thời gian dài sau đó, toàn bộ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lại như câm nín trước vụ việc trên mà không có bất kỳ một động tác điều tra tới nơi tới chốn nào, dù đã có thông tin về những kẻ đứng phía sau doanh nghiệp Nhôm Toàn Cầu VN là người quốc tịch Úc gốc Trung Quốc?
Còn cho đến giờ, nhờ một ‘phát hiện’ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, người ta mới biết rõ vụ nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam được thực hiện do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác nhằm trục lợi từ chính sách về thuế suất. Do nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%, nên nếu vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam - trị giá đến 4,3 tỷ USD - được tiến hành trót lọt thì sẽ mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ gian lận thương mại. Những kẻ đó là hai người mang quốc tịch Úc nhưng gốc Trung Quốc là Jacky Cheung và Wang Tong.
Vì sao Việt Nam bỗng sốt sắng điều tra nhôm gốc Trung Quốc?
Điều có vẻ lạ lùng, nhưng lại rất gần với thực tế là yếu tố góp công không nhỏ trong vụ ‘phát hiện’ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam không phải là Tổng cục Hải quan hay Bộ Công an Việt Nam, mà là… tàu Hải Dương 8.
Bởi từ năm 2016 - khi tờ báo Wall Street Journal phát hiện vụ việc trên - cho tới trước tháng 7 năm 2019, mối quan hệ Việt - Trung vẫn tạm hữu hảo và giới quan chức hai bên vẫn lảm nhảm ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười sáu chữ vàng’. Chỉ đến tháng 7 năm 2019 khi Trung Quốc đạp kẻ đu dây Việt Nam té lộn cổ bằng động tác đưa tàu Hải Dương 8 cùng vài ba chục tàu hộ vệ cho tàu này quần thảo khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, thậm chí còn tiến rất gần nhiều vùng duyên hải của Việt Nam, chân lý thật giản đơn mới lộ ra: giới chóp bu Việt Nam cuối cùng cũng đã tìm ra một cách trả đũa ‘bạn vàng’ bằng cách lôi vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam ra.
Bên cạnh đó, cũng có một nguyên do không kém nghiêm trọng là vào thời gian này, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nguy cơ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump xếp vào danh sách ‘quốc gia gây hại’ đối với nền kinh tế Mỹ, tiếp sau cáo buộc thẳng thừng ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ mà Trump chỉ đích danh Việt Nam.
Nói là làm. Chỉ ít ngày sau sự xuất hiện cáo buộc trên, Bộ Thương mại Mỹ đã tung đòn đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% - một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017.
Vì sao giới chức Mỹ trở nên nghiêm khắc với hàng hóa Việt Nam?
Từ cuối năm 2017, những đòn trừng phạt đầu tiên của Trump đã khởi động. Thoạt đầu là những cú tăng vọt thuế lên mặt hàng tôm, rồi sau đó là thép và cả nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ. Nhưng những đòn này vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn sang tương lai đầy đe dọa bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Bắt đầu từ năm 2018, Trump khởi động chiến dịch tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc và có thể cả vào hệ thống chính trị độc tài của quốc gia đông dân nhất thế gới này. Chỉ ít lâu sau đó, một làn sóng ngấm ngầm di chuyển vùng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra. Còn đến khi Trump áp thuế cao ngất lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc thì làn sóng doanh nghiệp Trung đổ bộ vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ USD đăng ký vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhưng nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.
Nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đánh mạnh thuế lên thép và nhôm Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, và cho dù chưa đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ nhưng vẫn xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi về vấn đề này, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Lần đầu tiên mời Mỹ đến Việt Nam để điều tra
Không phải vô duyên vô cớ mà vào kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2019, quan chức Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - phải vội vã cảnh báo “Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó, mà ngược lại, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?”, khi đề cập về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và việc rất nhiều chuyên gia dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Có thể hiểu cách nhìn và nỗi lo lắng của Lộc cũng chính là trạng thái tâm lý của ‘đảng và nhà nước ta’.
Hẳn đó là nguồn cơn mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam phát sốt và phải tìm nhiều cách, với thái độ ngày càng ‘chân thành’, hạn chế đòn đánh thương mại của Trump.
Một trong những cách né tránh trên là cho điều tra gấp rút vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam. Và phô trương kết quả điều tra ban đầu như một cách kể công với Mỹ.
Nhưng tiến trình quan hệ Việt - Mỹ còn bay bổng hơn cả thế. Cuộc điều tra này đã trở nên một trong số hiếm hoi lần các cơ quan chức năng Việt Nam dám làm rõ hành vi gian lận thương mại của Trung Quốc, thể hiện qua việc lần đầu tiên phía Việt Nam đã ‘can đảm’ mời Bộ An ninh nội địa của Hoa Kỳ tham gia vào cuộc điều tra này ngay tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét