Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

17006 - Ông Thuận Hữu đã… tự chuyển hóa?


Tuần này, ông Thuận Hữu (tên thật là Nguyễn Hữu Thuận, Tổng Biên tập báo Nhân Dân kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời là đại biểu của dân chúng Hải Phòng tại Quốc hội khóa 14) lại nổi như cồn trên mạng xã hội. Hôm 22 tháng 10, khi cùng các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ông Thuận Hữu phàn nàn: Cứ mở máy ra là thấy mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai. Chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay.
“Chửi” vốn là hành vi biểu thị sự bất ổn cả về tâm thế lẫn tư thế nhưng đáng ngạc nhiên là phàn nàn của ông Thuận Hữu không những không làm công chúng ân hận mà còn khiến họ chửi cả ông lẫn đảng dữ dội hơn!
Rất nhiều người giải thích tại sao họ và đồng bào chửi cơ quan công quyền từ trên xuống dưới, chẳng hạn Phạm Hải: Dân chửi như… hát hay là do thối nát từ trên xuống dưới, biết chừa ai bây giờ (2)!
Tham gia thảo luận trên trang facebook của Chau Doan về điều mà ông Thuận Hữu phàn nàn, Đoàn Thế Nghiệp sử dụng kiểu lập luận mà ông Nguyễn Phú Trọng từng dùng vài lần để tự khen đảng, nhằm thông não cho ông Thuận Hữu: Mình phải như thế nào người ta mới… chửi chứ! Cũng với cách nhìn vấn đề như vậy, Huyen Duong thú thật rằng chẳng bao nhiêu người biết ông Thuận Hữu là ai nhưng nhờ phàn nàn vừa kể, bây giờ không ai không chửi ông. Theo Huyen Duong: Đó là tại… ông cả thôi!
Bên cạnh đó, có những facebooker như Huỳnh Ngọc Chênh, dẫn lại hàng loạt phát biểu “trời ơi, đất hỡi” của các viên chức hữu trách, kiểu như phát biểu mới nhất của ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường), biện minh cho biến cố Hà Nội bơm “nước sạch” nhiễm dầu cho hàng triệu người – Tôi và gia đình cũng dùng nước sông Đà nhiễm dầu để ăn uống ba ngày - để minh họa cho nhận xét: Quan chức ăn nói ngu dốt như thế mà không bị dân chúng chửi mới lạ (3)!
Giữa trận bão dư luận ấy, có những facebooker như Chau Doan, dành thời gian viết hẳn một thư ngỏ, gửi ông Thuận Hữu (4). Chau nhắc ông Thuận Hữu - người sử dụng tư cách đại biểu Quốc hội để phàn nàn về mạng xã hội – rằng ông phải có trách nhiệm với xã hội khi phát biểu, phải nêu rõ ai là người chửi, tại sao người ta chửi, đúng hay sai,… chứ không thể chung chung, “vơ đũa cả nắm” như thế. Chau không tin người sử dụng mạng xã hội rảnh rỗi đến mức thích lên mạng chửi đổng.
Bởi ông Thuận Hữu vẫn được giới thiệu như một nhà báo, Chau chất vấn: Ông có biết đội ngũ dân oan đang tăng từng ngày không? Ông đã viết dòng nào về những người dân bị cướp đất ở Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, Dương Nội,… hay những người dân sống cảnh “màn trời, chiếu đất” để kêu oan từ năm này sang năm khác mà vẫn chưa tìm được công lý? Theo Chau, nếu không, ông Thuận Hữu nên… nín vì một nhà báo câm lặng trước bất công xã hội thì đó là nhà báo “rởm rít”, chỉ biết bợ đỡ quyền lực để hưởng lợi lộc. Không ủng hộ sự thật, ủng hộ tự do ngôn luận, tự do chia sẻ và truy cập thông tin thì chỉ là “báo… cô, ăn hại, không phải báo chí”!
Chau còn chỉ trích kịch liệt cảnh báo của ông Thuận Hữu: Mạng xã hội tác hại đến sinh hoạt xã hội, giới trẻ - là… đạo đức giả. Chau nhấn mạnh, mạng xã hội chưa bao giờ tham nhũng của dân đồng nào, cũng chưa vẽ ra dự án nào thiệt hại cho ngân sách hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác. Làm sao mạng xã hội có thể làm đạo đức của giới trẻ lung lay khi chúng được đào tạo dưới mái trường XHCN? Mạng xã hội không thể tạo ra những “tấm gương lớn” như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,… cho giới trẻ soi vào!
Từ câu chuyện mà ông Thuận Hữu sử dụng như một ví dụ để đòi chấn chỉnh mạng xã hội (Thái Lan tống giam người xúc phạm Quốc vương trên mạng xã hội), Chau trách ông thiếu hiểu biết nhưng lại thích… “bi bô”. Nhiều người biết Quốc vương Thái Lan ăn chơi vô độ, Thái Lan hành xử như thế vì có luật cấm chỉ trích Quốc vương. Chau thắc mắc: Ông muốn Việt Nam soạn - áp dụng qui định pháp luật tương tự và muốn chính quyền Việt Nam trở thành độc đoán như vậy sao?..
Chau than, Chủ tịch Hội nhà báo mà thủ cựu, kém hiểu biết, bất cẩn như vậy, chẳng trách uy tín báo chí giảm dần. Chau lưu ý, xu thế chung của các xã hội văn minh là tôn trọng tự do ngôn luận, tôn trọng phản biện. Thông tin, sự thật giống như tia tử ngoại trừ diệt các loại vi khuẩn dối trá, tham nhũng. Cũng vì vậy, ngăn chặn, chụp mũ những ý kiến phản biện mới là “phản động”, mới là “thế lực thù địch” vì chà đạp các quyền căn bản của công dân...
Đây không phải là lần đầu tiên ông Thuận Hữu khuấy động dư luận. Năm ngoái, ông Thuận Hữu cũng đã từng làm mạng xã hội sôi sùng sục khi sử dụng diễn đàn Quốc hội để chỉ trích cả báo chí - giới mà ông đại diện tại Quốc hội, lẫn mạng xã hội: Cứ nhăm nhăm chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà, trong khi tài sản của cá nhân thì được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là quyền của các cơ quan chức năng (5).
Lúc đó, ông Thuận Hữu đã đòi xử lý những… “vi phạm pháp luật” như thế trên báo chí, mạng xã hội và lúc đó nhiều facebooker như Nguyễn Thúy Hạnh đã nhắc ông Thuận Hữu: Không có mạng xã hội thì những cái kim trong bọc của các ông chẳng bao giờ lòi ra đâu. Nếu các ông thực sự muốn chống tham nhũng thì phải cám ơn mạng xã hội (6)! Tuy nhiên dường như ông Thuận Hữu không rút ra được kinh nghiệm nào cần thiết. Ông vẫn muốn mạng xã hội phải “ngoan” như các cơ quan truyền thông chính thức!
Từ năm ngoái đến năm nay, trăn trở lớn nhất của ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 14 – không phải là làm sao để “quốc thái, dân an” mà chỉ quẩn quanh ở việc phải siết chặt quản lý để người sử dụng mạng xã hội không thể “chửi” đảng, nhà nước. Thực tế cho thấy mong muốn đó… viển vông. Liệu có cách nào để dân bớt chửi đảng, nhà nước? Nguyễn Thiện nhận định: Có, nếu dân có quyền chọn quan và đuổi lũ quan chỉ chăm chăm bốc hốt (7).
Cũng theo Nguyễn Thiện, dân chửi nhiều vì không có cách nào khác để giảm ức chế, tình trạng “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai, chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay” là “nhờ những đóng góp vô cùng quan trọng, thường xuyên của ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Giáo dục)... Nguyễn Thiện cho rằng, người sử dụng mạng xã hội cần ghi nhận những…. công lao đó (8)!
Nhìn một cách tổng quát, nếu đã nghĩ đến “công lao”, có lẽ phải tính đến cả “công lao” của ông… Thuận Hữu. Tuy ông chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội chứng tỏ sự tận trung với đảng, tận hiếu với các đồng chí giàu có bị công chúng săm soi nhưng “công lao” của ông không nhỏ. Trên trang facebook của Trần Thái Hòa, khi tham gia bàn luận về cảnh báo “mạng xã hội chửi không chừa một ai” của ông Thuận Hữu, Andy Hồ phát giác: Thế thì tại sao đảng lại bảo là nhân dân vẫn tín nhiệm tuyệt đối (9)?
Phàn nàn của ông Thuận Hữu rõ ràng đã công khai phủ nhận điều mà xưa nay đảng CSVN không ngừng lập đi, lập lại, rằng thì là, sở dĩ đảng không từ bỏ đặc quyền lãnh đạo toàn diện vì nhân dân tin yêu, tín nhiệm! Còn gì rõ ràng hơn “tin yêu, tín nhiệm tuyệt đối” mà “chửi tràn lan như hát hay”. Đã từng có một Trương Minh Tuấn viết sách dạy đồng chí, đồng bào phòng – chống “tự diễn biến” thì cũng có thể có một Thuận Hữu “tự chuyển hóa”, chống đảng theo cách mà ít ai dám ngờ, dám nghĩ chứ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét