Vào ngày 21 tháng Mười, 2019 khi khai mạc kỳ họp quốc hội, cơ quan thẩm tra của Quốc Hội (QH) lần đầu tiên lên tiếng công khai: “việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng”. Ai cũng biết rằng trên phương diện ngoại giao, tiếng nói lập pháp thường không có tầm quan trọng bằng chính phủ nhưng trong lần lên tiếng này người lên tiếng lại (chỉ) là cơ quan thẩm tra của Quốc Hội chứ không phải bởi chính Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đây là lần đầu tiên, sau rất nhiều năm câm lặng, vấn đề Biển Đông mới được đưa vào nghị trình
Cũng vào ngày ngày 21 tháng Mười, trong khuôn khổ Diễn Đàn Hương Sơn (Beijing Xiangshan Forum) lần thứ 9 khai mạc ở Bắc Kinh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa tuyên bố thẳng: “Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi.”
Lời tuyên bố trịch thượng này không khác gì cái tát vào mặt Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch đang ngồi nghe ở dưới, và phản ứng của ông tướng “không biết đọc bản đồ” này là cực kỳ “ngoại giao”: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, thỏa thuận tại cơ chế hợp tác quốc phòng – an ninh quốc tế và khu vực (…); đó là đặc trưng của một xã hội văn minh và phát triển mà chúng ta đang hướng đến, ở đó không có cường quyền và áp đặt.”
Ai cũng biết − đặc biệt là Đảng Cộng Sản Việt Nam − rằng “luật pháp quốc tế, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An” chỉ là thứ trang trí, vậy mà trong lúc Ngụy Phượng Hòa dùng những lời lẽ cứng rắn để khẳng định chủ quyền của Trugn Quốc trên Biển Đông thì lãnh đạo chúng ta chỉ biết đề cập đến việc một “xã hội văn minh” và “tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau”!
Đây đúng là một sự khiếp nhược trước kẻ thù.
Cũng không quên nhắc lại vào sáng ngày 15 tháng Mười, 2019, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã huấn thị: “Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi (…) Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó.” Và cũng như mọi lần, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định “câm như hến” mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Không những không dám hé môi cái tên Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng còn nói như chì chiết trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15 tháng Mười: “Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?” Nghe như lời lẽ của một tên vô lại!
Đúng ra là trong Bộ Chính Trị cũng có người đã không ngần ngại nhắc đến Trung Quốc. Ông Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 16 tháng Mười đã nói “Việt Nam không thể quay lưng với Trung Quốc.” Hết ý !
Cha ông chúng ta thường nói nghèo hèn, nghĩa là nghèo thì sinh ra hèn. Đứng ở góc độ cá nhân, gia đình thì may ra còn có thể hiểu được nhưng lãnh đạo quốc gia không được cho phép mình hèn kém, vì nếu thế sẽ làm quốc gia hèn kém, làm bại hoại cả một dân tộc và làm đất nước rơi vào tay kẻ thù. Không thể như cá nhân, quốc gia có thể có những lúc nghèo nhưng không thể hèn mới mong có một tầm nhìn dài hạn, đi trước và chủ động trước các thay đổi của thế giới và khu vực, không đợi đến khi thay đổi diễn ra rồi thụ động đối phó và lệ thuộc.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang ra sức thuyết phục rằng nước ta nghèo nên phải nhịn nhục, đồng thời diễn dịch đó là “kinh nghiệm cha ông”. Họ dẫn chứng về việc xin phong vương và việc triều cống của của các vua Việt Nam. Họ còn cho rằng Việt Nam là nước nhỏ và yếu hơn Trung Quốc nên phải nhịn nhục, chấp nhận thân phận nhược tiểu. Với những lý lẽ này, họ biện minh cho mọi cách thức nhường nhịn và bằng mọi giá tránh gây phiền phức cho Trung Quốc vì Trung Quốc giờ là một đại cường còn Việt Nam là nước nhỏ đang lệ thuộc Trung Quốc mọi mặt.
Thật đáng buồn cho tâm thế hèn kém xuất phát từ sự đánh giá tình trạng đất nước như thế này. Với suy nghĩ như vậy sẽ chẳng bao giờ có được một tầm nhìn nào cho tương lai và triển vọng của đất nước. Có thể nói họ lo sợ sự trả đũa của Trung Quốc đến tê liệt và không đưa ra được một giải pháp nào để đối phó. Họ quên rằng, ông cha ta có thể đã chấp nhận là nước nhỏ, cần giữ hòa khí chứ ông cha ta không hèn.
Mong muốn hòa bình nhưng không bao giờ nhân nhượng khi một tấc đất cương thổ bị xâm hại. Ông cha ta chấp nhận là nước nhỏ (tiểu), cần giữ hòa khí để phát triển chứ không hề yếu (nhược). Nguyễn Trãi đã rất dõng dạc “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có.” Rất rõ ràng, ông cha ta còn xác định cường – nhược hai bên có lúc này lúc khác chứ không phải lúc nào ta cũng yếu kém và phương Bắc lúc nào cũng hùng mạnh.
Xưa nay Trung Quốc vẫn xem mình là cái rốn của vũ trụ. Trung Quốc có nghĩa là “nước ở trung tâm”. Họ nói rằng phía Bắc là di, phía Nam là man (man di nghĩa là mọi rợ) và hai bên Đông Tây là vực thẳm. Lãnh đạo Trung Quốc bao đời vẫn xem thiên hạ là chư hầu của họ. Năm 2013, Tập Cận Bình đã khai sáng “Giấc mộng Trung Hoa” đề cập đến nguyện vọng về “công cuộc đại phục hưng dân tộc Trung Hoa”. “Giấc mộng Trung Hoa” nhìn chung được xem như là học thuyết của chủ nghĩa dân tộc có thể có những tác động nguy hiểm cho an ninh quốc tế trong tương lai. Các quốc gia phương Tây lo ngại về cách tiếp cận chính sách đối ngoại bành trướng và quyết đoán hơn được ngụ ý trong “Giấc mộng Trung Hoa”, đặc biệt khi nó liên quan đến sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ngày 6 tháng Mười, 2019, một cuộc tọa đàm về đề tài “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế”, quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức tên tuổi ở Việt Nam, đã diễn ra tại Hà Nội, sau hơn 3 tháng Trung Quốc đưa nhiều tàu vào vùng biển của Việt Nam, bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao của chính phủ Hà Nội. Các nhân sĩ, trí thức tham gia buổi tọa đàm đều cho rằng đã đến lúc chính quyền Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Mặt khác, ngày càng có nhiều người, trí thức có, quân đội có, thậm chí cả nguyên ủy viên ban chấp hành trung ương ĐCSVN cũng có; lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Theo họ, Tư Chính là bước đường cùng, ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc họ càng lấn tới, họ đã xúc phạm ta, nên không có cách khác, không thể để chân lý bị chà đạp, chủ quyền quốc gia và các quyền lợi chính đáng của dân tộc bị cường bạo cưỡng chiếm. Không kiện là hữu khuynh, coi chừng thỏa hiệp vô nguyên tắc.
Kiện để mở đường, để làm cơ sở cho các đấu tranh tiếp theo. Nếu chỉ đấu tranh song phương thì lâu nay đã làm, và không có kết quả, dễ bề cho họ ép ta. Cần phải đa phương hóa, phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, dựa vào luật pháp và cộng đồng quốc tế để đấu tranh.
Song song với việc kiện, Việt Nam phải mạnh lên, mạnh dạn hơn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là phải tỏ rõ lập trường của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như các nước văn minh, các nước phát triển trong khu vực như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và xa hơn nữa là các nước EU.
Phải nói đây là cơ hội để đảng CSVN lấy lại niềm tin đang sa sút trầm trọng − không chỉ bảo vệ đất nước mà còn giải quyết những vấn đề nội bộ.
Việc ấy tùy thuộc vào đảng CSVN, vào việc họ có thể vượt qua được sự hèn hạ và khiếp nhược như ngày hôm nay không?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét