Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

16978 - Giờ làm thêm, nước mắt đại biểu và những ngàn tỉ…


Kết quả hình ảnh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Quốc hội Việt Nam lại sôi sùng sục vì nội dung Dự luật sửa Luật Lao động. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận kịch liệt về việc giảm hay tăng số giờ làm việc trong tuần, rồi nên ấn định số giờ làm thêm trong năm là bao nhiêu,… Đây là dịp nhiều đại biểu Quốc hội cùng nhắc đến… nhân văn, thậm chí một số đại biểu Quốc hội như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (cựu Phó Bí thư, cựu Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM) còn chảy… nước mắt, nghẹn ngào vì công nhân… nghèo khổ quá!
Nhìn một cách tổng quát, cho dù nghị trường Việt Nam sôi động hiếm thấy, cho dù nội dung Luật Lao động mới có được chỉnh sửa theo hướng “văn minh, hiện đại” và trở thành “hết sức tiến bộ” như nhiều đại biểu Quốc hội kêu gào thì chắc chắn nhân văn vẫn không có chỗ dung thân và nghèo khổ vẫn tiếp tục đồng hành không chỉ với công nhân mà còn với nhiều giới. Có những lý do mà ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng nên bắt đầu âu lo vì sinh lộ cho sự nghiệp đang hẹp dần...
Tuy thi nhau bày tỏ tình cảm, sự quan tâm tới cần lao nhưng gần như toàn bộ đại biểu của Quốc hội làm ngơ, ngậm tăm trước thông tin Việt Nam cần vay thêm 495.000 tỉ đồng để bù đắp bội chi (217.000 tỉ), trả nợ (217.000 tỉ) và nhận nợ bảo hiểm xã hội (9.100 tỉ). Cơ cấu khoản tiền cần vay hứa hẹn thuế, phí sẽ gia tăng. Khi các hiệp định tự do thương mại mà giới lãnh đạo Việt Nam từng phóng bút ký bừa đã dỡ bỏ đến lớp rào cuối cùng để bảo vệ sản xuất nội địa, lại còn phải gánh thêm thuế, phí, doanh giới Việt Nam có còn đủ nội lực trong cạnh tranh trên sân nhà? Doanh giới lao đao, cần lao có ổn? Chưa kể thuế, phí sẽ thúc giá sản phẩm, dịch vụ vọt lên, đối tượng nào lãnh đủ nếu không phải là cần lao?
Tương lai doanh giới nói riêng, cần lao nói chung không chỉ bị đe dọa bởi bội chi, nợ nần phình to, lạm phát mà còn nguy hại hơn bởi nhiều yếu tố khác. Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, vừa báo với Quốc hội, 53.000 tỉ mà hệ thống ngân hàng đã cho một số doanh nghiệp vay để đầu tư vào các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT, BT có khả năng sẽ trở thành… nợ xấu (nợ không thể thu hồi cả vốn lẫn lãi) (2)! Dẫu có thể… nghẹn ngào, chảy… nước mắt vì cần lao quá nghèo khổ nhưng nhiều đại biểu quốc hội lại không biểu lộ bất kỳ thái độ nào trước thông tin vừa kể, cho dù chắc chắn cần lao sẽ rớt xuống tận đáy khi quốc gia có thêm 53.000 tỉ nợ xấu (2)!
Vài ngày trước khi Thống đốc Ngân hàng Quốc gia báo cáo với Quốc hội về khả năng hệ thống ngân hàng phải ôm khối nợ xấu trị giá 53.000 tỉ, Kiểm toán Nhà nước loan báo, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang nguy kịch. Tính đến hết 2018, VDB lỗ 4.800 tỉ đồng và VDB đã ôm khoản nợ xấu là 46.100 tỉ đồng. VDB chưa chết nhờ nhiều lý do, trong đó nhờ cả 13.496 tỉ mà hệ thống công quyền Việt Nam rót cho VDB để “bù chênh lệch lãi suất” (3).
Tuy nhiều đại biểu Quốc hội thi nhau bày tỏ sự thương cảm, xót xa cho cần lao nhưng không đại biểu nào thắc mắc tại sao VDB lụn bại? Tại sao hệ thống công quyền Việt Nam phải rót cho VDB 13.469 tỉ đồng? Những ai phải chịu trách nhiệm khi nhân danh chính phủ giao cho VDB huy động vốn và thành lập VIDIFI (Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam) để thực hiện cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bảo lãnh cho VDB vay các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng 300 triệu Mỹ kim và do không cân đối được ngân sách mà nợ nần tăng thêm 800 tỉ đồng, mỗi năm mất thêm 400 tỉ tiền lãi chỉ vì tính toán không kỹ, bóc ngắn cắn dài (4)?
Không chỉ VDB, hiện có khoảng 20 ngân hàng sa lầy vì dính tới các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Theo một thống kê do Bộ Giao thông – Vận tải công bố hồi giữa năm nay thì vì nhiều lý do (dân chúng phản đối, lưu lượng phương tiện giao thông qua lại không như dự kiến, không được tăng phí,…), có 30 dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT thua lỗ, chủ đầu tư không đủ khả năng thanh toán cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng.
Đáng ngạc nhiên là khi các ngân hàng chùn bước, hệ thống công quyền Việt Nam không hài lòng. Dường như chỉ ở Việt Nam mới có chuyện nhà đầu tư vào những công trình giao thông theo hình thức BOT như Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đề nghị chính phủ… chỉ đạo ngân hàng cho vay (5) và cũng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện Thủ tướng ra lệnh cho các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại, không được gây khó dễ khi nhà đầu tư muốn vay tiền để thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT (6)!
Sẽ rất khó tìm thấy bên ngoài Việt Nam chính quyền nào đó bất kể ngân sách liên tục bội chi vẫn rút hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác từ công khố… hỗ trợ giới đầu tư vào các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT (7), rồi bảo lãnh vay tiền, nhận trả lãi thay, đã làm ngơ không kiểm tra giá trị thực của suất đầu tư, không giám sát chất lượng công trình, còn toan dùng công quỹ để bù đắp thiệt thòi cho nhà đầu tư khi các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT thua lỗ (8).
Quản trị - điều hành quốc gia như thế, sử dụng công quỹ theo kiểu như thế thì làm sao còn tiền đầu tư vào hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế, cải thiện chính sách an sinh, làm sao tránh được chuyện sử dụng đủ cách nhằm vắt kiệt sức dân? Đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân nhưng giả đui, giả điếc, giả câm, không những không ngăn cản, không buộc những kẻ hữu trách phải chịu trách nhiệm mà còn gật đầu, nhất trí với những “chủ trương lớn” như phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BT, BOT thì… nghẹn ngào, chảy… nước mắt, do “thương” cần lao cơ cực, héo hon, làm việc như trâu ngựa vẫn không đủ sống, ngay cả cơ hội chăm sóc con cái cũng không có,… quả là… khó hiểu!
Khi thực tế chỉ ra, rõ ràng là dân chúng không hiểu, không đồng cảm với… nghẹn ngào và… nước mắt, phàm đã là viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, tốt nhất có lẽ nên tránh nhắc đến hiến pháp, nhân quyền, nhân văn, nhân ái, tôn trọng con người, tiến bộ xã hội (9),… Những mỹ từ và thái độ đó chỉ làm cho những người được dán nhãn “chủ nhân” thêm tủi hờn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét