Ảnh minh họa: Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình ngày 10 tháng 8 năm 2016 phản đối Formosa gây ô nhiểm biển miền Trung. Ảnh AFP
Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hồi tháng 6 năm nay đã cùng với 5 công ty luật quốc tế lần đầu tiên kiện Formosa tại Đài Loan để yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân vì là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam hồi năm 2016. Hai tổ chức luật sư đại diện cho các nạn nhân tại Đài Loan gồm Environmental Jurists Association (EJA) và Environmental Rights Foundation (ERF) nộp đơn kháng án của các nạn nhân vào ngày 24/10/2019 tại tòa Thượng thẩm tòa Đài Loan và đang kêu gọi ký tên để ủng hộ việc kháng cáo này trên trang mạng change.org.
Hội Công lý cho nạn nhân Formosa ra thông cáo trên trang web vào hôm 21/10 cho rằng quyết định của tòa hôm 14/10 là một phán quyết không công bằng và thiếu nhân đạo vì “24 bị cáo đều là người Đài Loan hoặc công ty của họ có trụ sở tại Đài Loan. Ngoài ra, tất cả những quyết định quan trọng về vấn đề kỹ thuật, kế hoạch kinh doanh, vốn đầu tư, và các Tổng giám đốc đều ở Đài Loan.”
Hôm 24/10, trả lời RFA, Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn hiện cư ngụ tại Pháp và là tác giả cuốn "Biên Giới Việt-Trung 1885-2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp" nói:
“Theo tôi, cái vụ tòa Đài Loan bác là đương nhiên thôi, tại vì tòa bên đó không có thẩm quyền để mà thụ lý cái đơn thưa của nhóm 10.000 người. Cái đơn đó không hơp lệ đâu. Tòa cũng không có thẩm quyền phân xử. Cái không hợp lệ là những nạn nhân không thuộc thẩm quyền, pháp quyền của Đài Loan, tại vì họ là người Việt Nam. Nếu mà người Việt Nam phạm tội ở Đài Loan thì họ sẽ bị xử theo pháp quyền của Đài Loan, bị truy tố tại tòa Đài Loan và bị pháp luật Đài Loan phân xử. “Nhưng mà nếu người Việt Nam đi kiện một vấn đề gì đó liên quan đến người Đài Loan hay là xí nghiệp Đài Loan mà hành vi phạm tội xảy ra không phải Đài Loan thì cái đơn của nhóm người đó là không hợp lệ. Và cái thứ hai tòa đó không có thẩm quyền xét xử.”
Ông Trương Nhân Tuấn giải thích thêm rằng theo luật quốc tế, người ta “đặt ra đường biên giới để phân định cái thẩm quyền về lãnh thổ của quốc gia" và rằng “một người quốc tịch bất kỳ nếu phạm tội ở vùng biên giới giữa hai nước A và B thì người ta sẽ phân định người đó phạm tội ở điểm nào, thuộc quốc gia nào thì quốc gia đó có pháp quyền phân xử người đó theo luật của quốc gia đó”.
Ông Trương Nhân Tuấn đề nghị một số giải pháp cho vụ việc như sau:
“ Thứ nhất là phải kiện ở Việt Nam, kiện Formosa ở Hà Tĩnh. Nếu tòa Hà Tĩnh không thụ lý thì kiện Nhà nước Việt Nam, mà đại diện là Chính phủ Việt Nam. Với cách kiện đó thì mình có thể khiếu nại lên Quốc hội để Quốc hội nghiên cứu có giải pháp. Nếu mà thấy tiền bồi thường ít quá thì mình có thể đòi bồi thường nhiều hơn. Ví dụ như vậy.
Theo tôi nghĩ, khi Formosa tới Việt Nam, họ có một hợp đồng ký kết với Nhà nước Việt Nam. Và họ có ký kết một khoản rằng nếu hai bên có vi phạm với hợp đồng thì sẽ bị xử theo luật nào. Thông thường, hiện nay người ta đặt ra nghi vấn. Nhưng mà trước đó, người ta đưa ra trọng tài quốc tế. Mà nếu xử bằng trọng tài quốc tế, nếu Việt Nam vì bênh vực dân của mình mà vi phạm hợp đồng ký kết với Formosa thì Việt Nam có thể bị bồi thường rất là nhiều.”
“Cho nên tôi đề nghị giải pháp có thể hay là kiện Nhà nước Việt Nam, mà đại diện là Chính phủ Việt Nam, nơi đã ký hợp đồng với Formosa mà khi Formosa gây ô nhiễm mà nhà nước không thể giải quyết được thì nhà nước phải chịu trách nhiệm. Đó là giải pháp trung dung.”
Đề cập việc nếu việc đưa ra Quốc hội, Tòa án tối cao mà không được nhận đơn, ông Tuấn đề xuất hướng những nạn nhân Formosa hợp thành một tổ chức phi chính phủ kiện Nhà nước Việt Nam ra tòa mà Việt Nam đã nhìn nhận thẩm quyền xét xử như Tòa Trọng tài thường trực ở Hà Lan.
Ông Trương Nhân Tuấn mở rộng vấn đề:
“Tôi cũng nghe nói họ tính nộp đơn qua tòa bên Mỹ mà tại sao không làm bên Mỹ trước mà làm bên Đài Loan. Theo tôi nghĩ, chuyện này cũng khó nói. Tôi không hiểu vì sao mình có thể tổ chức được một cái nhóm tụ họp được tới 10.000 người qua Đài Loan kiện Formosa. Đó là bước hay nhưng mà không có đúng hướng, theo tôi nghĩ vậy.”
“Trước hết mình phải có bộ tham mưu, bộ tham mưu đó phải thông hiểu một số điều cơ bản về luật, nhất là luật quốc tế. Vì vấn đề này là thuôc phạm vi quốc tế rồi, từ những điều cơ bản đó thì nhóm lãnh đạo đó đi tìm hãng luật sư hay tự mình làm. Tôi thì không biết nội vụ của vấn đề này, những người lãnh đạo trong đó họ quyết định ra làm sao nhưng mà theo tôi thấy, họ thiếu tham mưu hay là thiếu tư vấn của một hãng luật sư lành nghề.”
Cùng ngày, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, người từng dẫn dắt 'hàng trăm người' ở Nghệ An đi kiện Formosa hồi năm 2017, nói với RFA rằng ông “buồn và thất vọng" khi hay tin tòa Đài Loan bác đơn kiện.
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói:
“Bởi vì đó là nguồn hy vọng rất là hiếm hoi của các nạn nhân. Vì tại Việt Nam thì mình đấu tranh không nổi, do lực lượng công an, chính quyền bảo vệ cho Formosa nên mình đấu tranh cảm thấy không có hy vọng gì hết. Bây giờ, mình đã cố gắng sang bên Đài Loan nhờ chính phủ họ can thiệp và giúp. Khi mình làm như vậy thì chắc chắn phải có hy vọng thì mình mới làm. Không chỉ riêng những người đứng ra làm, mà cả người dân cũng vậy. Khi họ đặt bút ký vào lá đơn thì họ cũng hy vọng. Bây giờ bên đó họ từ chối như vậy thì mình cũng cảm thấy thương dân, như vậy dân hết hy vọng đó rồi, bây giờ không biết có con đường nào khác nữa hay không.Còn việc họ bác đơn thì có lẽ là họ có lý do của họ, có thể là luật pháp của họ quy định về việc đó như thế nào thì tôi cũng chưa tìm hiểu để biết.”
Đề cập về giải pháp của ông Trương Nhân Tuấn, Linh mục Nguyễn Đình Thục giải thích:
“Về việc đi kiện ở Việt Nam thì trước đây đã đi kiện rồi, nhưng có được gì đâu. Lúc xảy ra thảm họa, người dân mất việc, rất nhiều nơi, cụ thể là giáo xứ Song Ngọc, giáo xứ Phú Yên đã viết đơn gửi chính phủ để mà yêu cầu xem xét giúp dân, bồi thường cho dân. Sau đó, chính phủ họp rồi các giáo xứ Song Ngọc, giáo xứ Phú Yên cùng các giáo xứ khác viết đơn kiện Formosa rồi đi vào Tòa án huyện Kỳ Anh, nơi mà Formosa đóng đô ở đó. Mình đi kiện như vậy là đúng theo pháp luật Việt Nam, họ gây án ở chỗ nào thì mình đi kiện ở đó.”
“Nhưng mà khi mà mình đưa đơn kiện Formosa ở Tòa án huyện Kỳ Anh thì họ đàn áp dọc đường, có cho mình vào đến nơi đâu. Còn giáo xứ Phú Yên thì có vào đến nơi nhưng họ không chấp nhận và trả đơn. Thì bây giờ mình đi kiện ở Việt Nam đã không được rồi thì đi ra quốc tế đi cách nào đây?”
Trong một diễn biến khác, Linh mục Antôn Nguyễn Thanh Tịnh cùng một số blogger đang kêu gọi cộng đồng mạng ký vào thỉnh nguyện thư gửi tới tòa kháng án Đài Loan để giúp nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.
Thư ngỏ đăng trên trang cá nhân của Linh mục Antôn Nguyễn Thanh Tịnh viết: “Khi tòa đẩy vụ án trở về Việt Nam thì có khác nào đẩy các nạn nhân vào chỗ chết khi mà trước đây họ đã tìm đủ mọi cách để khiếu kiện và kháng án tại tòa án Việt Nam; đơn của họ đã bị trả về, họ còn bị đánh đập đến thương tích. Hơn 20 người đã bị bắt và đang bị ngồi tù với những bản án nặng nề lên tới 20 năm. Hàng trăm người khác vẫn còn đang trên đường trốn chạy.”
Đến nay một số người bị tù liên quan thảm họa môi trường Formosa gồm có nhà hoạt động Hoàng Bình bị tuyên phạt 14 năm tù hồi tháng 4 năm 2018, ông Lê Đình Lượng bị tuyên phạt 20 năm tù hồi tháng 10 năm 2018…
Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển cho các tỉnh miền Trung từ tháng 4 năm 2016. Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ Tài nguyên- Môi trường đánh giá ‘sự cố môi trường biển miền Trung’ do nước thải của Formosa là đứng đầu các vụ công ty gây ô nhiễm.
Hôm 29 tháng 6 năm 2016, tại trụ sở Bộ Tài nguyên- Môi trường, gần 50 đại diện các bộ, ngành cùng các nhà khoa học đã chứng kiến đại diện Formosa nhận lỗi, cam kết các trách nhiệm xử lý ô nhiễm , bồi thường kinh tế cho người dân có cá bị chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét