Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

16961 - Khi các ông bà nghị khẳng định lập trường giai cấp




Báo chí bản in trên giấy số phát hành ngày 24/10, tường thuật: “Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào khóc khi tranh luận lại ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc về “giờ làm việc và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là hợp lý, nhân văn và tự nguyện”.

Trang 1 báo Tuổi Trẻ số ngày 24/10

Nửa ổ bánh mì…

Người đọc báo nói rằng dường như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chưa ăn bữa cơm công nhân bao giờ, và ông Vũ Tiến Lộc cũng cần thử đi làm công nhân 1 tháng. Cũng có độc giả hoài nghi là nhiều ông, bà nghị đang muốn tỏ vẻ về lập trường giai cấp, vì tại sao bà Quyết Tâm không rơi nước mắt khi Đảng và Nhà nước cứ khăng khăng chuyện phải tăng tuổi nghỉ hưu. Đó không phải là vắt kiệt sức lao động của công nhân hay sao?

Báo chí đã tường thuật đầy biểu cảm với lời dẫn trực tiếp của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Bà nghẹn ngào khóc: “Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1, 2 năm chưa được về thăm con. Ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm”.

Báo chí cũng dành tường thuật có nhiều câu cảm tương tự với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, khi ông dân biểu này nói, làm việc quần quật cả năm không thể có gia đình hạnh phúc. Ông đã dẫn lịch sử Karl Marx để phản đối tăng giờ làm thêm…

Báo chí không tường thuật chi tiết lời phát biểu ở nghị trường của ông Vũ Tiến Lộc, vị đại biểu được cho là đại diện tiếng nói cử tri trong giới thương nhân. 

Độc giả không có cơ hội kiểm chứng về sự những nội dung đa chiều đó, vì từ kỳ họp thứ 8 Quốc hội lần này đã không còn phần ‘gỡ băng ghi âm’ tại hội trường như các kỳ họp trước nữa. Nếu cử tri muốn đọc lại toàn bộ phiên thảo luận cũng đành… bó tay.

Như vậy, với những phiên thảo luận không tường thuật trực tiếp thì người dân chỉ có một kênh duy nhất để theo dõi là thông qua báo chí, mà báo chí thì không thể nào đăng tải hết được các ý kiến của hàng trăm đại biểu, chưa kể nhiều khi còn là nhát kéo của tuyên giáo.

“Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật” – ngạn ngữ phương Tây.

‘Gỡ băng’ Vũ Tiến Lộc

Từ Hà Nội, phóng viên Nguyễn Tuấn đã gửi về cho đồng nghiệp ở Sài Gòn phần ghi âm phát biểu của vị dân biểu Vũ Tiến Lộc, khi ông góp ý về dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động hôm 23/10. Ghi nhận ban đầu, dường như bà nghị Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã không ‘nghe đầy đủ’ các biện giải của dân biểu Vũ Tiến Lộc.

Rộng đường dư luận, xin ‘gỡ băng ghi âm’, và lược bỏ những đoạn thưa gửi, khen ngợi mang tính lễ nghi.

“ (…) Những đột phá này trong dự luật đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy tinh thần đổi mới, hội nhập luôn là tâm thế của Quốc hội nước nhà.

Về những điểm còn ý kiến khác nhau, tôi xin được nêu 3 vấn đề:

1. Vấn đề thời gian làm việc bình thường, tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Đây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn. Chúng ta quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ trong 1 tuần và Nhà nước khuyến khích thực hiện tuần làm việc ít hơn 44 giờ hoặc 40 giờ tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Quy định này hợp lý, hợp tình bởi các lý do sau:

Thứ nhất, hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta, đều quy định thời gian làm việc 48 giờ. Chúng ta thì mới chỉ vừa mới thoát khỏi ngưỡng nghèo, và mới là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp. 

Năng suất lao động thậm chí còn đang ở mức thấp nhất trong khu vực, thì chúng ta áp dụng mức thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất đối với tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương và sẽ làm chậm lại các kế hoạch tăng lương cho người lao động trong những năm tới. Bởi vì, lương tối thiểu hiện tại được các bên nhất trí và Hội đồng tiền lương quốc gia đã thông qua, là mức lương tối thiểu được quy định cho tuần làm việc 48 giờ. Nếu giảm xuống 44 giờ hay 40 giờ thì chắc chắn phải tính toán lại mức lương này cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.

Thứ ba, do năng suất lao động thấp, nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động vẫn chưa cao, nên nếu giảm thời gian làm việc thì đồng nghĩa với việc giảm thu nhập và người lao động vẫn phải tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập, mà chủ yếu tại khu vực phi chính thức với nhiều hệ lụy khó lường.

Kết quả cuối cùng là, giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động. Mặt khác, khi chi phí lao động của doanh nghiệp tăng lên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm sút. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm.

Thứ tư, để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động, nhưng trong điều kiện thị trường lao động hiện nay, khi tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp, thì các doanh nghiệp rất khó tuyển thêm lao động và do vậy, họ buộc phải thu hẹp sản xuất. 

Theo tính toán sơ bộ, chỉ riêng với các ngành thuỷ sản, dệt may, da giầy, túi xách, điện tử, lương thực, thực phẩm... nếu giảm giờ làm việc 4 giờ trong 1 tuần có thể dẫn đến giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ít nhất 20 tỷ USD hàng năm. Điều này ảnh hưởng tức thời tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước. 

Các doanh nghiệp FDI cũng sẽ tìm tới các nền kinh tế có chi phí lao động thấp hơn để chuyển hướng đầu tư. Việt Nam sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư FDI như kỳ vọng, thậm chí có thể xảy ra tình trạng thoái lui trong đầu tư.

Thứ năm, có ý kiến lập luận rằng, giảm thời gian làm việc tại doanh nghiệp sẽ bảo đảm công bằng với khu vực Nhà nước. Nghe qua có vẻ có lý và mang ý nghĩa nhân văn. 

Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy không thoả đáng, vì hai khu vực này đang không được đặt trên cùng một mặt bằng thu nhập và tiền lương. Chúng ta đều biết, hiện tại, tiền lương tối thiểu của doanh nghiệp tại khu vực Hà Nội đã là gần 4,2 triệu đồng/tháng và đang tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, tiền lương cơ sở trong khu vực Nhà nước chỉ ở mức chưa đến 1,5 triệu đồng và tăng rất chậm.

Lương của một công chức - kỹ sư mới ra trường không bằng lương của một lao động chưa qua đào tạo ở doanh nghiệp. Vậy nên, rút ngắn thời gian làm việc tại doanh nghiệp về mức của khu vực nhà nước là một yêu cầu có phần khập khiễng trong bối cảnh hiện nay.

2. Về thời gian làm thêm, tôi ủng hộ phương án 2, nới rộng có chừng mực khung thoả thuận thời giờ làm thêm.

Theo đó, đối với một số ngành nghề đặc biệt thì thời gian làm thêm sẽ không quá 400 giờ một năm. Đây là khung giờ để người sử dụng lao động và người lao động tự thoả thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm, hoặc từ chối làm thêm và cũng chỉ giới hạn với rất ít một số ngành nghề đặc thù và ở lúc mùa vụ cao điểm.

Tôi nhất trí với phương án này bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, tổng số thời gian làm thêm theo thoả thuận của doanh nghiệp Việt Nam đang bị hạn chế ở mức 200 giờ, 300 giờ/ 1 năm là thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam trong khu vực, như Bangladesh là 408 giờ, Trung Quốc là 432 giờ, Hàn Quốc là 624 giờ, Indonesia là 728 giờ…

Thứ hai, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù. 

Ví dụ, đối với ngành thuỷ sản mà tôm là một ví dụ điển hình, nguồn cung ứng nguyên liệu chỉ nhiều nhất trong khoảng 3 đến 5 tháng. Và đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp chế biến cần làm thêm giờ để có thể thu mua hết sản phẩm của bà con nông dân. 

Chuỗi giá trị của ngành thuỷ sản không chỉ liên quan tới 9 vạn lao động trực tiếp của các doanh nghiệp chế biến mà còn liên quan tới công ăn việc làm của gần 5 triệu lao động toàn ngành. Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp chế biến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước. Bức tranh tương tự cũng diễn ra trong các ngành dệt may, da giầy, túi xách...

3. Về tiền lương làm thêm ở Việt Nam

Theo quy định hiện hành là 150%, 200% và 300%, đang cao hơn so với mặt bằng chung của các nền kinh tế khác trong khu vực như: Nhật Bản là 125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hàng tuần; Đài Loan là 133,3%, Philippines là 125%, thậm chí tiền lương luỹ tiến của Nhật Bản cũng mới chỉ bằng với tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam là 150%. 

Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên tiền lương làm thêm như quy định hiện hành, không bổ sung thêm các hạn chế theo tuần và tháng. Nếu hạn chế như vậy, thì chúng ta lại vô hiệu hoá khung thời gian làm thêm trên thực tế, gây khó khăn cho cả người lao động và doanh nghiệp và chỉ trao cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta.

Làm thêm giờ là cực chẳng đã đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. 

Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế xác nhận 99% các hợp đồng làm ngoài giờ ở nước ta là có sự thoả thuận tự nguyện của cả hai bên. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng cảnh báo một hiện tượng có tới 70% doanh nghiệp được đánh giá là không tuân thủ đúng giới hạn tăng ca 300 giờ một năm. 

Điều này phản ánh một thực tiễn tăng giờ làm thêm nhiều hơn 300 giờ là yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Xuất phát từ thực tiễn này, Chính phủ đề xuất về việc tăng giờ làm thêm là phù hợp.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản, dệt may, da giầy, điện tử... là những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong những năm đầu của tiên của quá trình công nghiệp hoá. 

Đó cũng là những ân nhân của của chúng ta trong tạo việc làm, thúc đẩy hội nhập và phát triển, góp phần đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo. Đây cũng là khu vực có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân được vinh danh là anh hùng lao động, là chiến sỹ thi đua, là doanh nhân tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới.

Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp trong ngành là những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Phát triển những ngành này vẫn là lợi ích cốt lõi trong hội nhập mà chúng ta đã phải đánh đổi mới có được trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do. 

Đừng để những lợi ích này vượt khỏi tay chúng ta khi thể chế kinh tế của chúng ta lại bó tay, bó chân các doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị Quốc hội tiếp tục ủng hộ sự phát triển của họ, bằng những quyết sách đúng đắn trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền có việc làm và được làm thêm để có thêm thu nhập chính đáng của người lao động. 

Chủ doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng chung một con thuyền. Hãy tin ở quyền tự quyết của họ và sức sống của thị trường lao động ở nước ta”.

+ Ảnh: Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn lịch sử Karl Marx phản đối tăng giờ làm thêm.

+ Ảnh: Bà Quyết Tâm nghẹn ngào khóc tranh luận với Chủ tịch VCCI về giờ làm thêm.

+ Ảnh: Trang 1 báo Tuổi Trẻ số ngày 24/10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét