Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

16959 - Quyết sách nào để bảo vệ người lao động?




Công nhân trong một công ty may mặc ở Hà Nội.  Công nhân trong một công ty may mặc ở Hà Nội. Ảnh AFP

Thách thức lớn-rào cản lớn

Khi Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi hôm 23/10/2019, trong đó vấn đề quy định giờ làm cho người lao động đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội với nhiều ý kiến trái chiều. Cao trào của cuộc tranh luận là khi ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng giảm giờ làm sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Dung phân tích thì nếu giảm giờ làm cho người lao động mỗi tuần từ 48 xuống 44 giờ nghĩa là tổng thời gian giảm là 208 giờ mỗi năm, như vậy, sẽ kéo theo tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 20 tỉ USD/năm.(!?)
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, hôm 24/10 đưa ra nhận định với RFA liên quan vấn đề này:
“Giảm giờ làm cho người lao động không nhất thiết dẫn đến giảm tăng trưởng GDP, bởi vì doanh nghiệp nếu cần hoàn thành nhiệm vụ, hay hợp đồng thì có thể yêu cầu người lao động làm thêm, mà làm thêm thì họ phải trả với mức lương cao hơn, tức là mức lương lao động ngoài giờ, và chi phí có thể sẽ tăng lên, doanh nghiệp sẽ đứng trước thách thức là làm sao có thể cạnh tranh được. Đấy là bản chất của vấn đề, và doanh nghiệp sẽ phải tìm cách giảm chi phí ở những cách khác để doanh nghiệp vẫn có thể bán hàng được.”
Theo như phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì rõ ràng dẫn giải của ông Dung có phần thiếu logich và không thuyết phục.
Tuy vậy, cũng trong phần nghị sự diễn ra ngày 23/10, câu chuyện về giờ làm lại tiếp tục được mổ xẻ khi ông Vũ Tiến Lộc, ĐBQH thuộc đoàn Thái Bình, có ý kiến rằng, năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động chưa cao, nếu giờ giảm giờ làm thì đồng nghĩa việc giảm thu nhập, người lao động phải tìm việc khác để làm tăng thu nhập.
Với tư cách là ĐBQH đoàn TPHCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phản bác cách nhận định của ông Lộc, bà lý luận, người lao động không tự nguyện mà họ cần làm thêm. Theo bà Tâm, thực tế người lao động không muốn làm thêm nhưng buộc phải làm thêm do tiền lương làm chính không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Đời sống nhiều người lao động còn khó khăn, chật vật.
Với các ý kiến trái chiều nhau về đề tài này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, hôm 24/10, nói với RFA rằng, giờ giấc làm việc cũng là yếu tố quan trọng đối với người lao động. Ông viện dẫn một khẩu hiệu cũng là mục tiêu đấu tranh của người lao động trên toàn thế giới, tức là ‘tăng lương và giảm giờ làm’. Tuy nhiên ông lại trăn trở: vấn đề còn lại là tăng lương và giảm giờ làm thì hiệu quả lao động sẽ như thế nào:
“Có thể trong thời xa xưa thì đó là thặng dư để người ta bóc lột, nhưng bây giờ thì đó lại là nguồn lực phát triển của quốc gia. Thảo luận tại Quốc hội VN thì đa số đều mong muốn, cũng như lý tưởng hóa việc lương ngày càng cao mà giờ làm ngày càng giảm. Nhưng vấn đề còn lại là có mang lại hiệu quả kinh tế hay không, trong khi đặc điểm của lao động VN đang ở trình độ phát triển như thế nào? Nhất là năng suất là vấn đề đáng nói ở VN. Cho nên nếu giảm giờ làm mà năng suất không cao thì điều đó vô nghĩa, sẽ ảnh hưởng đến người lao động do thu nhập sẽ rất thấp.”

Nên nghĩ cho người lao động

Một công ty dệt may ở Hà Nội chụp ngày 20/10/2015.
Một công ty dệt may ở Hà Nội chụp ngày 20/10/2015. AFP photo
Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc bà Tô Trần Bi Vi, Chủ doanh nghiệp may thêu Bi Vi ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, và được bà cho biết về tình hình thực tế ở doanh nghiệp bà:
“Mỗi doanh nghiệp thì khác nhau, tôi thì doanh nghiệp tư nhân, cho công nhân ăn sản phẩm, nên công nhân làm nhiều thì ăn nhiều, làm nhiều giờ, ra nhiều sản phẩm thì lương nhiều, làm ít giờ thì ít tiền. Thực tế hiện nay, rất là khó tìm công nhân, người mà có tay nghề thì cực kỳ khó tìm, với những công nhân như vậy thì phải có chế độ ưu đãi rất lớn, rất cao, thì mới giữ được họ. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không đủ chi phí để ưu đãi như vậy được. Chuyện tăng giảm giờ cho công nhân, đối với những doanh nghiệp gia công như tôi thì giảm giờ làm như vậy cũng không tốt cho cả hai bên, tại vì gia công lại giá rất thấp. Cả hai bên đều bất lợi vì ngày lễ của Việt Nam đã quá nhiều, không đủ để bù chi phí.”
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khôi, một người lao động ở Đồng Nai, thì lại cho rằng, nên giảm tải cho người lao động, để họ dành thời gian đưa đón con cái và vui chơi với gia đình:
“Mình đồng tình với lời bà Đại biểu Quyết Tâm nói, thật sự đời sống công nhân y như lời bà ấy nói. Đời sống công nhân quá kham khổ, làm sao cho họ có lương bổng, một tuần làm việc phải để cho người ta nghỉ ngơi. Chứ nếu chỉ ngày chủ nhật thì rất cập rập, ma chay lễ giỗ rồi gia đình sinh hoạt, nó hết cả ngày. Nên ngơi ra cho họ nghỉ nửa ngày, hoặc nguyên ngày luôn. Công nhân làm 40 tiếng là hợp lý nhất, nếu ai có nhu cầu hay doanh nghiệp có nhu cầu thì tăng ca cho họ, để họ vừa có thời gian nghỉ ngơi, ai không nghỉ ngơi thì có mức thu nhập để trang trải đời sống.”
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, trong xu thế phát triển hiện nay, người ta hay nghĩ nhiều đến người lao động cơ bắp, lao động chân tay, lao động đơn giản, mà hiện nay khá nhiều ở VN hơn là lao đông trí tuệ. Ông cho rằng, về lâu dài, VN phải tự thân phấn đấu để nâng cao giá trị của người lao động.
“Theo cá nhân tôi và một số ĐBQH, thì ủng hộ làm sao lương càng cao mà thời gian làm việc ngày càng ít. Nhất là theo mặt bằng so sánh hiện nay, VN vẫn nằm trong số quốc gia, không những làm nhiều giờ trong một ngày, mà còn nhiều ngày trong một năm, ngày nghỉ của VN chỉ bằng một nửa Campuchia hay Trung Quốc thôi, đấy là một điều đáng suy nghĩ. Theo tôi ngoài việc phấn đấu giảm giờ làm thì cũng nên phấn đấu tăng năng suất lao động bằng khoa học công nghệ… Khi đó, rõ ràng doanh nghiệp nào còn muốn khai thác yếu tố thời gian lao động của công nhân, thì sẽ thất bại trong cuộc cạnh tranh với những doanh nghiệp cạnh tranh bằng công nghệ.”
Do đó, ông kết luận, xây dựng luật pháp về giảm giờ làm là cần thiết, nhưng cũng phải tạo ra hành lang, để có những người có thể có cơ hội phát triển một cách tự do, vì giờ làm còn phụ thuộc vào sức khỏe, tính chất công việc…
Phân tích ở một phạm trù khác, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho rằng:
“Chẳng hạn ở VN cơ quan hành chính làm việc theo giờ hành chính, nhưng ở Nhật Bản thì theo tôi chứng kiến, họ làm việc hết nhiệm vụ thì họ mới về. Như vậy có người làm đến 21 giờ, có người khác làm qua đêm. Theo tôi biết ở Bộ Tài chính Nhật Bản, có rất nhiều người làm qua đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Việc này sẽ dẫn đến chi phí tăng lên đối với doanh nghiệp hay cơ quan.
Vì vậy Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đối với những công việc nặng nhọc thì nên giảm giờ làm hành chính, còn đối những công việc ít nặng nhọc hơn, thì nên có quy chế linh hoạt hơn, hiện đại hơn, để doanh nghiệp hay cơ quan có thể áp dụng được. Không nên áp dụng một cách cứng nhắc, cũng không nên áp dụng (giảm giờ làm-pv) với các cán bộ văn phòng hành chính và người lao động giống nhau, chẳng hạn lao động trong hầm mỏ phải khác với các ngành khác.
Bức xúc trước những ý kiến về giờ làm cho người lao động, luật sư Nguyễn Văn Đài có nêu ý kiến của mình trên trang cá nhân của mình rằng, đảng CSVN luôn tuyên truyền rằng họ là đại diện cho giai cấp công nhân và Nhân dân lao động. Nhưng thực tế đó là sự tuyên truyền dối trá và lừa bịp. Chính quyền ký thỏa thuận với các nhà tư sản trong và ngoài nước với mặt bằng mức lương cơ bản rất thấp. Với mức lương thấp thì công nhân VN không bao giờ đủ sống nếu làm đúng thời gian theo luật qui định. Bởi vậy họ buộc phải làm thêm từ 2 tới 4 tiếng mỗi ngày. Và thường là làm việc 6/7 ngày mỗi tuần.
Theo ông Đài, người công nhân gần như kiệt sức sau mỗi ngày làm việc. Không có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Không có đủ thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Trong khi đó, bao nhiêu lợi tức thì chảy vào túi các nhà Tư bản trong và ngoài nước, chảy vào ngân sách nhà nước cho các quan chức cộng sản tham nhũng chi tiêu hoang phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét