Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

16952 -“Đại biểu nhân dân” do lãnh đạo cộng sản quy hoạch có thể bảo vệ quyền con người cho nhân dân?




Nguyễn Thị Quyết Tâm khóc khi tranh luận về tăng giờ làm thêm. Ảnh chụp màn hình VTV1

Sáng ngày 23/10/2019, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, “đại biểu quốc hội” đoàn TPHCM đã gây bất ngờ với những người dân thường xuyên đọc tin thời sự, chính trị, xã hội khi bà “nghẹn ngào”, “gần như khóc để phản đối chuyện duy trì giờ làm việc 48 tiếng một tuần và giờ làm thêm lên đến 400 giờ một năm.
Đáng kinh ngạc hơn, bà Quyết Tâm đã nhắc đến việc bảo vệ “quyền con người’ được quy định trong Hiến pháp, và cho rằng Quốc hội phải ra luật để bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân trên cơ sở “quyền con người” đó. Những quyền của công nhân mà bà kể ra là: “có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội”.
Từ trước đến nay, những cá nhân, tổ chức đấu tranh bảo vệ quyền con người (hay “nhân quyền”) ở Việt Nam đều bị đảng cộng sản Việt Nam đàn áp nặng nề. Báo chí, công an ở Việt Nam thẳng thừng gọi những cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền con người là “phản động”, là “thế lực thù địch”,… Từ “quyền con người” cũng như các từ “dân chủ”, “tự do” gần như đã trở thành một từ cấm kị ở Việt Nam, nhất là trong môi trường làm việc nhà nước.
Bà Quyết Tâm có thực sự thương dân?
Khi nhắc đến bà Quyết Tâm thì tôi chỉ nhớ về hai sự kiện khiến bà bị dân phê phán nhiều nhất. Sự kiện thứ nhất là bà cho rằng Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc. Và sự kiện thứ hai là trên cương vị quan chức cộng sản kiêm “đại biểu nhân dân”, bà đã im lặng trước việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cướp đất của dân Thủ Thiêm hơn hai mươi năm, và gần đây nhất là việc cướp đất của người dân vườn rau Lộc Hưng.
Ở sự kiện thứ nhất, tất nhiên, ý của bà Quyết Tâm là nếu con em lãnh đạo tài giỏi mà lại được làm lãnh đạo tiếp, họ thừa hưởng kinh nghiệm, tầm nhìn của cha mẹ họ thì sẽ rất tốt cho đất nước. Tuy nhiên, cái giả dối của bà Quyết Tâm là quy trình để được làm “lãnh đạo” ở Việt Nam đã công bằng hay chưa? Con em dân thường liệu có cơ hội bình đẳng với con em các lãnh đạo đương chức trong việc thăng tiến hay đảm nhận các vị trí quan trọng của quốc gia hay chưa?
Ngay trong cái Quốc hội mà bà Quyết Tâm là thành viên, các “đại biểu nhân dân” khác đã từng thừa nhận chuyện thăng tiến trong môi trường nhà nước dựa vào “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, không hề có chỗ nào cho con em nhân dân. Thế thì bà Quyết Tâm đã có phát biểu nào đòi cải cách hệ thống bầu cử hiện nay để con em nhân dân có cơ hội bình đẳng với con cái quan chức trong việc cống hiến cho quốc gia hay không? Tại sao bà Quyết Tâm không phản đối chuyện cơ cấu, quy hoạch” các đại biểu quốc hội và các ủy viên trung ương của đảng cộng sản?
Đây rõ ràng là việc làm vi phạm hiến pháp nghiêm trọng của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, vi phạm quyền ứng cử, bầu cử bình đẳng của người dân Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp, mà Hiến pháp này do chính giới lãnh đạo cộng sản ban hành, cụ thể là các điều 16, 27, 28, 29 Hiến pháp.
Chính do lá phiếu của người dân không có ý nghĩa gì trong việc bầu ra Chính quyền, Quốc hội, Hội đồng nhân dân nên bà Quyết Tâm không hề có áp lực gì trong việc đấu tranh đòi lại đất đai cho người dân Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng. Bản thân bà Quyết Tâm cũng là con một lãnh đạo, trước đây từng là Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh. Việc bà im lặng trước bất công trong bầu cử và trước nỗi đau của người dân Thủ Thiêm, Lộc Hưng rõ ràng chỉ là “hạnh phúc” cho đảng cộng sản chứ không hề là “hạnh phúc cho dân tộc”.
Cần khẳng định lại một lần nữa là quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử một cách bình đẳng để bầu ra các cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia là quyền con người, quyền công dân quan trọng nhất của một quốc gia. Một chính phủ không do dân bầu ra thì đó là một chính phủ độc tài và tồn tại bằng cách nói dối, đàn áp, bóp nghẹt các quyền con người khác của người dân. Chừng nào chưa có bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam, chừng nào dân thường chưa bình đẳng với đảng viên cộng sản trong bầu cử thì chừng đó quyền con người sẽ còn bị xâm phạm ở Việt Nam.
Khóc có giải quyết được vấn đề? 
Khi nói về hoàn cảnh khó khăn của công nhân, bà Quyết Tâm “nghẹn ngào” khiến những người khác nghĩ rằng bà đồng cảm với giai cấp công nhân lắm. Trong khi đại biểu Vũ Tiến Lộc lập luận logic các lý do chưa nên giảm giờ làm của công nhân thì bà lại dùng đến cảm xúc chứ không dùng lý luận. Điều đó chứng tỏ tính không chuyên nghiệp của bà, dù bà có bằng “cao cấp lý luận chính trị”.
Trách nhiệm của các đại biểu quốc hội như bà Quyết Tâm là phải tìm ra gốc rễ của vấn đề và đề ra chính sách, rồi cụ thể chính sách qua pháp luật. Trong vấn đề lương thấp và phải làm thêm giờ của công nhân, bà Quyết Tâm cũng như các đại biểu khác hoàn toàn không nêu ra được nguyên nhân vấn đề nằm ở đâu để giải quyết mà chỉ tranh cãi phần ngọn.
Cần nhận thức rằng lương công nhân Việt Nam thấp là do năng suất lao động của công nhân thấp. Năng suất lao động của công nhân thấp là do chương trình giáo dục – đào tạo của Việt Nam quá tệ hại, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Do đó, chừng nào nền giáo dục Việt Nam chưa khá lên thì không bao giờ lương của công nhân Việt Nam khá lên. Đó là quy luật.
Hãy đọc thử xem những nguyên lý căn bản nhất của giáo dục Việt Nam được quy định trong Luật giáo dục do chính bà Quyết Tâm bấm nút thông qua như thế nào. Điều 2 của Luật giáo dục quy định về mục tiêu giáo dục như sau: “… trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Còn điều 3 về tính chất, nguyên lý giáo dục ghi rõ: “…lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi không phân tích sâu hơn về giáo dục Việt Nam. Nhưng rõ ràng không có quốc gia phát triển, “dân chủ, công bằng, văn minh” nào trên thế giới lại có những quy định quái gở như thế trong giáo dục. Bản thân con cái các ông bà cộng sản cai trị cũng lựa chọn du học ở nước ngoài, kể cả con gái của trùm cướp biển Tập Cận Bình (hiện đang rắp tâm chiếm bãi Tư Chính của Việt Nam), người đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc, cũng đang cho con gái du học ở đại học Harvard, Mỹ.
Con cái của những người như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn DũngCựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiếncon thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Duy Thăng,… đều đi du học cả vì không ai muốn “hưởng thụ” nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa” do các giới lãnh đạo cộng sản đẻ ra để ngu dân, mị dân.
Dân có ngu thì giới lãnh đạo cộng sản mới dễ bề cai trị. Mà dân ngu thì năng suất lao động không thể cao. Năng suất lao động không cao thì nước yếu, kinh tế kém, và quay lại làm xói mòn tính chính danh của đảng cộng sản cầm quyền, gây nguy cơ mất nước trước cộng sản Trung Quốc và sụp đổ chế độ cộng sản cầm quyền tại Việt Nam. Đó là thế lưỡng nan của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.
Do đó, nếu như người dân Việt Nam có quyền bầu cử, chắc chắn người dân Việt Nam, người dân Sài Gòn không bao giờ bầu cho bà Quyết Tâm hay các đại biểu quốc hội khác vì các ông bà đang bàn sai vấn đề, hoặc là cố tình đánh lạc hướng vấn đề để tiếp tục lừa dân.
Quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của giai cấp công nhân ở đâu? 
Để tôi nhắc cho bà Quyết Tâm nhớ là quyền quan trọng nhất của giai cấp công nhân Việt Nam là quyền được thành lập nghiệp đoàn độc lập để công nhân Việt Nam có thể cùng nhau đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Chính phủ các nước “dân chủ, công bằng, văn minh” khác trên thế giới liên tục nhắc nhở đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam phải nhanh chóng ra luật để bảo vệ quyền này của người lao động nhưng Quốc hội Việt Nam, trong đó có bà Quyết Tâm, liên tục lần lữa.
Quốc hội do giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam “cơ cấu, quy hoạch” cũng bóp nghẹt quyền đình công của công nhân Việt Nam khi chưa có cuộc đình công nào của công nhân được thực hiện đúng luật.
Tại sao đảng cộng sản cầm quyền luôn nhận là “đại biểu trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” lại bác bỏ quyền quan trọng nhất của công nhân là quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập, quyền đình công? Tại sao bà Quyết Tâm lờ luôn quyền này của công nhân Việt Nam?
Quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập của công nhân và nhân dân lao động cũng nằm trong quyền tự do lập hội của người dân Việt Nam được quy định trong điều 25 Hiến pháp. Không chỉ quyền tự do lập hội mà còn các quyền khác như tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do báo chí,… người dân Việt Nam cũng chưa có.
Kể ra như vậy để khẳng định rằng bà Quyết Tâm nói riêng, các đại biểu Quốc hội nói chung, không hề có chút gì quan tâm đến quyền con người của người dân Việt Nam. Họ là những người được giới lãnh đạo cộng sản “quy hoạch, cơ cấu” chứ không do dân bầu ra nên họ chỉ “diễn sâu” để ra vẻ với người dân Việt Nam là ở Việt Nam cũng có dân chủ, cũng có tranh luận ở diễn đàn Quốc hội.
Kết luận
Chừng nào còn chuyện bầu cử độc đảng ở Việt Nam thì chừng đó những chuyện “thảo luận” hay “tranh luận” ở Quốc hội chỉ là trò hề do các đảng viên cộng sản cùng nhau đóng vai. Chính bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “dằn mặt” các đại biểu Quốc hội: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật [đặc khu] không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.
Tức là Bộ Chính trị đứng cao hơn Quốc hội dù Hiến pháp không có dòng nào quy định Bộ Chính trị là cái gì trong bộ máy quyền lực nhà nước, cũng có nghĩa đại biểu quốc hội chỉ là con rối của Bộ chính trị nào đó.
Quyền con người, quyền công dân của người dân Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng, sẽ không bao giờ được bảo đảm, khi người dân Việt Nam vẫn chưa được tự do ứng cử, tự do bầu cử trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, đa đảng tham gia. Đấu tranh để có được một quốc hội đa đảng chính là đấu tranh cho quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền lợi của giai cấp công nhân.
_____
(*) Tác giả Trung Nguyễn là người thuộc thế hệ 8X, là cây bút có các bài viết độc quyền cho trang Tiếng Dân. Trung Nguyễn không phải là “cựu đại sứ Nguyễn Trung“, là nhà ngoại giao hiện đã ngoài 80 tuổi. Ông Nguyễn Trung là cây bút viết riêng cho trang Viet-studies của GS Trần Hữu Dũng. Xin quý độc giả cẩn thận khi bình luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét