Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

16549 - Chính Đề Việt Nam - Ngô Đình Nhu


Phần III D

ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN

Bách phân lợi tức quốc gia đóng góp mỗi năm vào quỹ trang bị kỹ nghệ, cũng như thời gian đóng góp đối với mỗi quốc gia mỗi khác. Điều này chứng minh rằng, mặc dầu tất cả các quốc gia đã phát triển hay đương tìm phát triển, đều theo đuổi một mục đích giống nhau: trang bị kỹ nghệ. Nhưng vì điều kiện lịch sử, vị trí địa dư, và tình trạng xã hội lúc bắt đầu công cuộc phát triển, đều mang những tính chất riêng biệt cho từng quốc gia, cho nên hoàn cảnh phát triển, cũng như điều kiện phát triển không làm sao giống nhau được.

Vì thế, không có đường lối phát triển nào, gồm chương trình và phương pháp, đã tỏ ra có hiệu lực cho một quốc gia, và trong một giai đoạn, có thể xuất cảng sang một quốc gia khác, trong một giai đoạn khác. Mỗi quốc gia chỉ có thể phát triển theo một đường lối được quan niệm riêng cho quốc gia đó, ấn định bởi điều kiện lịch sử, vị trí địa dư, và tình trạng xã hội đặc biệt cho quốc gia.

Tinh thần của sự phát triển, mục đích của sự phát triển, và những thực hiện kỹ thuật của công cuộc phát triển, đều giống nhau cho các quốc gia, nhưng chương trình phát triển, phương pháp phát triển và những mục tiêu giai đoạn của công cuộc phát triển không thể giống nhau được. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là tìm cho được các yếu tố quy định đường lối phát triển thích nghi với dân tộc, thay vì thừa nhận làm của mình, một đường lối đã được nghiên cứu và được chứng minh là có hiệu lực riêng cho quốc gia, nhưng phương pháp lẫn chương trình đều không thích hợp cho chúng ta.

Đường lối phát triển cho Trung Cộng, không thể là đường lối phát triển của Nga Sô. Phong trào nhân dân công xã, mà Nga Sô đã đả kích từ lúc bắt đầu, mặc dầu thất bại đau đớn, vẫn là một bằng chứng hùng biện cho nỗ lực của các nhà lãnh đạo Trung Cộng để tìm đường lối phát triển đặc biệt thích nghi với nước Tàu. Và chúng ta còn nhớ, ngay trong giai đoạn tranh giành độc lập lúc nào các nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đủ sáng suốt nhìn thấy thâm ý chiến lược của Nga Sô, nên không bị ma lực của thuyết Cộng Sản, trong thời kỳ cực thịnh lôi cuốn.

Và ngày nay, công cuộc phát triển của Ấn Độ cũng theo một đường lối riêng biệt, đã được ân định bởi những điều kiện nội bộ của dân tộc Ấn. Chủ trương một đường lối phát triển riêng cho dân tộc không có nghĩa là phủ nhận những kinh nghiệm phát triển của các quốc gia đã đi trước và phủ nhận những điều tương đồng trong công cuộc phát triển giữa nhiều quốc gia. Trái lại chỉ có sự nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển, ở mọi nơi, mới tạo đủ điều kiện cho các nhà lãnh đạo một quốc gia, nắm vững các nguyên tắc chi phối sự phát triển để quan niệm một đường lối phát triển cho dân tộc, thích nghi với hoàn cảnh đặc biệt, do những thực tế lịch sử ấn định.

MỤC TIÊU KINH TẾ

Hoàn cảnh phát triển của một quốc gia là toàn bộ các điều kiện ấn định bởi giai đoạn lịch sử, tình hình chính trị, trình độ xã hội, vị trí địa dư và tài nguyên kinh tế của quốc gia đó. Và chỉ trong sự tôn trọng toàn bộ các điều kiện ấy, công cuộc phát triển mới có thể thực hiện được. Như thế thì hoàn cảnh phát triển chi phối nghiêm khắc, đường lối phát triển, nghĩa là chương trình phát triển và phương pháp vận dụng nhân lực để thực hiện chương trình phát triển.

Và trong các mục tiêu kinh tế cần phải thực hiện cho từng giai đoạn, cũng như trong những thời gian hạn định cho các mục tiêu, sẽ thể hiện một cách rõ ràng những bức bách khắc nghiệt của hoàn cảnh phát triển. Mục tiêu càng cao, sự đóng góp của nhân dân càng nặng, thời gian càng ngắn, sự gian lao của nhân dân càng sâu đậm. Trong trường hợp phát triển của Trung Cộng mà chúng ta đã đề cập đến, sự đóng góp của nhân dân, càng năm càng lên cao, để thực hiện những mục tiêu vĩ đại, hy vọng đáp ứng nhu cầu vô tận do một hoàn cảnh phát triển vô cùng khắc nghiệt đòi hỏi.

Trước hết, công cuộc phát triển của một khối gần tám trăm triệu dân, tự nó đã mang những trở lực vật chất kinh khủng, bởi vì khối phương tiện nhân lực và tư bản cần được vận dụng vô cùng to tát. Sau đó, sự phát triển của một khối ngƣời gần bằng một phần tư nhân loại, là một sự cạnh tranh ghê gớm và một sự đe dọa an ninh chưa từng thấy trong lịch sử, cho tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả Nga Sô, dù mà các nhà lãnh đạo Trung Cộng không biểu lộ, một cách hiển nhiên như hiện nay, những tham vọng xâm lăng đáng sợ.

Do đó, sự phát triển của Trung Cộng đương nhiên sẽ tạo phản ứng thù nghịch của nhiều cường quốc kể cả Nga Sô. Và những phản ứng này sẽ biến thành những trở lực không vượt qua được, cho công cuộc phát triển. Giả sử mà, sự phát triển của Trung Cộng không tạo ra những phản ứng thù nghịch; và dù có những thiện chí muốn trợ lực công cuộc phát triển ấy, thì cũng không có khối viện trợ nào trên thế giới có thể thỏa mãn đến một bách phân đáng kể, các nhu cầu phát triển của khối người gần tám trăm triệu dân.

Các nhà lãnh đạo Trung Cộng, cố nhiên, ý thức sung mãn các điều kiện khủng khiếp của hoàn cảnh phát triển khắc nghiệt của nước Tàu. Vì vậy cho nên, để tìm giải pháp cho vấn đề phát triển dân tộc, mà đương nhiên họ xem là chính yếu, họ đã thi hành hai loại chính sách, từ ngày nắm chính quyền. Loại thứ nhất gồm các biện pháp nội bộ nhằm thúc đẩy công cuộc phát triển thật nhanh chóng để kịp thời ứng phó với các phản ứng thù nghịch của các cường quốc. Loại thứ hai gồm các biện pháp ngoại giao, để như nước Nga khi xưa, tìm đồng minh hậu thuẫn cho công cuộc phát triển của dân tộc.

Các biện pháp nội bộ của các nhà lãnh đạo Trung Cộng chú trọng đến hai điểm. Đặt những mục tiêu kinh tế vĩ đại cho hai khu vực, quốc phòng và trang bị kỹ nghệ sản xuất, và bóp nghẹt khu vực tiêu thụ. Áp dụng một phƣơng pháp độc tài, tàn nhẫn đến tột độ để huy động đến mức tối đa cái vốn nhân lực vô tận của Tàu, để thay thế cái vốn tư bản mà họ nghèo nàn.

Trong lĩnh vực ngoại giao, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã và đang thi hành ba chiến dịch. Trong chiến dịch thứ nhất, họ đã tìm khai thác mâu thuẫn giữa Tây phương và Nga Sô khi mâu thuẫn này còn khai thác được, để mang tư bản và kỹ thuật vào phục vụ chương trình phát triển. Khi kế hoạch thanh toán mâu thuẫn của Tây phương, mà chúng ta đã biết, đã đưa mâu thuẫn trên vào tình trạng không còn khai thác được nữa, thì các nhà lãnh đạo Trung Cộng mở một chiến dịch thứ nhì, vận động thay chân Nga Sô, với mục đích thành lập một mặt trận làm hậu thuẫn cho công cuộc phát triển của Tàu. Tác dụng và giá trị của mặt trận Cộng Sản để bảo vệ công cuộc phát triển của dân tộc Tàu ngày nay do Trung Cộng chủ trương, cũng giống như tác dụng và giá trị của mặt trận Cộng Sản để bảo vệ công cuộc phát triển của dân tộc Nga trước đây, do Nga Sô chủ trương.

Chiến dịch ngoại giao thứ ba mà các nhà lãnh đạo Trung Cộng đang thực hiện là chương trình viện trợ cho các nước nhỏ đang tìm phát triển. Họ đã trích một bách phân không đáng kể, trong cái khối nhu cầu vĩ đại của quốc gia, để thỏa mãn những nhu cầu phân bộ và đương nhiên nhỏ nhặt của các quốc gia nhỏ đang tìm phát triển với mục đích biến các quốc nhỏ này thành những Đồng Minh quốc tế hậu thuẫn cho công cuộc phát triển riêng của nước Tàu. Và ngay chính sách biểu lộ tham vọng xâm lăng cũng là một hành động có tính toán qui về mục đích trước và trên hết của Trung Cộng hiện nay: công cuộc phát triển dân tộc.

Các trƣờng hợp chiếm đóng Tây Tạng và Tân Cương và chi phối Bắc Hàn và Bắc Việt là những trường hợp đặc biệt, bởi vì các vùng đất đai nói trên thuộc vào những vùng thiết yếu cho sự phát triển của Trung Hoa. Các cuộc gây hấn về ranh giới với Ấn Độ, Miến Điện và Nga Sô, có tác dụng, vừa gây uy tín của Trung Cộng đối với các đồng minh trong mặt trận do Trung Cộng chủ trương, vừa duy trì sự căng thẳng cần thiết trong nội bộ để dễ huy động nhân lực. Mặc dầu tất cả các nỗ lực phi thường trên đây, nhưng vì một hoàn cảnh phát triển vô cùng khắc nghiệt, Trung Cộng còn cách mục đích rất xa.

Và sự cho nổ bom nguyên tử, với một mục đích tuyên truyền hiển nhiên, vẫn chưa phải là một bảo đảm thành công cho công cuộc phát triển của Trung Cộng. Sự thất bại đau đớn của phong trào Nhân Dân Công Xã, khiến cho các mục tiêu kinh tế đã ấn định, thay vì nhảy vượt bậc, đã thụt lùi lại nhiều năm, chứng tỏ sự vội vàng của các nhà lãnh đạo Trung Cộng đang lo sợ phản ứng thù nghịch không tránh được của các cường quốc, trong đó có cả Nga Sô.

TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM

Tất cả các điều kiện khốc liệt đã khiến cho hoàn cảnh phát triển của Trung Cộng trở thành vô cùng khắc nghiệt, đều không có trong các điều kiện chi phối hoàn cảnh phát triển của Việt Nam. Trước hết, sự phát triển của một khối vừa hơn ba chục triệu, một phần hai mươi lăm của khối Trung Cộng, sẽ không là một sự cạnh tranh và một sự đe dọa cho ai cả. Vì thế cho nên, trong hiện tình thế giới, công cuộc phát triển của chúng ta sẽ không tạo cho chúng ta những phản ứng thù nghịch. Nhu cầu phát triển của chúng ta rất ít so với nhu cầu phát triển của Trung Cộng. Vì thế cho nên các khối viện trợ trên thế giới có thể thỏa mãn nhu cầu phát triển của chúng ta đến một bách phân đáng kể hoặc rất cao.

Và chúng ta có thể tin rằng, nếu đường lối chính trị của chúng ta đủ sáng suốt, thì trong hai mươi năm đã qua, khai thác cơ hội thứ nhì, mà chúng ta đã đề cập đến nhiều lần, và với tất cả các viện trợ do mâu thuẫn giữa Tây phương và Nga Sô tạo nên, chúng ta đã đạt đa số mục tiêu phát triển rồi. Sự phát triển của khối ba chục triệu dân của chúng ta, nếu ở ngoài vòng hoàn cảnh phát triển khắc nghiệt của Trung Cộng, không cần thúc đẩy, cũng có thể thực hiện được nhanh chóng hơn bội phần sự phát triển của Trung Cộng. Trong các điều kiện đó, nếu đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, thì không có một lý do nào có thể binh vực được sự gắn liền vận mạng công cuộc phát triển của chúng ta với vận mạng công cuộc phát triển của Trung Cộng. Chỉ có một sự lệ thuộc về lý thuyết, mà thật ra cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều sử dụng như là một phương tiện, mới có thể mù quáng hy sinh quyền lợi của dân tộc Việt Nam cho quyền lợi của dân tộc Trung Hoa.

Các nhà lãnh đạo Trung Cộng ý thức sung mãn tâm lý đó ngày nay, cũng như các nhà lãnh đạo Nga Sô ý thức sung mãn tâm lý đó trước đây. Vì vậy cho nên, Trung Cộng nỗ lực vận động thay chân Nga, phất cờ Chủ Nghĩa Xã Hội, khai thác lý thuyết Các-Mác Lênin, qui tụ những người dễ bị ma lực cám dỗ, với mục đích cuối cùng là hậu thuẫn cho công cuộc phát triển của Hán Tộc. Cuộc vận động này vang dội trong tất cả các Đảng Cộng Sản trên thế giới.

Mặc dầu hoàn cảnh phát triển của Việt Nam khác biệt rất rõ rệt hoàn cảnh phát triển của Trung Cộng ngày nay, và do đó lại cũng khác biệt rất rõ rệt hoàn cảnh phát triển của Nga Sô trước đây, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt vẫn cố sức mang cái áo đường lối phát triển của Cộng Sản để tròng vào cho Việt Nam. Cũng như xưa kia, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam khác đã cố sức tròng vào thân thể Việt Nam cái áo Tam Dân Chủ Nghĩa mà Tôn Văn đã gia công nghiên cứu may cắt cho dân tộc của ông.

Sau tám trăm năm đè nặng lên đời sống của dân tộc tâm lý thuộc quốc đối với Trung Hoa, mặc dầu bị gián đoạn trong gần một thế kỷ, vẫn còn sinh lực tiềm tàng trong cân não của các nhà lãnh đạo của chúng ta, và khiến cho họ dễ quên tham vọng đất đai bất di bất dịch của Trung Hoa đối với Việt Nam.

LẠI TÂM LÝ THUỘC QUỐC

Tâm lý thuộc quốc bắt nguồn từ hai sự kiện. Tương quan lãnh thổ và dân số giữa hai quốc gia là một nguyên nhân tự ty mặc cảm. Sự lệ thuộc của Việt Nam đối với văn hóa Tàu là một lý do khác. Tương quan lãnh thổ và dân số là hai điều kiện vật chất hiển nhiên khó thay đổi được. Tuy nhiên, trong khung cảnh chính trị của thế giới ngày nay, sự bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa không còn nằm trong khuôn khổ xưa nữa và không còn là một sự kiện chỉ liên quan đến hai quốc gia. Trên lĩnh vực văn hóa, một dân tộc lớn hay nhỏ, do sự góp phần nhiều hay ít của dân tộc ấy vào di sản của văn minh nhân loại.

Trong lịch sử cổ Hy Lạp, thành Athen nhỏ bé được tôn sùng là người hướng đạo của dân tộc Hy Lạp, vì sự góp phần to tát vào di sản văn minh Hy Lạp. Điều kiện văn hóa này, chúng ta có thể chủ động được, miễn là công cuộc phát triển của dân tộc thực hiện được. Và thế hệ của chúng ta có thể có đủ điều kiện và hoàn cảnh để thực hiện ý chí của Lý Thƣờng Kiệt và Nguyễn Huệ, tiêu diệt tâm lý thuộc quốc đã mấy ngàn năm bao trùm dân tộc và ám ảnh các thế hệ lãnh đạo của chúng ta.

Xem thế, chúng ta càng ý thức tính cách quan trọng của công cuộc phát triển dân tộc trong giai đoạn này. Sự lệ thuộc của Việt Nam đối với văn hóa Tàu đã như không còn nữa, từ khi chúng ta chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương. Trong tình thế hiện tại, tương lai sẽ càng ngày càng xác nhận sự kiện này, trừ ra khi nào chúng ta lại tự đặt chúng ta vào sự lệ thuộc văn hóa của Trung Cộng, như các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt đang làm.

Trong tình thế hiện nay, chẳng những văn hóa của chúng ta không lệ thuộc văn hóa Tàu, mà lại văn hóa của chúng ta còn có cơ hội phát triển hơn bao giờ hết. Hiện nay Trung Hoa và Việt Nam, do các biến cố lịch sử vừa qua, đều nằm vào cùng một vị trí. Cả hai đều vừa thoát khỏi sự chi phối của thực dân, và đang nỗ lực Tây phương hóa để phát triển dân tộc. Các dị điểm và các đồng điểm giữa hai vị trí đã được chúng ta phân tích với chi tiết trong các đoạn trên. Và chúng ta cũng biết rằng công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa sẽ gồm sự thâu nhận nhiều giá trị tiêu chuẩn dính liền với kỹ thuật Tây phương.

Do đó, xã hội Trung Hoa cũng như xã hội Việt Nam sẽ đương nhiên bị bắt buộc tìm một trạng thái điều hòa mới giữa các giá trị tiêu chuẩn. Chúng ta đã thấy hoàn cảnh phát triển của chúng ta thuận lợi hơn hoàn cảnh phát triển của Trung Hoa. Trong một đoạn dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng điều kiện ngôn ngữ của chúng ta cũng thuận lợi hơn của Trung Hoa. Như thế thì, nếu chúng ta thực hiện được công cuộc phát triển, sự lệ thuộc văn hóa của chúng ta đối với Trung Hoa không bao giờ tái diễn nữa.

Tóm lại, nếu tương quan lãnh thổ và dân số, giữa Việt Nam và Trung Hoa, trong khung cảnh chính trị của thế giới ngày nay, không còn cái tầm quan trọng của nó khi xưa nữa, và nếu sự lệ thuộc văn hóa đối với Trung Hoa cũng không còn nữa, thì đương nhiên tâm lý thuộc quốc của chúng ta đối với Trung Hoa cũng sẽ bị tiêu diệt mãi mãi. Như thế thì, nếu chúng ta có một sự lãnh đạo sáng suốt để bảo đảm công cuộc phát triển dân tộc, thì cơ hội, đương nhiên sẽ đến với chúng ta để giải quyết một vấn đề đã đặt ra cho dân tộc từ một ngàn năm nay, và hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ đã cố tìm giải pháp: cởi bỏ cho dân tộc tâm lý thuộc quốc đối với Trung Hoa.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt không tỏ ra ý thức tính cách quan trọng của cơ hội này. Trái lại, sự áp dụng các phương pháp huy động nhân lực của Trung Cộng vào trường hợp Việt Nam, mặc dầu hoàn cảnh phát triển của chúng ta không hề đòi hỏi những phương tiện như vậy, làm sống lại tâm lý thuộc quốc, gần như đã chết trong một thế kỷ, của những người tự ty mặc cảm trước Trung Hoa vĩ đại, lúc nào cũng xem Việt Nam là một Trung Hoa con con.

Từ xưa, dưới sự chi phối của tâm lý thuộc quốc, nếu Trung Hoa diễn một tấn tuồng trên sân khấu trăm thước vuông, thì Việt Nam cũng phải diễn cũng một tấn tuồng thúc lại cho vừa tầm, trên một sân khấu chỉ còn một thước vuông. Xưa kia, vì nước Tàu có một tòa Văn Miếu lớn, thì Việt Nam cũng phải có một tòa Văn Miếu nho nhỏ. Gần đây, vì nước Tàu có sách lược Tam Dân Chủ Nghĩa rộng lớn, thì Việt Nam cũng có sách lược Tam Dân Chủ Nghĩa nho nhỏ. Và ngày nay, vì nước Tàu thi hành phương pháp độc tài Đảng trị kinh khủng một cách rộng lớn, thì Bắc Việt cũng thi hành phương pháp độc tài Đảng trị kinh khủng một cách nho nhỏ.

Hoàn cảnh phát triển của chúng ta không đòi hỏi những biện pháp dựa trên bạo lực, mà chỉ đòi hỏi một sự lãnh đạo sáng suốt và khôn ngoan, để khai thác các loại mâu thuẫn, trên chính trường thế giới, với mục đích tìm vốn tư bản để thỏa mãn nhu cầu phát triển. Nhưng, giả sử mà viện trợ ngoại quốc cho chúng ta, không lên đến một bách phân quan trọng của nhu cầu phát triển quốc gia, thì chính trường hợp đó cũng chưa đủ để thuyết minh sự áp dụng vào Việt Nam, phương pháp huy động nhân lực thi hành ở Trung Cộng.

Trong chương trình phát triển của Trung Cộng, ưu tiên đặc biệt được dành cho khu vực kỹ nghệ quốc phòng. Sau đó đến khu vực kỹ nghệ sản xuất. Khu vực tiêu thụ bị bóp nghẹt. Thứ tự ưu tiên trên phản ảnh mối lo âu của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, tìm cách ứng phó với các phản ứng thù nghịch. Và thứ tự ưu tiên trên đương nhiên đòi hỏi các biện pháp huy động nhân lực đã áp dụng. Sự phát triển của Việt Nam không gây phản ứng thù nghịch. Nhưng giả sử sự phát triển của chúng ta có gây phản ứng thù nghịch, thì dù chúng ta có dồn hết nỗ lực của dân tộc vào khu vực quốc phòng thì, như chúng ta đã biết, tất cả cố gắng quân sự của chúng ta cũng chưa đủ để bảo vệ độc lập và lãnh thổ.

Như thế thì, trong chương trình phát triển của chúng ta, ưu tiên dành cho khu vực sản xuất và khu vực tiêu thụ. Một thứ tự ưu tiên như vậy không đòi hỏi các biện pháp huy động nhân lực của Trung Cộng. Nhưng dù là trong một hoàn cảnh phát triển thuận lợi, sự huy động nhân lực theo lối Cộng Sản, không phải là một yếu tố để thúc đẩy công cuộc phát triển chóng đến thành công sao?

Trên quan điểm dài hạn của đời sống dân tộc, sinh lực dân tộc là một của báu, mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải đặt cho mình nghiêm luật không được tiêu hao hay phí phạm, khi quyền lợi của cộng đồng bắt buộc phải dùng đến. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng sở dĩ phải chọn lựa phương pháp hành động như vậy, vì họ bị sự chi phối của hoàn cảnh phát triển khắc nghiệt của nước Tàu.

Việt Nam không ở vào trường hợp bắt buộc đó. Vả lại, các phương pháp huy động nhân lực theo Cộng Sản sẽ lưu lại cho dân tộc những hậu quả như thế nào? Chúng ta chỉ có thể nhận xét rằng, cho đến ngày nay, nghĩa là gần hai trăm năm sau, dân tộc Pháp còn mang chịu những hậu quả tai hại của cuộc Cách Mạng năm 1789, mặc dầu trên phương diện bạo tàn và đẫm máu, Cách Mạng 1789 của Pháp còn kém xa Cách Mạng của Nga Sô và Cách Mạng của Trung Cộng.

Sau hết, giả sử, chúng ta bỏ qua hết tất cả lý do thuận hay không thuận, cứ thi hành triệt để các phương pháp huy động nhân lực của Cộng Sản để thực hiện công cuộc phát triển của dân tộc, thì cái vốn nhân lực ba chục triệu của chúng ta cũng không đủ cung cấp thêm được bao nhiêu bách phân của khối nhu cầu phát triển của chúng ta. Từ hai mươi năm nay, cơ hội phát triển đã đến cho chúng ta. Nhưng chúng ta chưa nắm được. Từ mười năm nay, Bắc Việt chưa thực hiện được những mục tiêu phát triển nào đáng kể. Các thực hiện phát triển của Nam Việt đều bị du kích quân Bắc Việt phá hoại. Sau hai mươi năm, và sau khi tiêu hao bao nhiêu sinh lực của dân tộc, chúng ta đã đạt được kết quả kể trên. Như thế thì, các nhà lãnh đạo của chúng ta có phải đã đi đúng đường hay không?

(Hết phần III)


Ngô Đình Nhu (1910-1963)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét