Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

16517 - Thế giới hôm nay: 02/10/2019


Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy


Rắc rối bùng lên ở Hồng Kông khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh bằng cuộc duyệt binh với 15.000 binh sĩ và tên lửa tầm xa trên đường phố Bắc Kinh. Người biểu tình tham gia vào cuộc tuần hành lớn mà họ gọi là “quốc tang” vốn đã bị cấm bởi chính quyền. Các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra ở một số nơi, không chỉ xung quanh tòa nhà Lập pháp. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và bắn đạn thật lần đầu tiên sau nhiều tháng. Một người biểu tình đã bị bắn vào ngực ở cự ly gần và đang trong tình trạng nguy kịch. Câu hỏi đáng sợ là: lúc nào thì Bắc Kinh sẽ quyết định rằng bạo lực trở nên không thể dung thứ được và bắt đầu đưa quân vào Hồng Kong?
Khủng hoảng chính trị Peru ngày càng sâu sắc khi Tổng thống Martín Vizcarra giải tán quốc hội do phe đối lập lãnh đạo. Phe đối lập đã cản trở tổng thống cố gắng thông qua luật chống tham nhũng trong năm qua. Hỗn loạn xảy đến khi các nghị sĩ lập tức bỏ phiếu đình chỉ ông Vizcarra và đưa phó tổng thống lên thay. Chính phủ nói động thái này không có giá trị vì nó được đưa ra sau khi cơ quan lập pháp đã bị giải tán.
Bắc Triều Tiên  Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân ở “cấp làm việc” vào cuối tuần này sau thời gian gián đoạn nhiều tháng. Các cuộc đàm phán bị đình trệ từ tháng Hai, khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau ở Việt Nam. Triều Tiên yêu cầu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy giải giáp một phần, một trình tự bị ông Trump bác bỏ. Do đó, Triều Tiên đã quay trở lại bắn nhiều tên lửa hơn.
Hoạt động sản xuất tại Mỹ sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 9, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2009, theo khảo sát từ Viện nghiên cứu Quản lý cung ứng. Sản xuất bị thiệt hại bởi thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump. Chỉ số nhà quản lý mua hàng của Đức về sản xuất cũng cho thấy sự sụt giảm khác, xuống con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước.
Ngân hàng Trung ương Australia đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 0,75% trong nỗ lực kích thích nền kinh tế trì trệ. Tăng trưởng GDP chỉ ở mức 1,4% trong năm tính đến tháng 6, mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang tăng. Thống đốc ngân hàng Philip Lowe còn úp mở khả năng cắt giảm thêm nữa.
Harland and Wolff, nhà máy đóng tàu ở Belfast từng chế tạo nên tàu Titanic, đã được cứu khỏi việc phải đóng cửa. Công ty đã phải chịu sự quản lý của nhà nước từ tháng 8 năm ngoái sau khi công ty mẹ ở Na Uy sụp đổ. Đây là một trong những cái tên lừng lẫy nhất của ngành đóng tàu, lúc thịnh vượng đã thuê hơn 30.000 công nhân. Chủ sở hữu mới của họ, công ty năng lượng Anh InfraStrata, ban đầu sẽ chỉ giữ lại 79 công nhân.
Một vụ bê bối đã xuất hiện trong thế giới vốn tĩnh lặng của các ngân hàng Thụy Sĩ. COO của Credit Suisse đã từ chức sau khi một cuộc điều tra nội bộ phát hiện ông đã bí mật giám sát cựu giám đốc điều hành Iqbal Khan, vì sợ ông này sẽ rò rỉ bí mật khi chuyển đến UBS, một ngân hàng đối thủ. CEO Tidjane Thiam vẫn tại chức; cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng cho thấy ông này biết về vụ giám sát.
TIÊU ĐIỂM
Tuần lễ Năng lượng Nga khai mạc
Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak và Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, người đồng cấp Ả Rập Saudi của ông, nằm trong số những người sẽ tham dự Tuần lễ Năng lượng Nga, bắt đầu hôm nay ở Moskva. Vào ngày 14 tháng 9, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm mất sản lượng 5,7 triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Saudi. Vương quốc hiện đang ở tình thế khó xử, vừa cố gắng tăng sản lượng vừa lo giá dầu sụt giảm. Sau các cuộc tấn công, giá dầu Brent đã tăng khoảng 20% lên hơn 70 đô một thùng, nhưng đến 30 tháng 9 đã giảm xuống còn 61 đô một thùng, khi lo ngại về cú sốc cung nhường chỗ cho quan ngại về cầu giảm.
Hoàng tử Abdulaziz cũng phải xử lý mối quan hệ tế nhị với ông Novak. Ả Rập Saudi đổ lỗi cho Iran, một đồng minh của Nga, về các cuộc tấn công hồi tháng trước. Nhưng Ả Rập Saudi lại đang hợp tác với Nga trong khuôn khổ thỏa thuận “OPEC+” nhằm giữ vũng giá dầu. Tại Moskva, Hoàng tử Abdulaziz sẽ thảo luận về cách ngành công nghiệp này sẽ xử lý “các mối đe dọa ngày càng tăng đối với thị trường dầu mỏ” – một câu hỏi rộng với rất ít câu trả lời khả thi.


Tình hình giá dầu từ đầu năm đến nay.

Cuộc hồi sinh của Microsoft và bước chuyển hướng sang thị trường phần cứng
Người khổng lồ phần mềm từ lâu chỉ duy trì sự hiện diện nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh phần cứng. Windows, hệ điều hành chủ lực của họ, từng một thời chạy hoàn toàn trên các máy tính được chế tạo và bán bởi các công ty khác. Điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Hôm nay, Microsoft sẽ công bố các mẫu máy mới nhất của dòng sản phẩm Surface. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2012, Surface bao gồm các máy tính truyền thống cũng như máy tính bảng “2-trong-1” lai laptop. Bảy năm trôi qua, các thiết bị Surface đã trở nên phổ biến, mang lại doanh thu hơn 4 tỷ đô la cho công ty vào năm ngoái.
Động thái chuyển hướng của Microsoft sang mảng kinh doanh phần cứng bắt đầu khi họ chuyển từ tập trung hoàn toàn vào phần mềm Windows sang một danh mục sản phẩm tích hợp hơn. Surface có thể không phải là ngôi sao dẫn đầu trong cuộc hồi sinh gần đây của Microsoft – danh hiệu đó thuộc về Azure, bộ phận kinh doanh điện toán đám mây đang phát triển nhanh chóng của họ – nhưng sự phát triển ổn định của Surface đã giúp công ty đa dạng hóa danh mục sản phẩm và vươn lên nhóm dẫn đầu danh sách các công ty đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Cựu tổng thống Brazil da Silva có thể được giảm án
Cựu tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva hôm nay có thể sẽ chứng kiến một trong hai bản án của ông bị hủy bởi một phán quyết của tòa tối cao. Ông Lula đã bị kết án tổng cộng 25 năm tù về tham nhũng và rửa tiền. Các công ty xây dựng đã sử dụng việc tu sửa một căn hộ và một trang trại để hối lộ cựu tổng thống, theo tòa án, điều ông kịch liệt phủ nhận. Nhưng vận may của ông sắp đến.
Tuần trước, phần lớn trong số 11 thẩm phán tòa tối cao của đất nước đã quyết định rằng các bị cáo tại các tòa án Brazil có thể tự bảo vệ mình, nếu các cáo buộc chống lại họ xuất phát từ lời khai của những nhân chứng cũng bị buộc tội tham nhũng nhưng có các thỏa thuận nhận tội để được khoan hồng với các công tố viên. Nếu hôm nay tòa quyết định áp dụng phán quyết này lên các vụ án trong quá khứ, thì sẽ có tới 143 bản án, bao gồm của cả ông Lula, bị lật lại.
Ông Netanyahu đứng trước nguy cơ hầu tòa
Một nhóm các luật sư cao cấp sẽ đến Bộ Tư pháp ở Jerusalem vào hôm nay. Nhiệm vụ của họ là cố gắng thuyết phục tổng chưởng lý Israel điều tra các cáo buộc hình sự đối với thủ tướng Binyamin Netanyahu. Trong bốn ngày của phiên điều trần trước xét xử, họ sẽ lập luận rằng các thỏa thuận của ông Netanyahu với các ông trùm truyền thông, trong đó các thay đổi luật pháp được thực hiện để đổi lấy truyền thông có lợi cho ông Netanyahu, cùng những món quà đắt tiền cho ông và vợ, tất cả đủ cấu thành cáo trạng nhận hối lộ và lừa đảo.
Nếu họ thành công, ông Netanyahu có thể trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel ra tòa. Song điều đó chỉ xảy ra nếu ông vẫn là thủ tướng. Trước đó hai tuần, ông đã không giành được đa số trong cuộc bầu cử, và với việc Israel rơi vào thế bế tắc chính trị, dự kiến ông Netanyahu sẽ sớm phải thông báo đến tổng thống của đất nước rằng ông không thể thành lập chính phủ. Nhà ảo thuật gia của chính trị Israel có lẽ đã “hết bài”.
Hạnh phúc và các lựa chọn chính sách công
Cảm giác hạnh phúc có thể “truyền nhiễm”. Điều đó đúng ở cấp độ cá nhân. Nó lây lan qua mạng lưới con người. Và nó cũng đúng trong vấn đề chính sách. Một số quốc gia thu thập số liệu thống kê về hạnh phúc, hay sự hài lòng. Tháng 5 vừa qua, New Zealand đã phê duyệt khoản “ngân sách hạnh phúc”, theo đó sử dụng hạnh phúc như “kim chỉ nam” cho các lựa chọn chính sách công. Ngày mai, OECD, câu lạc bộ của hầu hết các nước giàu, sẽ tổ chức một cuộc hội thảo cho các chuyên gia về hạnh phúc ở Paris nhằm “nhìn ra ngoài con số GDP” (như các nhà tổ chức nói).
Họ hy vọng giải quyết một số vấn đề nan giải: làm thế nào để đo lường hạnh phúc một cách tốt nhất; nắm rõ ý nghĩa về hạnh phúc ở các quốc gia khác nhau; và xem xét liệu phúc lợi có thể được đưa vào thành luật hay vào hoạch định chính sách dài hạn hay không. Đây vẫn là những ngày sơ khai. Song từ lâu người ta đã thấy rõ (không chỉ vì vấn đề biến đổi khí hậu) rằng GDP không phải là thước đo chính sách duy nhất. Về lý thuyết, hạnh phúc có thể giúp ích. Nhưng còn phải xem thực tế sẽ ra sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét