Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

15267 - Những điểm mới nào trong Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2019 ?



Trung Quốc là quốc gia có quân số đông nhất thế giới với khoảng 2 triệu binh sĩ.REUTERS/Stringer

Ngày 24/07/2019, Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng mới (ST2019) với hai mục tiêu chính : Trấn an thế giới và khẳng định cuộc chiến chống ly khai. Chuyên gia về châu Á, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS phân tích một số điểm mới trong Sách Trắng 2019 so với phiên bản năm 2015. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu tóm lược một số điểm đáng chú ý trong bài phân tích.
1. Về mặt hình thức, ST2019 có gì khác so với ST2015 ?
Chuyên gia Bondaz ghi nhận có nhiều điểm khác biệt trong cách thức công bố Sách Trắng 2019 (ST2019) so với phiên bản năm 2015. Thứ nhất, tiêu đề của ST2019 khá trung lập: « Quốc phòng Trung Quốc ở kỷ nguyên mới » thay vì là « Chiến lược quân sự của Trung Quốc » trong phiên bản 2015 (ST2015).
Thứ hai, cách thức công bố ST2019 được tổ chức một cách chuyên nghiệp hơn. Nghĩa là có tổ chức họp báo với sự tham gia của các đại diện quân đội để trả lời một loạt các câu hỏi.
Thứ ba, ST2019 dài hơn phiên bản 2015 gấp hai lần (20000 ký tự), bao gồm một chuỗi phụ lục đính kèm và đặc biệt là có đặt tiểu tựa cho từng vấn đề một nhằm hạn chế tối đa mọi sự diễn giải.
Thứ tư, các từ khóa chính năm nay là « hợp tác » (được nhắc đến 68 lần so với con số 26 năm 2015), « khủng bố » (46/8) hay như vấn đề độc lập Đài Loan (5 lần).
2. Trấn an quốc tế là ưu tiên số một ?
Điều này thể hiện rõ qua ba điểm. Thứ nhất, lời lẽ trong ST2019 có vẻ ôn hòa hơn, những thuật ngữ như « giấc mơ Trung Hoa » hay « Made in China 2025 » khiến thế giới e ngại hầu không còn được nhắc đến. Thay vào đó là sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc và « một cộng đồng có cùng chung vận mệnh », cốt lõi của chính sách đối ngoại Trung Quốc. ST2019 nhấn mạnh Trung Quốc « sẽ không bao giờ tìm kiếm sự bá quyền, bành trướng hay các vùng ảnh hưởng ».
Thứ hai, ST2019 hạn chế nhắc đến vai trò của « đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) » nhằm tránh để giới quan sát quốc tế sử dụng để chỉ trích đảng. Do vậy, cụm từ « ĐCSTQ » chỉ bắt đầu xuất hiện ngay giữa chương thứ 2, và chỉ đơn giản tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang phải « đóng góp vào các chiến lược chung của đảng Cộng Sản Trung Quốc và đất nước ». Tác giả lưu ý : Nét đặc trưng của thể chế Trung Quốc là « Quân đội Giải phóng Nhân dân là quân đội của Đảng chứ không phải là của đất nước ».
Thứ ba, ST2019 cố gắng tỏ ra minh bạch bằng cách đưa ra các con số dữ liệu về chi tiêu quân sự, được cho là « hợp lý và phù hợp ». Theo đó, ngân sách quân sự chỉ chiếm có 5% ngân sách nhà nước, thấp hơn ba lần so với giai đoạn năm 1979 và thời kỳ đầu mở cửa cải cách (17%).
Về điểm này, chuyên gia Antoine Bondaz lưu ý : Trung Quốc có mức ngân sách cho quốc phòng đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Chi tiêu cho trang thiết bị quân sự chiếm hơn 41% ngân sách chung cho quốc phòng năm 2017. Tỷ lệ này của năm 2010 là 33%. Và nhất là ST2019 không đề cập đến những khoản chi khác cũng như là ngân sách cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D).
3. ST2019 : « Nga là bạn, Mỹ là thù ? »
Hoa Kỳ vẫn là đối thủ bị chỉ trích gay gắt. ST2019 khẳng định hệ thống và trật tự an ninh thế giới có lẽ đang « bị xói mòn bởi sự bá quyền ngày càng lớn, chính sách siêu cường, chủ nghĩa đơn phương ». Thuật ngữ « chủ nghĩa đơn phương » đến thay thế cho cụm từ « chủ nghĩa can thiệp mới » được sử dụng trong ST2015 nhằm chỉ trích chính sách của tổng thống Obama tại Lybia và Syria.
Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề kiểm soát vũ khí và giải giáp vũ khí vào lúc quốc tế đang nỗ lực trong lĩnh vực này thì lại « phải gánh lấy những thất bại với những dấu hiệu ngày càng rõ nét về cuộc đua vũ trang ». Một lời ám chỉ đến quyết định của Hoa Kỳ rút nước này ra khỏi Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân. ST2019 ghi rõ « cơ chế quốc tế chống phổ biến hạt nhân được thực hiện bằng một chính sách ʺnhất bên trọng, nhất bên khinhʺ ». Điều này giải thích vì sao Trung Quốc từ chối một cách có hệ thống tham gia vào hiệp ước song phương INF và New START giữa Mỹ và Nga.
Một điểm khác đáng chú ý, lần đầu tiên ST2019 chỉ trích khối NATO – Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương mở rộng liên quân sang phía Đông và các cuộc tập trận của khối này. Lời chỉ trích này có thể là nhằm ủng hộ hợp tác quân sự Nga – Trung.
4. Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép với Đài Loan ?
Lời đe dọa nhắm vào Đài Loan lần này còn mạnh mẽ so với lần trước. ST2019 chỉ trích gay gắt thái độ của chính phủ Đài Bắc hiện nay, được cho là « ngoan cố đứng lên giành độc lập cho Đài Loan », đồng thời « tăng cường nỗ lực để đoạn tuyệt mối liên hệ với lục địa để dần tiến đến sự độc lập, gia tăng thái độ thù nghịch và đối đầu và mượn các thế lực ảnh hưởng của nước ngoài ».
ST2019 nhắc nhở Đài Loan rằng « Quân đội Giải phóng Nhân dân APL sẽ quyết tâm đánh bại bất kỳ ai có ý định chia cắt Đài Loan với Trung Quốc và APL sẽ bảo vệ bằng mọi giá sự toàn vẹn quốc gia ». Đây cũng là một trong những câu phát biểu chủ đạo trong ST2019.
Theo chuyên gia Pháp, những lời đe dọa này sẽ còn gia tăng cường độ hơn nữa trước kỳ bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng Giêng năm 2020 tới đây.
5. Biển Đông : Trung Quốc khẳng định chính sách « sự đã rồi » ?
ST2019 cho rằng tình hình Biển Đông nhìn chung được cho là « ổn định và đang dần cải thiện bởi vì các nước trong khu vực xử lý các rủi ro và các bất đồng một cách đúng đắn ». Chủ đề này được nhắc đến 11 lần trong phiên bản năm nay so với chỉ có một lần duy nhất trong ST2015. Đặc biệt, chuyên gia Bondaz nhận thấy Bắc Kinh tìm cách áp đặt chính sách của mình trong khu vực bằng một chính sách sự đã rồi.
ST2019 khẳng định « các đảo trên Biển Đông là những phần lãnh thổ của Trung Quốc không thể chuyển nhượng », đồng thời nêu rõ Trung Quốc « thực thi chủ quyền lãnh thổ để xây dựng các cơ sở hạ tầng và triển khai các khả năng phòng thủ cần thiết tại những đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông ». Chuyên gia Antoine Bondaz nhắc lại năm 2015, Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa các đảo đá này.
6. Tăng cường hợp tác khu vực và thế giới ?
Trong mục tiêu trấn an cộng đồng quốc tế, ST2019 nhấn mạnh đến vấn đề hợp tác trong khu vực và các nước còn lại. Đây là một trong những từ khóa chính được ST2019 nhắc đến 68 lần. Trung Quốc đề cập đến con số 130 cơ quan tùy viên và đại diện quân sự ở nước ngoài cũng như sự hiện hữu của 54 cơ chế tham vấn, đối thoại với 41 quốc gia và tổ chức quốc tế về vấn đề an ninh.
ST2019 còn nêu nhiều con số ấn tượng : Quân đội đã gởi hơn 1700 quân nhân đi du học tại trên 50 quốc gia và hơn 10000 quân nhân nước ngoài của 130 nước đã đến học và nghiên cứu tại nhiều trường đại học và trung học quân sự Trung Quốc.
Bắc Kinh nhắc đến các cuộc đối thoại chính và các diễn đàn hợp tác mà Trung Quốc tham gia đặc biệt là Diễn đàn Trung Quốc – Châu Phi về Quốc phòng và An ninh, diễn ra lần đầu tiên tại Bắc Kinh từ ngày 26/06 – 10/07/2018.
Phần phụ lục của chương này được dành hoàn toàn cho biệt xây dựng một cơ cấu hợp tác khu vực trên phương diện an ninh. ST2019 tập trung nhiều vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hợp tác quân sự với các nước thành viên khối ASEAN, thậm chí còn nói về cuộc tập trận hải quân đầu tiên giữa Trung Quốc – ASEAN năm 2018 hay như nói về Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh nhằm làm đối trọng với diễn đàn Đối thoại Shangri-La…
Cuối cùng, ST2019 dành một đoạn dài để nhấn mạnh đến hợp tác quân sự với Nga, đặc biệt là « đối tác chiến lược toàn diện Nga – Trung về điều phối cho kỷ nguyên mới ». Thuật ngữ này được Trung Quốc nhắc đến lần đầu vào tháng 6/2019 và cho thấy Nga hiện là đối tác chính của Trung Quốc trong việc « duy trì bình ổn chiến lược thế giới ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét