Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

15761 - Ngày 26/08/1920: Tu chính án thứ 19 của Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua






Vào ngày này năm 1920, bản Tu chính án thứ 19, bảo đảm cho phụ nữ quyền bầu cử, chính thức được thông qua và đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ bởi tuyên bố của Ngoại trưởng Bainbridge Colby. Bản Tu chính án là đỉnh điểm của hơn 70 năm đấu tranh của những nhà hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ. Hai mục của nó được viết đơn giản như sau: “Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị từ chối hoặc hạn chế bởi Hoa Kỳ hoặc bất kỳ Tiểu bang nào trên cơ sở giới tính” và “Quốc hội sẽ có quyền thực thi điều khoản này thông qua ban hành pháp luật phù hợp.”
Phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ được hình thành vào giữa thế kỷ 19 bởi những phụ nữ đã tham gia tích cực vào hoạt động chính trị thông qua công việc của họ trong các phong trào bãi nô và cấm bia rượu. Vào tháng 07 năm 1848, 200 người đấu tranh mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ, bao gồm Elizabeth Cady Stanton và Lucretia Mott, đã gặp nhau ở Seneca Falls, New York, để thảo luận về các quyền của phụ nữ.
Sau khi biểu quyết các biện pháp khẳng định quyền của phụ nữ đối với các cơ hội giáo dục và việc làm, họ đã thông qua một nghị quyết tuyên bố “Những người phụ nữ của đất nước này có nghĩa vụ giành được quyền thiêng liêng của họ là quyền bầu cử.” Với tuyên bố về quyền bỏ phiếu của phụ nữ, Hội nghị Seneca Fall đã bị chế giễu công khai, và một số người ủng hộ quyền của phụ nữ đã rút lại sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, hội nghị này đã đánh dấu sự khởi đầu của phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ.
Hội nghị về quyền phụ nữ quốc gia đầu tiên được tổ chức vào năm 1850 và sau đó được lặp lại hàng năm, mang đến một tâm điểm quan trọng cho phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ đang phát triển. Trong kỷ nguyên Tái thiết, bản Tu chính án thứ 15 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã được thông qua, trao cho những người đàn ông Mỹ gốc Phi quyền bầu cử, nhưng Quốc hội đã từ chối mở rộng quyền bầu cử theo phạm vi giới tính.
Năm 1869, Hiệp hội Quyền bầu cử Phụ nữ Quốc gia đã được thành lập bởi Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton để thúc đẩy một bản tu chính án về quyền bầu cử của phụ nữ trở trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Một tổ chức khác, Hiệp hội Quyền bầu cử Phụ nữ Hoa Kỳ, do Lucy Stone lãnh đạo, đã được thành lập trong cùng năm để giải quyết vấn đề thông qua các cơ quan lập pháp tiểu bang. Vào năm 1890, hai hiệp hội này đã được thống nhất thành Hiệp hội Quyền bầu cử Phụ nữ Quốc gia Hoa Kỳ. Năm đó, Wyoming trở thành tiểu bang đầu tiên cho phép phụ nữ được quyền bầu cử.
Vào đầu thế kỷ 20, vai trò của phụ nữ trong xã hội Mỹ đã thay đổi mạnh mẽ: phụ nữ làm việc nhiều hơn, nhận được một nền giáo dục tốt hơn, sinh ít con hơn và có thêm ba bang (Colorado, Utah và Idaho) đã đáp ứng yêu cầu về quyền bầu cử cho nữ giới. Năm 1916, Đảng Phụ nữ Quốc gia (được thành lập năm 1913 tại Liên minh Quốc hội vì Quyền bầu cử của Phụ nữ) đã quyết định áp dụng một cách tiếp cận triệt để hơn đối với vấn đề quyền bầu cử của phụ nữ. Thay vì các bảng hỏi và vận động hành lang, các thành viên của nó đã bố trí người đứng vây quanh Nhà Trắng, diễu hành và tiến hành các hành vi bất tuân dân sự.
Năm 1917, nước Mỹ tham gia Thế chiến I, và phụ nữ đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh trong nhiều vai trò khác nhau, điều đó đã giúp chấm dứt hầu hết sự phản đối còn lại đối với quyền bầu cử của phụ nữ. Đến năm 1918, phụ nữ đã giành được quyền bầu cử bình đẳng với nam giới ở 15 tiểu bang, và cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều công khai tán thành việc trao quyền bầu cử cho phụ nữ.
Vào tháng 01 năm 1918, tu chính án về quyền bầu cử của phụ nữ đã được thông qua tại Hạ viện với đa số phiếu hai phần ba cần thiết. Vào tháng 06 năm 1919, nó đã được Thượng viện chấp thuận và gửi đến các tiểu bang để phê chuẩn. Các chiến dịch đã được tiến hành bởi những người đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ trên khắp đất nước để bảo đảm việc phê chuẩn, và vào ngày 18 tháng 8 năm 1920, Tennessee trở thành tiểu bang thứ 36 phê chuẩn bản tu chính án, hợp thành mức đa số hai phần ba cần thiết các tiểu bang phê chuẩn để biến nó thành luật quốc gia.
Phong bì chứa hồ sơ chứng nhận hành động này của cơ quan lập pháp Tennessee đã được gửi bằng tàu hỏa đến thủ đô của đất nước, tới nơi vào đầu giờ ngày 26 tháng 08. Vào lúc 8 giờ sáng hôm đó, Ngoại trưởng Bainbridge Colby đã ký nó mà không cần nghi lễ tại nơi cư trú của ông ở Washington. Không ai trong số các nhà lãnh đạo của phong trào quyền bầu cử của phụ nữ có mặt khi tuyên bố được ký, và không có nhiếp ảnh gia hoặc máy quay phim nào ghi lại sự kiện này. Chiều hôm đó, Carrie Chapman Catt, người đứng đầu Hiệp hội Quyền bầu cử Phụ nữ Quốc gia Hoa Kỳ, đã được đón tiếp tại Nhà Trắng bởi Tổng thống Woodrow Wilson và Đệ nhất Phu nhân Edith Wilson.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét