Ảnh tư liệu : Tổng thống Nga Vladimir Putin và nguyên thủ các nước dự thượng đỉnh G8 tại Lough Erne, Bắc Ireland, ngày 18/06/2013 Reuter
Thượng đỉnh 7 nước công nghiệp hùng mạnh nhất toàn cầu diễn ra tại Biarritz của Pháp trong hai ngày cuối tuần 24 và 25/08/2019. Trước đó, vào thứ hai 19, tổng thống Pháp tiếp chủ nhân điện Kremlin tại Brégançon để « sưởi ấm quan hệ song phương » cũng như đề cập đến các hồ sơ nóng sẽ được bàn thảo tại G7 mà Vladimir Putin không được tham dự.
Từ 5 năm qua, nhóm G8 trở thành G7 sau khi nước Nga bị « đình chỉ » tư cách thành viên.
Biarritz, thành phố biển ở tây nam nước Pháp là nơi mà gia đình tổng thống Nga Vladimir Putin yêu thích chọn làm nơi nghỉ hè. Thế nhưng ông không được mời gặp gỡ lãnh đạo của Mỹ, Pháp, Anh,Đức, Nhật, Ý và Canada, 7 nước công nghiệp phát triển nhất hành tinh để có thể thảo luận về những vấn đề xung khắc với Tây phương.
Không sao. Tổng thống Nga đã được đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tạo cơ hội thảo luận « thẳng thắn » về các vấn đề này và qua đó, có thể « ảnh hưởng » tới thượng đỉnh G7.
Từ đầu mùa hè năm nay, Paris đã giúp cho Nga tái hội nhập Hội Đồng Toàn Thể Châu Âu nhưng đường về G7 còn nhiều chướng ngại.
Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh không chính thức Pháp- Nga, tổng thống Putin bác bỏ lời kêu gọi của tổng thống Pháp muốn Matxcơva tôn trọng lệnh ngưng bắn ở Syria theo thỏa thuận Sotchi. Chủ nhân điện Kremlin lý giải là phải giúp quân đội Damas « tiêu diệt khủng bố». Hồ sơ gây xung khắc nghiêm trọng nhất giữa Tây phương và Nga là cuộc khủng hoảng Ukraina. Tổng thống Putin không trả lời về « mong mỏi » của đồng nhiệm Pháp tổ chức đàm phán bốn bên theo công thức Normandie gồm Pháp, Đức, Nga, Ukraina trong những tuần tới đây. Thế mà sự kiện Nga bị G7 khai trừ là hậu quả trực tiếp của việc chiếm quần đảo Crimée của Ukraina.
Điểm khởi hành của cuộc khủng hoảng này là tổng thống Ukraina Viktor Yanukovitch, thân Nga, bị truất phế, đào tẩu vào ngày 22/02/2014. Căng thẳng giữa phe thân Nga và thân châu Âu leo thang. Tháng 03/2014, tại Crimée, nơi đa số dân cư nói tiếng Nga, phe thân Matxcơva tổ chức trưng cầu dân ý trong bối cảnh bị Ukraina và châu âu xem là « phi pháp ». Kết quả, 96,6% ủng hộ ý kiến hội nhập vào liên bang Nga. Vài hôm sau, 18/03/2014, Matxcơva chính thức hóa quyết định sáp nhập này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama triệu tập hội nghị khẩn cấp tại Hà Lan với 53 nước tham dự, trong đó có Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình, nhân danh tôn trọng « toàn vẹn lãnh thổ » ủng hộ ý kiến trừng phạt Nga. G8 quyết định hủy thượng đỉnh dự trù tại Sotchi vào tháng 6, đổi thành G7 và dời hội nghị năm đó về Bruxelles.
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần nhắc lại thời điểm nóng bỏng này :
« Nguyên do cốt lõi là từ năm 2014, Nga xâm chiếm vùng Crimée của láng giềng Ukraina. Khối châu Âu và Hoa Kỳ quyết định tẩy chay Nga lập tức và tìm cách khống chế Nga lại… và sau đó tiếp tục tẩy chay bởi vì Nga tiếp tế vũ khí cho phe nổi dậy đòi ly khai ở hai vùng (Donbass) chống chính quyền Ukraina. Obama và chính giới Hoa Kỳ rất tức giận vì chính quyền Putin đã công khai chiếm một vùng lãnh thổ của một nước láng giềng và ông Obama nói rằng đó là hành động xâm lăng. Nếu không ngăn chận, Nga có thể tiến tới chiếm lãnh thổ các nước láng giềng khác. Vì vậy tổng thống Obama chấp thuận quyết định của bộ Quốc Phòng Mỹ đưa các loại hỏa tiễn phòng không tối tân sang Ba Lan… »
Khác với Barack Obama có thái độ dứt khoát với Matxcơva và François Hollande khinh khi Vladimir Putin ra mặt, không đối thoại, không tiếp xúc, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp hiện nay, Donald Trump và Emmanuel Macron, có vẻ cởi mở hơn.
Theo nguồn tin của đài truyền hình Mỹ CNN, dường như Donald Trump và Emmanuel Macron hội ý sẽ mời Putin tham dự thượng đỉnh 2020.
Câu hỏi đặt ra là tổng thống Nga chấp nhận nhượng bộ đến đâu để tái hội nhập G7? Chắc chắn là không có chuyện trả lại Crimée.
Cách nay 5 năm, quyết định đình chỉ thành viên Nga « được xem là tạm thời » cuối cùng trở thành dài hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét