Thủ tướng người ta là ông Scott Morrison, người đứng đầu chính phủ Úc, lần đầu thăm Việt Nam từ 22 đến ngày 24/8/2019. Ngày 23/8, sau hội đàm giữa hai bên, thủ tướng Chính phủ Úc cùng thủ tướng nước chủ nhà tổ chức họp báo. Thời gian họp báo không kéo dài, đủ thời lượng loan báo những vấn đề cần biết, và đủ mức biểu lộ đẳng cấp của hai thủ tướng.
Tại cuộc họp báo, thủ tướng nước chủ nhà, ông Nguyễn Xuân phúc, nhìn xoáy vào văn bản được soạn sẵn, đọc một mạch không nghỉ. Thủ tướng Úc “nói bo” từ đầu đến cuối. Không một mẫu giấy trong tay, bài phát biểu của thủ tướng Úc “tuôn trào” từ đầu của ông. Thủ tướng Úc “nói bo” mạch lạc, khúc chiết, âm lượng trầm bổng theo nhịp đập trái tim.
Cuộc họp báo của hai thủ tướng trở thành “đối chứng” phân hạng đẳng cấp quá rõ. Hai thủ tướng trong vai “thí sinh” còn số đông công chúng của VTV đóng vai ban giám khảo, câu trả lời sáng tỏ như mặt trời giữa trưa nắng hạ, kẻ mắc bệnh thiên vị cũng không thể nói trái sự thật.
Phát biểu bằng đọc là “xài” sản phẩm của người khác, người đọc không gieo mà gặt. Phát biểu bằng “nói bo” là tự mình gieo trồng để có thu hoạch, là “tiêu dùng” sản phẩm của mình tạo ra.
Công chúng tiếp nhận thông tin từ đọc và nói với hai trạng thái trái ngược. Nghe đọc, ở đâu cũng đọc, đi đâu cũng đọc, tạo ra sự nhàm chán, thậm chí dư luận gọi đó là “máy đọc”.
Tiếp nhận thông tin từ “nói bo” hấp dẫn hơn nhiều, bởi ngôn ngữ nói vừa giàu sức sống, vừa đậm phong cách cái tôi của chủ thể. Âm hưởng, sắc mặt người “nói bo” và người cúi cổ cầm giấy đọc có thần thái khác biệt như là, một bên là rượu nguyên chất thơm lừng, một bên là nước tráng nồi nấu rượu ôi thiu.
“Nói bo” thay cho đọc, không chỉ thể hiện đẳng cấp, mà còn giảm bộ máy hầu hạ quan chức. Chính khách nghĩ ra để nói, loại bỏ cả dàn giúp việc, giảm biên chế, bớt tiêu tốn tiền thuế của Dân.
Sẽ là tuyệt vời nếu “đảng ta” đưa ra quy định bắt buộc: Đã làm quan, nhất là tầng lớp chính khách, khi phát biểu, kể cả trong và ngoài nước, chỉ nói chứ không đọc. Những ai làm quan, trước hết là quan đầu triều, hãy thể hiện sự tự trọng bằng cách không “xài” sản phẩm của người khác, duy trì thói quen biến “sản phẩm” của thuộc cấp thành của mình, lại càng tệ, đáng bị coi khinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét