Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

15730 - Việt Nam có nên phát triển điện hạt nhân?




Nhà máy điện hạt nhân Ignalina được chụp tại Visaginas, Litva. Ảnh chụp hôm ngày 31 tháng 7 năm 2019.
Nhà máy điện hạt nhân Ignalina được chụp tại Visaginas, Litva. Ảnh chụp hôm ngày 31 tháng 7 năm 2019. AFP




Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp phát triển bền vững là tiêu đề của Diễn Đàn Năng Lượng Việt Nam, diễn ra ngày 21 tháng Tám vừa qua. Phát biểu tại diễn đàn, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa Học- Công Nghệ, ông Nguyễn Quân, cho rằng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị phương án, dù là xấu nhất, cho phát triển điện hạt nhân.
Cần nhưng chưa phải lúc…
Qua phân tích của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quân, được báo chí trong nước trích dẫn lại, dù Việt Nam đã quyết định dừng dự án điện hạt nhân song đến lúc này vẫn chưa tìm ra công nghệ nào có thể thay thế điện hạt nhân một khi nguồn năng lượng truyền thống cạn đi.
Theo ông Nguyễn Quân, do các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều than đá và sắp tới là khí hóa lỏng. Mặt khác, nguồn nhiệt điện từ than và các dự án thủy điện cũng có nhiều vấn đề, một số nơi còn bị người dân phản đối vì gây ô nhiễm môi trường cùng những tác động khác.

Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời, điện gió thì hiệu quả thấp mà lại không ổn định nên khó có thể trông cậy vào nguồn năng lượng tái tạo. Với những phân tích đó, ông Nguyễn Quân khẳng định, về lâu về dài Việt Nam vẫn phải nghĩ đến việc phát triển điện hạt nhân.
Điện hạt nhân là đề tài được nhắc đến và gây tranh cãi nhiều lần ở Việt Nam mấy chục năm trước chứ không đợi tới giờ này. Trong một lần trao đổi với đài Á Châu Tự Do, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ, cho biết:
Việt Nam từng dự định làm điện hạt nhân nhưng cuối cùng Quốc Hội quyết định ngưng vì sự thật là đến nay điện hạt nhân vẫn là thứ không bảo đảm an toàn.
Quan điểm mới nhất về phát triển điện hạt nhân của nguyên bộ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Nguyễn Quân được viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Vương Hữu Tấn, lý giải rằng mặc dù cũng có lúc nước này nước kia có ý kiến này ý kiến khác nhưng điện hạt nhân vẫn là xu thế chung và vẫn đang được thực hiện tại một số quốc gia trên thế giới:
Bởi theo báo cáo của IEA Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế thì xu thế điện hạt nhân vẫn tăng trưởng chứ không phải là không phát triển. Đặc biệt các cường quốc lớn vẫn phát triển điện hạt nhân và rất gần Việt Nam là Trung Quốc thì họ cũng đang có một chương trình rất mạnh về phát triển điện hạt nhân.
Cho nên có thể nói dù có trao đổi thảo luận thế nào ở trong nước thì tôi nghĩ cái xu thế điện hạt nhân cũng quay trở lại Việt Nam bởi vì nhu cầu năng lượng là cần thiết, các dạng năng lượng khác thì không thể giải quyết được bài toàn cho nhu cầu phát triển của đất nước. Tôi có quan điểm như vậy.
Về nhận định của ông Nguyễn Quân là các nguồn năng lượng truyền thống ở Việt Nam đang cạn kiệt dần, tiến sĩ Vương Hữu Tấn đồng ý chuyện này đang xảy ra:
Tôi nghĩ cũng đúng bởi vì ở Việt Nam thì những thủy điện lớn đã khai thác hết rồi, bây giờ nhiệt điện như dầu khí hay than mình cũng không đủ, đặc biệt than thì ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất khó giải quyết. Thế còn các năng lượng tái tạo như gió, mặt trời thì tiềm năng thì lớn nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng thì hạn chế, giá thành lại đắt nên là cũng khó. Ngay cả khi phát triển điện tái tạo thì vẫn phải có nhà máy nhiệt điện chạy song hành để khi không có mặt trời hay không có gió thì phải ó cái gì bù vào đấy.
Tuy vậy, tiến sĩ Vương Hữu Tấn cũng đưa ra những cân nhắc hơn thiệt về điện hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia, ông giải thích thêm:
Ở các nước trong khu vực đang phát triển điện hạt nhân và vẫn cạnh tranh được như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì tôi nghĩ Việt Nam cũng thế thôi. Thí dụ như Bangladesh cũng đang xây với Nga. Tất nhiên  phải có  hiệu quả kinh tế người ta mới làm chứ không hiệu quả chẳng ai dại mà làm cả, đấy là điều chắc chắn. Điện hạt nhân sẽ là nguồn cung cấp điện ổn định, giá cả cạnh tranh được, hiệu suất của điện hạt nhân rất cao. Với cùng một khấu xuất về nhà máy điện, nhiệt điện hay thủy điện thì nhà máy điện hạt nhân tạo sản lượng lớn hơn rất nhiều. Đấy là hiệu quả tốt. Phát triển điện hạt nhân gắn với phát triển ngành công nghiệp của một quốc gia. Hàn Quốc khi phát triển điện hạt nhân thì công nghệ máy móc, hóa chất và cơ khí của họ cũng phát triển lên. Đấy là hiệu quả nhãn tiền của một Hàn Quốc ở rất gần Việt Nam.
Việt Nam có khiển được “con quái thú”?
Đứng ở góc độ vĩ mô thì có nhiều cái lợi khi quốc gia phát triển điện hạt nhân vì đó là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, khâu chuẩn bị, như đối với Việt Nam, là câu chuyện rất khó và phức tạp. Bởi lẽ theo tiến sĩ Ngô Đăng Nhân nguyên cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ Và Hạt Nhân ,Việt Nam muốn phát triển điện hạt nhân sẽ gặp phải một vấn đề hết sức quan trọng là vấn đề an toàn, ông phân tích:
An toàn trong vận hành nhà máy điện hạt nhân là một vấn đề then chốt, nhưng để đảm bảo được chuyện đó phải vô cùng khó khăn. Bởi vì từ trước tới nay người ta đều nói điện hạt nhân là rẻ, nhưng sau những thảm họa về điện hạt nhân, nghĩa là sau này chứ trước thì không tính, sau này thì sức đầu tư của nó độ khoảng 3000-3500 Đô/Kw thì người ta phải nâng cao mức độ an toàn thì sức đầu tư có thể tăng gấp 2,5 lần. Vì thế chuyện đầu tư điện hạt nhân mà gọi là rẻ hơn than, rẻ hơn chỗ này chỗ kia là đã quá cái ngộ nhận đó rồi.
Với vấn đề này, ngay khi đề cập đến những lý do nên và cần phát triển điện hạt nhân cho Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học- Công Nghệ Nguyễn Quân cũng nhắc đến việc Nhật Bản phải đóng cửa nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2010, nhưng ông vẫn tin rằng Nhật sẽ phải trở lại dự án với mức độ an toàn và hiệu quả cao hơn.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Brazil.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Brazil. AFP
Trở lại với Việt Nam, ông Nguyễn Quân cũng nhìn nhận vì thiếu nhân lực và nguồn lực, Việt Nam chưa có cơ sở nào có thể sản xuất điện hạt nhân một cách bền vững. Tiến sĩ Ngô Nhật Đăng giải thích vấn đề một cách chuyên môn và thận trọng hơn:
Đầu tư làm điện hạt nhân thì một trong những điều vô cùng quan trọng là vấn đề xây dựng, vấn đề thiết bị, vấn đề đào tạo, vấn đề luyện tập chuẩn bị đối phó sự cố. Tất cả những chuyện đó đều phải nghiêm túc, chặt chẽ. Nếu tiền đầu tư không rơi đầy đủ vào những chỗ cần thiết mà lại tuột vào chỗ nào đó thì thực sự chuyện an toàn không đảm bảo. Ở những chỗ khác khi mất an toàn thì có thể tìm cách này cách khác để xử lý, nhưng ở điện hạt nhân thì thời gian đó tính bằng giây, đã xảy ra thì khó lòng mà kiềm chế.
Tiến sĩ Ngô Đăng Nhân nhấn mạnh ông không ủng hộ cũng không chống đối chuyện phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vì đó là trách nhiệm quyết định của lãnh đạo. Tuy nhiên, với kiến thức về sự vận hành, về mức độ an toàn của việc sản xuất điện hạt nhận, ông nhìn nhận ở một góc độ khác để ví von rằng đầu tư điện hạt nhân giống như nuôi một con quái thú ở trong nhà, bởi vì theo ông:
Nếu không khống chế được nó một cách chặt chẽ thì lập tức nó trở thành nỗi kinh hoàng đối với người nuôi con quái thú đó. Dù hiện nay nguồn năng lượng của Việt Nam thiếu, phải mua của Trung Quốc và các nơi khác nhưng nếu để làm điện hạt nhân thì phải có một đội ngũ tinh tường, được đào tạo đầy đủ. Những việc như thế này không thể dựa hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài mà phải dựa vào chính mình. Một  đội ngũ chuyên gia có khả năng và kinh nghiệm như chuyên gia nước ngoài để thực sự có thể điều hành công việc thì Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng.
Nhìn lại nhận định của tiến sĩ Nguyễn Quân tại Diễn Đàn Năng Lượng Việt Nam hôm 21 tháng Tám, trong đó ông có đề nghị Bộ Công Thương nên sớm xây dựng trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân do Liên Bang Nga giúp đỡ, nhằm thay thế lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt. Ông kỳ vọng đây sẽ là nơi đào tạo cán bộ ngành hạt nhân cho Việt Nam.
Nói về lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, trước 1975 được gọi là Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt, rồi đến nhà máy điện hạt nhân sau này ở Ninh Thuận, Tiến sĩ Ngô Đăng Nhân cho biết:
Từ những năm 60 thì Mỹ có xây dựng một lò phản ứng 250 kilôwatt tại thành phố Đà Lạt. Sau này từ năm 80 thì phía  Liên Xô cũ giúp ta khôi phục lại. Năm 84 thì lò chạy được và hoạt động hiệu quả, nó sản xuất đồng vị phóng xạ, nó nghiên cứu và đẩy mạnh những ứng dụng trong ngành kinh tế và kỹ thuật. Tôi cho rằng như thế thì nó cũng xứng đáng là một sự đầu tư của Nhà Nước, ở đấy cũng đào tạo được một lượng cán bộ phải nói rất giỏi nhưng chỉ trong lãnh vực liên quan đến lò phản ứng nghiên cứu. Còn trong lò phản ứng chạy điện, tức lò phản ứng năng lượng, thì hầu như không có chuyên gia. Bọn tôi là những người được đào tạo chung chung về hạt nhân, còn đào tạo chính thống về lò phản ứng năng lượng thì có thể nói rằng vô cùng ít.
Với Nhà máy hạt nhân ở Ninh Thuận sau này thì sao, vẫn lời nguyên cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ Và Hạt Nhân Ngô Đăng Nhân:
Sau này ở Ninh Thuận dự kiến làm một nhà máy điện với Nga, cũng đã xây dựng một phần hạ tầng ở đấy, nhưng những năm sau thì các nhà lãnh đạo đề nghị không làm nữa. Thế nên nhà máy làm với Nga và một phần với Nhật ở Ninh Thuận sau này bị cắt bỏ. Hiện đang có dự kiến làm thêm một lò phản ứng nghiên cứu nữa ở Đồng Nai. Đấy là những thông tin mà tôi có thể trao đổi.
Tóm lại, theo tiến sĩ Ngô Đăng Nhân, nhà máy điện hạt nhân tuy có phức tạp và có tốn kém nhưng trong góc độ môi trường thì vẫn được coi là an toàn với điều kiện:
Trong trường hợp không có sự cố, không có sự phát tán phóng  xạ từ lò phản ứng nghiên cứu hay lò phản ứng năng lượng ra ngoài thì bản thân nó là một nơi an toàn bởi vì lượng chất thải, thải ra theo đường gió hoặc đường nước mà được khống chế một cách chặc chẽ .
Nếu làm đúng tất cả các qui trình, nếu hoạt động tốt và bảo đảm  thì phóng xạ sẽ không ra khỏi khu vực và câu chuyện là hầu như không ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng một khi bị sự cố thì nó kinh hoàng, tôi đã nói nó như một con quái thú trong nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét