Trao đổi với ông Nguyễn Quốc Khánh, hiện đang công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SGB) về câu chuyện ‘nhà băng lời, dù nợ xấu tăng’. “Tôi trao đổi tư cách cá nhân, không liên quan tới SGB, vì tài chính ngân hàng luôn là lãnh vực nhạy cảm”. Ông Khánh ‘rào trước đón sau’ như vậy.
* Giờ là mùa công bố báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo như những gì đăng tải trên báo chí và cả trang web của ngân hàng, thì nửa năm vừa qua, nhiều nhà băng lãi lớn và nợ xấu cũng tăng. Liệu có gì mâu thuẫn?
+ Ông Nguyễn Quốc Khánh: Phân tích nợ xấu phải nhìn vào việc trích lập dự phòng để biết bản chất nợ xấu thực và có thể lợi nhuận dự phòng. Nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và có nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 tức nợ quá 360 ngày. Nói chung là phức tạp, khó giải thích tường tận ở đây.
Cho dễ hiểu, đêm thứ Bảy 3-8-2019 rồi, coi trực tiếp truyền hình trên VTV8 đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam - Miss World Vietnam 2019 diễn ra ở Đà Nẵng với 39 cô gái từ cả nước đã vượt qua các vòng loại, một ông bạn của tôi bình phẩm: “Việt Nam gái đẹp nhiều như nợ xấu”.
Về tổng thể, cá nhân tôi thấy rằng hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
* Vì sao lại không bán nợ xấu cho VAMC để có thể đạt một báo cáo tài chính với những con số đẹp?
+ Ông Nguyễn Quốc Khánh: VAMC mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm. Hết 5 năm, các khoản nợ xấu do VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt vẫn không xử lý được sẽ bị trả lại cho các ngân hàng.
Kể từ cuối năm 2018, những đợt trái phiếu đặc biệt đầu tiên do VAMC phát hành vào cuối năm 2013 đã bắt đầu đáo hạn. Nợ xấu chưa được xử lý cũng bắt đầu quay trở lại bảng cân đối của các ngân hàng. 2019 là năm mà số trái phiếu VAMC phát hành năm 2014 đáo hạn. Đây có thể là một nguyên nhân khiến cho nợ xấu của các ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại.
Cách xử lý nợ xấu của VAMC chỉ mới đặt nợ xấu sang một bên, hiện tại cả người gửi tiền và người vay tiền đều đang phải gánh nợ xấu của ngân hàng. Phía ngân hàng buộc vẫn phải để ra một khoản dự phòng cho khoản nợ xấu đó.
Lý thuyết cho biết một khi việc xử lý nợ xấu càng chậm, thì chi phí phải trả càng lớn, số lượng doanh nghiệp phá sản càng nhiều và tiến trình phục hồi kinh tế càng khó khăn.
* Có ý kiến, năm nay hai khoản nợ lớn tồn tích vào hai năm 2017 và 2018 là tín dụng cho các nhà đầu tư cá nhân vay để đầu cơ chứng khoán và đầu cơ bất động sản, phải được các ngân hàng thu hồi để giải quyết cho khoản mục ‘Dư nợ cho vay có khả năng mất vốn’. Ông đánh giá gì về vấn đề này?
+ Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trả lời vấn đề này cần đi sâu chút về chuyên ngành rồi. Việc bán tài sản thế chấp là tài sản gắn liền với đất khi xử lý thế chấp cho chuyện nợ xấu, về bản chất cũng chính là một cách thức doanh nghiệp thuê lại đất có kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp bán tài sản gắn liền với đất của mình.
Tuy vậy, tính chất đặc thù của việc thuê đất trong khu công nghiệp nằm ở chỗ doanh nghiệp thuê lại đất từ chủ đầu tư, chứ không phải thuê trực tiếp từ Nhà nước nên có vẻ quy định nêu trên của Luật đất đai 2013 hay của Nghị định 43 [*] không mặc nhiên được áp dụng.
Tôi nghĩ rằng khó có thể phủ nhận bất động sản được sử dụng làm tài sản bảo đảm thường có giá trị lớn, gắn với bên có nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, vì các loại tài sản này có sự biến động về giá trị rất nhanh, nên không ít trường hợp giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản vay, dẫn tới việc xử lý tài sản bảo đảm không còn nhiều ý nghĩa. Đặc điểm này dẫn tới nhiều khoản vay được duy trì thay vì bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhiều khi cũng từ nguyên do đó.
Ngoài ra với quy định đất đai là sở hữu toàn dân nên mang bất động sản ra làm tài sản bảo đảm cho các hợp đồng vay vốn, những rủi ro hoàn toàn nằm trong dự liệu của việc mai này rất khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm đó.
* Xem ra mọi chuyện vẫn chưa có hướng ra. Có lẽ nhìn từ góc độ quản trị, cần thẳng thắn chỉ rõ ra rằng xuất phát trước tiên từ những yếu kém về quản trị quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hàng loạt vụ án như Vinashin, Vinalines, hay 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ, đắp chiếu... là một số ví dụ điển hình…
+ Ông Nguyễn Quốc Khánh: Về riêng tư, tôi chia sẻ câu nhận xét đó của nhà báo. Mọi chuyện cũng khó. Hồi được đào tạo chuyên ngành về ngân hàng ở nước ngoài, họ đâu biết gì về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên lý thuyết tài chính với anh em tụi tôi khi về áp dụng ở Việt Nam, đành phải biết nhập gia tùy tục.
Nhắc lại, những trò chuyện nãy giờ là trên quan điểm cá nhân, không phải trên cương vị của một cán bộ đang làm việc tại ngân hàng. Nói thêm, tôi tin ở nợ nhóm 5 hiện nay đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Do đó, nếu sau này chuyển được nhóm nợ được thu hồi thì khoản trích lập dự phòng đương nhiên có thể tính thành lợi nhuận ngân hàng.
* Cảm ơn ông.
O Chú thích:
[*] Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, được sửa đổi, bổ sung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét