Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

15308 - Lịch sử thăng trầm và đầy bi kịch của Phật giáo Hòa Hảo



Quang cảnh làm lễ của các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo tại Hội Quán PGHH, Santa Ana, California, Mỹ. Ảnh: hoahao.org


Nếu một lần đến tỉnh An Giang (đồng bằng sông Cửu Long) có thể bạn sẽ ngạc nhiên về cách thờ Phật của một số gia đình ở đây. Theo đạo Phật nhưng họ không thờ tượng hay tranh vẽ mà thay vào đó là một tấm gỗ sơn màu đỏ đậm, đặt trang trọng ở giữa bàn thờ. Nếu chịu khó để ý, bạn sẽ thấy những người mặc áo nâu, tóc búi cao, thờ cúng hết sức tối giản tại nhà – không gõ mõ tụng kinh mà chỉ cúng Phật bằng hoa, nhang đèn và nước lã.
Đó là những tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo (từ đây viết tắt là “PGHH”). Một tôn giáo dựa trên nền tảng của đạo Phật nhưng cách hành đạo lại hoàn toàn khác biệt với các pháp môn khác.
Mang đến một triết lý thực hành Phật giáo đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh nghèo khó của quần chúng, chỉ một thời gian ngắn khi lập đạo, vị giáo chủ có xuất thân bình thường của PGHH đã làm nức lòng hàng vạn dân miền Tây.
Tín đồ của PGHH không xuống tóc như các pháp môn khác của nhà Phật. Họ cũng không có đền chùa lộng lẫy, uy nga mà khuyên tín đồ tu hành tại nhà, thờ cúng đơn giản, siêng năng làm từ thiện, đơn giản hóa ma chay hiếu hỷ và sống có trách nhiệm với đất nước.


Bản đồ 13 tỉnh miền Tây hiện nay. Đường phân chia tỉnh An Giang có bốn cạnh rõ rệt nên thường được gọi là tứ giác Long Xuyên (tên thành phố ngày nay), có đường biên giới giáp với Campuchia, giao với các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ. Ảnh: Gocnhin.net.

Huỳnh Phú Sổ – một Muhammad của miền Tây

Như chúng ta đã biết, đầu thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn đã nhượng lại toàn bộ phần đất Nam Kỳ cho người Pháp cai trị. Ở vùng đất phía Tây, hầu hết người dân Nam Bộ làm ruộng nhưng phải thuê đất đai đắt đỏ của giới điền chủ khiến dân chúng chịu nhiều cực khổ [1]. Người dân chịu cảnh đói nghèo trong sự áp bức của nền chính trị ưu tiên giai cấp địa chủ do người Pháp lập ra.
Nhiều phong trào nông dân chống Pháp liên tục diễn ra ở vùng đất kênh rạch chằng chịt này. Chính quyền Pháp đã thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ các hoạt động dân sự.
Các tôn giáo thường được sinh ra trong những sự kiện có phần ly kỳ, huyền bí nhưng lại thuyết phục được số đông người dân.
Năm 1940, ở vùng Châu Đốc, người Pháp bắt đầu chú ý đến một người thanh niên bất thường, tuyên bố thành lập PGHH ngay tại nhà và trở thành giáo chủ khi mới 19 tuổi. “Tín đồ đến từ khắp nơi” và những thân hào hàng đầu cũng trở thành môn đồ. [2]
Người thanh niên đó là Huỳnh Phú Sổ, được mô tả là có dáng người thanh mảnh, gương mặt sáng sủa, ăn nói lưu loát.
Trong một bài diễn văn do chính Huỳnh Phú Sổ viết năm 1942 được tông đồ lưu truyền cho đến ngày nay, người thanh niên này nói chính anh đã trải qua nhiều kiếp cứu rỗi nhân dân, kiếp này tiếp tục được Phật cử xuống để “cứu độ chúng sanh”.


Tín đồ Phật giáo Hoà Hảo đến tham dự lễ khai mạc Đại lễ ngày 17/05/1971, kỷ niệm ngày khai đạo. Ảnh: Tổ đình PGHH.

Ban trị sự Trung ương PGHH ghi nhận Huỳnh Phú Sổ lập ra PGHH sau chuyến đi cùng gia đình đến vùng Bảy Núi, thuộc tỉnh An Giang ngày nay, được nhiều người cho là khu vực linh thiêng và cũng là nơi khai sinh ra pháp môn Bửu Sơn Kỳ Hương.
Theo Sấm Giảng, diễn đạt theo lối văn vần gồm hàng trăm câu do Huỳnh Phú Sổ viết, Huỳnh Giáo chủ khẳng định ông là người kế nghiệp của phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Vì vậy, tôn chỉ “học Phật, tu nhân” và nền tảng “Tứ Đại Trọng Ân” (Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo (tức là Phật Pháp Tăng), ân đồng bào và nhân loại) của phái Bửu Sơn Kỳ Hương trở thành giá trị cốt lõi của PGHH.
Trong giao tiếp, Huỳnh Phú Sổ diễn giải mọi thứ dung dị, dễ hiểu nên đạo của ông dễ đi vào lòng quần chúng.
Bài viết “Tôn chỉ hành đạo” là một tài liệu do Huỳnh Phú Sổ viết năm 1945, chỉ trong tầm mười trang giấy, đã khái quát triết lý của đạo và hướng dẫn dân chúng cách sống một cuộc đời tốt đẹp theo quan điểm của ông.
Triết lý của PGHH đã thu hút được những người nông dân cùng cực, nghèo khổ khi mở ra cho họ một cuộc sống tốt đẹp, thực hành đạo Phật ngay trong điều kiện thiếu thốn.
“Tu vô vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo lót
Nay nhằm lúc mùa màng ngập thất,
Vậy hãy mau bỏ bớt dị đoan.
Rán (gắng) giữ gìn luân lý tam cang,
Tròn đức hạnh mới là báu quí.”

Hơn nữa, triết lý của PGHH dung hòa được cuộc sống cá nhân, gia đình và trách nhiệm với dân tộc qua nền tảng “Tứ Ân” khiến người dân càng thấy sự hợp lý để trở thành tín đồ.
“Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô!”

Quan niệm “Tứ Ân” đã đưa Phật Giáo Hòa Hảo nhập thế, vừa gần gũi vừa phù hợp với điều kiện thiếu thốn lúc bấy giờ.
Ngoài khả năng hùng biện, tín đồ PGHH còn truyền tai nhau về tài chữa bệnh hiếm có của Huỳnh Phú Sổ, xem ông là một nhà tiên tri và một người tranh đấu cho nền độc lập của đất nước.

Đấu tranh cho nền độc lập của quốc gia

Năm 1942, Huỳnh Phú Sổ được người Nhật can thiệp để đưa về Sài Gòn tạm lánh sau thời gian bị người Pháp quản chế gắt gao từ năm 1940. Tại Sài Gòn, ông âm thầm liên kết với tín đồ vận động cho nền độc lập của Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với tôn chỉ của đạo và bối cảnh lúc bấy giờ.
Năm 1944, Phật Giáo Hòa Hảo thành lập một lực lượng bán quân sự có tên Bảo An Đoàn nhằm bảo vệ an toàn cho các làng của tín đồ Hòa Hảo ở khu vực miền Tây.


Các chiến sĩ của Phật giáo Hoà Hảo luyện tập võ nghệ vào tháng 7/1948. Ảnh: Tạp chí LIFE.

Với thân thế của Huỳnh Phú Sổ và số lượng giáo dân đông đảo, PGHH có tiếng nói đáng kể đối với phong trào vận động độc lập ở miền Nam. Nhằm tạo tiếng nói chính trị đối với xã hội, năm 1946, Huỳnh Phú Sổ cùng với một số trí thức thành lập Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng – gọi tắt là đảng Dân Xã.
Thời gian đầu, ngoài liên kết với các tổ chức tôn giáo, chính trị khác, PGHH còn liên kết với Việt Minh để vận động độc lập cho Việt Nam. Tuy nhiên, không lâu sau đó lại xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa hai lực lượng này.
Cũng từ mâu thuẫn này dẫn đến sự mất tích bí ẩn của Huỳnh Phú Sổ. Ngày 16/4/1947, Huỳnh Phú Sổ mất tích trong một cuộc họp dàn xếp giữa xung đột giữa Việt Minh và PGHH tại vùng Đồng Tháp Mười. Đến nay, lịch sử vẫn chưa làm rõ về vụ mất tích này.
Theo một bài báo của tác giả Nguyễn Văn Trần đăng trên tờ báo hải ngoại Việt Báo Online năm 2016, tác giả đã trích một bức thư liên quan đến PGHH và Huỳnh Phú Sổ được lưu trữ của Trung tâm Lưu Trữ quốc gia IV của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước của Bộ Nội Vụ hiện nay, xác nhận vào ngày 17/4/1947, Uỷ ban Hành chánh Long Xuyên của Việt Minh đang giam giữ Huỳnh Phú Sổ, nhưng không nói rõ họ đã làm gì sau đó.
Đối với tín đồ PGHH, ngày Huỳnh Phú Sổ mất tích đến nay được tín đồ gọi là “ngày đức Thầy vắng mặt” hay “Ngày đức Thầy thọ nạn”.
Theo tác giả Nguyễn Long Thành Nam – người từng hoạt động tích cực trong PGHH và làm việc cho chính phủ Đệ Nhị Cộng hoà, mối hiềm khích giữa PGHH và Việt Minh ngày càng gia tăng sau vụ Huỳnh Phú Sổ mất tích. Một số thành viên của PGHH quay sang hợp tác với Pháp để chống Việt Minh. Theo ông, khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1955, PGHH đã hình thành một lực lượng quân sự tương đối bề thế vì được sự hỗ trợ của người Pháp. Cũng chính vấn đề này mà tiếp đến PGHH đối diện sự trấn áp mạnh mẽ của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm thống nhất về quân sự. 
Sau thời kỳ phân biệt đối xử với các giáo phái của Ngô Đình Diệm, PGHH được củng cố và phát triển dưới thời Đệ nhị Cộng hoà (1967 – 1975). Lúc này, những người phải đi lưu vong vì bị đàn áp dưới thời Ngô Đình Diệm như Nguyễn Long Thành Nam trở về nước để phục hồi PGHH. Cũng trong thời gian này, PGHH phân chia thành hai phái: phái mới do Lương Trọng Tường và phái cũ Huỳnh Văn Nhiệm đứng đầu. Đến năm 1972, xuất hiện một phái khác do Lê Quang Liêm tách ra từ phái cũ. Tuy chia tách nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH.


Tín đồ Phật giáo Hoà Hảo đến tham dự lễ khai mạc Đại lễ ngày 17/05/1971, kỷ niệm ngày khai đạo. Ảnh: Tổ đình Phật giáo Hoà Hảo.

Đến năm 1975, ngoài các hoạt động tôn giáo thuần tuý rất phát triển, các nhóm PGHH còn điều hành sáu trường trung học phổ thông, một viện đại học và hai bệnh viện.
Tuy nhiên, sau biến cố 30/4/1975, bức tranh tôn giáo sôi nổi ở miền Nam trở nên u tối dưới quyền lực của phe thắng cuộc.

Bức tranh đen tối sau biến cố 30/4

Kể từ ngày Huỳnh Phú Sổ mất tích, tín đồ PGHH đã quyết liệt chống Việt Minh cho nên tình hình hoạt động của đạo này bị cấm hoàn toàn sau ngày 30/4/1975.
Tác giả Nguyễn Long Thành Nam đã dẫn một bài báo đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng ngày 9/8/1975 để nói về chính sách của chính quyền sau biến cố 30/4 đối với PGHH.
Phần trích nguyên văn của bài báo đã gọi những lãnh đạo của PGHH Lương Trọng Tường và Huỳnh Văn Nhiệm là “phản đạo, phản nhân dân, phản cách mạng”. Bài báo đó còn mô tả về một cuộc họp kéo dài ba ngày của các cấp trị sự PGHH ở huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ và kết thúc bằng cuộc mít tinh tuyên bố giải tán Ban trị sự, Ban chấp hành Dân Xã Đảng, các tổ chuyên môn của PGHH cũng như các tổ công tác xã hội,… để người dân không còn tụ họp nữa.
Tác giả này cũng dẫn một bài báo khác dịch sang tiếng Việt từ Thời báo Los Angeles (đăng vào năm 1978) ghi rằng các lãnh tụ Hòa Hảo hay tín đồ có tham gia chính trị đều bị đưa đi các trại cải tạo.
Tháng 12/1998, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, ông Abdelfattah Amor đã công bố báo cáo của mình sau chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 10/1998. 
Trong báo cáo này, báo cáo viên nói mình không thể gặp tín đồ của PGHH dù là gặp chính thức hay riêng tư. Nguồn tin không phải của nhà nước gửi cho ông nói rằng sau biến cố 30/4/1975, chính quyền đã cho đóng cửa toàn bộ hơn 3,500 ngôi chùa của PGHH và khoảng hơn 5,000 nơi thờ cúng, tổ sinh hoạt xã hội và văn hóa PGHH.
Ông kết luận các tổ chức tôn giáo (Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Hồi Giáo) không thể thành lập và hoạt động độc lập với chính quyền. Sự tồn tại của các tổ chức tôn giáo có đăng ký tại thời điểm đó mang tính công cụ nhằm quản lý xã hội hơn là thực thi quyền tự do tôn giáo của người dân.
Đến năm 1999, PGHH cơ bản chia thành hai phái. Một phái được chính quyền cấp giấy phép hoạt động là Giáo hội PGHH, có trụ sở tại An Hòa Tự đặt tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Nhiều tín đồ PGHH không tham gia phái này vì cho rằng ban trị sự bị chính quyền điều khiển, không hoạt động đúng với tôn chỉ của đạo.
Phái còn lại không được chính quyền công nhận là PGHH “chính thống”, có trụ sở tại Tổ đình PGHH cách An Hòa Tự chưa đến 3 km. Những hoạt động của tín đồ PGHH độc lập đều bị ngăn cấm.
Tháng 8/1999, trang tin hải ngoại Việt Báo Online đưa tin về một cuộc tranh cãi giữa hai phái PGHH ở tỉnh An Giang. Vụ việc liên quan đến việc Giáo hội PGHH là tổ chức tôn giáo được chính quyền công nhận, có thể tổ chức những buổi lễ công khai nhưng họ lại không tổ chức “ngày đức Thầy thọ nạn” và đọc bài giảng trong các ngày lễ.


Tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Bùi Văn Trung trong phiên tòa sơ thẩm ngày 9/2/2018 tại TAND tỉnh An Giang. Ông Trung bị tuyên án sáu năm tù giam cùng 5 tín đồ PGHH khác bị phạt tù giam từ 2 đến 6 năm cùng vì tội gây rối trật tự nơi công cộng. Ảnh: RFA.

Năm 2014, Việt Nam tiếp tục mời báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tới làm việc để đánh giá về tình hình tự do tôn giáo. Báo cáo của báo viên đặc biệt tiếp tục cho thấy tình hình đàn áp tín đồ PGHH độc lập không thay đổi đáng kể. Tín đồ PGHH độc lập vẫn bị cản trở tự do, theo dõi, bắt bớ, đánh đập và bị tù đày.
Hằng năm, Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đối với Việt Nam luôn luôn đề cập đến những vụ sách nhiễu của chính quyền đối với tín đồ PGHH độc lập và giới hạn hoạt động của PGHH nói chung. Bản báo cáo năm 2012 ghi nhận chính phủ chỉ cho phép xuất bản 5/10 cuốn giáo lý của PGHH và không cho phép đọc các bài viết của Huỳnh Phú Sổ nơi công cộng. Ngoài các cáo buộc về đàn áp tín đồ PGHH độc lập, Bản báo cáo năm 2018 ghi nhận rằng chính quyền vẫn tiếp tục cấm tín đồ PGHH kỷ niệm các ngày lễ liên quan đến cuộc đời của Huỳnh Phú Sổ.

Tài liệu tham khảo:
[1] Việt Nam thời Pháp đô hộ, Nguyễn Thế Anh, Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ, trang 227.
[2] Về nguồn gốc lịch sử của Phật giáo Hòa Hảo, Pascal Bourdeaux, Đặng Thế Đại dịch. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét