Dân Biểu Justin Amash (Michigan) hôm 4 Tháng Bảy, 2019, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng Hòa, là người thường xuyên chỉ trích Tổng Thống Donald Trump. Ông có thể tranh cử tổng thống như một người ngoài đảng, và sẽ lấy bớt phiếu của ông Trump. (Hình: Bill Pugliano/Getty Images)
Đi vào tranh cử 2020 phía Cộng Hòa, tổng thống tại chức Donald Trump mang lợi thế lớn về quyền lực, tiền ủng hộ và không có cạnh tranh thật sự từ người cùng đảng. Cựu Thống Đốc Massachusetts, ông Bill Weld, muốn thách đố ông Trump nhưng ít người biết đến. Cựu Thống Đốc South Carolina, ông Mark Sanford, cũng muốn tranh cử nhưng không mấy triển vọng.
Dân Biểu Justin Amash có thể là đe dọa cho ông như một ứng viên theo lương tâm. Sau khi đọc kỹ “Báo Cáo” của Công Tố Viên Robert Mueller ông Amash đòi bãi nhiệm ông Trump, rồi bỏ đảng mình đổi sang “độc lập.” Không còn là Cộng Hòa tháng trước, ông có thể tranh cử tổng thống như một người ngoài đảng, và sẽ lấy bớt phiếu của ông Trump từ những người Cộng Hòa truyền thống vẫn không chấp nhận ông Trump.
Ông Trump: bản cũ soạn lại
Nếu không ai chính thức ra mắt, ông Trump sẽ không phải qua chặng tranh cử sơ bộ với người cùng đảng; ông một mình đi thẳng vào tranh cử 2020 với lợi thế hơn đối thủ Dân Chủ. Nhưng ông Trump đã cho thấy dù được lợi điểm kinh tế đi lên, ông nhất quyết chỉ làm tổng thống cho nhóm cử tri “trung kiên/base” (và, kín đáo hơn, giới tý phú thủ lợi tối đa với ông).
Ông vẫn dùng lá bài tranh cử cũ: Khai thác sợ hãi, nghi kỵ, ghét bỏ và chia rẽ dựa vào màu da, chủng tộc và tôn giáo của “base” da trắng nhỏ bé (gồm người ít học, lớn tuổi, lợi tức thấp và đầy kỳ thị) – và thêm giúp đỡ từ ngoại bang như ông công khai kêu gọi – để làm bàn đạp đi đến thắng cử sát nút.
Từ đầu tuần giữa tháng, ông liên tục đòi đuổi bốn nữ dân biểu Dân Chủ tiến bộ da màu, “Cút khỏi nước Mỹ!” – một xúc phạm mang nặng ý nghĩa kỳ thị mà người Mỹ da màu hoặc di dân thường là nạn nhân. Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thông qua nghị quyết lên án những lời của ông “chính danh hóa sợ hãi và ghét bỏ người Mỹ mới và da màu.” Bà cũng chế diễu khẩu hiệu tranh cử của ông là “Làm Cho Nước Mỹ Trắng Trở Lại.”
Thứ Tư sau đó, tại mít-tinh ở North Carolina, ông Trump lập lại cách tấn công vào đối thủ Hillary Clinton. Ông đưa ra những hạch tội gay gắt “không yêu nước Mỹ” của bốn dân biểu (gồm ba người sinh đẻ ở Hoa Kỳ cùng bà Ilhan Omar gốc Somalia, Phi Châu và Hồi Giáo) bất đồng ý kiến về những gì ông làm và đòi bãi nhiệm ông.
Khi nhóm “base” điên cuồng lên rồi hò hét đồng nhịp “Đuổi nó về nước!” ông đứng im “13 giây tận hưởng” những hò hét độc ác và hoan nghênh mình – không khác gì năm 2016 khi ông và nhóm “base” liên tục hét hò đòi “bỏ tù” bà Clinton trong các mít-tinh. Ông bị cả hai đảng chống đối vì đây quá rõ ràng là xách động kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, và vi phạm tự do ngôn luận của bốn dân cử. Những đồng minh của ông vội tránh xa, lo sợ mình và đảng Cộng Hòa từ nay bị dính liền với nhãn hiệu này; tuy nhiên, không ai lên án ông là kỳ thị.
Báo giới nhận ra “mánh khóe” độc địa và nguy hiểm được lập đi lập lại: Ông Trump thường khuấy động chính trị bằng ngôn ngữ hay hành động (hợp pháp lẫn bất hợp pháp) lấy ủng hộ của “base,” và gây mâu thuẫn gay gắt về chủng tộc, màu da, tôn giáo. Khi gặp phản ứng mạnh ông dùng dối trá để tránh tội hay đổ tội cho nạn nhân hoặc đối thủ, cùng báo chí vạch mặt mình. Đây lại khiến nhóm “base” thêm oán ghét nạn nhân, đối thủ, và báo chí mà ông gọi là “kẻ thù của dân chúng.” Sau đó, ông quay ngược và lập lại những gì đã chối – như Thứ Sáu cuối tuần lễ giông bão ông lại khen ngợi nhóm “base” là “cực kỳ ái quốc,” sau khi chối mình không hề thúc đẩy đám đông, và “không hài lòng về những hò hét” đe dọa những người không đồng ý với ông.
Đi vào 2020, ông Trump tiếp tục tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, thù ghét nhau – trấn ngự tin tức và khiến đối thủ phải bỏ qua một bên những tranh luận về chính sách, đường lối và kế hoạch. Ông có lý do để làm chuyện này: Nắm quyền chủ động về đề tài tranh cử (di dân) mà ông nghĩ mình có lợi thế, và che giấu thành quả chính trị nhiệm kỳ đầu trong đó phần lớn chính sách trong và ngoài nước đều bị bế tắc hoặc không mang mấy kết quả (từ mậu dịch đến an ninh, ngoại giao, và di dân). Thời điểm vụ “kỳ thị di dân và người nhập tịch” cũng đúng vào thời gian đáng lẽ ông Mueller điều trần khiến báo chí nghi ông cũng muốn dùng mít-tinh đáng lạc hướng dư luận về xì-căng-đan tỉ phú Jeffrey Epstein, “bạn ăn chơi” với ông từ thời 1980 ở New York và Florida, lại bị bắt vì thêm tội nặng về ấu dâm.
“Người chứng miễn cưỡng” Mueller
Từ giữa năm 2017, cột báo này đã liên tục trình bày về (a) Nga xen vào tranh cử 2016 giúp ông Trump thành tổng thống, và (b) các nỗ lực sau đó của tổng thống ngăn trở những điều tra về việc này. Đây bắt đầu với “Điều tra Mueller,” sau việc ông Trump cách chức Giám Đốc FBI James Comey vì ông này không chịu bỏ điều tra về liên hệ Trump-Putin. Phía Dân Chủ nắm đa số Hạ Viện nay đưa trát đòi ông Mueller (Cộng Hòa) ra điều trần “sống” để qua lời ông dân chúng hiểu rõ hơn.
Ngày 24 Tháng Bảy, ông Mueller đã miễn cưỡng ra trước Hạ Viện điều trần. Một “người quân tử nghiêm túc,” ông cho biết trước là sẽ không đi ra ngoài “Báo Cáo” đã bị Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr xuyên tạc tha hết tội cho tổng thống. Suốt 25 năm trong Bộ Tư Pháp, ông tránh làm “con cờ” cho đảng phái, và đây phản ánh qua bảy tiếng trước hai ủy ban Hạ Viện.
Ngay từ đầu Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Jerrold Nadler đặt câu hỏi và đưa ông Mueller tới khẳng định mình không kết luận tổng thống trắng tội như ông Barr xuyên tạc; ông cũng xác định tổng thống sẽ bị buộc tội “ngăn trở công lý” một khi không còn tại chức vì chính sách của Bộ Tư Pháp không cho phép buộc tội tổng thống tại chức.
Báo cáo đã nêu rõ hơn 10 lần ông Trump ngăn trở điều tra bằng cách triệt hạ người điều tra mình, khai gian, lung lạc, ngăn cản nhân chứng khai sự thật về mình. Ông Mueller không đủ thời gian để phỏng vấn tổng thống, đành phải dùng câu hỏi viết, và đã không bằng lòng với những trả lời “sơ sài và không thật thà.”
Ông đồng ý với Dân Biểu Ted Lieu về việc tổng thống nhờ cựu chủ tịch tranh cử làm áp lực bộ trưởng Tư Pháp giới hạn điều tra về mình. Ông khẳng định tổng thống áp lực Luật Sư Tòa Bạch Ốc Donald McGahn cách chức mình; về sau lại phải viết văn thư phủ nhận chuyện này. Ông McGahn đã từ chức và bị tổng thống cấm điều trần, vì đây là bằng chứng nguy hiểm nhất cho ông Trump về “ngăn trở công lý.”
Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Adam Schiff nhấn mạnh vào liên hệ giữa Tranh Cử Trump với Nga – “áp dụng những tin tức cung cấp bởi tin tặc vào chiến lược tranh cử” triệt hạ đối thủ Clinton. Ông Mueller xác nhận lời ông Schiff về trao đổi trợ giúp chính trị từ Moscow đổi lấy bỏ “cấm vận Mỹ” giúp giới tỷ phú Nga làm ăn, thêm liên hệ tiền bạc giữa Nga và “gia đình lẫn Tranh Cử Trump” chuyên khai gian.
Đây dễ đưa đến những “hủ hóa,” với Moscow “giật dây những bù nhìn” nằm trong chính quyền Mỹ. Ông xác nhận Moscow “đang xen vào tranh cử 2020 ngay khi chúng ta ngồi đây.” Ông cũng khẳng định, “Tới nay tôi mới thấy nỗ lực Nga xen vào tranh cử 2016 thuộc loại nghiêm trọng nhất.” Dân Biểu Mike Quigley hỏi ông về việc ông Trump ca ngợi, và Tranh Cử Trump liên hệ với WikiLeaks, đưa tin từ tin tặc Nga giúp mình. “Hy vọng và ca ngợi trợ giúp từ ngoại bang là vấn đề lớn, nếu không nói là hành động bất hợp pháp,” ông Mueller trả lời.
Tuy nhiên những điều quan trọng và rõ rệt trên hầu như bị mờ nhạt đi vì thái độ thận trọng của ông Mueller; ông thường trả lời ngắn ngủi, thiếu hào hứng và không gây ấn tượng mạnh. Ông xấp xỉ tuổi 75, tuy bề ngoài còn quắc thước nhưng có vẻ không bắt kịp tốc độ chung quanh mình. Phía Cộng Hòa, không phản đối được những điều rõ rệt trên (từ đầu ông Mueller đã xác định cuộc điều tra có lý do chính đáng, chứ không phải vì phe phái), chỉ tấn công ông là “không chủ động” hay “yếu đuối.”
Báo giới nhận xét điều trần của ông Mueller, tuy rõ rệt về những tội đáng bị bãi nhiệm của tổng thống, không thay đổi mấy ý kiến dân chúng. Một đề nghị là phía Dân Chủ “phải tóm lược Báo Cáo” với những khẳng định của ông trong điều trần – để dân chúng, quen với ti vi và rất lười đọc, tìm hiểu dễ hơn – hoặc ngay cả làm một phim về ông Trump và tranh cử 2016!
Ngay sau điều trần thái độ thận trọng của Chủ Tịch Nancy Pelosi về bãi nhiệm được xem là khôn ngoan vì dư luận dân chúng chưa thuận tiện. Nhưng số dân biểu Dân Chủ dưới lãnh đạo của bà đã tăng hơn 100 người ủng hộ bãi nhiệm; Chủ Tịch Jerrold Nadler quyết định nộp đơn đòi hồ sơ của Đại Bồi Thẩm Đoàn về những tội của tổng thống để “nghiên cứu đi tới bãi nhiệm.”
Dù ông Mueller và Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện róng tiếng cảnh cáo Nga đang ráo riết xen vào bầu cử 2020, Chủ Tịch Thượng Viện Mitch McConnell (Cộng Hòa) cùng tổng thống nghĩ khác hẳn nên gạt bỏ những dự luật phản gián Hạ Viện đưa ra. Những yếu tố trên ảnh hưởng lớn vào 20 ứng viên tổng thống Dân Chủ (thuộc hai khuynh hướng tiến bộ và ôn hòa) sửa soạn tranh luận cuối Tháng Bảy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét