Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

15273 - Mỹ, Iran và châu Á đói dầu mỏ

Trần Quang (gt)


Tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang, gần đây nhất đã lên đến đỉnh điểm sau vụ tấn công hai tàu chở dầu ở vịnh Oman vào ngày 12/6/2019 mà Mỹ đã quy trách nhiệm cho Iran, chưa tác động lớn đến thị trường dầu mỏ. Sự phục hồi giá dầu ở mức 2,2% trong khoảng thời gian ngắn trên cơ sở những rủi ro về nguồn cung ngày càng tăng đã biến mất khi các số liệu cho thấy nền kinh tế sa sút làm lu mờ những mối quan ngại khác đối với các thương nhân, nhà đầu tư và người tiêu dùng. 

Châu Á – động lực thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ của thế giới – đã thận trọng quan sát khi Washington siết chặt xuất khẩu dầu mỏ của Iran cuối tháng 4/2019. Với khả năng xảy ra đối đầu quân sự ngày càng tăng, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào dầu nhập khẩu cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những rủi ro về nguồn cung ngày càng tăng ở eo biển Hormuz.
Các cuộc tấn công tàu chở dầu gần đây – một trong số đó nhắm vào tàu của Nhật Bản – xảy ra đúng vào lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực giảm bớt căng thẳng bằng cách đích thân đến thăm Tehran và khuyến khích Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra tín hiệu công khai cho thấy Iran tiếp tục cam kết tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Các cuộc tấn công ngay lập tức hủy hoại mọi tiến bộ đạt được, và khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ nhận ra thực tế rằng không nước nào khác thích hợp với vai trò trung gian hòa giải. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh triển khai thêm 1.000 binh lính đến Trung Đông để chống lại Iran. Các quan chức Liên hợp quốc đã đổ thêm dầu vào lửa khi tiết lộ sau đó rằng Mỹ đang lên kế hoạch cho một “cuộc tấn công chiến thuật” nhằm vào một cơ sở sản xuất hạt nhân của Iran nếu cần, và các nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng lòng ủng hộ hành động quân sự như một phản ứng trước sự khiêu khích thêm nữa. Điều gì tạo nên sự khiêu khích như vậy là một câu hỏi còn bỏ ngỏ mà các thị trường và các nước nhập khẩu dầu ở châu Á muốn có câu trả lời.
Với việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, sản lượng dầu của Mỹ ngăn chặn tác động của giá cả
Quyết định của Washington hôm 22/4 chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến các nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu châu Á lo lắng. Chừng nào các lệnh miễn trừ còn hiệu lực, việc Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt sẽ làm gia tăng ảnh hưởng đòn bẩy trong đàm phán cho các công ty và thương nhân châu Á khi các nhà nhập khẩu khác không được miễn trừ trừng phạt buộc phải từ chối nhập khẩu dầu mỏ, khiến giá dầu giảm. Khi có trong tay các lệnh miễn trừ trừng phạt, các nước lớn ở châu Á cũng có thời gian để điều chỉnh, nhưng thời gian ân hạn đó đã kết thúc vào tháng 5/2019.
Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran đạt 2,87 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2018, ngay trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ giảm xuống còn 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2018 khi các nhà nhập khẩu dầu buộc phải giảm dần lượng mua của mình. Cho đến nửa đầu tháng 4/2019, dữ liệu cho thấy lượng dầu vận chuyển hàng ngày bằng đường biển đã giảm xuống còn dưới 1 triệu thùng/ngày, dù Iran đã sử dụng dầu dự trữ để duy trì mức xuất khẩu bất chấp sản lượng ngày càng sụt giảm.
Do sản lượng dầu sụt giảm trong 1 năm từ trước khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt, thị trường đã có một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh. Các đối thủ trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Saudi Arabia và Iraq bắt đầu tiến tới chiếm lĩnh thị phần của Iran ở châu Âu bằng cách cung cấp thêm dầu hỗn hợp của họ với số lượng tương đương. Hơn nữa, Nga tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc – chủ yếu là hỗn hợp dầu chua vừa Ural – đến mức kỷ lục 1,73 triệu thùng/ngày, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Việc các nước nhập khẩu dầu ở châu Á có thêm thời gian để giảm lượng dầu mua từ Iran, trong khi châu Âu tìm thấy những sự thay thế thích hợp cho lượng dầu thô hỗn hợp cần thiết từ các nhà sản xuất khác trong OPEC, đã hạn chế tác động đối với giá dầu.
Trong khi dầu mỏ của Iran biến mất khỏi thị trường, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng. Sản lượng dầu mỏ của Mỹ trong tháng 5/2019 đạt mức 10,46 triệu thùng/ngày, hiện ở mức khoảng 12,1-12,2 triệu thùng/ngày. Châu Âu tiêu thụ hàng trăm thùng dầu xuất khẩu của Mỹ hàng ngày và Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ mua dầu thô của Mỹ cuối tháng 4/2019, đề nghị mua thêm vài trăm nghìn thùng dầu.
Dầu thô xuất khẩu của Mỹ nhẹ và ngọt hơn dầu thô của Iran, và không thể thay thế trực tiếp cho các sản phẩm tiêu dùng tương tự. Loại dầu thô chua vừa do Iran xuất khẩu chiếm khoảng 45% sản lượng dầu mỏ hàng ngày trên thế giới. Điều đó dẫn đến tình trạng mất cân bằng ngày càng tăng trên các thị trường dầu mỏ vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ làm giảm các nguồn cung dầu thô chua vừa một cách không đồng đều, khiến hỗn hợp dầu chua vừa trở nên có vai trò quan trọng. Nhưng giá cả thị trường vẫn chưa phản ánh toàn bộ những quan ngại về tình trạng thiếu dầu. Trên thực tế, giá dầu thô Brent – tiêu chuẩn định giá dầu quốc tế - đã giảm từ gần 85 USD/thùng đầu tháng 10/2018 xuống còn dưới 60 USD/thùng cho đến giữa tháng 1/2019 mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/2018. Khi đã đạt mức gần 75 USD/thùng ngay sau tuyên bố của Mỹ về việc chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt, giá dầu ở mức khoảng 65 USD/thùng, mắc kẹt giữa những chỉ số kinh tế ngày càng tệ hại và khả năng leo thang quân sự ngày càng tăng.
Nhu cầu của châu Á và các xu hướng kinh tế
4/5 nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong 2 thập kỷ qua, và bất kỳ biến động nào về nhu cầu dầu mỏ từ các thị trường hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ đều có tác động rất lớn đến những dự báo về nhu cầu dầu mỏ.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đạt mức đỉnh điểm là 10,64 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2019 khi các công ty tiến tới dự trữ nguồn cung. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều vội vàng làm vậy đối với dầu thô Iran, mua thêm dầu trước khi các biện pháp trừng phạt chính thức có hiệu lực.
Bất chấp sự gia tăng trong ngắn hạn, tâm lý thị trường đang trở nên bi quan. Cơ quan năng lượng quốc tế đã sửa lại dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ hàng năm, từ 1,6 triệu thùng/ngày xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày. Dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ của OPEC giảm còn 1,12 triệu thùng/ngày, và có khả năng còn giảm nữa. Mức tăng nhu cầu dầu mỏ do các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á-Thái Bình Dương chi phối đang giảm xuống gần bằng 0 trong thời gian còn lại của năm 2019.
Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và một môi trường thương mại đang thay đổi bắt đầu làm giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và đe dọa đẩy các nước xuất khẩu chủ chốt vào tình trạng suy thoái. Tháng 5/2019, kim ngạch xuất khẩu ngoài dầu mỏ của Singapore giảm 15,9%, doanh thu nước ngoài của Hàn Quốc giảm 9,4% sau khi thương mại suy giảm 6 tháng liên tiếp, và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu tồi tệ là mẫu số chung của các nước bên ngoài Trung Quốc.
Có tin kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2019 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu giảm 8,5%. Sự sụt giảm đó gây ra phần nào tổn thất thương mại mà các đối tác thương mại khác trong khu vực đang phải nếm trải. Bức tranh thương mại lớn hơn cũng không mấy sáng sủa. Chính quyền Trump đã áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá 250 tỷ USD, gây ra phản ứng “ăn miếng trả miếng” và buộc Bắc Kinh phải thông qua các biện pháp kích thích kinh tế, khiến mức cho vay-nợ tăng cao. Bất chấp số liệu xuất khẩu khả quan trong tháng 5/2019, sản lượng công nghiệp và các chỉ số liên quan có xu hướng giảm kể từ cuối tháng 6/2019. Ấn Độ cũng không làm được gì hơn. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2019 đã tăng 3,93%, nhưng thâm hụt thương mại của nước này vẫn gia tăng.
Tóm lại, hoạt động kinh tế ở khu vực dẫn đầu thế giới về mức tăng nhu cầu dầu mỏ đang suy giảm, làm giảm tác động của những biến động giá dầu vốn do nhận thức về các rủi ro an ninh ở eo biển Hormuz gây ra. Khối lượng giao dịch toàn cầu đã giảm trong 2 quý vừa qua và có vẻ sẽ còn giảm nữa trong tương lai. Tình hình này làm giảm mức dự báo giá nhiên liệu hàng hải – ngành công nghiệp vận tải đường biển toàn cầu tiêu thụ 4 triệu thùng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao mỗi ngày. Việc thay đổi quy định đối với các tiêu chuẩn về nhiên liệu sẽ làm giảm tới 3/4 nhu cầu nhiên liệu, chuyển hướng tiêu thụ sang loại dầu nhẹ và ngọt hơn được tạo ra từ dầu đá phiến của Mỹ. Điều đó khiến triển vọng giá dầu trở nên u ám hơn, nhưng sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng rốt cuộc sẽ khiến giá dầu giảm một khi những thay đổi này có hiệu lực.
Trong khi giá dầu trên thị trường đang dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, người ta vẫn chưa tin rằng các nguồn cung dầu qua eo biển Hormuz có thể bị gián đoạn. Mặc dù giá dầu Brent đã tăng gần 4% cùng với cáo buộc Iran đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/6, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn đưa ra tuyên bố cứng rắn rằng eo biển này sẽ vẫn được mở. Việc eo biển này bị đóng cửa trong thời gian dài hay nhiều khả năng hơn là việc nhà máy lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia chịu tổn thất đáng kể khi nằm trong tầm ảnh hưởng của các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng, đều có thể tạo ra sự hỗn loạn thị trường trên diện rộng. Riêng nhà máy Abqaiq có khả năng lọc lưu huỳnh và khí từ khoảng 7 triệu thùng/ngày, vì thế vẫn chưa có quyết định về vấn đề eo biển. Tuy nhiên, phí bảo hiểm cho các tàu chở dầu quá cảnh qua eo biển này đã tăng trên 10%. Chi phí vận hành đang tăng lên tương ứng những rủi ro an ninh lớn hơn.
Phản ứng của Trung Quốc
Ban đầu, Bắc Kinh ra tín hiệu sẵn sàng bất chấp các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đầu tháng 5/2019, tìm cách đảm bảo duy trì quyền tiếp cận các nguồn cung dầu thô chua vừa của nước này và làm xói mòn các mục tiêu chính sách của Mỹ liên quan đến Tehran. Bắc Kinh thử phản ứng của Mỹ bằng việc mua 2 triệu thùng dầu thô chở bằng tàu Pacific Bravo của Trung Quốc trong khi chưa được miễn trừ trừng phạt. Trong lúc các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng đang diễn ra, Washington cảnh báo Hong Kong thận trọng với việc vận chuyển dầu bằng đường biển vì họ sẽ thực hiện hành động trừng phạt ngay lập tức đối với tất cả các bên. Ngân hàng Côn Lôn Trung Quốc – một thể chế tài chính do Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sở hữu – nhanh chóng bác bỏ việc họ sở hữu con tàu này bất chấp những thông tin cho rằng họ đã mua nó.
Bắc Kinh chưa thúc đẩy việc thực hiện một đường lối cứng rắn đối với các nguồn cung dầu thô nhưng đã bắt đầu sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau trong việc vận chuyển bằng đường biển nhằm che đậy sự thật rằng họ tiếp tục nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) từ Iran. Có nhiều cách khác nhau để tạo ra nhiệt từ LPG; nó có thể được sử dụng làm nhiên liệu thay thế cho ô tô, và có thể biến đổi thành chất olefin (anken), thành phần chính để sản xuất chất dẻo.
Có tin Trung Quốc đã mua 346.000 tấn LPG (80% sản lượng LPG) của Iran vào tháng 5/2019. Trung Quốc áp thuế 25% đối với LPG xuất khẩu của Mỹ như một phần trong cuộc chiến thương mại đang leo thang của họ với nước này. Ngoài ra còn có tin một tàu chở dầu của Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran đã chở 1 triệu thùng LPG cho một nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Trung Quốc PetroChina hôm 20/6, và dự kiến sẽ có thêm tàu chở dầu cập bến trong những tuần sắp tới.
Những tín hiệu của Trung Quốc không tương ứng với hành động mạnh mẽ nhằm làm suy yếu chế độ trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Những hợp đồng mua bán LPG trong tháng 5/2019 có lẽ chỉ đáng giá 80 triệu USD, lượng dầu thô có lẽ chưa đạt được đến mức trước đây, và các cuộc đàm phán thương mại được ưu tiên hơn là một thị trường dầu mỏ mà ở đó OPEC và Nga có khả năng sẽ tiếp tục đóng vai trò tiết chế để hạn chế tình trạng bất ổn. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei là đón giáng gần đây nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu. Công ty này ước tính sẽ thiệt hại 30 tỷ USD doanh thu do mất quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ. Rút cục, Iran có vai trò ít quan trọng hơn trong nghị trình của Bắc Kinh, và là một con bài chính trị hơn là một mối quan tâm hàng đầu.
Phản ứng của Nhật Bản
Nhật Bản đã thành công trong việc đề phòng trường hợp lệnh miễn trừ trừng phạt bị thu hồi bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nguồn cung của Iran xuống chỉ còn 3% trong tháng 4/2019. Xét tới mối quan hệ an ninh lâu đời của nước này với Mỹ, Tokyo hầu như không muốn ra tín hiệu cho thấy sự độc lập về chính sách. Các công ty lọc dầu của nước này đã lựa chọn thay thế dầu của Iran bằng dầu thô từ các nhà sản xuất khác ở Trung Đông. Tập đoàn JXTG, tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, dự báo nhu cầu dầu mỏ của nước này sẽ giảm một nửa cho đến năm 2040, khiến lượng tiêu thụ hàng ngày giảm xuống còn dưới 2 triệu thùng/ngày. Áp lực tương đối đối với các công ty nhập khẩu dầu của Nhật Bản đã giảm nhờ tình hình an ninh năng lượng của nước này khi các công ty hàng đầu Nhật Bản nhất trí cho rằng việc chuyển sang sử dụng năng lượng có thể tái tạo có ý nghĩa sống còn đối với khí hậu, cũng như bảo vệ Nhật Bản khỏi những rủi ro trong nhập khẩu khi nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Cho dù áp lực đã giảm, Thủ tướng Nhật Bản vẫn tìm cách đảm nhận một vai trò nào đó trong việc xoa dịu bất kỳ cuộc xung đột nào có thể cản trở dòng chảy dầu mỏ xuất khẩu từ Trung Đông. Sau chuyến thăm gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Tokyo, Thủ tướng Abe đã vội vàng đề nghị giúp đỡ Tổng thống Iran Rouhani và Đại giáo chủ Khamenei với tư cách là một người hòa giải. Sáng kiến này có lẽ gống như một sự cầu cạnh trong lúc các cuộc đàm phán thương mại khó khăn với Washington đang diễn ra. Nhưng chuyến thăm của Abe đã bị hủy hoại bởi các cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ở vùng Vịnh, một trong số đó là tàu của Nhật Bản.
Không rõ những động thái tiếp theo của Nhật Bản sẽ là gì. Sau cáo buộc rằng Iran đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ mà Tehran khẳng định là đã xâm phạm không phận của họ, Trump đã ra lệnh tấn công trả đũa Iran rồi lại hủy bỏ chỉ vài phút trước khi tiến hành theo dự kiến. Sáng 22/6, Trump đăng dòng tweet tuyên bố một cách đầy thách thức rằng phản ứng có kế hoạch này là chưa tương xứng nhưng Iran không bao giờ có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Abe hầu như không có cơ hội để hành động trong việc khôi phục bất kỳ nỗ lực hòa giải nào, nhưng nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản vẫn được đảm bảo.
Phản ứng của Hàn Quốc
Trước khi Mỹ dừng miễn trừ trừng phạt, lượng dầu thô Hàn Quốc nhập khẩu từ Iran đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 285.000 thùng/ngày trong tháng 5/2019. Sau đó Hàn Quốc đã dừng tất cả hoạt động nhập khẩu dầu trong tháng 5/2019, sau một thời gian gia tăng ngắn hạn nhằm mục đích dự trữ khí ngưng tụ cho các nhà máy lọc dầu hướng tới mục tiêu đạt mức chất lượng như dầu thô Iran. Các nguồn cung từ Saudi Arabia, Qatar và Mỹ đã lấp đầy khoảng trống này. Để bù đắp cho các nhà máy lọc dầu phải chịu mức giá dầu cao, đặc biệt là các nhà máy phụ thuộc vào các nguồn cung Naphtha nhẹ của Iran, Seoul đã kéo dài thời hạn giảm cước phí vận chuyển khi nhập khẩu dầu từ các nguồn cung ngoài Trung Đông cho đến năm 2021. Hàn Quốc là nước nhập khẩu khí ngưng tụ của Iran - một sản phẩm dầu mỏ siêu nhẹ - nhiều nhất thế giới.
Hàn Quốc không kích động phản ứng chính trị mạnh mẽ - họ vẫn phụ thuộc vào những cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ - mà thận trọng thúc giục Mỹ hợp tác trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Iran. Lượng dầu thô ngọt nhẹ và chua vừa Hàn Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã tăng gấp ba lần – đạt 10,48 triệu thùng trong tháng 5/2019 – chắc chắn đã khiến Washington hài lòng. Nhưng chính sách của Hàn Quốc nhìn chung vẫn phải phù hợp với các mục tiêu chính sách của Mỹ khi mà các cuộc đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa đang bị trì trệ.
Phản ứng của Ấn Độ
Ấn Độ tuyên bố dừng mua dầu thô của Iran trong vòng 1 tháng kể từ khi Mỹ ra quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt, cho dù ban đầu có dự đoán cho rằng New Delhi sẽ bất chấp việc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Iran là một đối tác đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty lọc dầu của Ấn Độ vì họ cho phép mua chịu trong thời gian dài hơn và đưa ra mức giá cước vận chuyển thấp hơn vì các công ty xuất khẩu có vị trí địa lý gần nhau. Công ty dầu Aramco của Saudi Arabia đã tiến tới bù đắp một nửa thiệt hại mà Iran phải chịu bằng 200.000 thùng dầu thô nhẹ Arập mỗi ngày nhưng với mức giá cao hơn.
Giống như Trung Quốc và Nhật Bản, Ấn Độ cũng có những vấn đề thương mại hóc búa riêng với Mỹ. Bằng chứng đầu tiên của sự sự bất mãn xuất hiện khi Thủ tướng Narendra Modi “trở mặt” và tuyên bố Ấn Độ sẽ tìm cách tiếp tục mua dầu mỏ của Iran và thanh toán mà không dùng đồng USD, để tránh tác động của các biện pháp trừng phạt. Đầu tháng 6/2019, Chính quyền Trump đã tìm cách trừng phạt New Delhi vì không mở cửa các thị trường của mình ở mức độ thỏa đáng bằng cách rút khỏi kế hoạch thương mại ưu đãi cho phép Ấn Độ buôn bán một số mặt hàng nhất định mà không phải trả thuế. Tuy nhiên, thời điểm này lại xảy ra đồng thời với một động thái cũng nhằm thực thi chế độ trừng phạt đối với Iran.
Giờ đây, hai chính phủ đang mắc kẹt trong vòng xoáy áp thuế ngày càng leo thang của riêng họ mà chưa thấy điểm dừng trước mắt. Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ vẫn chưa tìm ra cách ứng phó để duy trì hoạt động lọc dầu đá phiến lấy hỗn hợp dầu thô cần thiết để sử dụng trong dài hạn. Bộ Dầu mỏ và khí tự nhiên Ấn Độ đã khởi động các cuộc đàm phán mới với hy vọng mở rộng quan hệ dầu mỏ với Nga, nhưng xét tới tình hình giá dầu và các biện pháp trừng phạt, dường như đây là một tín hiệu nhắm vào Washington nhiều hơn. Tín hiệu này chỉ mới xuất hiện 1 tháng sau khi Chính quyền Modi tiết lộ rằng họ cảm thấy không thoải mái khi nguồn dầu nhập khẩu của mình phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của Mỹ, nguồn cung hàng đầu của thế giới. Chính sách dường như đang rơi vào thế bế tắc trong khi các công ty nhập khẩu của Ấn Độ chật vật tìm kiếm dầu mỏ trên thị trường.
Triển vọng vĩ mô và những rủi ro chính trị
Dù là do cây gậy hay củ cà rốt, các nước nhập khẩu dầu hàng đầu ở châu Á nhìn chung đều tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong khi xoay xở để theo đuổi những lợi ích của riêng họ đến mức có thể. Nhưng tất cả đều phải đối mặt với một vấn đề ngày càng lớn do tác động tích tụ của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với cả Iran lẫn Venezuela. Sản lượng dầu thô của Venezuela phần lớn là dầu chua vừa hoặc chua nặng, phục vụ cho một bộ phận thị trường tương tự như Iran trong nhiều trường hợp. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của cả hai nước đều sụt giảm đáng kể. Trên một thị trường cân bằng, giá dầu thô chua thấp hơn dầu thô ngọt vì chúng chứa có nhiều tạp chất hơn và cần phải được tinh chế. Nhưng tình trạng thiếu hụt tương đối dầu thô chua vừa và nhu cầu về dầu thô ngọt nhẹ ngày càng tăng, đẩy giá dầu hỗn hợp chua vừa từ những nơi khác lên mức tương đối cao.
Điều này làm giảm lợi nhuận của các công ty lọc dầu chịu ảnh hưởng nặng nề trước những biến động về giá dầu thô tương đối so với các sản phẩm đã tinh chế mà họ bán ra. Bất chấp những dấu hiệu tích cực đầu tháng 7/2019, lợi nhuận cho đến cuối tháng 5/2019 của các công ty lọc dầu châu Á đạt mức thấp nhất trong 16 năm qua. Các công ty lọc dầu độc lập của Trung Quốc hoạt động ở mức dưới 50% công suất của họ trong tháng 4 và tháng 5/2019.
Khi nhu cầu dầu mỏ có vẻ giảm đi, các công ty lọc dầu chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ những thay đổi nhỏ hơn trong giá dầu. Dầu thô chua vừa là động lực chính thúc đẩy nhu cầu lọc dầu của thế giới. Ngay cả mức giá dầu cao hơn một chút cũng có tác động rất lớn khi sự mất cân đối giữa dầu chua vừa và dầu thô ngọt nhẹ gia tăng. Dù có hay không một cuộc xung đột quân sự, chính sách trừng phạt của Mỹ và sản lượng dầu mỏ của Mỹ cũng đang tiếp nối nhau làm xói mòn sự ổn định của thị trường.
Giá dầu đã tăng trong đợt leo thang gần đây nhất, nhưng nhu cầu đối với các sản phẩm dầu tinh chế dường như ngày càng giảm. Một cuộc xung đột quân sự bùng nổ ở vùng Vịnh là kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất đối với các nền kinh tế châu Á. Mặc dù không ai biết là bao nhiêu, nhưng giá dầu và phí bảo hiểm sẽ tăng vọt cho đến khi tình hình an ninh trở nên rõ ràng và ổn định hơn. Và các thị trường tài chính trên thế giới thậm chí sẽ trở nên rủi ro hơn khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn đúng lúc các công ty lọc dầu, và suy rộng hơn là người tiêu dùng, nhận thấy giá năng lượng gia tăng. Điều đó có khả năng sẽ rút hết nguồn sinh khí hiện đang giữ cho tâm lý thị trường khỏi rơi vào tình trạng hoàn toàn tiêu cực.
Tình hình an ninh trở nên xấu đi sẽ kéo theo một cú sốc thị trường. Không thể nói chính xác một cuộc xung đột sẽ như thế nào, mặc dù Hải quân Mỹ được trang bị và bố trí đầy đủ để nhanh chóng bảo vệ eo biển Hormuz. Nhưng bất kỳ cuộc tấn công nào vào các mục tiêu ở Iran cũng sẽ có khả năng khiến Iraq rơi vào tình trạng mất ổn định khi có sự hiện diện của binh lính Mỹ. Điều này tới lượt nó gây thêm những vấn đề an ninh đối với hoạt động sản xuất dầu mỏ. Mỹ có khả năng sẽ phải triển khai thêm binh lính với số lượng đáng kể.
Những tác động của việc tăng giá dầu còn cấp bách hơn nhiều so với những tác động của việc các nguồn cung bị gián đoạn. Nhưng những tác động đó đáng lo ngại và bắt đầu đẩy nhanh tốc độ lan truyền của các tin tức kinh tế tồi tệ vốn đã che khuất triển vọng của các thị trường dầu mỏ. Mọi cặp mắt ở phía Đông kênh đào Suez đều đang hướng về vùng Vịnh. Bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, các nước nhập khẩu và các công ty lọc dầu đều đã sẵn sàng đối mặt.
Nick Trickett, biên tập viên cho tờ BMB Russia, học giả liên kết tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Mỹ. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét