Khi cuộc đấu tranh giành quyền con người đang xảy ra tại Hồng Kông, khi những tinh hoa của phong trào dân chủ ở xứ sở này đang làm cả thế giới ngưỡng phục, khi hầu hết người VN cũng đang hướng về cuộc đấu trí ngoạn mục của người dân Hồng Kông với tất cả lòng ngưỡng mộ, tôi muốn nhắc với chúng ta về một người con gái của đất nước mình. Ngày hôm nay, ở Trà Vinh có một mái nhà nho nhỏ đang ấm lên vì được đón cô trở về.
Không có con đường nào dẫn tới dân chủ mà không có những hy sinh. Tôi cũng muốn được sưởi ấm trái tim của chúng ta bằng câu chuyện của cô. Và tôi tin rằng để nói một lời cám ơn đến chị, không gì hơn là chia sẻ lòng biết ơn đó đến với mọi người.
Trong một dịp rất tình cờ, các bạn tù đã gọi tên cô là Trường Sa. Trường Sa, tên một hòn đảo đã mất, đối với nhiều người VN, Trường Sa được đánh dấu bằng nỗi đau, bằng ký ức của một cuộc hải chiến đẫm đầy máu lệ. Nhưng cái tên Trường Sa khi đặt cho người thiếu nữ này, nó đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng, nỗi ấm áp, và đầy ắp yêu thương.
Tên thật của cô là Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Cô nhỏ người, xinh xắn, nhưng khuất phục được cô là một điều không tưởng. Năm 2011, Minh Mẫn bị bắt cùng với mười ba thanh niên khác. Đây là vụ án lớn nhất vào thời điểm bấy giờ, tất cả đã bị khép với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”. Minh Mẫn là một trong ba người lãnh án nặng nhất. Trước tòa, cô cương quyết không nhận tội, chỉ xin giảm án nhẹ cho mẹ và anh trai. Về phần mình, Mẫn nói: “Với tôi thì không cần thiết, vì những gì tôi làm thì tôi chịu và tôi không cần sự khoan hồng”.
Kết quả, tòa án Nghệ An đã tuyên án Mẫn lên đến tám năm tù!
Vận mệnh, tai ách của đất nước đã áp đặt lên người phụ nữ VN những điều vượt quá sức chịu đựng của họ. Tuy nhiên, tám năm thanh xuân cùng những gì được nghe về Mẫn đã khiến tôi tự hào về cô, về những người phụ nữ của đất nước mình. Niềm tự hào đó có lúc đã làm tôi rơi nước mắt. Có người mẹ nào trên thế giới này phải chịu trói tay, chứng kiến những oan sai của con mình như mẹ của Minh Mẫn, của Phan Kim Khánh, của Trần Hoàng Phúc, … Tôi nhớ tiếng gào khóc của mẹ anh Hoàng Đình Cương bên ngoài phiên xử của con và tôi không khỏi rưng rưng trước sự dũng cảm của chị Huệ, mẹ TNLT Huỳnh Đức Thanh Bình.
Trước bản án khắc nghiệt 10 năm của con trai, chị Huệ đã nhiều đêm mất ngủ. Chị nhớ ánh mắt cương nghị của con, nhớ bàn tay con đặt lên ngực như một lời nguyện thề dấn thân, và chị viết cho con: “Mẹ chỉ muốn xin lỗi con, vì những giọt nước mắt yếu đuối của một người mẹ. Giờ mẹ sẽ đi cùng con trên chặng đường đầy cam go này, yêu nước không có tội con ạ …!”.
Ơi những người mẹ yêu con! Những người mẹ yêu thương cuộc đời của con hơn cả chính bản thân mình. Chính các chị đã cho đất nước này những người con gái, con trai như Mẫn, như Phúc, như Khánh, như Bình, … Chính các chị đang viết nên những giá trị mới cho một xã hội đang khủng hoảng niềm tin này.
Ở vào cái thời điểm của năm 2010, nhắc đến hai chữ Hoàng Sa, Trường Sa là một điều cấm kỵ đối với lãnh đạo cộng sản. Vậy mà, một ngày kia người ta bỗng bắt gặp ba chữ viết tắt HS.TS.VN ở khắp mọi nơi. Ngày ấy, Mẫn là một trong những người đã đóng góp tích cực cho phong trào này. Cô đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, dùng sơn xịt, kẻ chữ, vẽ chữ, rải truyền đơn, …
Ban đầu HS.TS.VN chỉ xuất hiện ở những nơi hoang vắng, nhưng dần dần nó lộ diện ngay cổng trường học, công khai bên góc phố, trên bến xe, nơi tấp nập đông người qua lại. Thoạt đầu, người ta thấy nó ở Bình Dương, rồi lan đến Củ Chi, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Hới, Quảng Bình, Thanh Hoá, Nam Định, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, Sài Gòn v.v… Trong những bóng người hàng đêm, âm thầm trên khắp các nẻo đường đất nước, đi viết lên thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc có cái bóng dáng bé nhỏ của hai mẹ con Mẫn. Gia đình Mẫn có tổng cộng bốn người, thì hết cả ba đã bị bắt. Mẹ, anh trai và cô. Cả ba đều cùng bị kết án với điều “79 BLHS”.
Vào đến trại giam, những tháng đầu tiên, Mẫn đã khiến quản giáo và bạn tù suốt nhiều dãy phòng của trại giam B34 phải nể phục. Ngay từ nhỏ, Mẫn đã rất bám mẹ. Khi biết mẹ cũng bị giam trên lầu, một lần quá nhớ, Mẫn đã viết cho mẹ trên cái bo cơm bằng nhựa hàng chữ: “bé Ty nhớ má wá” (bé Ty là tên ở nhà của cô). Chẳng biết cái bo cơm có luân phiên đến được tay người mẹ hay không, nhưng hàng chữ đã khiến Minh Mẫn bị biệt giam đến 15 ngày. Hết hạn, quản giáo buộc cô phải viết đơn xin tha, nhưng Mẫn không đồng ý. Cô cho rằng họ tùy tiện bắt giam thì phải tự ý thả, cô nhất quyết không làm đơn. Lần lữa hết một tháng, rồi một tháng 10 ngày, cuối cùng quản giáo đành phải thả cô ra.
Tám năm trong tù của Mẫn là tám năm chúng ta nghe về những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của cô. Năm 2014, nghe tin Trung Cộng đem giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa nước ta. Khi đi lao động, một lần nữa, Minh Mẫn và mẹ đã viết lên nón lá những chữ viết tắt khẳng định chủ quyền biển đảo. Cả hai đã bị quản giáo tịch thu mất nón lá. Tuy nhiên, điều xúc động bất ngờ là những ngày sau đó, họ lại nhìn thấy ba chữ HS.TS.VN được viết trên nón lá của những người bạn tù khác. Rồi có lẽ, để nói lên một lời tri ơn sâu xa nhất đến hai mẹ con, những người bạn tù đã gọi họ bằng cái tên Hoàng Sa và Trường Sa. Mẫn mang tên Trường Sa là từ đó.
Khi bị chuyển ra trại giam ở Thanh Hóa, Minh Mẫn liên tiếp bị kỷ luật. Cứ vài tháng chúng ta lại nghe tin cô tuyệt thực. Năm 2014, cô tuyệt thực hai lần cùng TNLT Cấn Thị Thêu và Hồ Thị Bích Khương để phản đối trại giam cho xây 4 lớp cửa cách ly tù nhân chính trị. Năm 2015, cô tuyệt thực cùng TNLT Tạ Phong Tần để phản đối hành vi tàn bạo, khắc nghiệt của trại giam, … Minh Mẫn đã cho chúng ta thấy rõ một điều SỢ HÃI là thứ vũ khí điều khiển xã hội hiệu quả nhất mà lãnh đạo CS mong muốn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chưa bao giờ Mẫn trao cho họ thứ vũ khí đó.
Nếu ngày hôm nay bạn chưa dám lên tiếng vì những bất công đang diễn ra quanh mình, nếu bạn còn im lặng trước những án oan sai của người yêu nước, nếu bạn tiếp tục chấp nhận sống với những BOT bẩn, … xin được tặng bạn những con búp bê của Mẫn. Những con búp bê do Mẫn tự tay làm và gởi ra cho mẹ những lần cô được thăm nuôi.
Phải nói là chưa có một thông điệp nào từ nhà tù lại mạnh mẽ, tươi thắm và đáng yêu đến thế. Đó là những con lật đật mặc áo, đội mũ, mang màu cờ vàng của miền Nam VN; những con lật đật mang hình quốc hoa của tổ chức Việt Tân, một tổ chức mà Mẫn tham gia.
Giờ này có lẽ Minh Mẫn đang ngồi trên một chuyến xe đò trở về Trà Vinh. Xin được chào đón Mẫn bằng những bông hoa tươi thắm và xin được khép lại câu chuyện ở đây. Câu chuyện của Trường Sa, một trong những câu chuyện đã làm nên Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét